Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam
Ngày đăng: 16:04 16-03-2012 | 1710 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Tài chính
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
DỰ THẢO
Ngày 9-3-2012
BỘ TÀI CHÍNH CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
_______ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: /2012/TT-BTC Hà Nội, ngày tháng năm 2012.
THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam
Căn cứ các Luật, Pháp lệnh về thuế, phí và lệ phí hiện hành của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các Nghị định của Chính phủ qui định chi tiết thi hành các Luật, pháp lệnh thuế, phí và lệ phí;
Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/06/2008; Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 8/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng;
Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008; Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định về Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam như sau:
CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ đối tượng nêu tại Điều 4 Chương I Thông tư này):
1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thoả thuận, hoặc cam kết giữa họ với tổ chức, cá nhân Việt Nam.
2. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thoả thuận, hoặc cam kết giữa họ với Nhà thầu nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.
1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng thoả thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện mua, bán hàng hoá tại Việt Nam theo hình thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Điều 2. Người nộp thuế
1. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài đảm bảo các điều kiện quy định tại Điểm 1 Mục II Phần B Điều 8 Mục II Chương II hoặc Điều 14 Mục IV Chương II Thông tư này, kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, bao gồm lãnh thổ đất liền, các hải đảo, nội thủy, lãnh hải và vùng trời phía trên đó, vùng biển ngoài lãnh hải, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mà Việt Nam thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việc kinh doanh được tiến hành trên cơ sở hợp đồng nhà thầu với với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc với tổ chức, cá nhân nước ngoài khác đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu phụ.
Việc xác định Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên ký kết có quy định khác về cơ sở thường trú, đối tượng cư trú thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.
2. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh mua dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hoá, hoặc trả thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ (sau đây gọi chung là Bên Việt Nam) bao gồm:
- Các tổ chức kinh doanh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật Đầu tư) và Luật Hợp tác xã;
- Các tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;
- Nhà thầu dầu khí hoạt động theo Luật Dầu khí;
- Chi nhánh của Công ty nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam;
- Tổ chức nước ngoài hoặc đại diện của tổ chức nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam;
- Văn phòng bán vé, đại lý tại Việt Nam của Hãng hàng không nước ngoài có quyền vận chuyển đi, đến Việt Nam, trực tiếp vận chuyển hoặc liên danh;
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải biển của hãng vận tải biển nước ngoài; đại lý tại Việt Nam của Hãng giao nhận kho vận, hãng chuyển phát nước ngoài;
- Công ty chứng khoán, tổ chức phát hành chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại nơi quỹ đầu tư chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài mở tài khoản đầu tư chứng khoán;
- Các tổ chức khác ở Việt Nam;
- Các cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Người nộp thuế theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Chương I Thông tư này có trách nhiệm khấu trừ số thuế GTGT, thuế TNDN hướng dẫn tại Mục III Chương II Thông tư này trước khi thanh toán cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài.
Điều 3. Các loại thuế áp dụng
1. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo pháp luật về thuế TNCN.
3. Đối với các loại thuế, phí và lệ phí khác, Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành.
Điều 4. Đối tượng không áp dụng
Hướng dẫn tại Thông tư này không áp dụng đối với:
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt nam theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Dầu khí, Luật các Tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hoá cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức:
- Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam.
- Giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hoá cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.
Ví dụ 1:
Công ty H của Hongkong cung cấp dịch vụ thu xếp hàng hoá tại cảng ở Hongkong cho đội tàu vận tải quốc tế của Công ty A ở Việt Nam. Công ty A phải trả cho Công ty H phí dịch vụ thu xếp hàng hoá tại cảng ở Hongkong.
Trong trường hợp này, dịch vụ thu xếp hàng hoá tại cảng Hongkong là dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng tại Hongkong nên không thuộc đối tượng chịu thuế tại Việt Nam.
Ví dụ 2:
Tổ chức nước ngoài cung cấp các dịch vụ chuyên môn, quản lý và phát hành trái phiếu, tư vấn pháp lý, đại lý lưu ký, tổ chức roadshow (một hoạt động thuộc mảng kích hoạt thương hiệu) cho Công ty A ở Việt Nam tại các nước mà Công ty A phát hành chứng chỉ GDR (Global Depositary Receipt - chứng chỉ lưu ký toàn cầu) và trái phiếu quốc tế thì các dịch vụ này do tổ chức nước ngoài thực hiện không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư.
4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ dưới đây cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài:
- Sửa chữa phương tiện vận tải (tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển, thiết bị truyền dẫn), có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo;
- Quảng cáo, tiếp thị;
- Xúc tiến đầu tư và thương mại;
Ví dụ 3: Doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức ở Singapore để thực hiện dịch vụ quảng cáo sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại thị trường Singapore thì dịch vụ quảng cáo này của tổ chức Singapore không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư. Trường hợp tổ chức ở Singapore thực hiện quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trên trang web (internet) thì thu nhập từ dịch vụ quảng cáo này thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư.
- Môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
- Đào tạo (bao gồm cả đào tạo trực tuyến);
- Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông Luật Bưu chính, Luật Viễn thông giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam; Dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài.
Điều 5. Các khái niệm sử dụng trong Thông tư
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Hợp đồng nhà thầu" là hợp đồng, thoả thuận hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài và Bên Việt Nam.
2. "Hợp đồng nhà thầu phụ" là hợp đồng, thoả thuận hoặc cam kết giữa Nhà thầu phụ và Nhà thầu nước ngoài.
Nhà thầu phụ gồm Nhà thầu phụ nước ngoài và Nhà thầu phụ Việt Nam.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.