Theo dõi (0)

Dự thảo Quyết định Phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020

Ngày đăng: 07:54 14-11-2007 | 2611 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Thông tin và Truyền thông

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông;

Căn cứ Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Thống nhất hạ tầng truyền dẫn phát sóng trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại hệ thống truyền dẫn phát sóng PTTH đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, đảm bảo hệ thống hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH có thể chuyển tải được các dịch vụ PTTH, viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ và dịch vụ.

2. Thúc đẩy việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng từ công nghệ tương tự sang công nghệ số nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ PTTH và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số.

3. Hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn phát sóng PTTH phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ, tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư, thu hút các nguồn đầu tư từ toàn xã hội nhằm phát triển hệ thống PTTH.

II. CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Chỉ tiêu phát triển mạng lưới

a. Đến năm 2010, phủ sóng truyền hình mặt đất trên cơ sở kết hợp các phương thức truyền dẫn (mặt đất, vệ tinh, cáp...) tới 95% lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo đa số hộ dân có thể thu được các chương trình PTTH công ích thông qua các phương tiện thu xem đơn giản nhất.

b. Đến năm 2015, phủ sóng phát thanh AM-FM tới toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo 100% hộ dân có thể thu được các chương trình phát thanh quốc gia thông qua các phương tiện thu phổ biến.

c. Đến năm 2010, triển khai mạng truyền hình cáp tại 100% trung tâm các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; đến năm 2015 triển khai đến các huyện trong các vùng kinh tế trọng điểm.

d. Hoàn thành lộ trình số hóa mạng lưới truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất trong giai đoạn 2015 – 2020, mạng lưới truyền dẫn phát sóng phát thanh trong giai đoạn 2015- 2025 trên cơ sở 95% số hộ gia đình trên cả nước thu được chương trình PTTH công ích thông qua các mạng PTTH số mặt đất, cáp và vệ tinh.

2. Chỉ tiêu phát triển dịch vụ

a. Bảo đảm cung cấp cho đa số người dân các dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH hiện đại đa dạng, phong phú, đa phương tiện, phù hợp với thu nhập của mọi đối tượng đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Đảng Nhà nước, phục vụ nhu cầu thông tin và giải trí.

b. Đến năm 2020 bảo đảm đa số các hộ gia đình ở vùng khó khăn có nhu cầu được cung cấp thiết bị đầu cuối thu các chương trình truyền hình kỹ thuật số với giá phù hợp.

c. Đến năm 2025 bảo đảm đa số các hộ gia đình ở vùng khó khăn có nhu cầu được cung cấp thiết bị đầu cuối thu các chương trình phát thanh kỹ thuật số với giá phù hợp.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Định hướng phát triển thị trường truyền dẫn phát sóng

a. Tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng lành mạnh cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia truyền dẫn phát sóng PTTH.

b. Hình thành các tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh có cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH quy mô lớn trên cơ sở ưu tiên phân bổ tỷ lệ nhất định tài nguyên quốc gia và cơ chế phát triển đặc thù.

c. Thống nhất về hạ tầng truyền dẫn phát sóng trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống truyền dẫn phát sóng PTTH một cách khoa học hợp lý.

d. Phát triển và khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH tại các nước nằm trong vùng phủ sóng vệ tinh Vinasat.

2. Định hướng phát triển mạng truyền dẫn phát sóng

a. Mạng truyền dẫn phát sóng PTTH phát triển theo cấu trúc hiện đại và tương thích tạo thành mạng quốc gia đáp ứng được yêu cầu là một hạ tầng thống nhất.

b. Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH giữa trung ương và địa phương đảm bảo khai thác, quản lý sử dụng có hiệu quả.

c. Hoàn thiện mạng truyền hình cáp theo hướng tăng cường sử dụng cáp sợi quang và nâng cao tỷ lệ cáp ngầm dưới mặt đất để cải thiện chất lượng mỹ quan đô thị.

d. Đẩy mạnh phát triển các mạng viễn thông, truyền hình di động thế hệ mới.

3. Định hướng phát triển công nghệ

a. Ưu tiên phát triển công nghệ truyền hình cáp, truyền hình di động tại những vùng thành thị, những vùng có mật độ dân cư cao; Ưu tiên sử dụng công nghệ truyền hình số mặt đất đối với việc phổ cập truyền hình tại các vùng đồng bằng; Tăng cường sử dụng truyền hình số DTH, các trạm phát lại công suất nhỏ và trung bình tại những vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

b. Lựa chọn tiêu chuẩn PTTH thế hệ mới được đa số các nước trên thế giới lựa chọn, phù hợp với điều kiện và thử nghiệm thành công tại Việt Nam.

c. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi mạng truyền hình cáp sang sử dụng công nghệ số phù hợp xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ.

4. Định hướng phát triển dịch vụ truyền dẫn phát sóng

a. Ưu tiên phát triển các dịch vụ PTTH, truyền thông đa phương tiện kết hợp với các dịch vụ viễn thông và Internet trên cùng một hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH.

b. Chú trọng phát triển mạnh các dịch vụ PTTH thế hệ mới, thương mại điện tử, dịch vụ giá trị gia tăng trên cơ sở hạ tầng đã được đầu tư.

c. Phân loại dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH để có chính sách quản lý một cách phù hợp.

IV. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH mặt đất đến năm 2020

1.1. Đối với truyền hình

a. Phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn phát sóng:

- Hoạt động cung cấp nội dung thông tin, biên tập, sản xuất chương trình và quy hoạch các đài PTTH thực hiện theo Luật báo chí và quy hoạch báo chí đối với loại hình báo tiếng, báo hình, báo điện tử.

- Hoạt động truyền dẫn phát sóng và các tổ chức cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về viễn thông và tần số vô tuyến điện và các quy định liên quan.

b. Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực PTTH, tuỳ thuộc vào điều kiện, khả năng và quy định của pháp luật có thể thực hiện một hoặc cả hai chức năng trên.

c. Xây dựng hệ thống các tiêu chí phân biệt giữa hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH phục vụ công ích với hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH thương mại dựa trên các đặc điểm về nguồn tài chính, mục đích, tính chất phục vụ, mối quan hệ với Chính phủ... để có cơ chế đặc thù ưu tiên về tài nguyên và các chính sách hỗ trợ phát triển.

d. Các đài PTTH quốc gia được ưu tiên phân bổ một tỷ lệ tài nguyên nhất định, ưu đãi về phí và lệ phí sử dụng tài nguyên nhằm phục vụ các chương trình PTTH công ích. Phần tài nguyên còn lại được phân bổ cho các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp khác thỏa mãn các tiêu chí theo nguyên tắc đấu giá tài nguyên. Phần kinh phí thu được sẽ phục vụ cho các mục tiêu số hóa mạng lưới truyền dẫn phát sóng PTTH mặt đất.

e. Xây dựng hệ thống tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp có đủ điều kiện về tài chính, năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật và sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, tài nguyên tần số để cấp phép đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH di động mặt đất trên phạm vi địa giới hành chính tỉnh, TP, vùng, miền hay cả nước. Các đơn vị này có thể cung cấp nội dung thông tin hoặc cho thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

g. Giai đoạn đầu, ưu tiên sử dụng bộ tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T, tiêu chuẩn truyền hình di động mặt đất DVB-H để triển khai tại Việt Nam. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống phát sóng số mặt đất đơn tần (SFN). Các giai đoạn sau cần có nghiên cứu đánh giá, lựa chọn kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn các tiêu chuẩn phù hợp và phương án đầu tư hợp lý.

h. Quy hoạch tần số cho hệ thống truyền dẫn phát sóng PTTH mặt đất.

Quy hoạch băng tần dành cho truyền dẫn phát sóng PTTH mặt đất bao gồm:

- AM - MF (MW) phát thanh 535 – 1.606,5 MHz

- Băng II phát thanh FM 87 - 108 MHz

- Băng III VHF (174 - 230 MHz);

- Băng UHF (470 - 806 MHz);

Trong giai đoạn chuyển đổi công nghệ tương tự sang số, ưu tiên sử dụng các kênh chưa phân bổ cho truyền hình tương tự trong dải tần UHF (từ 470 – 806 MHz) và tái sử dụng các kênh tần số khác theo vị trí địa lý để quy hoạch băng tần cho phát triển truyền hình số mặt đất và truyền hình di động mặt đất.

i. Lộ trình số hóa phát sóng PTTH mặt đất:

Giai đoạn từ nay đến 2010:

- Hoàn thành việc phát triển mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Chỉ đầu tư thêm các trạm phát lại tương tự công suất nhỏ và trung bình nhằm phủ sóng đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng khi thực sự cần thiết.

- Triển khai đầu tư hệ thống truyền dẫn phát sóng số lần lượt theo từng vùng, theo thứ tự các khu vực có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao, khan hiếm tần số thì triển khai phát sóng số và chuyển đổi trước. Các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn hơn sẽ được chuyển đổi sau.

- Xây dựng chính sách và lộ trình ngừng sản xuất và nhập khẩu máy thu hình tương tự, hỗ trợ về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất máy thu hình số, đầu thu truyền hình số phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Xây dựng dự án cung cấp đầu thu truyền hình số giá rẻ cho cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, dự án trợ giá đầu thu truyền hình số cho các hộ gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, những vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo, các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng...

Giai đoạn từ 2010 – 2015:

- Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số trên cơ sở phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về tần số, tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ và vùng phủ sóng...

- Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được phép truyền dẫn, phát sóng PTTH đồng thời cả hệ thống tương tự và số kể từ thời điểm phát sóng truyền hình số, sau đó việc phát sóng truyền hình tương tự mặt đất phải chấm dứt dự kiến trước năm 2015 tại các tỉnh đồng bằng và tại các thành phố.

- Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo... nơi mà việc xây phát triển mạng truyền hình số mặt đất gặp nhiều khó khăn, cần triển khai các phương án để phổ cập dịch vụ PTTH tại những khu vực này là: (i) Thu trực tiếp tín hiệu từ vệ tinh qua đầu thu DTH và (ii) Thu tín hiệu từ vệ tinh bằng đầu thu DTH và sau đó phát lại sử dụng máy phát lại công suất nhỏ hoặc máy phát lại công suất trung bình tùy theo mật độ và diện tích vùng dân cư.

Giai đoạn từ 2015 – 2020:

- Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH sô tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống truyền dẫn, phát sóng số mặt đất tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... Các đơn vị vẫn duy trì phát tín hiệu truyền hình tương tự song song với truyền hình số tại các khu vực chưa sẵn sàng chuyển đổi trên cơ sở phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về tần số, truyền dẫn, phát sóng

- Triển khai dự án trợ giá cho các hộ gia đình nghèo thông qua đấu thầu.

- Chính phủ sẽ tuyên bố chấm dứt việc sử dụng công nghệ phát sóng tương tự khi 95% số hộ gia đình trên cả nước sẵn sàng cho thiết bị đầu cuối thu truyền hình số, phấn đấu trước năm 2020.

k. Đối với các đơn vị PTTH địa phương chưa đủ điều kiện cấp phép truyền hình số mặt đất:

Giai đoạn từ nay đến 2010:

- Hoàn thành việc phát triển mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự theo các quy hoạch đã được phê duyệt bảo đảm phủ sóng phát sóng phát thanh truyền hình tương tự đến người dân trên địa bàn.

- Các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng truyền dẫn, phát sóng PTTH số mặt đất bảo đảm ít nhất một chương trình PTTH địa phương công cộng được chuyển tải trên hệ thống truyền hình số của mình khi triển khai phủ sóng đến địa phương đó.

