Dự thảo Quyết định về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ thí điểm các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác
Ngày đăng: 22:34 03-03-2011 | 2047 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Khoa học và Công nghệ
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày tháng năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ thí điểm
các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến
theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 05/5/2010 của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Chương trình hỗ trợ thí điểm các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác” (dưới đây gọi tắt là Chương trình), với những nội dung chủ yếu sau:
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN ÁP DỤNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Đối tượng áp dụng
Chương trình này áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp nhỏ và vừa) thực hiện việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
2. Thời gian áp dụng Chương trình: đến ngày 31 tháng 12 năm 2016.
II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Chương trình này thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao khả năng quản lý của doanh nghiệp thông qua giải pháp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác phù hợp với loại hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo nguyên tắc hỗ trợ một phần kinh phí tư vấn, chứng nhận hệ thống.
2. Đối tượng doanh nghiệp được thí điểm hỗ trợ thuộc phạm vi của Chương trình này được nghiên cứu, quy định cụ thể để đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp với các Chương trình, Dự án khác, tránh gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.
III. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu tổng quát:
a) Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác để nâng cao khả năng quản lý của doanh nghiệp, vượt qua các rào cản kỹ thuật, tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá;
b) Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
c) Trên cơ sở đánh giá hiệu quả Chương trình thí điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác, phổ biến, mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng Chương trình;
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Giai đoạn 2011 - 2012:
- Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm Chương trình được triển khai thực hiện một cách hiệu lực và hiệu quả;
- Nâng cao kiến thức về hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về hiệu quả của việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
b) Giai đoạn 2012 - 2016:
- Hàng năm, tối đa 1020 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ một phần kinh phí tư vấn, chứng nhận để xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và được đánh giá chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác, trong đó mỗi thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ tối đa cho 30 doanh nghiệp nhỏ và vừa, mỗi tỉnh trực thuộc Trung ương hỗ trợ tối đa cho 15 doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Hình thành hệ thống các tổ chức tư vấn, tổ chức chứng nhận, đội ngũ chuyên gia tư vấn, đánh giá đáp ứng yêu cầu tư vấn, đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
IV. NHIỆM VỤ CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Nghiên cứu, quy định cụ thể tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác về hệ thống quản lý để xây dựng, áp dụng phù hợp với mỗi loại đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn, chuyên gia chứng nhận và mạng lưới các tổ chức, cá nhân tư vấn, chứng nhận các hệ thống quản lý tiên tiến.
3. Quy định cụ thể điều kiện hoạt động đối với tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn, tổ chức chứng nhận, chuyên gia đánh giá.
4. Tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
5. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
6. Thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo quy định.
7. Tổng kết kết quả thực hiện Chương trình, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng Chương trình.
V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp về tài chính:
a) Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình:
- Nguồn vốn của doanh nghiệp là chủ yếu để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, người lao động và xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện các hoạt động sau:
+ Hoạt động tuyên truyền, đào tạo được lồng ghép với Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 05 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
+ Hoạt động nghiên cứu đề xuất các tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác áp dụng phù hợp với từng doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình;
+ Hoạt động hỗ trợ một phần kinh phí tư vấn, chứng nhận cho doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác;
- Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
b) Mức hỗ trợ kinh phí tư vấn, chứng nhận cho doanh nghiệp:
Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ 90% kinh phí tư vấn, chứng nhận thực tế để doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê tư vấn, chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác nhưng tối đa không vượt quá 50 triệu đồng (40 triệu đồng tư vấn và 10 triệu đồng chứng nhận)/01 loại hình áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến.
c) Hàng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lấy từ ngân sách địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Giải pháp về tổ chức và nhân lực:
a) Quy định cụ thể điều kiện hoạt động đối với tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn, tổ chức chứng nhận, chuyên gia đánh giá để lựa chọn các tổ chức, cá nhân có năng lực, uy tín, hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, tư vấn và chứng nhận các hệ thống quản lý trên phạm vi toàn quốc thực hiện các hoạt động tư vấn, chứng nhận cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
b) Phối hợp với các tổ chức quốc tế, đội ngũ giảng viên, chuyên gia tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức, năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Điều hành Chương trình:
Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) là cơ quan đầu mối, tổ chức thực hiện Chương trình.
VI. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:
a) Ban hành và triển khai thực hiện các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình.
b) Quy định cụ thể tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế khác về hệ thống quản lý để xây dựng, áp dụng phù hợp với mỗi loại đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa;
c) Quy định cụ thể điều kiện hoạt động đối với tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn, tổ chức chứng nhận, chuyên gia đánh giá và quy định việc cấp thẻ cho các chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá đủ điều kiện;
d) Quy định điều kiện của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem xét hỗ trợ; trình tự, thủ tục hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ; hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp vi phạm quy định.
đ) Tổ chức thực hiện Chương trình và điều hành hoạt động của Chương trình;
e) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và hiệu quả thực hiện Chương trình.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ thuộc Chương trình.
3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn theo quy định.
b) Tổ chức hoạt động tuyên truyền, đào tạo và huy động các nguồn lực, lồng ghép các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn với các nội dung thuộc Chương trình này để triển khai thực hiện, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp với các Chương trình, Dự án khác, tránh gây lãng phí cho ngân sách nhà nước;
c) Định kỳ hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả và hiệu quả thực hiện Chương trình gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d) Kiểm tra, bảo đảm việc thực hiện Chương trình đúng đối tượng và đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Trường hợp không thực hiện theo đúng quy định, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ có trách nhiệm:
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ theo Chương trình này có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của mình, phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành nếu có hành vi vi phạm hoặc làm trái với các quy định liên quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án Nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - UB Giám sát tài chính QG; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia HCM; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư. |
THỦ TƯỚNG
|
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 2
Cơ quan soạn thảo Bộ Khoa học và Công nghệ
Loại tài liệu Quyết định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.