Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng

Ngày đăng: 23:16 23-06-2011 | 2036 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Số: /2011/TT-BNNPTNT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày tháng năm 2011

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010

của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng


Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 117/2010/NĐ-CP như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết để thực hiện đầy đủ một số Điều của Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Những vấn đề không hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 117/2010/NĐ-CP.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

Điều 2. Quy hoạch rừng đặc dụng quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Nghị định số 117/2010/NĐ-CP

1. Quy hoạch khu rừng đặc dụng

a) Căn cứ quy hoạch khu rừng đặc dụng thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 Nghị định 117/2010/NĐ-CP, trong trường hợp chưa có quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước và quy hoạch rừng đặc dụng cấp tỉnh, thì phải phù hợp với quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh; quy hoạch hoặc Chiến lược bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh đã được phê duyệt.

b) Thời kỳ quy hoạch là 10 năm và tầm nhìn 10 năm tiếp theo. Ban quản lý khu rừng đặc dụng tổ chức lập quy hoạch khu rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

c) Thời hạn hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch chậm nhất là tháng 9/2012.

d) Đối với những khu rừng đặc dụng chưa thành lập ban quản lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Chi cục Kiểm lâm tổ chức lập quy hoạch các khu rừng đặc dụng này.

đ) Tên báo cáo quy hoạch: Báo cáo quy hoạch bảo tồn và phát triển khu rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

e) Nội dung báo cáo quy hoạch: thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP.

f) Thành phần hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt báo cáo quy hoạch gồm:

- Tờ trình của Giám đốc Ban quản lý khu rừng đặc dụng đề nghị phê duyệt báo cáo quy hoạch;

- Báo cáo quy hoạch và các tài liệu liên quan;

- Bản đồ hiện trạng tài nguyên (rừng, đất ngập nước, biển) và đất đai của khu rừng đặc dụng tỷ lệ 1:25.000; bản đồ quy hoạch bảo tồn và phát triển khu rừng đặc dụng tỷ lệ 1:25.000 hệ quy chiếu VN 2000.

g) Kinh phí lập quy hoạch khu rừng đặc dụng: Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí lập quy hoạch khu rừng đặc dụng do địa phương trực tiếp quản lý; Ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí lập quy hoạch khu rừng đặc dụng do Tổng cục Lâm nghiệp trực tiếp quản lý.

h) Thẩm định và phê duyệt quy hoạch khu rừng đặc dụng do địa phương trực tiếp quản lý

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ quy hoạch, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ quy hoạch gồm: đại diện các sở, ngành của tỉnh; một số tổ chức khoa học và đơn vị liên quan; Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Chủ tịch Hội đồng.

Thời gian hoàn thành thẩm định quy hoạch khu rừng đặc dụng không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể tự ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng biết.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp hồ sơ sau thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch khu rừng đặc dụng.

Thời gian hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch khu rừng đặc dụng không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thông báo cho sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biết để hoàn thiện.

i) Thẩm định và phê duyệt quy hoạch khu rừng đặc dụng do Trung ương trực tiếp quản lý

- Tổng cục Lâm nghiệp tiếp nhận hồ sơ quy hoạch, tổ chức thẩm định và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch.

Hội đồng thẩm định quy hoạch do Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp thành lập gồm: Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp là Chủ tịch Hội đồng; đại diện cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Lâm nghiệp; đại diện một số tổ chức khoa học và đại diện các đơn vị có liên quan.

Thời gian hoàn thành việc thẩm định không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày Tổng cục Lâm nghiệp nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc Tổng cục Lâm nghiệp phải thông báo cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng biết.

- Tổng cục Lâm nghiệp tổng hợp hồ sơ sau thẩm định, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch khu rừng đặc dụng.

Thời gian hoàn thành việc phê duyệt hoạch khu rừng đặc dụng không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo cho Tổng cục Lâm nghiệp biết để hoàn thiện.