Giai đoạn từ 2010 – 2020:

- Thu hẹp dần phạm vi phủ sóng đối với dịch vụ truyền hình tương tự địa phương trước mắt là tại các khu vực thành phố, thị xã trước năm 2015. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa tùy theo đặc thù của mình, đơn vị cùng phối hợp với các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng truyền dẫn, phát sóng PTTH số mặt đất trên địa bàn thống nhất lộ trình phù hợp kết thúc việc truyền dẫn, phát sóng PTTH tương tự với thời điểm dự kiến trước năm 2020.

- Phấn đấu đến trước năm 2020, chấm dứt hoàn toàn việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sử dụng công nghệ tương tự, các đơn vị PTTH chưa đủ điều kiện cấp phép chỉ đảm nhiệm chức năng sản xuất nội dung thông tin.

1.2. Đối với phát thanh:

Giai đoạn từ nay đến năm 2015

- Từ nay đến 2015 hoàn thành việc phát triển mạng truyền dẫn phát sóng phát thanh tương tự theo các quy hoạch đã được phê duyệt, sau thời điểm này không đầu tư mở rộng vùng phủ sóng phát thanh sử dụng công nghệ tương tự.

- Nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ phát thanh số để lựa chọn chuẩn phát thanh số cho Việt Nam.

- Xây dựng phương án khả thi chuyển đổi từ phát thanh tương tự sang phát thanh số.

Giai đoạn sau năm 2015.

- Triển khai đầu tư hệ thống truyền dẫn phát sóng phát thanh số trên phạm vi cả nước, sau khi hoàn thiện việc thử nghiệm và lựa chọn được tiêu chuẩn phát thanh số cho Việt Nam trên cơ sở tiêu chuẩn số được đa số các nước trên thế giới lựa chọn và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam.

- Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu máy thu thanh số, hỗ trợ về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy thu thanh trong nước đầu tư dây chuyền sản xuất máy thu thanh số, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Xây dựng dự án sản xuất và cung cấp máy thu thanh số giá rẻ cho cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, dự án trợ giá máy thu thanh số cho các hộ gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, những vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo, các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

- Phấn đấu trước năm 2025, chấm dứt hoàn toàn việc truyền dẫn, phát sóng phát thanh mặt đất sử dụng công nghệ tương tự.

2. Quy hoạch truyền dẫn phát sóng truyền hình cáp đến năm 2020

a. Truyền hình cáp hữu tuyến

- Truyền hình cáp là dịch vụ có thu lợi nhuận do đó tạo môi trường cạnh tranh để người tiêu dùng có được dịch vụ với chất lượng tốt và giá cả phù hợp, phân biệt chức năng cung cấp nội dung thông tin độc lập với chức năng xây dựng hạ tầng mạng truyền hình cáp. Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất quản lý về cấp phép, tiêu chuẩn, chất lượng mạng truyền hình cáp trên phạm vi quốc gia.

- Xây dựng hệ thống tiêu chí cấp phép đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng mạng truyền hình cáp tại các tỉnh, thành phố để lựa chọn các doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tiềm lực về tài chính, năng lực kinh nghiệm và sử dụng hiệu quả hạ tầng, nâng cao tỷ lệ cáp ngầm để bảo đảm chất lượng dịch vụ và mỹ quan đô thị.

b. Truyền hình cáp vô tuyến (MMDS: Ngừng việc đầu tư phát triển thêm các thuê bao MMDS. Trong năm 2008, hoàn thành phương án chuyển đổi công nghệ đối với các khách hàng sử dịch vụ này. Nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí cấp phép băng tần 2,5 – 2,7 GHz, phục vụ cho các dịch vụ băng rộng theo khuyến nghị của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU đảm bảo việc sử dụng hiệu quả băng tần này.

3. Quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH vệ tinh đến năm 2020

a. Phát triển thị trường dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH vệ tinh, đặc biệt đối với vệ tinh Vinasat để cung cấp dịch vụ PTTH trên toàn lãnh thổ quốc gia và quốc tế nhằm phổ cập và cung cấp dịch vụ PTTH đến những vùng mà cơ sở hạ tầng mặt đất chưa vươn tới được và phục vụ phủ sóng các chương trình PTTH đối ngoại.

b. Vệ tinh Vinasat phục vụ truyền dẫn phát sóng PTTH phải có giá cước thuê dung lượng cạnh tranh so với quốc tế để kinh doanh, phổ cập các dịch vụ PTTH và thực hiện nhiệm vụ đối ngoại.

c. Xây dựng hệ thống tiêu chí cấp phép xây dựng, khai thác và kinh doanh hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH qua vệ tinh cho các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm kỹ thuật và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, khai thác triệt để cơ sở hạ tầng đã đầu tư.

d. Các đơn vị chưa đủ điều kiện cấp phép thuê hạ tầng của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng trên cơ sở thỏa thuận và hợp đồng kinh tế để chuyển tải nội dung đến khán thính giả.

V. CÁC GIẢI PHÁP

1. Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức, tuyên truyền và thông tin

a. Nâng cao nhận thức, tuyên truyền và thông tin đến nhân dân, cán bộ quản lí các doanh nghiệp và đơn vị PTTH bằng tất cả các kênh thông tin về lợi ích, sự cần thiết của việc chuyển đổi sang công nghệ số và những mô hình, lộ trình, kinh nghiệm chuyển đổi sang PTTH số thành công của các nước trong khu vực và trên thế giới.

b. Công bố nội dung của quy hoạch này trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt về lộ trình và các giải pháp chuyển đổi sang PTTH sử dụng công nghệ số để người dân, doanh nghiệp PTTH, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị… có kế hoạch phù hợp với lộ trình này.

2. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, luật pháp

a. Xây dựng chương trình số hóa truyền dẫn, phát sóng PTTH để quản lý hạ tầng truyền dẫn phát sóng đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trên phạm vi cả nước.

b. Xây dựng các chính sách và quy định quản lý đối với các loại hình truyền dẫn phát sóng PTTH công ích và có thu phí.

c. Xây dựng và điều chỉnh các văn bản pháp luật: nghiên cứu bổ sung, sửa đổi một số quy định trước đây không còn phù hợp với tình hình hiện nay như Quyết định số 79/2002/QĐ-TTg ngày 18/6/2002 về việc quản lý đối tượng thu các chương trình truyền hình nước ngoài từ vệ tinh, sửa đổi Luật Báo chí. Xây dựng ban hành các văn bản pháp luật quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực truyền dẫn phát sóng PTTH như: Luật Viễn thông, Luật Tần số - Vô tuyến điện, các văn bản liên quan đến các dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH mới như: PTTH Internet, PTTH di động...

d. Quản lý tiêu chuẩn chất lượng thiết bị và dịch vụ trên cơ sở chứng nhận hợp chuẩn và các quy định quản lý chất lượng dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

e. Bảo vệ quyền lợi người sử dụng: Xây dựng các quy định về quản lý giá cước, chất lượng, các điều kiện bảo đảm môi trường của dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH trong thị trường có cạnh tranh, giải quyết tốt mọi khiếu nại giữa người dân với doanh nghiệp và khiếu nại giữa các doanh nghiệp và tổ chức tham gia hoạt động truyền dẫn phát sóng.

3. Nhóm giải pháp về chỉ đạo, đổi mới tổ chức bộ máy sản xuất, kinh doanh

a. Thành lập Ban Chỉ đạo “Số hóa phát thanh, truyền hình Việt Nam” của Chính phủ do Bộ Thông tin và Truyền thông làm thường trực nhằm giúp Chính phủ triển khai đồng bộ quy hoạch và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ số hóa lĩnh vực truyền dẫn phát sóng PTTH Việt Nam.

b. Tổ chức và xây dựng một số tập đoàn truyền thông mạnh: Các đài phát thanh, truyền hình quốc gia và các đơn vị được cấp phép chịu trách nhiệm phát triển mạng truyền dẫn, phát sóng PTTH quốc gia phủ sóng cả nước theo hướng hình thành các tập đoàn truyền thông lớn của Việt Nam.

c. Hạ tầng truyền dẫn phát sóng phải được quản lý sử dụng có hiệu quả theo hướng một máy phát sóng số cần truyền đồng thời nhiều chương trình của các đài PTTH trung ương và địa phương do đó:

* Các đơn vị PTTH vẫn đảm nhiệm chức năng truyền dẫn phát sóng PTTH tương tự cho đến khi chấm dứt hoàn toàn truyền hình tương tự theo lộ trình.

* Kể từ thời điểm chấm dứt truyền hình tương tự các đơn vị PTTH chưa đủ điều kiện cấp phép khai thác hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH số mặt đất tại địa bàn chỉ đảm nhận chức năng sản xuất nội dung thông tin.

* Việc truyền dẫn tín hiệu PTTH đến khán thính giả được thực hiện thông qua thỏa thuận hoặc hợp đồng kinh tế với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng truyền dẫn phát sóng trên địa bàn.

* Đối với phát thanh, cho phép các đơn vị PTTH thỏa thuận với các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp có chức năng truyền dẫn phát sóng PTTH số trên địa bàn đảm nhiệm việc khai thác có hiệu quả các thiết bị phát thanh tương tự.

4. Nhóm giải pháp về phát triển các nguồn lực

a. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy thu hình số, thiết bị đầu cuối thu số thông qua các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng có tính đến lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, phụ tùng phục vụ thay thế nhập khẩu.

b. Huy động mọi vốn đầu tư từ việc đấu giá tần số PTTH để xây dựng Quỹ Thúc đẩy Số hóa PTTH, các nguồn đầu tư từ xã hội, các doanh nghiệp thông qua liên doanh, liên kết, cổ phần hóa để sản xuất máy thu hình số, thiết bị thu truyền hình số.

c. Huy động các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA để cùng với nguồn vốn ngân sách Nhà nước thúc đẩy việc phủ sóng PTTH đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và hỗ trợ thiết bị đầu cuối truyền hình số cho các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…

d. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực:

- Đẩy mạnh đào tạo và đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên và thợ lành nghề để đáp ứng cho yêu cầu mới, ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm phủ sóng PTTH tới mọi miền của đất nước.

- Xây dựng hệ thống đào tạo chuyên ngành kỹ thuật PTTH, phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật PTTH có tính chuyên nghiệp cao tại các cơ sở đào tạo do Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ sở đào tạo khác về điện tử - viễn thông và công nghệ thông tin đảm nhiệm.

e. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế về PTTH, phối hợp với các tổ chức trong việc trao đổi, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý PTTH.

Điều 2: Tổ chức thực hiện

1. Bộ Thông tin và Truyền thông

Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện quy hoạch, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của đất nước, trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung cần cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình số hóa truyền dẫn phát sóng PTTH và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc triển khai và thực hiện chương trình này.

Căn cứ vào tình hình và nhu cầu phát triển của thị trường truyền dẫn phát sóng PTTH, xây dựng hệ thống các tiêu chí cung cấp hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH.

Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị PTTH ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật trong truyền dẫn phát sóng.

Xây dựng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo “Số hóa phát thanh, truyền hình Việt Nam ” đảm bảo hoạt động hiệu quả.

2. Bộ Kế hoạch Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính trong việc huy động vốn và các nguồn tài trợ cho việc phát triển, hiện đại hóa hệ thống PTTH; xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án hỗ trợ đầu thu số chuẩn bị cho lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng PTTH.

3. Bộ Tài chính: Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định nguồn chi ngân sách hằng năm cho việc hiện đại hóa mạng lưới PTTH, thành lập Quỹ Thúc đẩy Số hóa PTTH, các dự án trọng điểm và các chương trình mục tiêu phục vụ cho phát triển lĩnh vực PTTH, hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính đầu tư cho PTTH.

4. Đài Truyền hình Việt Nam: Chủ trì triển khai nhóm dự án mở rộng phủ sóng truyền hình tới các thôn bản vùng sâu, vùng xa, phát triển mạng phát sóng số mặt đất quốc gia cung cấp dịch vụ truyền hình công, xây dựng mạng truyền hình trả tiền chất lượng cao phục vụ nhu cầu của nhân dân. Phối hợp với các Bộ, Ngành trong việc xây dựng lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật trong truyền hình, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH thực hiện các mục tiêu số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình và chia sẻ hạ tầng truyền dẫn phát sóng. Đổi mới tổ chức và hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.

