Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư ban hành Quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử

Ngày đăng: 22:37 23-06-2011 | 1602 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Thông tin và Truyền thông

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số:                / 2011 /TT-BTTTT
Hà Nội, ngày    tháng    năm 2011

 
Dự thảo lần 6
THÔNG TƯ
Quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử
 
 
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử như sau:
 
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp mới, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động báo, tạp chí điện tử, chuyên trang báo chí điện tử (gọi chung là Giấy phép hoạt động báo chí điện tử).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức được cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử theo quy định của pháp luật về báo chí; các báo, tạp chí điện tử và các cơ quan chủ quản báo chí (sau đây gọi tắt là cơ quan chủ quản)
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giấy phép hoạt động báo chí điện tử là giấy phép hoạt động báo chí đối với loại hình báo, tạp chí được thực hiện trên mạng thông tin máy tính.
2. Chuyên trang của báo, tạp chí điện tử là trang thông tin điện tử thuộc báo, tạp chí điện tử có nội dung mang tính chuyên biệt và phù hợp với tôn chỉ mục đích của báo, tạp chí điện tử đã được cấp phép.
3. Trang chủ là trang thông tin điện tử hiển thị đầu tiên trên màn hình có tên miền được quy định trong giấy phép hoạt động.
Điều 4. Thẩm quyền cấp giấy phép
1. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử, Giấy phép sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động báo chí điện tử theo quy định pháp luật và theo quy định tại Thông tư này.
2. Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp Giấy phép hoạt động chuyên trang báo chí điện tử theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.
Điều 5. Hiệu lực của giấy phép
1. Giấy phép hoạt động báo chí điện tử có hiệu lực mười (10) năm kể từ ngày cấp giấy phép.
2. Thời hạn hiệu lực của Giấy phép hoạt động chuyên trang báo chí điện chí tử được quy định trong từng giấy phép, nhưng không vượt quá thời hạn hiệu lực của Giấy phép hoạt động báo chí điện tử đã được cấp.
3. Sau chín mươi (90) ngày kể từ ngày Giấy phép hoạt động báo chí điện tử, Giấy phép hoạt động chuyên trang có hiệu lực, nếu tổ chức được cấp phép không hoạt động theo nội dung quy định trong giấy phép thì giấy phép được cấp không còn giá trị.
 
