Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Ngày đăng: 13:21 19-05-2007 | 1909 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Ngân hàng Nhà nước

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

Căn cứ  Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ngoại hối;
Căn cứ Nghị định số 108/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
 Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam ( sau đây gọi là "Ngân hàng Nhà nước") hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như sau: 

MỤC I: ĐẦU TƯ GIÁN TIẾP 

1.Các giao dịch ngoại hối có liên quan  hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam bao gồm hoạt động góp vốn, mua cổ phần trong các Doanh nghiệp Việt Nam dưới mọi hình thức và hoạt động mua, bán các loại chứng khoán và các giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật Việt Nam của các đối tượng sau đây ( gọi chung là Nhà đầu tư nước ngoài) thực hiện theo quy định tại Thông tư này:
a) Người không cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính nước ngoài đuợc thành lập theo pháp luật nước ngoài;
b) Người  không cư trú là cá nhân nước ngoài  và  cá nhân Việt Nam;
c) Người cư trú là cá nhân nước ngoài . 
 
2. Hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam của Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện bằng đồng Việt Nam. 
 
3.  Để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam, Nhà đầu tư nước ngoài phải mở 01 ( một) Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam tại 01 (một) Tổ chức tín dụng được phép để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Khi có nhu cầu mở Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam tại một tổ chức tín dụng khác, Nhà đầu tư nước ngoài phải đóng  Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam đã mở, chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản này sang tài khoản mới. Thủ tục mở, đóng Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam được thực hiện theo quy định của Tổ chức tín dụng được phép nơi Nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản. 
 
4. Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam được sử dụng  để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây trên cơ sở xuất trình các chứng từ  có liên quan theo quy định tại Thông tư này:
4.1 Phần thu:
a) Thu từ bán ngoại tệ;
b) Thu từ tiền lương, thưởng và các khoản thu nhập hợp pháp bằng đồng Việt Nam;
c) Thu từ chuyển nhượng vốn góp, cổ phần, nhận cổ tức, nhận lãi và các khoản thu khác phát sinh bằng đồng Việt Nam từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần;
d) Thu chuyển khoản từ Tài khoản giao dịch chứng khoán của Nhà đầu tư nước ngoài mở tại Công ty chứng khoán. 
 
4.2 Phần chi:
a) Chi góp vốn, mua cổ phần và các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động góp vốn, mua cổ phần;
b) Chi chuyển khoản sang Tài khoản giao dịch chứng khoán của Nhà đầu tư nước ngoài mở tại Công ty chứng khoán.
c) Chi mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài;
d) Chi thanh toán các chi phí hợp pháp phát sinh tại Việt Nam.
           
Trường hợp đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định cho phép Nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện các khoản thu, chi  ngoài những quy định tại điểm 4.1 và 4.2 Thông tư này. 
 
5. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sử dụng đồng Việt Nam trên Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ khi chuyển ra nước ngoài. Thời hạn tối đa phải chuyển ngoại tệ mua được ra nước ngoài là 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày mua được ngoại tệ. 

MỤC II: ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP 

6. Các giao dịch ngoại hối có liên quan đến hoạt động đầu tư  trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ­ của các đối tượng sau đây ( gọi chung là Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) thực hiện theo quy định tại Thông tư này:
6.1. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài ;
6.2. Bên nước ngoài tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh; 
 
7. Để thực hiện đầu tư trực tiếp vào Việt Nam Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải mở 01( một) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép. Khi có nhu cầu mở Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng khác, Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải đóng  Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp  bằng ngoại tệ đã mở, chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản này sang tài khoản mới. Thủ tục mở, đóng Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định của Tổ chức tín dụng được phép nơi Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mở tài khoản. 
 
8. Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây trên cơ sở xuất trình các chứng từ có liên quan theo quy định tại Thông tư này: 
 
8.1 Phần thu:
a) Thu tiền góp vốn điều lệ, vốn đầu tư trực tiếp, vốn thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
b) Thu tiền vay  nước ngoài trung, dài hạn;
c)  Thu ngoại tệ từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
d) Các khoản thu hợp pháp khác  liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

8.2 Phần chi:
a) Chi chuyển vốn đầu tư trực tiếp ra khỏi Việt Nam;
b) Chi trả tiền gốc, lãi , phí của các khoản vay nước ngoài trung và dài hạn;
c) Chi chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp ra khỏi Việt Nam;
d) Chi chuyển ngoại tệ sang tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
đ) Bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép để chuyển vào tài khoản tiền gửi Đồng Việt Nam của Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
e) Các khoản chi hợp pháp khác liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. 
 