5. Đài Tiếng nói Việt Nam: Chủ trì mở rộng vùng phủ sóng phát thanh quốc gia đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biển Tổ quốc, phát triển mạng phát thanh số mặt đất quốc gia cung cấp dịch vụ phát thanh công. Phối hợp với các Bộ, Ngành trong việc xây dựng lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật trong phát thanh, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH thực hiện các mục tiêu số hóa truyền dẫn phát sóng phát thanh và chia sẻ hạ tầng truyền dẫn phát sóng. Đổi mới tổ chức và hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.

6. Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép xây dựng hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH số: Phối hợp với các Bộ, Ngành trong việc xây dựng lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật trong truyền dẫn phát sóng PTTH. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH thực hiện lộ trình số hóa và chia sẻ hạ tầng truyền dẫn phát sóng.

7. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Triển khai và chỉ đạo các đài PTTH thuộc địa phương thực hiện quy hoạch này trên địa bàn, bảo đảm tốt vùng phủ sóng PTTH đến mọi người dân trong địa phương.

8. Các đài PTTH các tỉnh, thành phố: Thực hiện các nội dung của quy hoạch này liên quan đến phạm vi và trách nhiệm của mình.

Điều 3 . Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng giám đốc và Giám đốc các đơn vị PTTH chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng,

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ

- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- HĐND, UBND các tỉnh, TP thành phố trực thuộc TW

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;

- Học viện Chính trị Quốc gia HCM;

- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,

- Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ

- Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, CN (5b),

- Lưu VT.

 THỦ TƯỚNG

 

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

 

DỰ THẢO QUY HOẠCH TRUYỀN DẪN PHÁT SÓNG PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH ĐẾN NĂM 2020

I.   TỔNG QUAN

I.1. Sự cần thiết xây dựng quy hoạch

Hiện nay trên phạm vi cả nước đã có các quy hoạch phát thanh, truyền hình (PTTH) trung ương và địa phương (Quy hoạch Đài Truyền hình Việt Nam đến năm 2010, Quy hoạch Đài Tiếng nói Việt Nam đến năm 2020, dự thảo quy hoạch PTTH các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đến năm 2010 và những năm tiếp theo). Các quy hoạch này phục vụ cho hoạt động của các đài với nội dung chủ yếu về sản xuất nội dung thông tin. Các quy hoạch này chưa đề cập đầy đủ về hạ tầng truyền dẫn phát sóng, chưa có sự phân biệt giữa PTTH phục vụ công ích và các loại hình PTTH khác.

Do chưa có quy hoạch trong lĩnh vực này nên việc đầu tư, khai thác hệ thống truyền dẫn phát sóng trên cả nước trong thời gian qua mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc mở rộng phủ sóng PTTH đưa thông tin đến người dân song vẫn còn phát triển manh mún, chồng chéo đặc biệt trong việc tổ chức, quản lý, xây dựng các hệ thống truyền dẫn, phát sóng giữa trung ương, vùng và địa phương. Các hệ thống truyền dẫn phát sóng này được đầu tư xây dựng riêng biệt phục vụ nhu cầu của từng đơn vị, do đó việc đầu tư thiết bị đạt hiệu quả chưa cao và việc sử dụng tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện còn chưa tiết kiệm. Mạng lưới các máy phát sóng mặt đất trong cả nước chưa hình thành một hệ thống mạng thống nhất giữa trung ương - khu vực - địa phương, do đó không sử dụng hết năng lực hiện có, dẫn đến tình trạng lãng phí về công suất phát sóng, gây can nhiễu lẫn nhau giữa các đài PTTH.

Các phương thức truyền dẫn phát sóng như mặt đất, cáp, vệ tinh trong thời gian qua phát triển một cách tự phát, chưa có định hướng. Một số dịch vụ mới như truyền hình di động, truyền hình Internet đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và đang hoàn thiện về tiêu chuẩn công nghệ, tuy nhiên ở Việt Nam chưa có định hướng cho sự phát triển của các dịch vụ này.

Quá trình số hóa truyền dẫn phát sóng PTTH đang là một xu thế tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc, vì vậy cần thiết phải xây dựng một lộ trình, kế hoạch chuyển đổi với các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin và PTTH khi mà các doanh nghiệp viễn thông có thể cung cấp các dịch vụ PTTH và các đơn vị truyền dẫn phát sóng PTTH có thể cung cấp cả dịch vụ viễn thông cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với các cấp quản lý.

Các nguồn đầu tư xã hội đối với việc đầu tư, phát triển hệ thống truyền dẫn phát sóng PTTH là rất tiềm năng, trong khi đó hiện nay việc đầu tư chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Hiện trạng hoạt động truyền dẫn phát sóng PTTH của cả nước còn nhiều bất cập không còn phù hợp với xu hướng phát triển đất nước và sự phát triển của khoa học công nghệ cụ thể như sau:

- Việc phát triển hệ thống truyền hình có thu phí (truyền hình cáp, truyền hình di động, truyền hình internet) chưa tuân theo một quy hoạch được hoạch định một cách khoa học, chặt chẽ với sự lựa chọn công nghệ một cách tối ưu.

- Quỹ tần số dành cho truyền hình mặt đất còn rất hạn hẹp, lượng phổ tần “sạch” dành cho truyền hình mặt đất không nhiều. Do vậy, việc tăng thêm kênh tần số cho phát sóng truyền hình rất khó khăn.

- Tại một vài khu vực, một số đài PTTH có xu hướng muốn đầu tư nâng cấp máy phát công suất lớn hơn, xây dựng cột anten cao hơn so với qui hoạch phân bổ kênh tần số truyền hình tương tự mặt đất đã được Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành. Điều này có thể dẫn đến tình trạng quy hoạch bị phá vỡ, gây can nhiễu đến các đài khác và làm giảm khả năng tái sử dụng nguồn tài nguyên phổ tần số quốc gia.

- Hiệu quả đầu tư các chương trình trọng điểm dành cho PTTH địa phương chưa cao, chưa triển khai đồng bộ và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nguồn đầu tư từ các chương trình dành cho khối PTTH Trung ương và khối PTTH địa phương.

Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về truyền dẫn, phát sóng bắt buộc áp dụng cũng còn thiếu, một số Tiêu chuẩn Việt Nam đã ban hành nhưng chưa đầy đủ. Ngay cả việc quản lý chất lượng thiết bị sản xuất trong nước cũng chưa được thực hiện chặt chẽ, dẫn tới tình trạng nhiều thiết bị phát sóng chưa đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn được đưa vào sử dụng. Nhiều đài phát sóng sử dụng máy không đúng tiêu chuẩn đã gây nhiễu có hại cho các đài khác.

Xuất phát từ thực tế và xu hướng phát triển, cần thiết phải xây dựng quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.

I.2. Căn cứ xây dựng quy hoạch

Điều 11 của Nghị định số 160 /2004/NĐ – CP ngày 03 tháng 09 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn thông chỉ rõ “Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về truyền dẫn phát sóng trong phạm vi cả nước”, trong đó yêu cầu Bộ Bưu chính, Viễn thông:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển truyền dẫn phát sóng trong phạm vi cả nước; Tổ chức, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cấp phép, tần số, tiêu chuẩn, chất lượng, giá cước để thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng;

c) Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để kiểm tra, kiểm soát việc truyền dẫn phát sóng phục vụ quốc phòng, an ninh."

Quyết định số: 219/2005/QĐ-TTG ngày 09/9/2005 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 chỉ rõ: “Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì trong việc phân bổ, quản lý phổ tần số, xây dựng đề án thống nhất quản lý mạng lưới truyền dẫn và phát sóng”.

Quyết định số 994/2005/QĐ-BBCVT ngày 27/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt dự án Quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH đến năm 2020.

Quyết định 192/2003/QĐ-BBCVT ngày 22/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt phân bổ kênh tần số cho truyền hình tương tự mặt đất VHF/UHF đến năm 2010.

Quyết định số 35/2005/QĐ-BBCVT ngày 21/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông về việc phê duyệt quy hoạch phân bổ kênh tần số cho phát thanh băng tần FM (87-108) MHz đến năm 2010.

Quyết định số 767/QĐ-TTg ngày 8/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Đài Truyền hình Việt Nam đến năm 2010.

Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 19/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Đài Tiếng nói Việt Nam đến năm 2010.

Thông báo số 116/TB-VPCP, ngày 22/5/2007 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Bưu chính, Viễn thông ngày 10/5/2007: “Đồng ý đẩy nhanh việc sử dụng kỹ thuật số trong phát thanh - truyền hình, Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì phối hợp với các cơ quan xây dựng và trình duyệt Đề án cụ thể”. “Đồng ý Bộ Bưu chính, Viễn thông cấp phép hạ tầng truyền dẫn và phát sóng PTTH, Bộ VH-TT quản lý và cấp phép phần nội dung thông tin”.

I.3. Phạm vi quy hoạch

  Quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH đến năm 2020 nhằm điều chỉnh những nội dung về truyền dẫn phát sóng PTTH như sau:

- Thị trường,

- Mạng lưới,

- Công nghệ, và

- Dịch vụ

cho các đối tượng:

- Truyền dẫn phát sóng PTTH mặt đất (PTTH tương tự mặt đất, Truyền hình số mặt đất, Truyền hình di động).

- Truyền hình cáp (Truyền hình cáp hữu tuyến, Truyền hình cáp vô tuyến).

- Phát thanh, truyền hình vệ tinh (DTH).

- Truyền hình Internet.

II. HIỆN TRẠNG TRUYỀN DẪN PHÁT SÓNG PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM

II.1. Hiện trạng truyền dẫn phát sóng PTTH mặt đất

1. Hiện trạng truyền dẫn, phát sóng PTTH tương tự mặt đất.

a. Hiện trạng phát thanh tương tự mặt đất

Hiện nay, hệ thống phát thanh của nước ta gồm hàng trăm đài phát sóng, trong đó riêng Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) trực tiếp quản lý 11 đài phát sóng với công suất hơn 8.000kw.

Hàng ngày Đài TNVN đang thực hiện phát sóng 6 hệ chương trình trên 72 làn sóng (28 sóng phát thanh AM-FM đối nội, 19 sóng phát thanh FM khu vực, 9 sóng phát thanh AM khu vực, 16 sóng phát thanh đối ngoại) cho đến nay sóng TNVN đã đến được với hơn 97% dân số cả nước.

Mỗi đài PTTH tỉnh, thành phố hiện nay có ít nhất 01 máy phát thanh công nghệ tương tự. Hiện nay tại các địa phương trong cả nước có 66 máy phát thanh FM với công suất từ 250w đến 20kw, 34 máy phát thanh AM công suất 800w đến 50kw, với tổng công suất phát thanh 95kw.

Có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có diện phủ sóng chương trình phát thanh của địa phương đạt 100%.

b. Hiện trạng truyền hình

-   Hiện trạng truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trung ương

Mạng truyền dẫn truyền hình trung ương với cơ sở vật chất, kỹ thuật được đổi mới, hiện đại hoá, mở rộng diện phủ sóng, nâng cao chất lượng hình ảnh và âm thanh, đáp ứng nhu cầu hội nhập thông tin khu vực và thế giới.

Hiện nay, cả nước có khoảng 14 triệu máy thu hình với gần 89% số hộ gia đình được xem truyền hình. Ngoài đài truyền hình quốc gia, còn có 5 trung tâm truyền hình ở các khu vực. Như vậy còn trên khoảng 10% số hộ gia đình chưa có điều kiện xem truyền hình quốc gia, tuy nhiên đây là những hộ tập trung tại những khu vực vùng sâu, vùng xa nhất nơi mà việc phổ cập dịch vụ truyền hình gặp rất nhiều khó khăn do địa hình nhiều phức tạp.