Chương II
CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ ĐIỆN TỬ
Điều 6. Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử
1. Phải phù hợp với quy hoạch báo chí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Điều kiện về nhân sự:
a) Người dự kiến bổ nhiệm tổng biên tập, phó tổng biên tập phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên;
- Có trình độ lý luận chính trị cao cấp trở lên;
- Đã qua lớp đào tạo về nghiệp vụ quản lý báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp chứng chỉ;
- Có Thẻ nhà báo đang còn hiệu lực do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;
- Không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên.
b) Có đủ nhân sự dự kiến để hình thành lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn và có đủ đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã được cấp Thẻ nhà báo bảo đảm cho hoạt động của báo, tạp chí điện tử.
c) Trường hợp cơ quan báo chí điện tử sử dụng ngôn ngữ nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam để thể hiện nội dung thông tin, phải có đủ phóng viên, biên tập viên thành thạo về ngôn ngữ đó để đảm bảo việc xuất bản và phải có lãnh đạo cơ quan báo chí hoặc người được lãnh đạo ủy quyền chịu trách nhiệm về nội dung có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đó.
3. Xác định rõ tên gọi của báo chí điện tử dự kiến đề nghị cấp giấy phép; tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, ngôn ngữ thể hiện của cơ quan báo chí điện tử.
4. Phải sử dụng ít nhất một tên miền .vn còn thời hạn sử dụng tối thiểu 6 tháng tại thời điểm xin cấp phép.
5. Xây dựng quy trình quản lý phù hợp với mô hình hoạt động báo chí điện tử.
6. Đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, kỹ thuật theo hồ sơ đề nghị cấp phép, bao gồm:
a) Có trụ sở ổn định bảo đảm hoạt động của báo, tạp chí điện tử;
b) Có đủ trang thiết bị, nhân sự, giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hoạt động của báo, tạp chí điện tử;
        c) Có đủ điều kiện tài chính bảo đảm mục tiêu hoạt động theo tôn chỉ, mục đích.
7. Được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Sở Thông tin và Truyền thông địa phương) chứng nhận có đủ điều kiện để hoạt động báo, tạp chí điện tử và phù hợp với quy hoạch phát triển báo chí của địa phương đối với các tổ chức của địa phương.
8. Đối với các tổ chức tôn giáo, Viện nghiên cứu khoa học cơ bản chuyên ngành xin phép hoạt động báo chí điện tử và những trường hợp đặc biệt khác sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định.
Điều 7. Hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử
1. Cơ quan chủ quản đề nghị cấp phép hoạt động báo chí điện tử gửi hai (02) bộ hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử). Hồ sơ gồm có:
a) Tờ khai đề nghị cấp phép hoạt động báo chí điện tử (Mẫu số 1);
b) Bản sao có chứng thực quyết định thành lập cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép hoạt động báo chí điện tử;
c) Đề án hoạt động báo chí điện tử của cơ quan chủ quản phê duyệt, trong đó nêu rõ:
- Sự cần thiết, mục đích và cơ sở pháp lý;
- Chứng minh đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 của Thông tư này;
- Tên gọi, các tên miền, logo (nếu có) của cơ quan báo chí điện tử;
- Kết cấu và nội dung thông tin: các chuyên trang, chuyên mục (tôn chỉ mục đích, ngôn ngữ thể hiện, các nội dung chính);
- Giao diện, hình thức báo, tạp chí điện tử. Trang chủ của báo chí điện tử phải hiển thị các thông tin: Tên báo chí điện tử; Tên cơ quan chủ quản; Số giấy phép, ngày cấp; Địa chỉ trụ sở chính; Số điện thoại, email; Họ và tên Tổng biên tập. Đối với trang chủ của chuyên trang báo chí điện tử phải có thêm tên chuyên trang;
- Các thông tin tiện ích, thông tin thu phí;
- Tổ chức thực hiện, quy trình xuất bản và quản lý nội dung.
d) Dự kiến danh sách tổng hợp nhân sự: Lãnh đạo cơ quan báo chí, trưởng các phòng ban chuyên môn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật của cơ quan báo chí điện tử (Mẫu số 2).
đ) Sơ yếu lý lịch lãnh đạo cơ quan báo chí điện tử (tổng biên tập, phó tổng biên tập) (Mẫu số 3).
e) Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương chứng nhận có đủ điều kiện để hoạt động báo chí điện tử theo quy định (đối với các cơ quan, tổ chức xin phép ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
g) Bản in mầu giao diện trang chủ báo điện tử, trang chủ chuyên trang của báo chí điện tử.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc cấp phép hoạt động báo chí điện tử (Mẫu số 5). Trường hợp không cấp phép thì trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 8. Thay đổi nội dung Giấy phép hoạt động báo chí điện tử
1. Cơ quan báo chí điện tử muốn thay đổi các nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo chí điện tử theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP gửi một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp phép về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
2. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung: tên cơ quan báo chí, tên cơ quan chủ quản, tôn chỉ mục đích, ngôn ngữ thể hiện, phạm vi phát hành chủ yếu (*) gồm có:
a) Văn bản của cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí điện tử nêu rõ lý do và nội dung đề nghị thay đổi.
b) Bản sao có chứng thực Giấy phép hoạt động báo chí điện tử.
c) Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương chứng nhận đủ điều kiện hoạt động theo nội dung thay đổi (đối với các cơ quan báo chí điện tử trực thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương);
3. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung: giao diện trang chủ, trụ sở chính, tên miền gồm có:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan báo chí điện tử;
b) Mẫu giao diện trang chủ dự kiến thay đổi (đối với trường hợp cơ quan báo chí xin thay đổi cách trình bày giao diện trang chủ);
c) Các tên miền xin thay đổi (đối với trường hợp cơ quan báo chí xin thay đổi, bổ sung tên miền).
4. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc cấp phép (Mẫu số 6). Trường hợp không cấp phép, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Trường hợp thay đổi lãnh đạo cơ quan báo chí điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật về báo chí.
Điều 9. Cấp lại Giấy phép hoạt động báo chí điện tử
1. Trước khi Giấy phép hoạt động báo chí điện tử hết hiệu lực chín mươi (90) ngày, nếu cơ quan báo chí muốn tiếp tục hoạt động báo chí điện tử thì cơ quan chủ quản phải làm thủ tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp lại giấy phép.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động báo chí điện tử gồm:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản;
b) Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương chứng nhận đủ điều kiện hoạt động báo chí điện tử (đối với các cơ quan báo chí thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương);
c) Bản sao giấy phép hoạt động báo chí điện tử và các văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép của cơ quan báo chí điện tử đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;
d) Tờ khai đề nghị cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử (Mẫu số 1);
đ) Danh sách tổng hợp nhân sự: Lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các phòng ban chuyên môn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của cơ quan báo chí điện tử (Mẫu số 2);
e) Báo cáo đánh giá hoạt động của báo, tạp chí điện tử.
3. Hồ sơ lập thành một (01) bộ là bản chính nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xét cấp lại Giấy phép hoạt động báo chí điện tử. Trường hợp không cấp lại giấy phép, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 10. Cấp giấy phép hoạt động chuyên trang báo chí điện tử
1. Cơ quan báo chí điện tử muốn bổ sung chuyên trang báo chí điện tử không nằm trong quy định của Giấy phép hoạt động báo chí điện tử phải làm thủ tục đề nghị cấp phép theo quy định.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động chuyên trang báo chí điện tử gồm có:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản báo chí;
b) Tờ khai đề nghị cấp phép chuyên trang báo chí điện tử (Mẫu số 4);
c) Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động báo chí điện tử;
d) Đề án xây dựng chuyên trang báo chí điện tử nêu rõ:
- Sự cần thiết, mục đích và cơ sở pháp lý;
- Tên gọi, các tên miền riêng (nếu có) của chuyên trang;
- Tôn chỉ mục đích, ngôn ngữ thể hiện, các nội dung chính, các chuyên mục;
- Các dịch vụ tiện ích, dịch vụ thu phí;
- Tổ chức thực hiện, quy trình xuất bản và quản lý nội dung;
đ) Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương chứng nhận có đủ điều kiện hoạt động chuyên trang (đối với các cơ quan báo chí thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
e) Bản in mầu giao diện trang chủ của chuyên trang.
g) Giấy chứng nhận đăng ký sử dụng tên miền (đối với trường hợp chuyên trang có tên miền riêng).
2. Hồ sơ lập thành một (01) bộ là bản chính nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính về Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.
Trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tiến hành xem xét, cấp Giấy phép thiết lập chuyên trang báo chí điện tử (Mẫu số 7). Trường hợp không cấp phép, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 11. Sửa đổi, bổ sung Giấy phép chuyên trang báo chí điện tử
1. Khi thay đổi một trong những nội dung ghi trong Giấy phép thiết lập chuyên trang báo chí điện tử đã cấp, cơ quan báo chí điện tử phải thực hiện thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép đã cấp.
Hồ sơ gồm có:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan báo chí nêu rõ nội dung xin sửa đổi, bổ sung;
b) Bản sao có chứng thực Giấy phép hoạt động báo chí điện tử, Giấy phép chuyên trang báo chí điện tử đã được cấp;
c) Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương chứng nhận đủ điều kiện hoạt động theo nội dung thay đổi (đối với các cơ quan báo chí thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
2. Hồ sơ lập thành một (01) bộ là bản chính nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính về Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.
Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tiến hành xem xét, cấp phép (Mẫu số 8). Trường hợp không cấp giấy phép, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 12. Cấp lại Giấy phép chuyên trang báo chí điện tử
1. Chín mươi (90) ngày trước khi Giấy phép chuyên trang hết hiệu lực, nếu muốn tiếp tục hoạt động, cơ quan báo chí điện tử phải làm thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép.
2. Thủ tục cấp lại giấy phép thực hiện như cấp mới.
3. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tiến hành xem xét, cấp lại giấy phép. Trường hợp không cấp lại giấy phép, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trả lời và nêu rõ lý do.
 
