Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá
Ngày đăng: 13:07 03-11-2011 | 2004 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Tài chính
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
Dự thảo ngày 31/10/2011
THÔNG TƯ
Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 84/2011/NĐ-CP
ngày 20 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ
quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá
---------------------------------------------------
Căn cứ Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 của Quốc hội Khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 15/ 11/ 2010;
Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26/4/2002;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002
Căn cứ Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/4/2008;
Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá;
Căn cứ Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá;
Căn cứ Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 3/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá;
Căn cứ Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá (bao gồm vi phạm hành chính về giá và thẩm định giá) như sau:
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá (sau đây gọi tắt là Nghị định số 84/2011/NĐ-CP), bao gồm làm rõ một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, niêm yết giá, mức xử phạt, thẩm quyền, thu nộp và sử dụng tiền phạt trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.
2. Cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá mà không đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.
Điều 3. Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá
1. Cơ quan nhà nước ban hành văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực giá không đúng thẩm quyền thì văn bản quy định không đúng thẩm quyền bị xử lý theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; người ký văn bản không đúng thẩm quyền bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
2. Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 84/2011/NĐ-CP .
3.Vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm, hồ sơ được chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về hình sự;
4. Vi phạm quy định về giá trong các lĩnh vực mà đã bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó.
Điều 4. Áp dụng các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
Việc áp dụng các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về giá được thực hiện theo Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 3 Nghị định 84/2011/NĐ-CP và được hướng dẫn tại Điều này như sau:
1. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá thì bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định 84/2011/NĐ-CP. Trong trường hợp Nghị định 84/2011/NĐ-CP không quy định thì áp dụng các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến giá.
2. Khi ra quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định tại Điều 4 Nghị định số 84/2011/NĐ-CP.
3. Một hành vi vi phạm do cùng một cá nhân, tổ chức thực hiện ở cùng một thời điểm đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thì chỉ xử phạt một lần; đồng thời áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 84/2011/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân có nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá thì mỗi tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xử phạt.
4. Trường hợp một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá là hệ quả của một hành vi vi phạm khác cũng trong lĩnh vực giá thì chỉ xử phạt đối với hành vi vi phạm có chế tài xử phạt nặng nhất.
Điều 5. Áp dụng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính
Nguyên tắc xử phạt, xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính; cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; việc lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thủ tục phạt tiền, thu nộp tiền phạt, thủ tục tịch thu và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; hoãn chấp hành quyết định phạt tiền, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính về giá để thi hành được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Điều 6. Niêm yết giá
1. Đối tượng phải niêm yết giá:
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc niêm yết giá bán buôn, giá bán lẻ phù hợp với tiêu chuẩn, chất lượng của từng loại hàng hóa, dịch vụ, tại các địa điểm sau:
a) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm).
b) Các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ trung tâm, các cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng thực hiện việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
2. Hình thức niêm yết giá.
a) Tổ chức, cá nhân bán buôn hàng hóa, dịch vụ thực hiện việc niêm yết giá bán buôn từng loại hàng hóa bằng cách thông báo công khai các mức giá hàng hóa, dịch vụ cụ thể trên bảng, trên giấy bằng các hình thức đặt, để, treo, dán tại nơi giao dịch, bán hàng hóa thuận tiện cho việc quan sát của khách hàng hoặc thông qua thư báo giá và không được bán cao hơn mức giá đã niêm yết, báo giá.
b) Tổ chức, cá nhân bán lẻ hàng hóa thực hiện việc niêm yết giá bằng cách thông báo công khai trên bảng, trên thẻ, trên kệ hàng, trên bao bì sản phẩm, hoặc trên sản phẩm cho từng hàng hóa cụ thể tại nơi bán hàng, thuận tiện cho việc quan sát của khách hàng và không được bán cao hơn giá đã niêm yết.
c) Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ này cần thực hiện niêm yết giá theo mức giá đã đăng ký, kê khai và còn hiệu lực với cơ quan có thẩm quyền.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.