Dự thảo Thông tư hướng dẫn tính giá hàng hoá, dịch vụ
Ngày đăng: 09:03 24-07-2009 | 1358 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Tài chính
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
BỘ TÀI CHÍNH |
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
|
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số /2009/TT-BTC |
|
Hà Nội, ngày tháng năm 2009 |
Dự thảo ngày 7-7-2009 |
|
|
THÔNG TƯ
Hướng dẫn tính giá hàng hoá, dịch vụ
Căn cứ Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 10 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X.
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ sửa đối, bổ sung một số điều của Nghị định số 170 /2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn tính giá hàng hóa, dịch vụ như sau:
Chương 1
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này qui định về nguyên tắc, căn cứ, nội dung phương pháp tính giá hàng hóa, dịch vụ.
2. Thông tư này không áp dụng để tính giá hàng hóa, dịch vụ trong đấu thầu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sản xuất kinh doanh căn cứ vào quy định tại Thông tư này để lập phương án giá hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục do nhà nước quyết định giá; lập phương án hiệp thương giá, đăng ký giá, kê khai giá.
2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào Thông tư này để:
a- Thẩm định phương án giá thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
b- Phê duyệt phương án giá.
c- Quyết định giá, hiệp thương giá.
d- Kiểm sóat các yếu tố hình thành giá: thực hiện trong phạm vi hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của Nhà nước; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá; hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký giá và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
e) Kiểm tra, kiểm sóat hồ sơ: đăng ký giá, kê khai giá, hiệp thương giá.
3- Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này, cụ thể như sau:
a. Hàng hoá, dich vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá: Phụ lục số 1a kèm theo Thông tư 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 170/2005/NĐ-CP và Nghị định 75/2008/NĐ-CP.
b. Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá: theo quy định tại khoản 4, Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/06/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá.
c. Hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá theo yêu cầu của bên mua hoặc bên bán.
d. Hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá, kê khai giá: Phụ lục số 1b và 1c Thông tư 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính.
e. Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá, quy định theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
f. Đối với nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê hoặc bán, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ việc tính giá được áp dụng theo Thông tư này.
Điều 3. Nguyên tắc tính giá hàng hóa, dịch vụ
1- Tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ vào giá thành toàn bộ trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt và xác định mức lợi nhuận hợp lý.
2- Khuyến khích các đơn vị sản xuất, kinh doanh phấn đấu giảm chi phí, giảm giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
3- Tính giá hàng hóa, dịch vụ không phân biệt theo thành phần kinh tế; không phân biệt đối tượng sử dụng là tổ chức, cá nhân trong nước hay nước ngoài.
4- Khi khi có sự thay đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ, chính sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm giá thành tăng (hoặc giảm) trên 10% thì cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh và tính giá cho phù hợp.
Điều 4. Căn cứ chung để tính giá hàng hóa, dịch vụ
1. Giá thị trường trong nước, khu vực, thế giới của hàng hóa, dịch vụ tương tự và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ cần tính giá tại thời điểm tính giá.
2. Chi phí để tính giá thành được xác định theo chi phí sản xuất hợp lý phù hợp với chất lượng của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm tính giá.
3. Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền Việt Nam.
4. Chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước thuộc phạm vi cả nước hoặc từng vùng, từng địa phương.
Chương 2
CÁC PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ HÀNG HÓA, DỊCH VỤ
Mục I. PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH
Điều 5. Căn cứ để tính giá theo phương pháp so sánh
1- Căn cứ vào giá hàng hoá, dịch vụ tương tự đã giao dịch thành công hoặc đang mua, bán trên thị trường (trong nước, khu vực và thế giới) tại thời điểm tính giá:
- Hàng hóa, dịch vụ tương tự khi đem so sánh là hàng hóa, dịch vụ có những điểm cơ bản tương đồng (gần giống) với hàng hóa, dịch vụ cần xác định giá về:
+ Hình dáng, kích thước;
+ Đặc trưng vật chất: được làm cùng loại nguyên liệu, vật liệu;
+ Nguyên lý cấu tạo, phương pháp chế tạo;
+ Đặc điểm kinh tế kỹ thuật,
+ Chức năng, mục đích sử dụng.
- Đối với giá hàng hóa, dịch vụ tương tự thu thập ở thị trường trong nước: căn cứ hóa đơn bán hàng giá trị gia tăng hoặc quyết định giá của chủ thể có thẩm quyền; giá niêm yết, giá đăng ký, giá kê khai, báo giá.
- Đối với giá hàng hóa, dịch vụ tương tự thu thập ở thị trường khu vực, thế giới: căn cứ thông tin về giá bán nội địa của hàng hóa, dịch vụ ở khu vực và thế giới qua mạng, báo chí...