- Hiện trạng truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự mặt đất địa phương.

Hầu hết 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã có đài PTTH phát sóng các chương trình truyền hình do địa phương sản xuất. Cả nước có 134 máy phát hình có công suất từ 500w đến 30kw, tổng công suất là 457kw. Các máy PTTH đều có khả năng hoạt động liên tục 24/24 giờ. Tuy nhiên, ngoài đài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... phần lớn các đài địa phương có thời lượng chương trình tự sản xuất không quá 3 giờ/ngày. Tình trạng này gây nên sự lãng phí lớn về vùng phủ sóng và tài nguyên tần số.

Có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có diện phủ sóng truyền hình của địa phương đạt 100%. Các tỉnh miền núi diện phủ sóng PTTH chỉ đạt 40 – 50% như: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Kon Tum.

2. Hiện trạng truyền dẫn, phát sóng PTTH số mặt đất.

Mạng phát hình số mặt đất DVB-T do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC bắt đầu triển khai từ năm 2001. Sau 6 năm triển khai qua 4 giai đoạn, mạng truyền hình số đã phủ sóng trên 40 tỉnh thành với trên 30 điểm phát sóng phục vụ hàng triệu khán giả tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Hiện nay cả nước có gần 2 triệu hộ gia đình sử dụng thiết bị thu xem truyền hình số mặt đất, chiếm 10% số hộ gia đình.

II.2. Hiện trạng truyền dẫn phát sóng truyền hình cáp

1. Hiện trạng truyền dẫn phát sóng truyền hình cáp hữu tuyến

Hiện nay có 20 đơn vị hoạt động truyền hình cáp tại 25 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhìn chung các hệ thống truyền hình có thu phí phát triển tự phát, chưa có quy hoạch đồng bộ. Một số địa phương như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.. có sự phát triển chồng chéo nhau giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Mỗi nhà cung cấp dịch vụ đều có hệ thống truyền dẫn riêng của mình tới tận nhà thuê bao.

Các doanh nghiệp triển khai với mục tiêu kinh doanh vật tư thu phí lắp đặt cao của các hộ dân sau đó thu thuê bao hàng tháng với chất lượng kỹ thuật chưa được đảm bảo. Việc không đủ năng lực kỹ thuật và mục đích thu lợi nhuận nhanh nên mạng truyền hình cáp thường không sử dụng để cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng và như vậy không phát huy được thế mạnh của công nghệ truyền hình cáp và gây lãng phí hạ tầng kỹ thuật. Một số đơn vị sau khi xin giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp đã không triển khai dự án.

2 Hiện trạng truyền dẫn phát sóng truyền hình cáp vô tuyến (MMDS).

Truyền hình cáp vô tuyến tương tự MMDS (Multiprogram Multipoint Distribution System) sử dụng dải tần 2,5GHz – 2,7GHz.

Đài Truyền hình Việt Nam hiện đang sử dụng phương thức này để truyền tải các chương trình quốc gia và các chương trình có thu tiền đến hộ dân tại khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ước tính số lượng thuê bao sử dụng MMDS khoảng 30.000 thuê bao chủ yếu tại các khu vực truyền hình cáp chưa vươn tới được.

II.3. Hiện trạng truyền dẫn phát sóng PTTH vệ tinh

Đài Truyền hình Việt Nam hiện đang thuê dung lượng băng C và Ku trên vệ tinh Measat-1, Measat-2 của Malaysia, Thaicom - 1 để truyền tín hiệu truyền hình phủ sóng cả nước (qua các trạm phát lại) và truyền trực tiếp đến hộ dân (DTH). Ngoài ra, VTV còn thuê dung lượng trên nhiều vệ tinh để phát chương trình VTV4 đi các nước trên thế giới (như Thaicom-5 đi châu Á, Hotbird -3 đi châu Âu, Telstra – 5 đi Mỹ).

Đài Tiếng nói Việt Nam đang thuê kênh vệ tinh Palapa và Thaicom để phát các chương trình phát thanh trong nước và quốc tế.

II.4. Hiện trạng truyền dẫn phát sóng PTTH Internet

Hiện nay có hai phương thức truyền hình Internet trên thế giới là WebTV và IPTV, ở Việt Nam có 6 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình Internet (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Công ty phần mềm và truyền thông VASC, Công ty FPT Telecom, Công ty Điện toán truyền số liệu VDC, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam). Các đơn vị này (trừ FPT Telecom sử dụng công nghệ IPTV) sử dụng công nghệ webTV, về nội dung dựa trên thỏa thuận với các đài PTTH để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hạ tầng truyền dẫn sử dụng hạ tầng viễn thông của các đơn vị có chức năng ISP cung cấp.

II.5. Hiện trạng truyền dẫn, phát sóng PTTH di động.

Hiện nay có 2 doanh nghiệp cung cấp thử nghiệm dịch vụ Truyền hình di động là Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và S-Fone với 2 công nghệ DVB-H và CDMA2000-1x EV-DO.

S-Fone sử dụng công nghệ CDMA2000 1x EV-DO tại dải tần được cấp phép dành cho di động để cung cấp dịch vụ Truyền hình di động.

VTC cung cấp dịch vụ Truyền hình di động sử dụng công nghệ DVB-H. Đặc điểm công nghệ DVB-H được sử dụng cho dịch vụ truyền hình quảng bá, không phải dịch vụ viễn thông do đó doanh nghiệp không phải xin giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên về tần số sử dụng, doanh nghiệp chịu sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong năm 2007 Đài Truyền hình Việt Nam dự kiến cũng sẽ cung cấp dịch vụ Truyền hình di động sử dụng công nghệ DVB-H.

II.6. Hiện trạng về phân bố phổ tần số dành cho truyền dẫn phát sóng PTTH

Quỹ tần số dành cho truyền hình mặt đất còn rất hạn hẹp, lượng phổ tần “sạch” dành cho truyền hình mặt đất không nhiều. Do vậy, việc tăng thêm kênh tần số cho phát sóng truyền hình rất khó khăn

Số giấy phép sử dụng tần số PTTH mặt đất hiện nay: 1.776 giấy phép; Trong đó Đài TNVN có 87 giấy phép, Đài THVN 65 giấy phép, số còn lại thuộc các đài PTTH địa phương, các trạm phát lại PTTH và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Truyền hình mặt đất có mật độ sử dụng kênh tần số cao nhất. Dải tần số VHF (174 - 230 MHz) đã được sử dụng tất cả các kênh với mật độ rất cao. Dải tần UHF dành cho truyền hình từ 470 - 806 MHz có 42 kênh tần số (băng thông mỗi kênh 8 MHz). Kênh tần số truyền hình cao nhất đã cấp cho truyền hình tương tự: kênh 56 (750 - 758 MHz). Do vậy việc ấn định thêm kênh tần số tại các khu vực đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Nam bộ là hết sức khó khăn vì số kênh tần số còn lại rất hạn chế, cùng với việc tái sử dụng các kênh tần số khác (các kênh đã dùng cho truyền hình tương tự) với mức công suất hạn chế, được dành để qui hoạch cho truyền hình số trong giai đoạn chuyển đổi công nghệ tương tự sang công nghệ số.

Việc ứng dụng công nghệ truyền hình số mặt đất với dung lượng truyền gấp 5 đến 6 lần công nghệ tương tự sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, về lâu dài giảm được chi phí truyền dẫn, phát sóng. Sau khi ngừng hoàn toàn việc phát sóng công nghệ tương tự sẽ giải phóng được một lượng phổ tần nhất định tạo khả năng triển khai thêm các dịch vụ mới.

II.7. Hiện trạng quản lý Nhà nước về truyền dẫn phát sóng PTTH

1. Bộ Thông tin và Truyền thông:

Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định:

"Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia trong phạm vi cả nước (gọi chung là bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin)..."

Điều 2, Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Bưu chính, Viễn thông: "Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, chất lượng và quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin..."

Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 3/9/2004 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn thông cũng đã quy định: "Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về truyền dẫn phát sóng, trong phạm vi cả nước:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển truyền dẫn phát sóng trong phạm vi cả nước; Tổ chức, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cấp phép, tần số, tiêu chuẩn, chất lượng, giá cước để thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng;

c) Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để kiểm tra, kiểm soát việc truyền dẫn phát sóng phục vụ quốc phòng, an ninh."

Như vậy việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, chất lượng và quy định áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng thuộc trách nhiệm của Bộ Bưu chính, Viễn thông.

Các chính sách quản lý PTTH còn thiếu và chồng chéo giữa hai đơn vị quản lý Nhà nước là Bộ Văn hóa Thông tin (chịu trách nhiệm về nội dung) và Bộ Bưu chính, Viễn thông (chịu trách nhiệm về truyền dẫn phát sóng) dẫn đến chưa phù hợp với xu thế phát triển của PTTH. Một số văn bản quy định trước đây nay không còn phù hợp (như quyết định 79/2002/QĐ-TTg ngày 18/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý đối tượng thu các chương trình truyền hình nước ngoài từ vệ tinh dẫn đến sự phát triển chậm của hệ thống PTTH qua vệ tinh). Ngoài ra, chưa có các văn bản xác định rõ các cơ quan, tổ chức làm PTTH nào là báo chí, cơ quan, tổ chức nào không phải là báo chí để có chính sách quản lý và qui định về cấp phép truyền dẫn phát sóng PTTH.

2. Các cơ quan liên quan khác:

- Đài Truyền hình Việt Nam: Nghị định số 96/2003/NĐ-CP ngày 20/08/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam quy định: Đài THVN "Trình Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm chuyên môn, nghiệp vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy định về quản lý thống nhất kỹ thuật truyền hình được áp dụng trong phạm vi cả nước".

- Đài Tiếng nói Việt Nam: Nghị định số 83/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam quy định: Đài TNVN "Trình Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm chuyên môn, nghiệp vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật về phát thanh được áp dụng trong phạm vi cả nước".

II.8. Đánh giá hiện trạng truyền dẫn phát sóng PTTH tại Việt Nam.

a) Ưu điểm:

Trong những năm qua mạng lưới truyền dẫn phát sóng PTTH không ngừng được mở rộng vùng phủ sóng tới mọi miền của đất nước đặc biệt là vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo người dân nói chung.

Công nghệ truyền hình số mặt đất và số vệ tinh (DTH) đã được triển khai trên diện rộng đem đến cho người sử dụng các chương trình phong phú hơn.

Một số công nghệ và dịch vụ mới như truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình di động và PTTH qua Internet đã bắt đầu xuất hiện phục vụ số lượng đông đảo khán thính giả.

Việc dùng chung cơ sở hạ tầng truyền dẫn PTTH giữa Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và một số địa phương như cột anten, nhà đặt máy, trạm điện... đã được triển khai ở nhiều nơi.

b) Nhược điểm:

Do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, quá trình đầu tư phát triển hệ thống các đài PTTH tại các địa phương còn thiếu quy hoạch, dẫn đến tình trạng chồng chéo về vùng phủ sóng, sự can nhiễu về tín hiệu.

Mạng lưới các máy phát sóng mặt đất trong cả nước chưa hình thành một hệ thống mạng thống nhất giữa trung ương - khu vực - địa phương, do đó không sử dụng được hết năng lực hiện có, dẫn đến tình trạng lãng phí về công suất phát sóng, gây can nhiễu đối với các đài xung quanh.

Tại nhiều nơi, việc dùng chung cơ sở hạ tầng chưa thống nhất giữa trung ương và địa phương nên tổng số lượng và chi phí đầu tư xây dựng, duy trì hoạt động cho các hệ thống truyền dẫn phát sóng cho các đài, phát thanh, phát hình trở nên tốn kém và không hiệu quả, toàn hệ thống không đạt được tính kinh tế do quy mô nhỏ thời lượng phát sóng ít.