9. Các khoản chuyển vốn bằng ngoại tệ để đầu tư trực tiếp vào Việt Nam phải thực hiện thông qua một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ mở tại một tổ chức tín dụng được phép. 
 
10. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  được chuyển ra nước ngoài vốn điều lệ, vốn đầu tư trực tiếp, vốn vay, lãi và chi phí vay nước ngoài và các nguồn thu hợp pháp có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ; 
 
11. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được sử dụng nguồn thu  từ hoạt động đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam mua  ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài  trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày mua được ngoại tệ. 

MỤC III: TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐƯỢC PHÉP 

12. Đối với hoạt động đầu tư gián tiếp của Nhà đầu tư nước ngoài:
12.1) Hướng dẫn thủ tục mở, đóng Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam;
12.2) Kiểm soát các chứng từ áp dụng cho các giao dịch thu, chi trên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam của Nhà đầu tư nước ngoài sau đây:
a) Chứng từ chứng minh nguồn gốc của các khoản nộp tiền mặt đồng Việt Nam;
b) Chứng từ chứng minh các khoản chi  đến hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam như thanh toán tiền phí, tiền mua cổ phần, các loại chứng khoán.
c) Xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền về các khoản thu từ hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam như giấy tờ mua, bán, chuyển nhượng cổ phần, chứng từ chứng minh các nguồn thu từ lãi, cổ tức, chênh lệch mua bán cổ phần, các loại chứng khoán.
 
12.3) Bán ngoại tệ cho Nhà đầu tư nước ngoài thu đồng Việt Nam từ Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam của Nhà đầu tư nước ngoài và giám sát việc mua và chuyển ngoại tệ của Nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài theo đúng quy định tại Thông tư này.
 
13. Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:
13.1) Hướng dẫn thủ tục mở, đóng Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  bằng ngoại tệ;
13.2) Quy định và kiểm soát các chứng từ áp dụng cho các giao dịch thu, chi trên tài khoản vốn đầu tư  trực tiếp bằng ngoại tệ của Doanh nghiệp có vốn đầu tư  trực tiếp nước ngoài để đảm bảo các giao dịch thu, chi được thực hiện đúng quy định tại Thông tư này.
13.3) Bán ngoại tệ cho Doanh nghiệp có vốn đầu tư  trực tiếp nước ngoài để chuyển ra nước ngoài và giám sát việc mua và chuyển ngoại tệ của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ra nước ngoài theo đúng quy định tại Thông tư này. 

MỤC IV : CHẾ ĐỘ BÁO CÁO 

14.  Tổ chức tín dụng thực hiện báo cáo tình hình hoạt động đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam thông qua Tài khoản đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam và Tài khoản đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước theo qui định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.
15. Khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Nhà đầu tư nước ngoài, Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện báo cáo tình hình hoạt động đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp tại Việt Nam.

MỤC V: CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

16. Định kỳ hoặc khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan tiến hành công tác kiểm tra tình hình đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam qui định tại Thông tư này. Các đơn vị, cá nhân được kiểm tra có trách nhiệm cung cấp mọi văn bản, tài liệu cần thiết để việc kiểm tra được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
17. Trường hợp xảy ra vi phạm các qui định tại Thông tư này, tuỳ theo mức độ vi phạm, các đơn vị, cá nhân, Tổ chức tín dụng được phép sẽ  bị xử phạt theo các qui định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.                          

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
 
18.Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế các văn bản sau đây:
18.1 Thông tư số 04/2001/TT-NHNN ngày 18/5/2001 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh;
18.2 Thông tư số 03/2004/ TT-NHNN ngày 25/5/2004 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam;
18.3  Quyết định 1550/2004/QĐ-NHNN ngày 06/12/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quản lý ngoại hối đối với việc mua, bán chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại Trung tâm giao dịch chứng khoán. 
           
19. Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc  (Giám đốc) các tổ chức tín dụng được phép,  các Công ty chứng khoán, Người không cư trú là Nhà đầu tư nước ngoài và Người cư trú là cá nhân người nước ngoài đầu tư gián tiếp vào Việt Nam có trách nhiệm thực hiện Thông tư này. 
  

THỐNG ĐỐC
 

Lĩnh vực liên quan

Thông tin tài liệu

Số lượng file

Cơ quan soạn thảo Ngân hàng Nhà nước

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com