2- Căn cứ vào thông số kinh tế, kỹ thuật chủ yếu của hàng hoá, dịch vụ tương tự đã được ghi trong nhãn mác, hóa đơn, ....
3- Căn cứ vào thương hiệu của hàng hóa, dịch vụ.
4- Căn cứ vào điều kiện thương mại bình thường trong kinh doanh trên thị trường trong nước, thị trường trong khu vực và thế giới của hàng hóa tương tự.
Điều 6. Nội dung phương pháp so sánh
1- Các bước tiến hành theo phương pháp so sánh.
Bước 1: Thu thập về giá giao dịch, giá niêm yết, giá đăng ký, gía kê khai, báo giá và các yếu tố so sánh của những hàng hóa, dịch vụ tương tự với hàng hóa, dịch vụ cần tính giá vào thời điểm cần tính giá hoặc gần với thời điểm cần tính giá..
Tùy tình hình thực tế của hàng hóa, dịch vụ mà thu thập từ một trong các tài liệu chứng cứ (hoặc trong tất cả các chứng cứ) sau: qua hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng, đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá, báo giá, kết quả giao dịch thành công trên các sàn giao dịch, các chứng cứ được ghi trong các văn bản của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh….
Đối với các mức giá hàng hóa, dịch vụ đã giao dịch thành công trên thị trường thu thập thông qua phỏng vấn điện thoại, phỏng vấn trực tiếp, qua phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng Internet… thì phải có sự thẩm định, xem xét, đánh giá và kiểm chứng, có bảo đảm trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để những thông tin đó có thể sử dụng được trước khi sử dụng vào phân tích, tính toán.
Khi có sự mâu thuẫn giữa các chứng cứ thì phải kiểm tra, đối chiếu để có kết luận cuối cùng về việc sử dụng chứng cứ, tài liệu.
Bước 2: Lựa chọn đơn vị so sánh và xây dựng bảng phân tích, so sánh đối với mỗi đơn vị so sánh.
Bước 3: Phân tích, xác định các yếu tố khác biệt giữa hàng hóa, dịch vụ so sánh và hàng hóa, dịch vụ cần tính giá từ đó thực hiện điều chỉnh giá theo sự khác biệt về các yếu tố so sánh, tìm ra mức giá cho mỗi hàng hóa, dịch vụ so sánh.
Bước 4: Phân tích tổng hợp các mức giá của các hàng hóa, dịch vụ so sánh, rút ra mức giá đại diện và xác định mức giá của hàng hóa, dịch vụ cần có.
2- Các yếu tố so sánh cần thu thập đối với hàng hóa, dịch vụ.
Tùy theo hàng hóa, dịch vụ cụ thể và trên cơ sở những đăng ký chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền duyệt để lựa chọn thông số kinh tế kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ làm yếu tố so sánh. Một số ví dụ cụ thể như sau:
- Đối với máy, thiết bị cần chú ý các thông số cơ bản: cấu tạo máy, thiết bị, công suất, năng suất, khả năng gia công, kích thước vật gia công, sức chứa, mức tiêu hao nhiên liệu, …
- Đối với phương tiện vận tải cần chú ý các thông số cơ bản: loại hình, công suất máy, mức tiêu hao nhiên liệu, trọng tải, trang bị kèm theo, tiện nghi nội thất…
3- Thời gian, điều kiện thu thập thông tin:
a- Thời gian thu thập thông tin:
Thông tin về hàng hóa, dịch vụ so sánh là những thông tin phải được thu thập khi hàng hóa, dịch vụ đã giao dịch thành công hoặc đang mua, bán, niêm yết trên thị trường địa bàn hành chính cấp tỉnh vào thời gian cần tính giá hoặc trước thời gian tính giá tối đa là 02 tháng. Trong trường hợp không thu thập được thông tin trên địa bàn hành chính cấp tỉnh thì sử dụng thông tin thu thập được tại một địa bàn tại tỉnh khác liền kề với nơi sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần tính giá.
Trường hợp giá hàng hóa, dịch vụ có biến động trong khoảng thời gian từ thời điểm giao dịch thành công của hàng hóa, dịch vụ so sánh đến thời điểm cần tính giá thì trước khi thực hiện việc điều chỉnh mức giá của hàng hóa, dịch vụ so sánh theo các yếu tố so sánh, cần phải điều chỉnh (tăng hoặc giảm) mức giá của hàng hóa, dịch vụ đó theo các mức giá đã có ý kiến của cơ quan có trách nhiệm (ví dụ khi đăng ký giá, kê khai giá…).
b- Điều kiện thu thập thông tin:
Thông tin phải được thu thập từ kết quả các giao dịch thành công trên thị trường trong đó bên mua, bên bán đã tiếp cận thông tin về hàng hóa, dịch vụ như nhau, thỏa thuận mua bán không trái với quy định của pháp luật.