Khán thính giả gặp khó khăn trong việc truy cập đến các dịch vụ PTTH quảng bá vì các vị trí phát sóng khác nhau, phải sử dụng nhiều anten thu. Kiến trúc, cảnh quan đô thị bị ảnh hưởng và chưa bảo đảm các điều kiện về môi trường.

Do các vị trí phát sóng khác nhau dẫn đến không thể có qui hoạch phân bổ tần số và sử dụng lại tần số một cách khoa học và hợp lý dẫn đến phổ tần số dành cho PTTH không được sử dụng một cách hiệu quả, phần lớn chạy theo thực trạng. Việc duy trì hệ thống truyền dẫn phát sóng mặt đất tương tự làm cho quỹ tần số dành cho truyền hình mặt đất còn rất hạn hẹp, lượng phổ tần “sạch” dành cho truyền hình mặt đất không nhiều. Do vậy, việc tăng thêm kênh tần số cho phát sóng truyền hình rất khó khăn.

Việc phát triển hệ thống truyền hình cáp tự phát, không thống nhất, công nghệ còn lạc hậu , mô hình hoạt động còn chưa hợp lý chưa tuân theo một quy hoạch được hoạch định một cách khoa học, chặt chẽ với sự lựa chọn công nghệ một cách tối ưu.

Công tác thanh tra, xử lý vi phạm và việc giám sát thực hiện quản lý Nhà nước, cấp phép về truyền dẫn phát sóng PTTH, đặc biệt là truyền hình cáp chưa được quan tâm đúng mức.

c) Cơ hội

Sự phát triển nhanh về công nghệ và dịch vụ PTTH như: cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình di động và PTTH qua Internet... mang đến nhiều sự lựa chọn cho người dân.

Quá trình số hóa PTTH đang là một xu thế tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số và công nghệ cho phép đem lại cho người dân những dịch vụ PTTH đa dạng như: số lượng chương trình phong phú, các chương trình PTTH theo yêu cầu trực tuyến v.v.

Các nguồn đầu tư xã hội đối với việc đầu tư, phát triển hệ thống truyền dẫn phát sóng PTTH là rất tiềm năng. Trong khi đó hiện nay việc đầu tư chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước.

d) Thách thức

Công nghệ MMDS trên thế giới hiện đã chuyển sang công nghệ số như vậy MMDS số sẽ trở thành dịch vụ truyền hình cáp vô tuyến, đa kênh và có thể cung cấp nhiều dịch vụ như IPTV hay Internet băng rộng.

Các phương thức truyền dẫn phát sóng truyền hình mới (như truyền hình di động, PTTH qua Internet...) đang trong quá trình hoàn thiện về chuẩn và công nghệ, hiện nay đang được phát triển một cách tự phát và thiếu định hướng tại Việt Nam.

Chưa hình thành được thị trường truyền dẫn phát sóng PTTH trên phạm vi cả nước. Do đó hiệu quả đầu tư các chương trình trọng điểm dành cho truyền dẫn phát sóng PTTH địa phương chưa cao, chưa triển khai đồng bộ và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nguồn đầu tư từ các chương trình dành cho khối PTTH Trung ương và khối PTTH địa phương.

Xu hướng hội tụ công nghệ giữa PTTH và viễn thông khi mà các doanh nghiệp viễn thông có thể cung cấp dịch vụ PTTH và các đơn vị PTTH cung cấp cả dịch vụ viễn thông cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với nhà quản lý.

 

III. XU HƯỚNG VÀ DỰ BÁO PHÁT TRIỂN TRUYỀN DẪN PHÁT SÓNG PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH

 

(Xem phần Phụ lục 1)

 

IV. QUY HOẠCH TRUYỀN DẪN PHÁT SÓNG PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH ĐẾN NĂM 2020

IV.1. Mục tiêu và nguyên tắc của quy hoạch

1. Mục tiêu

a. Thống nhất hạ tầng truyền dẫn phát sóng trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại hệ thống truyền dẫn phát sóng PTTH đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, đảm bảo hệ thống hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH có thể chuyển tải được các dịch vụ PTTH, viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ và dịch vụ.

b. Thúc đẩy việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng từ công nghệ tương tự sang công nghệ số nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ PTTH và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số

c. Sử dụng các phương thức, công nghệ truyền dẫn phát sóng phù hợp, hỗ trợ cho nhau, đồng thời quan tâm thích đáng đến phương tiện thu xem đơn giản nhất của người dân, đặc biệt là các hộ dân tại các vùng sâu, vùng xa.

d. Từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn phát sóng PTTH phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ, tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư, thu hút các nguồn đầu tư từ toàn xã hội nhằm phát triển hệ thống PTTH.

2. Nguyên tắc

a. Phân định các hoạt động về nội dung thông tin và truyền dẫn phát sóng; Phân biệt giữa hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH phục vụ nhiệm vụ công ích và hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH dùng cho mục đích thương mại để có các chính sách phù hợp.

b. Tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ hiện có, đồng thời từng bước hiện đại hoá hệ thống phù hợp với điều kiện đất nước, ưu tiên đầu tư cho những địa bàn dân cư có tầm quan trọng về an ninh, quốc phòng, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

b. Sử dụng các phương thức, công nghệ truyền dẫn có hiệu quả, tần số vô tuyến điện phù hợp với điều kiện của đất nước và đón đầu được những bước phát triển của khoa học, công nghệ.

c. Ưu tiên phân bổ tài nguyên viễn thông trên cơ sở sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đối với hệ thống truyền dẫn phát sóng PTTH phục vụ nhiệm vụ công ích để đảm bảo cung cấp thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phần tài nguyên còn lại sẽ được phân bổ trên cơ sở sử dụng hiệu quả và theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước.

IV.2. Các chỉ tiêu phát triển

1. Chỉ tiêu phát triển mạng lưới

a. Đến năm 2010, phủ sóng truyền hình mặt đất trên cơ sở kết hợp các phương thức truyền dẫn (mặt đất, vệ tinh, cáp...) tới 95% lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo đa số hộ dân có thể thu được các chương trình PTTH công ích thông qua các phương tiện thu xem đơn giản nhất.

b. Đến năm 2015, phủ sóng phát thanh AM-FM tới toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo 100% hộ dân có thể thu được các chương trình phát thanh quốc gia thông qua các phương tiện thu phổ biến.

c. Mạng lưới truyền dẫn phát sóng phục vụ đối ngoại thông qua các tuyến truyền dẫn quốc tế và mạng Internet bảo đảm băng thông rộng, tốc độ cao trên cơ sở kết hợp các tuyến cáp quang biển, cáp quang đất liền và hệ thống thông tin vệ tinh.

d. Đến năm 2010, triển khai mạng truyền hình cáp tại 100% trung tâm các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; đến năm 2015 triển khai đến các huyện trong các vùng kinh tế trọng điểm.

 e. Hoàn thành lộ trình số hóa mạng lưới truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất trong giai đoạn 2015 – 2020, số hóa mạng lưới truyền dẫn phát sóng phát thanh trong giai đoạn 2015 - 2025 phù hợp với điều kiện cụ thể Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trên cơ sở 95% số hộ gia đình trên cả nước thu được chương trình PTTH quảng bá thông qua các mạng PTTH số mặt đất.

2. Chỉ tiêu phát triển dịch vụ

a. Đến năm 2015, thực hiện phổ cập các dịch vụ PTTH đến tất cả các vùng miền trong cả nước bảo đảm 100% số hộ gia đình có thể thu được các chương trình PTTH công ích qua các mạng PTTH mặt đất, vệ tinh hoặc cáp, rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ giữa các vùng, miền, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.

b. Bảo đảm cung cấp cho đa số người dân các dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH hiện đại đa dạng, phong phú, đa phương tiện, phù hợp với thu nhập của mọi đối tượng đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Đảng Nhà nước, phục vụ nhu cầu thông tin và giải trí.

c. Đến năm 2020 bảo đảm đa số các hộ gia đình ở vùng khó khăn có nhu cầu được cung cấp thiết bị đầu cuối thu các chương trình truyền hình kỹ thuật số với giá phù hợp.

d. Đến năm 2025 bảo đảm đa số các hộ gia đình ở vùng khó khăn có nhu cầu được cung cấp thiết bị đầu cuối thu các chương trình phát thanh kỹ thuật số với giá phù hợp.

IV.3. Định hướng phát triển

1. Định hướng phát triển thị trường truyền dẫn phát sóng PTTH

a. Từng bước tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng lành mạnh cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia truyền dẫn phát sóng PTTH được kinh doanh cung cấp đa dịch vụ phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) và PTTH.

b. Hình thành các tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh có cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH quy mô lớn trên cơ sở ưu tiên phân bổ tỷ lệ nhất định tài nguyên quốc gia và cơ chế phát triển đặc thù.

c. Thống nhất về hạ tầng truyền dẫn phát sóng trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống truyền dẫn phát sóng PTTH một cách khoa học hợp lý có tính đến sự phát triển của khoa học công nghệ, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

d. Phát triển và khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH tới các tổ chức và cá nhân tại các nước nằm trong vùng phủ sóng vệ tinh Vinasat.

2. Định hướng phát triển mạng lưới truyền dẫn phát sóng PTTH

a. Mạng truyền dẫn phát sóng PTTH phát triển theo cấu trúc hiện đại và tương thích với nhau tạo thành mạng quốc gia đáp ứng được yêu cầu là một hạ tầng chung thống nhất, có khả năng truyền được các loại tín hiệu PTTH, viễn thông và Internet của nhiều nhà cung cấp dịch vụ.

b. Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH giữa trung ương và địa phương đảm bảo khai thác, quản lý sử dụng có hiệu quả theo hướng một máy phát sóng số cần truyền đồng thời nhiều chương trình của các đài PTTH trung ương và địa phương.     

c. Nhanh chóng hoàn thiện mạng truyền hình cáp theo hướng tăng cường sử dụng cáp sợi quang và nâng cao tỷ lệ cáp ngầm dưới mặt đất để cải thiện chất lượng mỹ quan đô thị.

d. Đẩy mạnh phát triển các mạng viễn thông di động, mạng truyền hình di động thế hệ mới.

3. Định hướng phát triển công nghệ truyền dẫn phát sóng PTTH:

a. Ưu tiên phát triển công nghệ truyền hình cáp, truyền hình di động tại những vùng thành thị, những vùng có mật độ dân cư cao; Ưu tiên sử dụng công nghệ truyền hình số mặt đất đối với việc phổ cập truyền hình công cộng tại các vùng đồng bằng; Tăng cường sử dụng truyền hình số DTH, các trạm phát lại công suất nhỏ và trung bình tại những vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

b. Lựa chọn tiêu chuẩn PTTH số mặt đất, truyền hình Internet, truyền hình di động... theo thế hệ mới được đa số các nước trên thế giới lựa chọn, phù hợp với điều kiện và thử nghiệm thành công tại Việt Nam.

c. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi mạng truyền hình cáp sang sử dụng công nghệ số phù hợp xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và PTTH.

4. Định hướng phát triển dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH:

a. Ưu tiên phát triển các dịch vụ PTTH, truyền thông đa phương tiện kết hợp với các dịch vụ viễn thông và Internet trên cùng một hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ - dịch vụ viễn thông, CNTT và PTTH.

b. Chú trọng phát triển mạnh các dịch vụ truyền hình di động, truyền thông đa phương tiện, thương mại điện tử, dịch vụ giá trị gia tăng trên cơ sở hạ tầng đã được đầu tư.

c. Phân loại dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH để có chính sách quản lý một cách phù hợp: Dịch vụ truyền dẫn tín hiệu, dịch vụ dùng chung cơ sở hạ tầng, dịch vụ phát sóng quảng bá.

