Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về giao dịch hối đoái trên thị trường ngoại tệ Việt Nam

Ngày đăng: 00:19 19-04-2012 | 3207 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Ngân hàng Nhà nước

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về giao dịch hối đoái trên thị trường ngoại tệ Việt Nam

_______________________________________________________

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13 tháng 12 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn về giao dịch hối đoái trên thị trường ngoại tệ Việt Nam.

CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 

1. Thông tư này hướng dẫn giao dịch hối đoái trên thị trường ngoại tệ Việt Nam giữa các đối tượng sau:

a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được phép hoạt động ngoại hối với nhau.

b) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được phép hoạt động ngoại hối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam không được phép hoạt động ngoại hối.

c) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được phép hoạt động ngoại hối với người cư trú, người không cư trú là tổ chức, cá nhân có hoạt động ngoại hối trên thị trường ngoại tệ Việt Nam.

2. Giao dịch hối đoái giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được phép hoạt động ngoại hối, Kho bạc Nhà nước, các tổ chức quốc tế thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo Luật Các tổ chức tín dụng (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng).

2. Người cư trú, người không cư trú là tổ chức, cá nhân có hoạt động ngoại hối trên thị trường ngoại tệ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Tại Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung Châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực.

2. Giao dịch hối đoái là giao dịch liên quan đến việc mua, bán, hoán đổi ngoại tệ và các loại hình giao dịch khác trên thị trường ngoại tệ Việt Nam.

3. Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi là tổ chức tín dụng được phép) là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động ngoại hối theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

4. Giao dịch hối đoái giao ngay (sau đây gọi là giao dịch giao ngay) là giao dịch hai bên thực hiện mua, bán với nhau một lượng ngoại tệ theo tỷ giá giao ngay tại thời điểm giao dịch và hoàn tất thanh toán trong vòng 2 (hai) ngày làm việc tiếp theo.

5. Giao dịch hối đoái kỳ hạn (sau đây gọi là giao dịch kỳ hạn) là giao dịch hai bên cam kết mua, bán với nhau một lượng ngoại tệ theo một mức tỷ giá xác định và việc thanh toán sẽ được thực hiện vào thời điểm xác định trong tương lai.

6. Giao dịch hối đoái hoán đổi (sau đây gọi là giao dịch hoán đổi) là giao dịch mua và bán cùng một lượng ngoại tệ (chỉ có hai đồng tiền được sử dụng trong giao dịch) với cùng một đối tác, trong đó một giao dịch có thời hạn thanh toán giao ngay và một giao dịch có thời hạn thanh toán xác định trong tương lai và tỷ giá của hai giao dịch được xác định đồng thời tại thời điểm ký hợp đồng giao dịch.

7. Giao dịch quyền chọn tiền tệ (sau đây gọi là giao dịch quyền chọn) là một giao dịch giữa bên mua quyền và bên bán quyền, trong đó bên mua quyền có quyền nhưng không có nghĩa vụ mua hoặc bán một lượng ngoại tệ xác định ở một mức tỷ giá xác định trong một khoảng thời gian thoả thuận trước. Nếu bên mua quyền lựa chọn thực hiện quyền của mình, bên bán quyền có nghĩa vụ bán hoặc mua lượng ngoại tệ trong hợp đồng theo tỷ giá đã thỏa thuận trước.

8. Hướng dẫn thanh toán chuẩn là các chỉ dẫn thanh toán xác định cho các giao dịch hối đoái giữa tổ chức tín dụng được phép với nhau, trong đó xác định rõ tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các thông tin cần thiết khác trong các giao dịch hối đoái phát sinh.

Điều 4. Các loại hình giao dịch hối đoái

Các loại hình giao dịch hối đoái được thực hiện trên thị trường ngoại tệ Việt Nam:

1. Giao dịch giao ngay;

2. Giao dịch kỳ hạn;

3. Giao dịch hoán đổi;

4. Giao dịch quyền chọn;

5. Các giao dịch hối đoái khác thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ phù hợp với sự phát triển của thị trường ngoại tệ Việt Nam.

Điều 5. Đối tượng tham gia các loại hình giao dịch hối đoái

1. Tổ chức tín dụng được phép được thực hiện các loại hình giao dịch hối đoái quy định tại Điều 4 Thông tư này với các đối tượng sau:

a) Tổ chức tín dụng được phép khác;

b) Tổ chức tín dụng không được phép hoạt động ngoại hối;

c) Tổ chức kinh tế là người cư trú.

