Dự thảo Quyết định về chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong nông nghiệp
Ngày đăng: 11:39 15-11-2011 | 2589 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
Dự thảo
QUYẾT ĐỊNH
Về chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong nông nghiệp
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định một số chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện liên kết gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ nông sản với người sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân, trang trại), tổ chức, nhà khoa học thông qua hợp đồng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng nhận ưu đãi và hỗ trợ quy định tại Quyết định này gồm:
1. Doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ (sau đây gọi chung là hợp đồng liên kết sản xuất) với người sản xuất trong vùng nguyên liệu.
2. Người sản xuất trong vùng nguyên liệu tham gia liên kết sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp.
3. Tổ chức khoa học, nhà khoa học có hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với doanh nghiệp và người sản xuất trong vùng nguyên liệu.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Hợp đồng liên kết sản xuất được ký kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất ngay từ đầu vụ hoặc đầu chu kỳ sản xuất và thực hiện theo hình thức doanh nghiệp ứng trước cho người sản xuất một phần vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và mua lại nông sản hàng hoá có đảm bảo giá mua tối thiểu.
Hợp đồng liên kết sản xuất phải bảo đảm nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật.
2. Vùng nguyên liệu quy định tại Quyết định này là vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, muối, nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ theo quy hoạch vùng nguyên liệu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 4. Điều kiện áp dụng hỗ trợ
1. Các đối tượng theo quy định tại Điều 2 Quyết định này thực hiện liên kết sản xuất thuộc nhóm loại nông sản đặc biệt ưu tiên là loại nông sản chiến lược, chủ lực phục vụ cho xuất khẩu, có giá trị gia tăng cao cần phải được tổ chức thành vùng hàng hoá chuyên canh gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ (danh mục do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định).
2. Các đối tượng theo quy định tại Điều 2 Quyết định này thực hiện liên kết sản xuất tiêu thuộc nhóm loại nông sản ưu tiên là loại nông sản có nhu cầu tiêu dùng lớn trong nước và có phục vụ xuất khẩu, giải quyết nhiều lao động, cần hình thành các vùng hàng hoá tập trung gắn liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ (danh mục do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định).
Điều 5. Một số chính sách chủ yếu khuyến khích phát triển liên kết sản xuất
1. Đối với doanh nghiệp
a) Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, tu sửa cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu: Các doanh nghiệp được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí nâng cấp, tu sửa các cơ sở hạ tầng sản xuất bị hư hỏng, xuống cấp gây cản trở cho phát triển vùng nguyên liệu.
Mức hỗ trợ tối đa không quá 30% tổng kinh phí của các công trình này đối với vùng sản xuất ngành hàng nông sản đặc biệt ưu tiên và 20% đối với ngành hàng nông sản ưu tiên.
Nguồn vốn và thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
b) Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp có cơ sở đào tạo nghề cho công nhân trong nông nghiệp.
Nguồn vốn và thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
c) Ưu tiên cấp ngân sách kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất để thực hiện các hoạt động khuyến nông.
Nguồn vốn và thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chương trình khuyến nông, khuyến lâm.
2. Đối với tổ chức kinh tế hợp tác của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác)
- Hỗ trợ đào tạo, tập huấn cán bộ, xã viên HTX nông nghiệp và cán bộ tổ hợp tác trong nông nghiệp.
Nguồn vốn và thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí khi ký kết hợp đồng.
3. Đối với nông dân:
- Được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
- Được hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí khi thương thảo ký kết và xử lý tranh chấp hợp đồng.
4. Đối với các tổ chức khoa học, nhà khoa học:
Hỗ trợ tổ chức khoa học, nhà khoa học có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp hoặc trang trại, HTX, tổ hợp tác liên kết nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất. Nội dung hỗ trợ bao gồm: được vay vốn ưu đãi để đầu tư kinh phí cho nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất thử.
Nguồn vốn và thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định của Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ và quy định tại Điều 12 Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Theo dõi tổng hợp việc triển khai thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản giữa nông dân và các thành phần kinh tế khác báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Quy định danh sách các loại hàng nông sản đặc biệt ưu tiên và danh mục các loại hàng nông sản ưu tiên phát triển liên kết sản xuất.
c) Hướng dẫn việc hỗ trợ các hoạt động khuyến nông của doanh nghiệp để chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho người sản xuất.
d) Xây dựng dự án liên kết sản xuất thí điểm đối với một số loại hàng nông sản thuộc diện đặc biệt ưu tiên trong giai đoạn 2012-2015.
Kinh phí thực hiện các dự án mô hình liên kết bố trí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển nông thôn mới.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
Ban hành quy chế quản lý vùng nguyên liệu để tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn theo quy định của Luật đầu tư.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc hoàn thuế VAT cho các HTX nông nghiệp.
4. Bộ Công thương có trách nhiệm xây dựng đề án nâng cao năng lực một số hiệp hội ngành hàng nông sản chính.
5. Bộ Tư pháp có trách nhiệm:
a) Huớng dẫn thực hiện các quy định chế tài xử phạt trong Luật dân sự áp dụng cho liên kết sản xuất.
b) Hướng dẫn hình thức và các nội dung chính của hợp đồng liên kết sản xuất.
c) Nghiên cứu đề xuất bổ sung vào Luật trợ giúp pháp lý để người sản xuất cũng được hưởng tư vấn pháp lý miễn phí khi tham gia các hợp đồng liên kết sản xuất. Hướng dẫn thành lập các trung tâm tư vấn pháp lý ở các địa phương để thuận lợi cho người dân khi cần tư vấn pháp lý trong thương thảo hợp đồng và xử lý tranh chấp hợp đồng.
6. Hội Nông dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia hỗ trợ các hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác.
7. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến liên kết sản xuất cho doanh nghiệp và nông dân.
b) Chỉ đạo hỗ trợ người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng đã ký kết, xử lý những vướng mắc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương.
c) Chỉ đạo xây dựng, phát triển các hình thức liên kết sản xuất trong các xã nông thôn mới của tỉnh.
d) Chỉ đạo việc đăng ký hoạt động và quản lý các hoạt động của thương lái trong địa phương thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành.
đ) Xây dựng một số dự án mô hình liên kết sản xuất thí điểm gắn với ngành hàng thế mạnh của địa phương.
Điều 7. Điều khoản thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Loại tài liệu Quyết định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 4 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.