IV.4. Quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH đến 2020

1. Quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH mặt đất

a) Tổ chức và thị trường:

Phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn phát sóng:

- Hoạt động cung cấp nội dung thông tin, biên tập, sản xuất chương trình và quy hoạch các đài PTTH thực hiện theo Luật báo chí và quy hoạch báo chí đối với loại hình báo tiếng, báo hình, báo điện tử.

- Hoạt động truyền dẫn phát sóng và các tổ chức cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về viễn thông và tần số vô tuyến điện và các quy định liên quan.

Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực PTTH, tuỳ thuộc vào điều kiện, khả năng và quy định của pháp luật có thể thực hiện một hoặc cả hai chức năng trên.

Xây dựng hệ thống các tiêu chí phân biệt giữa hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH phục vụ nhiệm vụ công ích với hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH thương mại dựa trên các đặc điểm về nguồn tài chính, mục đích, tính chất phục vụ, mối quan hệ với Chính phủ... để có cơ chế đặc thù ưu tiên về tài nguyên và các chính sách hỗ trợ phát triển.

Đài PTTH quốc gia được ưu tiên phân bổ một tỷ lệ tài nguyên nhất định, ưu đãi về phí và lệ phí sử dụng tài nguyên nhằm phục vụ các chương trình PTTH thực hiện nhiệm vụ công ích. Phần tài nguyên còn lại được phân bổ cho các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp khác thỏa mãn các tiêu chí theo nguyên tắc đấu giá tài nguyên. Phần kinh phí thu được sẽ phục vụ cho các mục tiêu số hóa mạng lưới truyền dẫn phát sóng PTTH.

Xây dựng hệ thống các tiêu chí để lựa chọn các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, tiềm lực tài chính, năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật và sử dụng hiệu quả hạ tầng truyền dẫn phát sóng, tài nguyên tần số để cấp phép đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH số mặt đất trên phạm vi địa giới hành chính tỉnh, TP, vùng, miền hay cả nước.

Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH số mặt đất tùy theo khả năng có thể thực hiện một hoặc cả hai chức năng cung cấp nội dung thông tin và kinh doanh dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

Mọi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác có chức năng cung cấp nội dung thông tin được phép thuê lại hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH của các đơn vị được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH số mặt đất thông qua thỏa thuận, hợp đồng kinh tế để truyền dẫn nội dung thông tin đến người dân.

b) Mạng truyền dẫn và vùng phủ sóng PTTH mặt đất:

Việc chuyển đổi số hóa được thực hiện lần lượt theo từng vùng, theo thứ tự các khu vực có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao, khan hiếm tần số thì triển khai phát sóng số và chuyển đổi trước. Các khu vực có điều kiện kinh tế, khả năng trang bị thiết bị thu số khó khăn hơn sẽ được chuyển đổi sau.

Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH số mặt đất đầu tư phát triển hệ thống phát sóng số mặt đất cùng khai thác song song với hệ thống phát sóng PTTH tương tự trong thời kỳ quá độ đảm bảo phát sóng các chương trình PTTH công ích và ít nhất một chương trình PTTH địa phương. Tuy nhiên không duy trì quá dài việc phát song song giữa tương tự và số nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế duy trì hoạt động cho hệ thống truyền dẫn, phát sóng.

c) Công nghệ:

Phát triển mạng truyền hình số mặt đất trên cơ sở công nghệ và tiêu chuẩn đã được thương mại hóa, đa số các nước lựa chọn và phù hợp với điều kiện và triển khai thử nghiệm thành công tại Việt Nam.

Giai đoạn đầu tiên, ưu tiên sử dụng bộ tiêu chuẩn DVB-T (truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn Châu Âu) để triển khai tại Việt Nam phù hợp việc nâng cấp có hiệu quả hệ thống truyền hình tương tự của Việt Nam đang sử dụng tiêu chuẩn PAL của châu Âu. Tuy nhiên sau từng giai đoạn cần có sự nghiên cứu đánh giá, lựa chọn kinh nghiệm quốc tế để có phương án đầu tư hợp lý đối với hệ thống truyền hình số trong tương lai.

Mạng truyền hình số mặt đất được quy hoạch theo xu hướng mạng đơn tần (SFN) để bảo đảm tiết kiệm và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số.

d) Truyền dẫn phát sóng PTTH di động:

Đẩy mạnh phát sóng PTTH di động trên cả nước, trước mắt đầu tư, phát triển tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước để cung cấp dịch vụ truyền hình thương mại và cả truyền hình quốc gia đến người xem, tiến tới mở rộng vùng phủ sóng cung cấp đến mọi đối tượng có nhu cầu.

Xây dựng hệ thống tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp có đủ điều kiện về tài chính, năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật và sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, tài nguyên tần số để cấp phép đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH di động mặt đất trên phạm vi địa giới hành chính tỉnh, TP, vùng, miền hay cả nước. Các đơn vị này có thể cung cấp nội dung thông tin hoặc cho thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

Mọi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác có chức năng cung cấp nội dung thông tin được phép thuê lại hạ tầng truyền dẫn phát sóng của các doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH di dộng thông qua thỏa thuận, hợp đồng kinh tế để truyền dẫn nội dung thông tin đến người sử dụng.

Phát triển mạng PTTH di động mặt đất trên cơ sở công nghệ và tiêu chuẩn đã được thương mại hóa, đa số các nước lựa chọn và phù hợp với điều kiện và thử nghiệm thành công tại Việt Nam. Giai đoạn đầu, ưu tiên sử dụng tiêu chuẩn DVB-H (truyền hình di động mặt đất tiêu chuẩn Châu Âu) theo xu hướng mạng đơn tần (SFN) để triển khai tại Việt Nam.

Tiếp tục nghiên cứu phát triển dịch vụ PTTH di động theo một số chuẩn mới như DVB-SH, DAB-IP… để đánh giá và có phương án đầu tư hợp lý trong các giai đoạn tiếp theo.

e) Sử dụng chung cơ sở hạ tầng:

Cơ sở hạ tầng bao gồm nhà trạm, cột anten, nguồn điện, thiết bị trong nhà và các phương tiện khác phải được các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng chung một cách tiết kiệm và có hiệu quả.

Chi phí cho việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng do các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tự thoả thuận thông qua hợp đồng kinh tế.

Các hình thức sử dụng chung cơ sở hạ tầng được khuyến khích áp dụng bao gồm: Truyền dẫn và chia sẻ dung lượng theo tỷ lệ đầu tư, cho thuê cáp, sợi cáp, cột an ten, nhượng quyền sử dụng các hệ thống thiết bị (cho thuê dài hạn)...

Mạng PTTH số mặt đất cần phát triển theo hướng sử dụng mạng đơn tần (SFN) cho cả dịch vụ DVB-T và DVB-H, theo nguyên tắc sử dụng hai kênh liền kề nhau làm mạng đơn tần trên phạm vi toàn quốc.

Mạng của từng đơn vị phải có các giao diện sẵn sàng kết nối với các đơn vị khác để đảm bảo thiết bị đầu cuối sử dụng cho đơn vị này có thể sử dụng đối với mạng của đơn vị khác.

g) Quy hoạch tần số và quản lý can nhiễu cho hệ thống truyền dẫn phát sóng PTTH mặt đất

Quy hoạch băng tần dành cho truyền dẫn phát sóng PTTH mặt đất bao gồm:

- AM - MF (MW) phát thanh 535 – 1.606,5 MHz

- Băng II phát thanh FM 87 - 108 MHz

- Băng III VHF (174 - 230 MHz);

- Băng UHF (470 - 806 MHz);

Trong giai đoạn chuyển đổi công nghệ tương tự sang số, ưu tiên sử dụng các kênh chưa phân bổ cho truyền hình tương tự trong dải tần UHF (từ 470 – 806 MHz) và tái sử dụng các kênh tần số khác theo vị trí địa lý để quy hoạch băng tần cho phát triển truyền hình số mặt đất và truyền hình di động mặt đất.

Quản lý can nhiễu:

- Với PTTH quảng bá không thu phí: Tập trung vào vấn đề đảm bảo chống can nhiễu thông qua quản lý, qui hoạch tần số, vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ được quy định trong các bộ tiêu chuẩn PTTH.

- Với PTTH có thu phí: Ngoài việc đảm bảo chống can nhiễu, cần áp dụng hình thức để đơn vị quản lý hạ tầng công bố chất lượng (tiêu chuẩn, mức tín hiệu, vùng phủ sóng...). Đối với một số lĩnh vực chưa có các tiêu chuẩn riêng thì việc quản lý sẽ được thực hiện theo các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính, mạng và dịch vụ viễn thông (Quyết định số 176/2003/QĐ-BBCVT).

- Các thiết bị, hệ thống để đảm bảo chống can nhiễu phải có hợp chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm:

* Máy phát hình tương tự;

* Máy phát thanh tương tự;

* Máy phát hình kỹ thuật số;

* Máy phát thanh kỹ thuật số.

h) Lộ trình số hóa phát sóng PTTH mặt đất

Truyền hình

Dự kiến giai đoạn từ 2015 đến 2020 Việt Nam sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng công nghệ truyền hình tương tự mặt đất, theo lộ trình sau:

- Giai đoạn từ nay đến 2010:

Từ nay đến 2010 hoàn thành việc phát triển mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Ngoài ra chỉ cho phép đầu tư thêm các trạm phát lại tương tự công suất nhỏ và trung bình nhằm phủ sóng đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo phục vụ nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh khi thực sự cần thiết.

Triển khai đầu tư hệ thống truyền dẫn phát sóng số lần lượt theo từng vùng, theo thứ tự các khu vực có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao, khan hiếm tần số thì triển khai phát sóng số và chuyển đổi trước. Các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn hơn sẽ được chuyển đổi sau. Cụ thể Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ là các địa phương được tiến hành chuyển đổi trước sang công nghệ số, tiếp theo là các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các tỉnh miền núi sẽ là các địa phương chuyển đổi sau cùng do phải hỗ trợ về thiết bị đầu cuối thu truyền hình số đến người dân.

Các đơn vị tham gia truyền dẫn phát sóng cùng phối hợp sử dụng chung cơ sở hạ tầng bao gồm nhà, trạm, cột anten, nguồn điện... để triển khai phủ sóng truyền hình số tại các địa phương.

Xây dựng chính sách và lộ trình ngừng sản xuất và nhập khẩu máy thu hình tương tự, khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu máy thu hình số, hỗ trợ về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy thu hình trong nước đầu tư dây chuyền sản xuất máy thu hình số, đầu thu truyền hình số phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xây dựng dự án sản xuất và cung cấp đầu thu truyền hình số giá rẻ cho cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, dự án trợ giá đầu thu truyền hình số cho các hộ gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, những vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo, các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng…

- Giai đoạn từ 2010 – 2015:

Các doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH số tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số tại vùng đồng bằng và tại các khu vực đông dân đồng thời tăng cường đầu tư mở rộng vùng phủ sóng số đến các khu vực nông thôn, miền núi trên cơ sở phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về truyền dẫn, phát sóng về tần số, chất lượng dịch vụ và vùng phủ sóng...

Các đơn vị được phép truyền dẫn, phát sóng PTTH đồng thời cả hệ thống tương tự và số kể từ thời điểm phát sóng truyền hình số, sau đó việc phát sóng truyền hình tương tự mặt đất phải chấm dứt dự kiến vào cuối năm 2015 tại các tỉnh đồng bằng và tại các thành phố.

Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo... nơi mà việc xây phát triển mạng truyền hình số mặt đất gặp nhiều khó khăn, cần triển khai các phương án để phổ cập dịch vụ PTTH tại những khu vực này đó là:

- Khán thính giả thu trực tiếp tín hiệu từ vệ tinh qua đầu thu DTH,

- Thu tín hiệu từ vệ tinh bằng đầu thu DTH và phát lại sử dụng máy phát lại công suất nhỏ hoặc máy phát lại công suất trung bình tùy theo mật độ và diện tích vùng dân cư.