Thông tin thu thập phải đảm bảo khách quan đúng theo thực tế các giao dịch và dựa trên bằng chứng cụ thể để chứng minh về mức giá của hàng hóa, dịch vụ đã giao dịch thành công trên thị trường, ghi rõ nguồn gốc, thời gian thu thập thông tin.
Thông tin liên quan đến giá hàng hóa, dịch vụ được thu thập của ít nhất 2 mẫu hàng hóa, dịch vụ tương tự.
4- Nguyên tắc phân tích, điều chỉnh giá theo phương pháp so sánh:
- Lấy hàng hóa, dịch vụ cần tính giá làm chuẩn.
- Khi điều chỉnh giá theo chênh lệch của một yếu tố so sánh thì cố định những yếu tố so sánh còn lại (coi như giống nhau).
- Mỗi một sự điều chỉnh về các yếu tố so sánh phải được chứng minh từ các chứng cứ thu thập được trên thị trường.
- Những yếu tố ở hàng hóa, dịch vụ so sánh kém hơn so với hàng hóa, dịch vụ cần tính giá thì điều chỉnh tăng mức giá tính theo đơn vị chuẩn của hàng hóa so sánh (cộng).
- Những yếu tố ở hàng hóa, dịch vụ so sánh vượt trội hơn so với hàng hóa, dịch vụ cần tính giá thì điều chỉnh giảm mức giá tính theo đơn vị chuẩn tài sản so sánh (trừ).
- Những yếu tố ở hàng hóa, dịch vụ so sánh giống (tương tự) với hàng hóa, dịch vụ cần tính giá thì giữ nguyên mức giá của hàng hóa, dịch vụ so sánh (không điều chỉnh).
5- Phân tích thông tin: Phân tích, so sánh để rút ra những điểm khác biệt của hàng hóa, dịch vụ cần tính giá với hàng hóa, dịch vụ so sánh với những chỉ tiêu chất lượng đã được đăng ký cụ thể của hàng hóa, dịch vụ hoặc đã quy chuẩn để tìm ra mức điều chỉnh là tỷ lệ phần trăm (%) hoặc qui ra số tiền.
6 - Điều chỉnh mức giá:
a- Đối tượng điều chỉnh: là giá bán hoặc giá quy đổi về cùng đơn vị so sánh (giá giao dịch thành công sau khi đã có sự điều chỉnh hợp lý về mức giá bán trên thị trường).
b- Căn cứ điều chỉnh: dựa vào chênh lệch các yếu tố so sánh giữa hàng hóa, dịch vụ so sánh và hàng hóa, dịch vụ cần tính giá. phải căn cứ vào điều tra thị trường, tìm ra các bằng chứng về chênh lệch giá của từng yếu tố so sánh để đưa vào điều chỉnh cho phù hợp.
c- Phương thức điều chỉnh:
- Chênh lệch các yếu tố so sánh có thể lượng hóa thành tiền.
- Chênh lệch yếu tố só sánh theo tỷ lệ phần trăm: chênh lệch các yếu tố so sánh không thể lượng hóa thành tiền như: năm sản xuất, đặc trưng kỹ thuật chủ yếu .. cần điều chỉnh tính tóan về theo số tiền tuyệt đối.
d- Nguyên tắc khống chế: Phải bảo đảm chênh lệch giữa mức giá đưa vào so sánh (dòng A – bảng dưới) với mức giá cuối cùng (là mức giá sau khi điều chỉnh theo các yếu tố so sánh (dòng D – bảng dưới) không chênh lệch quá 10%.