Chương  IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Ban hành biểu mẫu
Ban hành kèm theo Thông tư này các mẫu sau:
1. Mẫu số 1: Tờ khai đề nghị cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử.
2. Mẫu số 2: Danh sách dự kiến lãnh đạo chủ chốt của báo chí điện tử.
3. Mẫu số 3: Sơ yếu lý lịch của người dự kiến là lãnh đạo cơ quan báo chí.
4. Mẫu số 4: Tờ khai đề nghị cấp Giấy phép chuyên trang.
5. Mẫu số 5: Giấy phép hoạt động báo chí điện tử.
6. Mẫu số 6: Giấy phép sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động báo chí điện tử.
7. Mẫu số 7: Giấy phép hoạt động chuyên trang báo chí điện tử.
8. Mẫu số 8: Giấy phép sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động chuyên trang báo chí điện tử.
Điều 14. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày    tháng     năm 2011.
2. Cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí điện tử có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về báo chí và các quy định trong Giấy phép hoạt động báo chí điện tử, Giấy phép hoạt động chuyên trang báo chí điện tử.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, cần phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.

 Nơi nhận:
-Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng CP;
- VP Trung ương và các Ban Đảng;
- VP Quốc hội và UB của Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước; VP Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Toà án ND Tối cao; Viện Kiểm sát ND Tối cao;
- UBND và Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
 - Các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ TT&TT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Các cơ quan báo chí;
- Công báo; TTĐT Chính phủ;
- Lưu: VT, CQLPTTH &TTĐT, MP (800)
BỘ TRƯỞNG
 
 



 
 
Lê Doãn Hợp

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Thông tư ban hành Quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử và các Biểu mẫu - Phụ lục

Ngày nhập

23/06/2011

Đã xem

1602 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Thông tin và Truyền thông

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com