Dự thảo Thông tư hướng dẫn vận chuyển hàng nguy hiểm
Ngày đăng: 10:13 28-09-2012 | 1780 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Công Thương
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
DỰ THẢO II |
Căn cứ Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
Căn cứ Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP;
Theo đề nghị của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp;
Bộ Công Thương ban hành Thông tư Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Mục I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển; quy định quy cách đóng gói, tiêu chuẩn bao bì chứa đựng, thùng chứa đối với hàng công nghiệp nguy hiểm; phương án ứng cứu khẩn cấp và huấn luyện của người liên quan trực tiếp vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt trên lãnh thổ Việt Nam.
Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
1. Các hóa chất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
2. Các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng, y tế.
3. Các chất là chất nổ, vật liệu nổ công nghiệp.
4. Các hóa chất thuộc loại 6 quy định tại Điều 4 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hóa chất nguy hiểm là hóa chất được quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007.
2. Hàng công nghiệp nguy hiểm gồm xăng dầu, khí đốt và hóa chất nguy hiểm dùng trong sản xuất công nghiệp.
3. Đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm là việc sử dụng các thao tác kỹ thuật để chứa đựng hàng công nghiệp nguy hiểm trong các phương tiện chứa phù hợp tiêu chuẩn đã đăng ký, công bố.
4. Phương tiện chứa là các loại bao gói, chai, thùng, bồn, bể hoặc côngtenơ dùng để chứa và vận chuyển hàng hóa. Phương tiện chứa hàng công nghiệp nguy hiểm gồm các loại:
a) Bao gói cỡ nhỏ (ký hiệu là P) là phương tiện chứa có dung tích chứa nước đến 450 lít hoặc có khối lượng chứa đến 400 kg;
b) Bao gói cỡ lớn (ký hiệu là LP) là phương tiện chứa có dung tích chứa nước lớn hơn 450 lít hoặc có khối lượng chứa lớn hơn 400 kg nhưng có thể tích chứa nhỏ hơn 3 m3;
c) Thùng chứa hàng rời cỡ trung (ký hiệu là IBC), bao gồm:
- Thùng kim loại có thể tích chứa tối đa đến 3 m3 đối với hàng hóa dạng lỏng, rắn;
- Thùng bằng gỗ, chất dẻo, giấy có thể tích chứa tối đa đến 1,5 m3 đối với hàng hóa dạng rắn.
d) Bao gói trong (còn gọi là bao gói trực tiếp) là phương tiện chứa tiếp xúc trực tiếpvới hàng hóa, thực hiện đầy đủ chức năng chứa đựng hàng hóa mà không cần có thêm bất kỳ bao gói khác;
đ) Bao gói ngoài là phương tiện chứa bao gói trong, cùng với các vật liệu hấp thụ, chèn đệm nhằm tạo ra sự bảo vệ bao gói trong, khi vận chuyển;
e) Bồn, bể chuyên dụng là phương tiện chứa lắp trên phương tiện vận chuyển, gồm:
- Phương tiện chứa có dung tích lớn hơn 1m3 hoặc kiểu côngtenơ bồn (tank-container) có dung tích lớn hơn 3m3 chứa hàng nguy hiểm loại 3 có nhiệt độ chớp cháy không quá 600C (kiểu FL, chi tiết xem phụ lục 3);
- Phương tiện chứa có dung tích lớn hơn 1m3 hoặc côngtenơ bồn (tank-container) có dung tích lớn hơn 3m3 chứa hàng nguy hiểm khác với kiểu FL (kiểu AT, chi tiết xem phụ lục 3).
g) Côngtenơ là phương tiện chứa dạng thùng, hộp có dung tích chứa lớn hơn 1 m3 để chứa và trung chuyển các loại hàng hóa đã được đóng gói hoàn chỉnh.
5. Hàng rời là hàng hóa chưa được đóng gói.
6. Mức đóng gói là mức được ấn định tùy theo mức độ nguy hiểm của hàng hóa được đóng gói (ký hiệu là PG I, PG II, PG III).
Mục II
DANH MỤC HÓA CHẤT CÔNG NGHIỆP NGUY HIỂM VÀ YÊU CẦU VỀ ĐÓNG GÓI, PHƯƠNG TIỆN CHỨA
Điều 4. Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm
1. Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển (sau đây gọi là Danh mục) được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.
2. Việc xem xét sửa đổi, bổ sung Danh mục được thực hiện theo quy định hoặc sau thời điểm Danh mục hàng nguy hiểm của Liên hợp quốc sửa đổi, bổ sung có hiệu lực.
Điều 5. Yêu cầu về biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm
1. Kích thước, ký hiệu, màu sắc biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm theo quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này.