Bảng điều chỉnh các mức giá theo các yếu tố so sánh
Đơn vị tính: đồng
TT |
Yếu tố so sánh |
Hàng hóa tính giá |
Hàng hóa so sánh 1 |
Hàng hóa so sánh 2 |
||
A |
Giá bán |
Chưa biết |
Đã biết |
Đã biết |
||
B |
Đơn vị sản phẩm |
|||||
C |
Điều chỉnh theo các yếu tố so sánh |
|||||
C1 |
Yếu tố so sánh 1 |
|||||
Tỷ lệ |
||||||
Tỷ lệ điều chỉnh |
||||||
Mức điều chỉnh |
||||||
Giá sau điều chỉnh |
||||||
C2 |
Yếu tố so sánh 2 |
|||||
Tỷ lệ |
||||||
Tỷ lệ điều chỉnh |
||||||
Mức điều chỉnh |
||||||
Giá sau điều chỉnh |
||||||
C3 |
Yếu tố so sánh 3 |
|||||
Tỷ lệ |
||||||
Tỷ lệ điều chỉnh |
||||||
Mức điều chỉnh |
||||||
C4 |
Yếu tố so sánh 4 |
|||||
Tỷ lệ |
||||||
Tỷ lệ điều chỉnh |
||||||
Mức điều chỉnh |
||||||
|
…. |
……. |
……. |
……. |
||
D |
Tổng mức giá so sánh |
|||||
E |
Mức giá cần tính |
|||||
F |
Thống nhất mức giá cần tính |
|||||
Số lần điều chỉnh |
||||||
Tổng giá trị điều chỉnh thuần |
||||||
Tổng giá trị điều chỉnh gộp |
||||||
7- Mức giá cần tính (dòng E – bảng trên) xác định bằng cách lấy mức giá đại diện chung của các hàng hóa, dịch vụ so sánh (dòng D- bảng trên) và phải bảo đảm chênh lệch không quá 10% giữa mức giá so sánh với các mức giá đại diện của hàng hóa, dịch vụ so sánh.
Cần kết hợp phân tích thêm những nội dung sau để quyết định chọn mức giá cuối cùng cho hàng hóa, dịch vụ cần tính:
- Trị tuyệt đối của tổng điều chỉnh nhỏ nhất (nghĩa là chênh lệch giữa giá bán ban đầu và giá điều chỉnh cuối cùng).
- Tần suất điều chỉnh (nghĩa là số lần điều chỉnh, số yếu tố điều chỉnh cho một hàng hóa so sánh) càng ít càng tốt.
- Biên độ điều chỉnh (nghĩa là mức hoặc tỷ lệ % điều chỉnh) của một yếu tố so sánh càng nhỏ càng tốt.
- Những yếu tố tâm lý của khách hàng khi đã chấp nhận mức giá.
Mục II. PHƯƠNG PHÁP CHI PHÍ
Điều 7. Căn cứ để tính giá theo phương pháp chi phí
1. Căn cứ thiết kế sản phẩm: thông số kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất, công dụng của hàng hóa, dịch vụ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Căn cứ vào chi phí sản xuất hợp lý để tính giá:
Chi phí sản xuất hợp lý là những chi phí đã đưa vào sản xuất, kinh doanh nhưng phải phù hợp với định mức kinh tế kỹ thuật đã được duyệt, phù hợp với mặt bằng giá trong khu vực và địa phương.
Chỉ những chi phí được phép đưa vào để tính giá thành qui định tại Điều 8 Thông tư này mới được lấy làm cơ sở tính chi phí sản xuất hợp lý.
3- Căn cứ vào mức lợi nhuận dự kiến cho một đơn vị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để tính giá của hàng hóa, dịch vụ đó.
Điều 8 . Xác định giá thành toàn bộ của hàng hóa, dịch vụ:
Giá thành toàn bộ của hàng hóa, dịch vụ làm cơ sở tính giá phải được tính theo các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm các chi phí sau:
STT |
Nội dung chi phí |
Ký hiệu |
1 1.1 1.2 1.3 a b c d đ e 2 3 |
Chi phí sản xuất Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp Chi phí nhân công trực tiếp Chi phí sản xuất chung Chi phí nhân viên Chi phí vật liệu Chi phí dụng cụ sản xuất Chi phí khấu hao tài sản cố định Chi phí dịch vụ mua ngoài Chi phí bằng tiền khác Tổng chi phí sản xuất Chi phí bán hàng Chi phí quản lý doanh nghiệp Giá thành toàn bộ |
Cvt CNC CSXC CPSX GBH GQL Z |
Nội dung từng khoản chi phí trên được xác định như sau:
1. Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp (hay chi phí vật tư) là chi phí thực tế hợp lý sử dụng vào sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và được tính như sau:
Chi phí vật tư trực tiếp = khối lượng vật tư hợp lý x giá vật tư tương ứng
Trong đó:
a) Về khối lượng vật tư hợp lý là mức tiêu hao vật tư cho một đơn vị sản phẩm:
- Đối với hàng hóa, dịch vụ đã có định mức tiêu hao vật tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo định mức tiêu hao vật tư đó.
- Đối với hàng hóa, dịch vụ không có định mức tiêu hao vật tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì Giám đốc (Tổng Giám đốc) doanh nghiệp phê duyệt và chịu trách nhiệm về tính chính xác của định mức tiêu hao vật tư áp dụng cho doanh nghiệp.
b) Về giá vật tư: giá vật tư là giá mua thực tế cộng (+) với chi phí lưu thông hợp lý (nếu có).