2. Tổ chức tín dụng được phép không được mua quyền chọn của tổ chức kinh tế.

3. Người cư trú là cá nhân, là tổ chức không phải tổ chức kinh tế và người không cư trú chỉ được thực hiện giao dịch hối đoái giao ngay với các tổ chức tín dụng được phép.

Điều 6. Kỳ hạn của các giao dịch kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn

1. Kỳ hạn của các giao dịch kỳ hạn, hoán đổi giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ là từ 3 (ba) đến 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày.

2. Kỳ hạn của các giao dịch quyền chọn giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ là từ 30 (ba mươi) ngày đến 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày. Giao dịch quyền chọn giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ chỉ được thực hiện khi đáo hạn.

3. Kỳ hạn của các giao dịch kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn giữa đồng Việt Nam với các loại ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ và giữa các ngoại tệ với nhau do tổ chức tín dụng được phép và khách hàng tự thoả thuận.

Điều 7. Đồng tiền giao dịch và tỷ giá giao dịch

1. Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng được phép quyết định đồng tiền giao dịch trong các giao dịch hối đoái phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Tỷ giá giao dịch giao ngay giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ được xác định trong phạm vi biên độ giao dịch phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Tỷ giá giao dịch kỳ hạn trong các giao dịch kỳ hạn, hoán đổi giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước.

4. Tỷ giá giao dịch giao ngay, kỳ hạn giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ và giữa các ngoại tệ với nhau do tổ chức tín dụng được phép và khách hàng thỏa thuận.

Điều 8. Phí giao dịch ngoại tệ

1. Các tổ chức tín dụng được phép không được thu phí giao dịch đối với các giao dịch giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi.

2. Các tổ chức tín dụng được phép và khách hàng thỏa thuận và ghi rõ trong hợp đồng quyền chọn mức phí giao dịch và hình thức thanh toán phí đối với giao dịch quyền chọn.                                                                     

 Điều 9. Nguyên tắc giao dịch hối đoái

1. Các bên tham gia giao dịch hối đoái phải thực hiện trên nguyên tắc trung thực, rõ ràng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định tham gia giao dịch hối đoái của mình.

2. Ngôn ngữ sử dụng trong giao dịch hối đoái có thể bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh do các bên thỏa thuận nhưng phải rõ ràng, tránh gây ra sự hiểu nhầm.

3. Giao dịch hối đoái trên các phương tiện giao dịch được coi là cam kết không thay đổi trừ khi hai bên giao dịch đạt được thỏa thuận sửa đổi hoặc hủy bỏ giao dịch.               

Điều 10. Điều kiện thực hiện giao dịch hối đoái

Khi tham gia giao dịch hối đoái, các tổ chức tín dụng được phép phải:

1. Xây dựng và thực hiện quy trình giao dịch hối đoái trong đó hướng dẫn, quy định cụ thể về hoạt động giao dịch hối đoái bao gồm các nội dung tối thiểu để phòng ngừa rủi ro như sau:

a) Quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của cá nhân, bộ phận trong quyết định giao dịch hối đoái.  Quy định và kiểm soát các hạn mức trong giao dịch hối đoái nhằm hạn chế rủi ro.

b) Phân tách nhiệm vụ, quy định chức năng độc lập giữa các bộ phận kinh doanh, bộ phận nghiệp vụ hỗ trợ.

c) Xây dựng quy trình và biện pháp xử lý rủi ro khi thực hiện hoạt động kinh doanh ngoại hối, công tác kế toán và báo cáo tình hình kinh doanh ngoại hối, kiểm soát nội bộ, giám sát hoạt động kinh doanh ngoại hối.

2. Có quy chuẩn tuyển chọn và đào tạo giao dịch viên đủ năng lực thực hiện các giao dịch ngoại hối.

3. Tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về đảm bảo an toàn, các quy định về hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng, quy định về trạng thái ngoại tệ và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

4. Xây dựng và thỏa thuận với các tổ chức tín dụng được phép khác thực hiện theo Hướng dẫn thanh toán chuẩn với các nội dung tối thiểu theo Phụ lục 1 (đính kèm).

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về giao dịch hối đoái trên thị trường ngoại tệ Việt Nam

Ngày nhập

19/04/2012

Đã xem

3207 lượt xem

Bản giải trình về Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về giao dịch hối đoái trên thị trường ngoại tệ Việt Nam

Ngày nhập

19/04/2012

Đã xem

3207 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Ngân hàng Nhà nước

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com