Dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung, quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội
Ngày đăng: 11:21 25-04-2014 | 3204 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Khoa học và Công nghệ
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
THÔNG TƯ
Hướng dẫn nội dung, quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung, quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội như sau:
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn nội dung, quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư và chương trình phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi tắt là thẩm định cơ sở khoa học, công nghệ của dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học, công nghệ của dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
2. Cơ quan có thẩm quyền thẩm tra chương trình phát triển kinh tế - xã hội và cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội, lập dự án đầu tư.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội là tập hợp các dự án đầu tư được thực hiện theo một kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục tiêu nhất định. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bao gồm một số dự án có quan hệ mật thiết với nhau về phương diện triển khai thực hiện, khai thác, sử dụng để đạt được mục tiêu chung của chương trình.
2. Dự án đầu tư là tập hợp các đề xuất đầu tư trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
3. Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư và chương trình phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ quan thẩm định) là cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4. Cơ quan có thẩm quyền thẩm tra chương trình phát triển kinh tế - xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thẩm định chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
5. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Điều 4. Phương thức thẩm định
1. Chuyên viên thẩm định: Đối với dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội có đầy đủ cơ sở khoa học, nội dung công nghệ rõ ràng, thuộc chuyên môn mà chuyên viên thẩm định của cơ quan thẩm định nắm vững, cơ quan thẩm định trực tiếp tổ chức xử lý và có ý kiến bằng văn bản gửi Cơ quan có thẩm quyền thẩm tra chương trình phát triển kinh tế - xã hội hoặc Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Phiếu thẩm định cơ sở khoa học, công nghệ của dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội do chuyên viên thẩm định lập. Nội dung văn bản thẩm định theo mẫu quy định tại Phụ lục I-Mẫu 1, Phụ lục I-Mẫu 2; và Phụ lục II-Mẫu 1, Phụ lục II-Mẫu 2 của Thông tư này.
2. Cơ quan thẩm định lấy ý kiến chuyên gia:
a) Đối với dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội có cơ sở khoa học chưa đầy đủ, chưa chắc chắn, nội dung công nghệ phức tạp, có tính liên ngành hoặc có phạm vi ảnh hưởng rộng, đòi hỏi phải có ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan chuyên ngành. Tuỳ theo mức độ phức tạp, để làm rõ cơ sở, căn cứ khoa học và nội dung công nghệ của dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thủ trưởng cơ quan thẩm định quyết định việc lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến phản biện của cá nhân hoặc tổ chức chuyên ngành để xem xét.
b) Đối với những dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội cần phải lấy ý kiến của chuyên gia, cơ quan thẩm định gửi hồ sơ đến chuyên gia để lấy ý kiến. Chuyên gia phải là người có trình độ chuyên môn phù hợp và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành cần thẩm định. Phiếu đánh giá của chuyên gia đối với cơ sở khoa học, công nghệ dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
3. Tổ chức thẩm định thông qua hội nghị tư vấn: Đối với những dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội cần phải tổ chức hội nghị tư vấn, thành phần được mời phải là những chuyên gia chuyên ngành, có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cần thẩm định và đại diện các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan. Biên bản hội nghị tư vấn phải thể hiện đầy đủ các ý kiến thảo luận, kết luận của người chủ trì hội nghị và có danh sách đại biểu tham dự kèm theo. Biên bản hội nghị tư vấn thẩm định cơ sở khoa học, công nghệ dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.
4. Tổ chức thẩm định thông qua hội đồng thẩm định:
a) Việc thẩm định cơ sở khoa học, công nghệ của dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội do cơ quan thẩm định thực hiện thông qua hội đồng thẩm định (sau đây gọi tắt là hội đồng thẩm định) và do Thủ trưởng cơ quan thẩm định ra quyết định thành lập.
b) Hội đồng thẩm định phải có tối thiểu 07 thành viên gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, 02 uỷ viên phản biện và các uỷ viên, trong đó 2/3 là các chuyên gia chuyên ngành, có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực cần thẩm định, chủ tịch hội đồng thẩm định phải là chuyên gia đầu ngành, có uy tín trong lĩnh vực cần thẩm định. Kết luận của hội đồng thẩm định là cơ sở để cơ quan thẩm định có ý kiến về cơ sở khoa học, công nghệ dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Phiếu đánh giá của thành viên hội đồng thẩm định và Biên bản hội đồng thẩm định theo mẫu quy định tại Phụ lục V và VI của Thông tư này.
5. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng thẩm định:
a) Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc dân chủ, đảm bảo tính khách quan và chịu trách nhiệm tập thể về kết luận chung của Hội đồng;
b) Thành viên Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm cá nhân về tính khách quan, tính chính xác đối với những ý kiến nhận xét, đánh giá; các thành viên và thư ký hành chính của Hội đồng, đại biểu tham dự có trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin liên quan trong quá trình thẩm định;
c) Phiên họp chính thức của hội đồng thẩm định phải có mặt ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó phải có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được uỷ quyền và các ủy viên phản biện. Ý kiến nhận xét của thành viên vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo;
d) Chủ tịch điều hành các phiên họp Hội đồng thẩm định, trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt, Phó Chủ tịch được uỷ quyền có trách nhiệm điều hành phiên họp của hội đồng thẩm định.
đ) Trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan thẩm định có quyền lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập trước hoặc sau khi họp hội đồng thẩm định.
Lĩnh vực liên quan
Phiên bản 1
Dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung, quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội
Ngày nhập
25/04/2014
Đã xem
3204 lượt xem
Thông tin tài liệu
Số lượng file 9
Cơ quan soạn thảo Bộ Khoa học và Công nghệ
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.