Đối với hàng hoá, dịch vụ được sản xuất ra thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng thì chi phí vật tư không bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Đối với hàng hoá, dịch vụ được sản xuất ra không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng thì chi phí vật tư bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Giá vật tư dùng để tính giá hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:
- Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính theo giá do Nhà nước quy định hoặc thông báo giá, hướng dẫn giá tại thời điểm tính toán (đối với những loại vật tư Nhà nước còn quy định giá và quản lý giá theo các hình thức: đăng ký giá, kê khai giá).
- Đối với vật tư mua ngoài là giá mua ghi trên hóa đơn của người bán hàng hoặc giá đăng ký, gía niêm yết (nếu là vật tư nhập khẩu bằng ngoại tệ thì quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm phát sinh cộng (+) thuế nhập khẩu cộng (+) phí bảo hiểm (trong gía CIF) và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật nếu có) cộng (+) chi phí vận chuyển, bốc xếp.
- Đối với vật tư tự chế là giá thực tế xuất kho cộng (+) chi phí thực tế phát sinh trong quá trình tự chế.
- Đối với vật tư thuê gia công chế biến là giá thực tế xuất kho giao gia công cộng (+) chi phí gia công cộng (+) chi phí vận chuyển, bốc xếp.
Giá các loại vật tư và các khoản gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua phải được ghi trên hoá đơn đúng quy định của pháp luật. Trường hợp vật tư là sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản mua của người trực tiếp sản xuất không có hóa đơn thì người mua hàng phải lập bảng kê mua hàng, ghi rõ tên, địa chỉ người bán hàng, số lượng hàng hóa, đơn giá, thành tiền, chữ ký của người bán hàng và được Thủ trưởng đơn vị, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp duyệt chi.
2. Chi phí nhân công trực tiếp: là các khoản tiền phải trả cho người lao động trực tiếp sản xuất như: tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi ăn ca, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn của công nhân trực tiếp sản xuất nước theo quy định của Bộ Luật lao động, trong đó:
a- Chi phí tiền lương, tiền công được xác định bằng số lượng ngày công theo định mức do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc do doanh nghiệp ban hành nhân (x) với đơn giá ngày công tương ứng (đơn giá ngày công bao gồm: tiền lương cơ bản, các khoản phụ cấp lương theo quy định của Nhà nước);
- Định mức lao động:
+ Đối với hàng hóa, dịch vụ đã có định mức lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo định mức lao động đó.
+ Đối với hàng hóa, dịch vụ không có định mức lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì Giám đốc doanh nghiệp phê duyệt và chịu trách nhiệm về định mức lao động áp dụng tại doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị thì Giám đốc xây dựng định mức lao động trình Hội đồng quản trị phê duyệt và chịu trách nhiệm về các định mức đó.
- Đơn giá ngày công căn cứ vào chế độ tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương do Nhà nước quy định. Phương pháp xây dựng, thẩm quyền phê duyệt và đăng ký đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định hiện hành.
- Chi phí tiền công đối với các doanh nghiệp trả tiền công thông qua hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể thì chi phí tiền công phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
b- Chi phí tiền ăn giữa ca cho người lao động do Giám đốc doanh nghiệp quyết định phù hợp với hiệu qủa sản xuất, kinh doanh nhưng mức chi không vượt quá mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định. Riêng chi phí ăn định lượng cho người lao động đối với một số ngành nghề đặc biệt theo quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quy đổi thành tiền theo giá mua thực tế ghi trong hóa đơn.
c- Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn của công nhân trực tiếp sản xuất theo quy định hiện hành của Nhà nước.
3. Chi phí sản xuất chung:
a- Chi phí nhân công phân xưởng: tiền lương, phụ cấp lương, tiền ăn giữa ca (nếu có) trả cho nhân viên phân xưởng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn của cán bộ nhân viên phân xưởng;
b- Chi phí vật liệu: phát sinh tại các đơn vị sản xuất của doanh nghiệp.
c- Chi phí dụng cụ sản xuất: dùng cho phân xưởng, sửa chữa dụng cụ tại phân xưởng
d- Chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) được tính toán như sau:
- Đối với những TSCĐ được hình thành có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc từ vốn của doanh nghiệp: thực hiện việc quản lý, sử dụng khấu hao TSCĐ theo quy định của Bộ Tài chính.
- Đối với những TSCĐ được hình thành từ nguồn vốn ODA: Thực hiện việc trích và quản lý, sử dụng khấu hao TSCĐ theo quy định của Bộ Tài chính hoặc theo thỏa thuận của điều ước quốc tế có liên quan nếu điều ước quốc tế này có thỏa thuận khác với quy định của Bộ Tài chính.