2. Việc trình bày biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
- Được thể hiện bằng tiếng Việt rõ nghĩa, dễ đọc và có màu sắc tương phản với màu nền của phương tiện chứa;
- Vị trí dán báo hiệu nguy hiểm ở bên dưới biểu trưng nguy hiểm; không bị che khuất hoặc bị giảm khả năng nhận biết khi đặt cạnh các dấu hiệu khác;
- Có độ bền đủ chịu được tác động của thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển;
- Trường hợp bề mặt phương tiện chứa có dạng không đều hoặc quá nhỏ so với kích thước yêu cầu thể hiện biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm, người gửi hàng có thể gắn kèm theo phương tiện chứa thẻ hoặc bảng thể hiện biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm theo quy định.
3. Phương tiện chứa hàng công nghiệp nguy hiểm vận chuyển phải thể hiện đầy đủ biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm:
a) Đối với bao gói trong, khi vận chuyển không có bao gói ngoài hoặc các phương tiện chứa trung chuyển khác, biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm phải được thể hiện trên mặt không che khuất của bao gói trong;
b) Đối với bao gói kết hợp không mở trong quá trình bốc xếp, vận chuyển thì biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm thể phải hiện ít nhất trên một mặt của bao gói ngoài. Bao gói ngoài có thể tích lớn hơn 450 lít phải thể hiện biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm ở cả hai mặt bên, đối diện nhau;
c) Đối với côngtenơ, biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm thể hiện trên hai mặt bên và mặt sau;
d) Đối với bồn, bể chuyên dụng, biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm thể hiện trên hai mặt bên và mặt sau. Trường hợp, bồn bể chuyên dụng có nhiều khoang chứa các loại hàng khác nhau thì biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm của từng loại hàng phải thể hiện ở cả hai mặt ngoài của từng khoang chứa tương ứng với hàng chứa trong khoang;
đ) Nếu trên một phương tiện vận chuyển, côngtenơ xếp nhiều hơn một loại hàng công nghiệp nguy hiểm thì phía ngoài phương tiện, côngtennơ cũng phải dán đủ biểu trưng nguy hiểm và ghi số hiệu nguy hiểm của các loại hàng nguy hiểm tương ứng đang vận chuyển trên phương tiện, côngtenơ đó.
4. Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt vận chuyển hàng rời với khối lượng lớn hơn mức quy định tại cột 7 Danh mục, ngoài biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm phải có bảng thông tin khẩn cấp đặt tại đuôi phương tiện vận chuyển; mép dưới của bảng thông tin khẩn cấp phải cách mặt đất ít nhất 450 mm. Kích thước, bố cục, nội dung bảng thông tin khẩn cấp quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này.
Điều 6. Yêu cầu về đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm
1. Trừ các loại hàng công nghiệp nguy hiểm loại 2, 5.2 và 4.1, hàng công nghiệp nguy hiểm dạng rắn, lỏng được đóng gói theo 3 mức quy định tại cột 6, Danh mục như sau:
- Mức rất nguy hiểm biểu thị bằng số I (PG I);
- Mức nguy hiểm biểu thị bằng số II (PG II);
- Mức nguy hiểm thấp biểu thị bằng số III (PG III).
Quy định cụ thể về mức đóng gói tại Phụ lục 2 Thông tư này.
2. Mã đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm quy định tại cột 8, Danh mục. Các yêu cầu về vật liệu, điều kiện đóng gói và chi tiết quy cách đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm tương ứng với từng mã đóng gói quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này.
3. Tổ chức sản xuất hoặc người vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, không để rò rỉ, tràn đổ trong quá trình đóng gói.
Điều 7. Yêu cầu về kiểm tra, kiểm định phương tiện chứa
1. Phương tiện chứa hàng công nghiệp nguy hiểm mới sản xuất hoặc thuộc loại sử dụng nhiều lần phải được thử nghiệm, kiểm định trước khi đóng gói. Yêu cầu thử nghiệm, kiểm định được quy định tại phụ lục 3 của Thông tư này.
2. Tổ chức sản xuất, nhập khẩu phương tiện chứa hoặc tổ chức đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm phải thực hiện việc thử nghiệm, kiểm định các phương tiện chứa hàng công nghiệp nguy hiểm theo quy định sau:
a) Đối với phương tiện chứa không chịu áp lực, có dung tích chứa nhỏ hơn 3 m3 và không thuộc hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói theo mức PG I, tổ chức sản xuất hoặc tổ chức đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm thực hiện thử nghiệm và công bố phù hợp tiêu chuẩn áp dụng đối với phương tiện chứa theo quy định hiện hành về kiểm tra chất lượng sản phẩm;
b) Đối với các phương tiện chứa còn lại, việc kiểm định phương tiện chứa hàng công nghiệp nguy hiểm do các đơn vị có chức năng kiểm định an toàn công nghiệp thực hiện.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.