2. Quy hoạch các khu rừng đặc dụng cấp tỉnh

a) Căn cứ quy hoạch các khu rừng đặc dụng cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định 117/2010/NĐ-CP, trong trường hợp chưa có quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước, thì phải phù hợp với quy hoạch hoặc Chiến lược bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh đã được duyệt; và kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng đã được phê duyệt.

b) Thời kỳ quy hoạch là 10 năm và tầm nhìn 10 năm tiếp theo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập quy hoạch các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

c) Thời hạn hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch chậm nhất là tháng 12/2012.

d) Tên báo cáo quy hoạch: Báo cáo quy hoạch bảo tồn và phát triển các khu rừng đặc dụng tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

đ) Nội dung, thành phần hồ sơ thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch thực hiện theo quy định tại Khoản 2; điểm c, d Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP.

e) Thời gian hoàn thành việc thẩm định quy hoạch

- Thời gian hoàn thành việc thẩm định tối đa không quá bốn mươi lăm (45) ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thông báo cho sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biết để hoàn thiện.

- Thời gian Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, có ý kiến bằng văn bản về quy hoạch bảo tồn và phát triển các khu rừng đặc dụng cấp tỉnh tối đa không quá hai mươi (20) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuyển đến. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh biết.

- Thời gian Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch tối đa không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đồng thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước

a) Căn cứ quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 Nghị định 117/2010/NĐ-CP, trong trường hợp chưa có quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cả nước được duyệt thì phải phù hợp Chiến lược bảo vệ và phát triển rừng cả nước đã được duyệt.

b) Thời kỳ quy hoạch là 10 năm và tầm nhìn 10 năm tiếp theo. Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức lập quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

c) Thời hạn hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch chậm nhất là tháng 6/2013.

d) Tên báo cáo quy hoạch: Báo cáo quy hoạch bảo tồn và phát triển hệ thống rừng đặc dụng cả nước giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

đ) Nội dung, thẩm định, phê duyệt quy hoạch: thực hiện theo quy định tại Khoản 2; điểm c, d Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP.

e) Thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ quy hoạch gồm: đại diện các Bộ, ngành; một số tổ chức khoa học và đơn vị liên quan; Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Chủ tịch Hội đồng.

Thời gian hoàn thành thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch không quá bốn mươi lăm (45) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo cho Tổng cục Lâm nghiệp biết để hoàn thiện.

Điều 3. Các phân khu chức năng quy định tại Điều 9 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP

1. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là bộ phận của khu rừng đặc dụng có diện tích đáp ứng yêu cầu duy trì quy luật phát triển tự nhiên của rừng và hệ sinh thái tự nhiên, được quản lý chặt chẽ vì mục đích bảo tồn nguyên vẹn, xử lý các sinh vật ngoại lai xâm hại, kết hợp tổ chức thực hiện các chức năng khác của rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật.

b) Khu rừng đặc dụng có toàn bộ diện tích là hệ sinh thái trên cạn, thì vị trí, phạm vi, quy mô của Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được xác định dựa trên hiện trạng rừng, các hệ sinh thái tự nhiên của rừng; khu rừng đặc dụng có hợp phần là hệ sinh thái đất ngập nước, biển thì vị trí, phạm vi, quy mô của Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được xác định dựa trên hiện trạng rừng, các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, biển, điều kiện về địa hình, thủy văn của khu vực phù hợp với mục đích tại điểm a, Khoản này.

2. Phân khu phục hồi sinh thái

a) Phân khu phục hồi sinh thái là bộ phận của khu rừng đặc dụng nhằm đáp ứng yêu cầu phục hồi rừng và các hệ sinh thái tự nhiên, khu vực này được quản lý có tác động bằng một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh và bảo tồn kết hợp với tổ chức thực hiện các chức năng khác theo quy định của pháp luật.

b) Khu rừng đặc dụng có toàn bộ diện tích là hệ sinh thái trên cạn thì vị trí, phạm vi, quy mô của Phân khu phục hồi sinh thái được xác định dựa trên hiện trạng rừng, hệ sinh thái tự nhiên rừng; khu rừng đặc dụng có hợp phần là hệ sinh thái đất ngập nước, biển thì vị trí, phạm vi, quy mô của Phân khu phục hồi sinh thái được xác định dựa trên hiện trạng rừng, đất ngập nước, biển phù hợp với mục đích tại điểm a, Khoản này.

3. Phân khu hành chính - dịch vụ

Phân khu hành chính - dịch vụ là bộ phận của khu rừng đặc dụng chủ yếu để xây dựng các công trình làm việc, sinh hoạt của Ban quản lý khu rừng đặc dụng, nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, cứu hộ và phát triển sinh vật, dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí và tổ chức thực hiện các chức năng khác theo quy định của pháp luật.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng và Công văn xin ý kiến các Bộ, ngành, tỉnh thành

Ngày nhập

23/06/2011

Đã xem

2036 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com