- Đối với những TSCĐ được hình thành từ nguồn vốn vay (trừ trường hợp vốn vay ODA): việc trích khấu hao TSCĐ được tính trên cơ sở thời hạn vay vốn đầu tư.
Chi phí tài sản cố định được tính căn cứ vào giá trị tài sản cố định và thời gian tính khấu hao. Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ được tính khấu hao nhanh nhưng không quá 2 lần mức khấu hao theo quy định của Bộ Tài chính để nhanh chóng đổi mới công nghệ.
Tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định và mức tính khấu hao tài sản cố định theo quy định của Bộ Tài chính;
e- Chi phí dịch vụ mua ngoài bao gồm chi phí để trả tiền: điện, nước, điện thoại; sửa chữa tài sản cố định; tiền thuê tài sản cố định; kiểm toán; dịch vụ pháp lý; dịch vụ kỹ thuật; chi phí vật rẻ tiền mau hỏng ....
f- Chi phí bằng tiền khác gồm các chi phí:
Về bảo hiểm tài sản; thiết kế, xác lập và bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá; chi trả tiền sử dụng tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, chuyển giao công nghệ; thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất phải nộp có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá.
Chi phí hao hụt (kể cả hao hụt tự nhiên và hao hụt kỹ thuật) là thất thoát của vật tư, thất thu của sản phẩm. Chi phí hao hụt được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) so với giá thành toàn bộ sản xuất, tuỳ theo từng điều kiện thực tế về thực trạng kỹ thuật và trình độ quản lý trong quá trình sản xuất và phân phối của mỗi địa phương, doanh nghiệp mà có tỷ lệ hao hụt khác nhau do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tỷ lệ hao hụt cụ thể do cấp có thẩm quyền quy định và được đưa vào mức khoán tính trong giá; Tỷ lệ hao hụt này phải được theo dõi tổng kết từ thực tế sản xuất kinh doanh và có các biện pháp quản lý chặt chẽ theo hướng giảm dần để đạt được tỷ lệ hao hụt ở mức thấp nhất.
4- Chi phí bán hàng là toàn bộ các chi phí liên quan tới việc tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ:
a- Chi phí tiền lương, các khoản phụ cấp lương, tiền ăn giữa ca (nếu có); bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn của nhân viên bán hàng;
b- Chi phí về tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ: chi hoa hồng đại lý, đóng gói, bốc xếp, vận chuyển, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, bảo hành...
c- Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các khoản chi phí khác được khống chế tối đa không quá 10% tổng số chi phí; đối với hoạt động thương nghiệp, tổng số chi phí để xác định mức khống chế không bao gồm giá mua của hàng hoá bán ra;
5. Chi phí quản lý doanh nghiệp là tổng các chi phí chi cho bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp, các khoản chi phí có tính chất gián tiếp của toàn doanh nghiệp:
a- Chi phí TSCĐ: khấu hao, sửa chữa TSCĐ phục vụ bộ máy quản lý và điều hành trong doanh nghiệp;
b- Chi lương bộ phận quản lý, tiền công và các khoản phụ cấp, tiền ăn giữa ca (nếu có) trả cho ban giám đốc và nhân viên quản lý ở các phòng ban; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn của bộ máy quản lý doanh nghiệp; chi bảo hộ lao động hoặc trang phục; chi bảo vệ cơ sở kinh doanh; chi công tác phí;
c- Chi máy thiết bị, chi phí vật liệu, đồ dùng, văn phòng phẩm.... chi phí tiếp tân, giao dịch,
d- Các khoản thuế, phí và lệ phí, chi phí dịch vụ mua ngoài thuộc văn phòng doanh nghiệp;
e- Trích các khoản dự phòng theo chế độ quy định: các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi.
f- Các khoản chi cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ, chi sáng kiến, cải tiến, bảo vệ môi trường, giáo dục, đào tạo theo chế độ quy định, chi cho lao động nữ theo quy định của pháp luật;
g- Trợ cấp thôi việc cho người lao động; trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của cơ sở kinh doanh sử dụng lao động; khoản trích nộp hình thành nguồn chi phí quản lý cho cấp trên và các quỹ của hiệp hội theo chế độ quy định;
h- Chi phí quản lý kinh doanh do công ty nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú ở Việt Nam theo quy định của Chính phủ;
m- Chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp theo lãi suất thực tế khi ký hợp đồng vay, nhưng tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Các khoản chi không được đưa vào tính giá thành hàng hóa, dịch vụ:
1. Tiền lương, tiền công do cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động, trừ trường hợp thuê mướn lao động theo vụ việc.
2. Các khoản tiền nộp phạt do vi phạm hành chính theo quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phạt vi phạm; nộp phạt do trả lãi vay nợ quá hạn và khoản nộp phạt khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Các khoản trích trước vào chi phí mà thực tế không chi hết như: chi phí sửa chữa tài sản cố định; phí bảo hành sản phẩm hàng hoá, công trình xây dựng và các khoản trích trước khác.
4. Các khoản chi không liên quan đến sản xuất, kinh doanh: chi về đầu tư xây dựng cơ bản, chi mua sắm tài sản cố định, chi ủng hộ đoàn thể và các tổ chức xã hội (ngoài doanh nghiệp), chi ủng hộ địa phương, chi cho hoạt động từ thiện.
5. Các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ: chi sự nghiệp, chi ốm đau, thai sản, chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất, các khoản chi khác do nguồn kinh phí khác đài thọ; chi phí không hợp lý khác.
6. Các khoản chi vượt định mức của nhà nước, của cơ quan có thẩm quyền hoặc định mức của doanh nghiệp đã quy định.
Điều 10. Tính chi phí sản xuất hợp lý để tính giá thành
Chi phí sản xuất hợp lý để tính giá thành hàng hóa, dịch vụ là chi phí được đưa vào sản xuất, kinh doanh quy định tại Điều 8 Thông tư này mà trong đó mỗi loại chi phí (nguyên, nhiên, vật liệu, máy thiết bị...), đều được tính tóan, xác định là khoản chi phí hợp lý của mỗi loại nguyên, vật liệu, máy thiết bị đó và được tính bằng mức bình quân số học của ít nhất 2 mức giá của loại chi phí đó đã được xác định qua 2 nguồn cung cấp khác nhau trên cùng địa bàn.
Chi phí sản xuất hợp lý của một loại nguyên, nhiên, vật liệu... tính như sau:
(C - D) x G1n
A =
n
Trong đó: - A: là chi phí sản xuất hợp lý (mua hay sản xuất) của một loại nguyên, nhiên, vật liệu.... để sản xuất sản phẩm A
- C: là hao phí vật tư để sản xuất sản phẩm A
- D: là hao phí loại trừ không được đưa vào để tính chi phí sản xuất sản phẩm A.
- G1n: là mức giá mua của nguyên, vật liệu để sản xuất sản phẩm A.
- n: là số lượng ít nhất là 2 giá mua nguyên, vật liệu chính sản xuất sản phẩm A.
Điều 11. Phân bổ chi phí tài sản cố định và chi phí chung
Đối với chi phí chung và Chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí liên quan đến nhiều đối tượng như chi phí tài sản cố định, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi phí bán hàng... quy định tại Điều 8 Thông tư này mà không thể tách riêng cho từng sản phẩm được thì tập hợp và phân bổ theo tiêu thức thích hợp cho từng sản phẩm liên quan trong doanh nghiệp.
Việc phân bổ chi phí tài sản cố định vào việc tính giá được căn cứ vào tình hình thực tế hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp, cụ thể như sau:
- Đối với tài sản cố định được đầu tư, mua sắm bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp thì việc phân bổ theo tiêu thức thích hợp (tiền lương của công nhân sản xuất chính, số lượng sản phẩm…).
- Đối với tài sản cố định được đầu tư, mua sắm bằng nguồn vốn vay thì việc phân bổ thực hiện theo khế ước vay và theo các tiêu thức thích hợp tùy thuộc nguồn vay là từ ngân sách, vay tín dụng, vay nước ngoài viện trợ (ODA).
Đối với vật rẻ tiền mau hỏng thì phân bổ trực tiếp 50% hoặc 100% tùy từng loại vật rẻ tiền mau hỏng và tình hình cụ thể của doanh nghiệp.
Điều 12- Xác định lợi nhuận
1- Nguyên tắc xác định lợi nhuận:
a- Lợi nhuận để tính gía góp phần bảo đảm đạt mục tiêu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong từng thời kỳ.
b- Lợi nhuận xác định cho từng đơn vị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
c- Lợi nhuận của sản phẩm thuộc diện độc quyền, theo đơn đặt hàng, giao nhiệm vụ phải bảo đảm tính cạnh tranh chống lạm dụng vị thế độc quyền, chống lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường.
2- Căn cứ xác định lợi nhuận:
a- Căn cứ vào chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý được xác định theo quy định của Thông tư này.
b- Căn cứ khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
c- Căn cứ vào dự kiến tổng lợi nhuận sản xuất kinh doanh của mọi sản phẩm của doanh nghiệp.
3- Xác định lợi nhuận:
Trên cơ sở quy định tại khoản 1, 2, Điều 12 của Thông tư này, doanh nghiệp dự kiến mức lợi nhuận của đơn vị hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
Đối với sản phẩm thuộc diện độc quyền, theo đơn đặt hàng, giao nhiệm vụ, lợi nhuận được xác định phải bảo đảm ở mức tối thiểu lập được các quỹ và không vượt quá 3 tháng lương theo quy định tại Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.
Điều 13. Tính giá hàng hóa, dịch vụ theo phương pháp chi phí
1- Tính giá đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước
Giá bán một đơn vị sản phẩm được xác định trên cơ sở phương pháp chi phí áp dụng theo công thức sau:
Giá hàng hóa, dịch vụ |
= |
Chi phí hợp lý |
+ |
Lợi nhuận dự kiến |
+ |
Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) |
+ |
Thuế giá trị gia tăng (trường hợp hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT) |
2- Tính giá hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu
Giá bán hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu được xác định sau khi giá vốn đã được quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch và tính như sau:
Giá hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu = Giá vốn nhập khẩu cộng (+) chi phí bán hàng cộng (+) lợi nhuận dự kiến cộng (+) thuế giá trị gia tăng (trường hợp hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT).
- Giá vốn nhập khẩu xác định theo công thức sau:
Giá vốn nhập khẩu |
= |
Giá mua tại cửa khẩu (CIF) |
+ |
Thuế nhập khẩu (nếu có) |
+ |
Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) |
+ |
Thuế GTGT (trường hợp hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT) |
Các khoản chi bằng tiền khác theo quy định |
Trong đó: Giá mua tại cửa khẩu là giá mua theo nguyên tệ nhân (x) tỷ giá giao dịch của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm nhập hàng.
- Chi phí bán hàng, bao gồm:
+ Chi phí tiền lương, các khoản phụ cấp lương, tiền ăn giữa ca (nếu có); bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn của nhân viên bán hàng;
+ Chi phí về tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ: chi hoa hồng đại lý, đóng gói, bốc xếp, vận chuyển, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, bảo hành...
+ Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh;
Chương 4
LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ
Điều 14. Chọn một phương pháp tính giá
Căn cứ vào đặc tính của từng loại hàng hóa, dịch vụ và giá trị sử dụng, các điều kiện về thị trường, lưu thông hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chọn một phương pháp tính giá thích hợp để tính giá theo quy định trình cấp có thẩm quyền.
Điều 15. Chọn cả hai phương pháp tính giá
Trong trường hợp đã sử dụng một trong hai phương pháp mà thấy chưa có đủ độ tin tưởng do thiếu những cơ sở quan trọng là: chỉ có một yếu tố so sánh hoặc thu thập thông tin trong thời gian trước ngày bắt đầu thu thập thông tin là trên 2 tháng hoặc thiếu hóa đơn giá trị gia tăng cho 50% giá trị nguyên vật liệu hoặc chi phí tiền lương tiền công vượt quá 50% gía thành sản phẩm... thì cần áp dụng đồng thời cả hai phương pháp.
Khi thực hiện áp dụng cả hai phương pháp so sánh và chi phí mà kết quả chênh lệch nhau dưới 10% mức giá bình quân theo 2 phương pháp thì kết quả tính giá cao được chấp nhận, nếu chênh lệch bằng và lớn hơn 10% mức giá bình quân theo 2 phương pháp thì kết quả tính giá thấp được chấp nhận.
Chương 5
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh
Các doanh nghiệp kinh doanh: hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá; hàng hóa, dịch vụ độc quyền; hàng hóa, dịch vụ cần hiệp thương giá căn cứ vào quy định tại Thông tư này có trách nhiệm lập phương án giá, hồ sơ đăng ký giá và cung cấp đầy đủ tài liệu, số liệu có liên quan đến việc tính giá để cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền quyết định theo thẩm quyền.
Hàng hóa và dịch vụ không thuộc các đối tượng qui định tại Thông tư này thì các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vận dụng các quy định tại Thông tư này, đồng thời căn cứ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và giá thị trường xã hội chấp nhận để quy định mức giá cụ thể đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc quyền định giá của doanh nghiệp.
Điều 17. Cơ quan nhà nước về quản lý giá
Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này của các doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi: Nhà nước định giá, bình ổn giá, đăng ký giá, hiệp thương giá, độc quyền và liên kết độc quyền về giá.
Điều 18. Hiệu lực thi hành
1- Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2009 (ngày ký ban hành cộng thêm 45 ngày).
2- Thông tư này thay thế Quyết định số 06/2005/QĐ-BTC ngày 18/02/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ảnh về Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng TW Đảng và các ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Tòa án Nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cơ quan TW của các đoàn thể; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Sở Tài chính, Sở Công Thương các tỉnh, TP. TT. TW; - Công báo; - Website Chính phủ; - Website Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Lưu: VT, QLG. |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Hiếu |
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file
Cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.