Triển khai dự án sản xuất và cung cấp đầu thu số giá rẻ cho các hộ gia đình bằng tất cả các kênh thông qua đấu thầu và điều tiết bằng các công cụ quản lý như thuế… theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ tối thiểu đến 50% giá trị thiết bị đầu thu số. Bước đầu triển khai dự án trợ giá đầu thu truyền hình số đến các hộ gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn.

- Giai đoạn từ 2015 – 2020:

Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH số phối hợp đầu tư, xây dựng hệ thống truyền dẫn, phát sóng số mặt đất tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

Nghiên cứu để có thể sửa đổi, bổ sung các đối tượng được quy định tại Quyết định 79/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý đối tượng thu các chương trình truyền hình nước ngoài từ vệ tinh theo hướng cho phép người dân có thể tự đầu tư thiết bị thu truyền hình DTH sử dụng vệ tinh Vinasat để phổ cập các chương trình truyền hình quốc gia và địa phương tại những khu vực khó khăn về địa lý.

Triển khai dự án sản xuất và cung cấp đầu thu truyền hình số giá rẻ cho các hộ gia đình thông qua đấu thầu.

Kể từ thời điểm được phát sóng số, các đơn vị vẫn duy trì phát tín hiệu truyền hình tương tự song song với truyền hình số tại tất cả các khu vực còn chưa sẵn sàng chuyển đổi trên cơ sở phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về truyền dẫn, phát sóng.

Chính phủ sẽ tuyên bố chấm dứt việc sử dụng công nghệ phát sóng tương tự khi 95% số hộ gia đình trên cả nước sẵn sàng cho thiết bị đầu cuối thu truyền hình số, phấn đấu trước năm 2020.

i) Đối với các Đài phát thanh truyền hình địa phương

- Giai đoạn từ nay đến 2015:

Từ nay đến 2015 hoàn thành việc phát triển mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Ngoài ra chỉ cho phép đầu tư thêm các trạm phát lại tương tự công suất nhỏ và trung bình nhằm phủ sóng đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo phục vụ nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh khi thực sự cần thiết.

Khuyến khích các đơn vị PTTH chưa đủ điều kiện cấp phép truyền hình số mặt đất sử dụng hệ thống truyền dẫn, phát sóng số của các đơn vị có chức năng cung cấp trên địa bàn để phát sóng nội dung chương trình do địa phương tự sản xuất, thông qua hình thức thỏa thuận, hợp đồng kinh tế hoặc tài trợ có quảng cáo.

Các đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng PTTH số mặt đất phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị PTTH chưa đủ điều kiện phát sóng các chương trình truyền hình địa phương trên địa bàn trên hệ thống mạng đơn tần (SFN) của mình.

Các đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng PTTH số mặt đất triển khai dự án PTTH số mặt đất đến địa phương nào thì phải bảo đảm ít nhất một chương trình PTTH địa phương công cộng được phát miễn phí trên hệ thống truyền hình số của các đơn vị này.

- Giai đoạn từ 2015 – 2020:

Tất cả các đài PTTH chưa đủ điều kiện cấp phép truyền hình số trên cả nước tiếp tục phát sóng nội dung truyền hình địa phương trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng PTTH tương tự của mình và đồng thời các chương trình này cũng được chuyển tải trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng số của các đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng PTTH số mặt đất trên địa bàn.

Thu hẹp dần phạm vi phủ sóng đối với dịch vụ truyền hình tương tự địa phương trước mắt là tại các khu vực thành phố, thị xã. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo tùy theo đặc thù của mình đài PTTH chưa đủ điều kiện cùng phối hợp với các đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng PTTH số mặt đất trên địa bàn đưa ra lộ trình phù hợp kết thúc việc truyền dẫn, phát sóng tương tự với thời điểm dự kiến trước năm 2020.

Căn cứ vào thực tế triển khai và thỏa thuận giữa các đơn vị, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng PTTH của các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.

Phấn đấu đến trước năm 2020, chấm dứt hoàn toàn việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sử dụng công nghệ tương tự, các đơn vị chưa đủ điều kiện cấp phép chỉ đảm nhiệm chức năng sản xuất nội dung thông tin.

 Phát thanh

-Giai đoạn từ nay đến năm 2015

Từ nay đến 2015 hoàn thành việc phát triển mạng truyền dẫn phát sóng phát thanh tương tự theo các quy hoạch đã được phê duyệt, sau thời điểm này không đầu tư mở rộng vùng phủ sóng phát thanh sử dụng công nghệ tương tự.

Đối với hệ thống máy phát sóng trung (MW), sóng ngắn (SW): Triển khai việc thay thế các máy phát sóng cũ bằng các máy phát mới hoàn toàn bán dẫn với công nghệ hiện đại, hiệu suất, chất lượng cao.

Tiếp tục phát triển mạng lưới các đài phát sóng FM theo phương án rải mạng nhằm nâng cao chất lượng phủ sóng, xem xét số hóa theo chuẩn DRM.

 Với những bộ chủ sóng FM có độ chính xác cao, kết hợp với các giải pháp đồng bộ thời gian và tần số thông qua hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS), ngày nay có thể thiết lập mạng FM một tần số phục vụ thính giả nghe đài trong suốt quá trình di chuyển trên các xa lộ một cách dễ dàng thuận tiện, không phải chỉnh máy thu vẫn nghe được một chương trình mà mình ưa thích.

Tiếp tục sử dụng hệ thống truyền dẫn tín hiệu phát thanh qua vệ tinh, viba, DTH... do chất lượng âm thanh cao, ổn định và an toàn, đáp ứng được các yêu cầu đối với hệ thống truyền dẫn tín hiệu phát thanh hiện nay.

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án để triển khai hệ thống truyền dẫn tín hiệu phát thanh qua vệ tinh Vinasat.

Triển khai các phương án truyền dẫn mới như truyền file qua Internet (FTP); thuê kênh riêng (leased line)... để tăng cường khả năng dự phòng cho hệ thống truyền dẫn tín hiệu phát thanh.

Quy hoạch băng tần L (1.452 – 1.492MHz) được dự kiến triển khai phục vụ cho phát thanh công nghệ số.

Nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ phát thanh số để lựa chọn chuẩn phát thanh số cho Việt Nam.

Nghiên cứu ứng dụng các phương thức phát thanh mới như phát thanh qua Internet, truyền thông đa phương tiện, đa dịch vụ...

Xây dựng phương án khả thi chuyển đổi từ phát thanh tương tự sang phát thanh số.

- Giai đoạn sau năm 2015.

Triển khai đầu tư hệ thống truyền dẫn phát sóng phát thanh số trên phạm vi cả nước, sau khi hoàn thiện việc thử nghiệm và lựa chọn được tiêu chuẩn phát thanh số cho Việt Nam trên cơ sở tiêu chuẩn số được đa số các nước trên thế giới và khu vực lựa chọn và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam.

Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu máy thu thanh số, hỗ trợ về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy thu thanh trong nước đầu tư dây chuyền sản xuất máy thu thanh số, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xây dựng dự án sản xuất và cung cấp máy thu thanh số giá rẻ cho cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, dự án trợ giá máy thu thanh số cho các hộ gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, những vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo, các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Phấn đấu trước năm 2025, chấm dứt hoàn toàn việc truyền dẫn, phát sóng phát thanh mặt đất sử dụng công nghệ tương tự.

2. Quy hoạch truyền dẫn phát sóng truyền hình cáp

a) Truyền hình cáp hữu tuyến

- Về tổ chức và thị trường:

Ưu tiên phát triển truyền hình cáp tại những vùng thành thị, những vùng có mật độ dân cư cao.

Nghiên cứu tách chức năng cung cấp nội dung thông tin độc lập với chức năng xây dựng hạ tầng mạng truyền hình cáp trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý việc cấp phép đầu tư, xây dựng, sử dụng và khai thác hạ tầng mạng truyền hình cáp hữu tuyến.

Truyền hình cáp là dịch vụ có thu lợi nhuận do đó cần thiết tạo môi trường cạnh tranh để người tiêu dùng có được dịch vụ với chất lượng tốt và giá cả phù hợp. Các quy định quản lý hạ tầng mạng truyền hình cáp tuân thủ theo Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các nghị định hướng dẫn.

Nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí để lựa chọn các đơn vị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tiềm lực về tài chính, năng lực kinh nghiệm và có kế hoạch sử dụng tối ưu hạ tầng (hệ thống tiêu chí sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành) để cấp phép đầu tư, xây dựng hạ tầng mạng truyền hình cáp tại các tỉnh, thành phố.

Các nhà khai thác hạ tầng mạng truyền hình cáp có trách nhiệm chia sẻ hạ tầng truyền dẫn cho các đơn vị khác cung cấp nội dung thông tin và các dịch vụ viễn thông trên hạ tầng mạng truyền dẫn của mình thông qua thỏa thuận và hợp đồng kinh tế. Nhà khai thác dịch vụ truyền hình cáp bắt buộc phải chuyển tiếp các chương trình truyền hình quốc gia công cộng thu được từ hệ thống DTH hoặc từ các phương thức khác.

- Điều kiện để được xem xét cấp phép đầu tư xây dụng mạng truyền hình cáp bao gồm:

* Phải có quy hoạch phát triển hệ thống truyền hình cáp, đảm bảo tính khả thi và chất lượng dịch vụ.

* Các thiết bị truyền hình cáp triển khai trên mạng phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ ban hành.

* Phải có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm cho việc triển khai và vận hành các trang thiết bị truyền hình cáp.

* Mạng truyền hình cáp phải được phát triển theo hướng tăng cường sử dụng cáp sợi quang và nâng cao tỷ lệ cáp ngầm để nâng cao chất lượng và bảo đảm mỹ quan đô thị.

* Việc triển khai các thiết bị truyền hình cáp phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với các điều kiện tự nhiên, văn hóa và xã hội.

- Tiêu chuẩn cho truyền hình cáp hữu tuyến

Nhà khai thác hệ thống truyền hình cáp phải đảm bảo hệ thống của mình được thiết kế, lắp đặt phù hợp các quy định, tiêu chuẩn và phải trình báo cáo chứng minh hệ thống trên thực tế tuân thủ qui định.

Nhà khai thác hệ thống cáp phải liệt kê danh mục các chương trình hệ thống phân phối và các trạm phân phối tín hiệu trên từng kênh cáp và phải thông báo cho thuê bao mức tín hiệu hình tối thiểu mà nhà khai thác đảm bảo.

Nhà khai thác truyền hình cáp phải thực hiện tất cả các phép đo kiểm chỉ tiêu hệ thống tối thiểu là mỗi năm một lần và phải lưu trữ kết quả đo kiểm định kỳ. Các kết quả này phải được báo cáo khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

- Sử dụng chung cơ sở hạ tầng truyền dẫn

Cơ sở hạ tầng, bao gồm vị trí lắp đặt thiết bị kết nối, ống cáp, bể cáp, cột trụ anten, thiết bị trong nhà và các phương tiện khác phải được các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng chung một cách tiết kiệm và có hiệu quả.

Chi phí cho việc sử dụng chung địa điểm kết nối và sử dụng chung cơ sở hạ tầng do các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tự thoả thuận thông qua hợp đồng kinh tế.

Các hình thức sử dụng chung cơ sở hạ tầng được khuyến khích áp dụng bao gồm: Truyền dẫn và chia sẻ dung lượng theo tỷ lệ đầu tư, cho thuê cáp, sợi cáp, cột anten, nhượng quyền sử dụng các hệ thống thiết bị (cho thuê dài hạn)...

b) Truyền hình cáp vô tuyến (MMDS)

Do xu hướng phát triển công nghệ MMDS hiện nay, cần nghiên cứu và có chính sách dừng việc đầu tư phát triển thêm thuê bao MMDS. Từ nay đến 2008, Đài Truyền hình Việt Nam là đơn vị duy nhất đang quản lý và khai thác hệ thống MMDS cần xây dựng các phương án chuyển đổi công nghệ đối với các khách hàng sử dịch vụ này, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trên cơ sở đề xuất của Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu và quyết định phương án sử dụng băng tần này cho các dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH và các dịch vụ viễn thông khác.

Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí cấp phép băng tần 2,5 – 2,7 GHz, phục vụ cho các dịch vụ băng rộng đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả băng tần này.

3. Quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH vệ tinh

a) Thị trường truyền dẫn phát sóng PTTH vệ tinh:

Phát triển thị trường dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH vệ tinh, đặc biệt đối với vệ tinh Vinasat để cung cấp dịch vụ PTTH qua vệ tinh trên phạm vi quốc gia, nhằm phổ cập và cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình quốc gia công cộng đến các vùng sâu, vùng xa, vùng lõm sóng, miền núi, hải đảo và những vùng mà cơ sở hạ tầng mặt đất chưa vươn tới được.

Phương thức truyền dẫn, phát sóng PTTH qua vệ tinh còn được sử dụng rất hiệu quả để cung cấp dịch vụ trao đổi nội dung chương trình giữa các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PTTH.

b) Mạng truyền dẫn và chia sẻ hạ tầng truyền dẫn vệ tinh Vinasat:

Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và các đơn vị được cấp phép thỏa thuận với đơn vị điều hành khai thác vệ tinh Vinasat để thuê, chia sẻ hạ tầng của vệ tinh Vinasat với giá cước thuê dung lượng cạnh tranh so với quốc tế để phổ cập các dịch vụ PTTH.

c) Đối tượng được phép cung cấp hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH qua vệ tinh:

Nghiên cứu hệ thống tiêu chí cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ chức năng nhiệm vụ, năng lực tài chính, kinh nghiệm kỹ thuật và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số, cơ sở hạ tầng đã đầu tư được phép cung cấp hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH qua vệ tinh.

Các đơn vị chưa đủ điều kiện cấp phép sẽ thuê hạ tầng của các đơn vị có chức năng trên cơ sở thỏa thuận và hợp đồng kinh tế để chuyển tải nội dung đến khán thính giả.

4. Quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH Internet

a) Tổ chức và thị trường truyền dẫn phát sóng PTTH Internet.

Hoạt động cung cấp nội dung thông tin, biên tập, sản xuất chương trình PTTH Internet thực hiện theo Luật báo chí đối với loại hình báo điện tử.

Hoạt động truyền dẫn phát sóng PTTH Internet chịu sự điều chỉnh của pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông, các nghị định hướng dẫn và quy hoạch về viễn thông và Internet.

b) Mạng truyền dẫn và sử dụng chung cơ sở hạ tầng truyền dẫn:

- Mạng truyền tải: Đây là hệ thống mạng sử dụng giao thức IP. Luồng thông tin (media) có thể được chuyển tải bằng phương thức quảng bá đa hướng (multicast) cũng có thể chuyển tải bằng phương thức đơn kênh. Thông thường, phương thức đầu tiên được sử dụng cho PTTH quảng bá truyền đa hướng tới người sử dụng đầu cuối, còn phương thức sau được sử dụng cho PTTH theo yêu cầu (VoD) thông qua mạng cáp phân phối nội dung CDN (Content Distribution Network) tới tận địa điểm người sử dụng đầu cuối.

- Mạng đầu cuối (còn gọi là mạng cáp gia đình): Mạng này là mạng tiếp nối băng rộng sử dụng công nghệ xDSL, FTTx+LAN hoặc WLAN…

Trong hệ thống PTTH Internet có 2 phương thức truyền đa tín hiệu:

- Phát quảng bá (broadcasting) tới mọi người sử dụng trên mạng.

- Phát đến địa điểm theo yêu cầu (on demand) của người sử dụng.

Các doanh nghiệp đang quản lý, khai thác mạng Internet tạo mọi điều kiện cho các nhà cung cấp nội dung thông tin được sử dụng chung cơ sở hạ tầng các mạng viễn thông đã đầu tư để cung cấp các dịch vụ PTTH Internet.

c) Tiêu chuẩn cho truyền dẫn phát sóng PTTH Internet.

IPTV áp dụng các khuyến nghị về tiêu chuẩn quốc tế, như khuyến nghị về truyền dẫn thời gian thực (RTP), khuyến nghị về khống chế thời gian thực (RTCP)...

Hiện nay, các khuyến nghị về tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này là: phương thức mã hóa video của luồng chủ của IPTV theo MPEG-2, MPEG-4 part 10 (H.264/AVC), VC-1(windows media video 9), trong đó, MPEG-2 và MPEG-4 được phát triển rất mạnh, H.264 (cũng chính là MPEG-4 part 10) là luật mã hóa thị tần của ITU-T đề xuất thích hợp cho các hệ thống PTTH công cộng qua Internet.

PTTH qua Internet đang phát triển với tốc độ rất nhanh và trong quá trình hoàn thiện dần về tiêu chuẩn và công nghệ vì vậy cần nhanh chóng nghiên cứu lựa chọn công nghệ, mô hình kinh doanh đã triển khai thành công ở nhiều quốc gia và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam.

d) Lộ trình và đối tượng được phép cung cấp hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH Internet.

Các đối tượng cung cấp dịch vụ webTV chỉ cần giấy phép cung cấp nội dung thông tin trên mạng Internet (Internet Content Provider –ICP) của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay hoặc Bộ Văn hóa Thông tin trước kia.

Các đối tượng cung cấp dịch vụ IPTV cần phải có hai giấy phép là giấy phép thiết lập hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp nội dung thông tin trên mạng Internet (Internet Content Provider –ICP) của Bộ Thông tin và Truyền thông.

5. Quản lý Nhà nước về hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan trực thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý truyền dẫn phát sóng PTTH trên phạm vi cả nước, nội dung quản lý bao gồm:

- Xây dựng thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển truyền dẫn phát sóng PTTH trên phạm vi cả nước;

- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về truyền dẫn phát sóng PTTH;

- Phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ thực hiện việc xây dựng, ban hành và quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng PTTH;

- Cấp, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ về truyền dẫn phát sóng PTTH;

- Tổ chức quản lý, sử dụng tài nguyên tần số và kết nối giữa các mạng truyền dẫn phát sóng PTTH;

- Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về PTTH; ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực PTTH;

- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng PTTH.

6. Phủ sóng PTTH tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và vùng lõm sóng:

a) Mô hình phủ sóng PTTH tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và vùng lõm sóng:

Hình 1: Mô hình phủ sóng PTTH tại vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo và vùng lõm sóng

Việc phủ sóng 100% diện tích lãnh thổ quốc gia bằng phương thức vệ tinh đặc biệt là vệ tinh Vinasat là một thuận lợi cần khai thác để đưa các chương trình PTTH đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng lõm sóng… Một số phương thức để đưa các chương trình PTTH đến người dân tại các địa phương này như sau:

-Phủ sóng PTTH bằng máy phát lại mặt đất công suất trung bình khoảng 5 kw có bán kính phủ sóng hàng chục km.

-Phủ sóng bằng các máy phát lại mặt đất công suất nhỏ đa kênh có bán kính phủ sóng từ 3 – 4 km.

-Sử dụng đầu thu số vệ tinh DTH để thu trực tiếp các chương trình PTTH công ích.

Việc lựa chọn phương thức PTTH nào, căn cứ vào đặc điểm địa hình và phân bố dân cư:

b) Phủ sóng PTTH bằng máy phát lại mặt đất công suất trung bình 5kw:

Áp dụng đối với vùng dân cư tương đối lớn, địa bàn tương đối thuận lợi, có các cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, nhân công vận hành… có thể đầu tư ngay các máy phát mặt đất công suất lớn trung bình vừa. Điều này cho phép một số lượng lớn đồng bào được tiếp cận nhanh chóng với PTTH và mức hỗ trợ kinh phí sẽ giảm thiểu hơn.

Kết hợp với sự đầu tư có sẵn như: cột anten, nhà đặt máy, máy nổ, trạm điện, đường của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng.

Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho việc sử dụng tần số truyền hình, không thu phí sử dụng tần số cho các vùng này. Bộ Khoa học Công nghệ có cơ chế khuyến khích các đơn vị sản xuất máy phát nhỏ đa kênh, máy thu hình mầu một hệ…

c) ­Phủ sóng bằng các máy phát sóng mặt đất công suất nhỏ đa kênh:

Đây là phương án có hiệu quả khi Nhà nước hỗ trợ phương tiện phát sóng mặt đất công suất nhỏ đa kênh đến cộng đồng dân cư và giao cho các cộng đồng dân cư tự quản lý, tự thu chi phí tiền điện khi chạy máy phát sóng này (nếu Nhà nước hỗ trợ kinh phí tiền điện thì càng có hiệu quả). Đây là phương thức xã hội hóa phương tiện phát sóng PTTH có sự tham gia một phần của người dân. Kinh nghiệm đã triển khai tại một số địa phương đã được cộng đồng dân cư nhiệt liệt hưởng ứng.

Đối với các cụm dân cư trên 300 hộ dân trang bị các máy phát đa kênh công suất nhỏ 10w với bán kính phủ sóng khoảng 3 - 4 km, giao các máy phát cho cộng đồng dân cư tự quản.

Với phương thức trên đây, các hộ dân chỉ cần có máy thu hình và anten thông thường là có thể thu được các chương trình PTTH công ích. Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho việc sử dụng tần số qua việc không thu phí sử dụng tần số cho các vùng này. Bộ Khoa học Công nghệ có cơ chế khuyến khích các đơn vị sản xuất máy phát nhỏ đa kênh, máy thu hình mầu một hệ.

d) Phủ sóng bằng đầu thu số vệ tinh DTH và hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

Áp dụng đối với các cụm dân cư không đủ 300 hộ dân hoặc các địa bàn có hộ dân ở thưa thớt, cheo leo trên núi, nhỏ hẹp, thì việc phủ sóng bằng đầu thu vệ tinh kỹ thuật số DTH đến từng hộ dân nghèo là hiệu quả nhất.

Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho việc trang bị đầu thu số vệ tinh DTH, máy thu hình đối với hộ nghèo. Kiến nghị nghiên cứu theo hướng hủy bỏ quyết định số: 79/2002/QĐ–TTg về việc quản lý việc thu các chương trình truyền hình của nước ngoài tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các chương trình truyền hình quốc gia cũng như phù hợp với xu thế phát triển DTH ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.

Với phương thức này, ngoài bộ đầu thu số vệ tinh DTH, Nhà nước hỗ trợ thêm máy thu hình để người dân có thể thu được các chương trình của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

V. CÁC GIẢI PHÁP

V.1. Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức, tuyên truyền và thông tin:

Nâng cao nhận thức, tuyên truyền và thông tin đến nhân dân, cán bộ quản lí các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH bằng tất cả các kênh thông tin về lợi ích, sự cần thiết của việc chuyển đổi sang PTTH sử dụng công nghệ số.

Công bố nội dung của quy hoạch này trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt về lộ trình và các giải pháp chuyển đổi sang PTTH sử dụng công nghệ số để người dân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị… có kế hoạch phù hợp với lộ trình này.

Tuyên truyền và thông tin về những mô hình, lộ trình chuyển đổi sang PTTH số thành công của các nước trong khu vực và trên thế giới tới mọi người dân.

V.2. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, luật pháp:

1. Xây dựng các cơ chế, chính sách, luật pháp để quản lý lĩnh vực truyền dẫn phát sóng PTTH

a) Phân định hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn phát sóng:

- Hoạt động cung cấp nội dung thông tin, biên tập, sản xuất chương trình và quy hoạch các đài PTTH thực hiện theo Luật báo chí và quy hoạch báo chí đối với loại hình báo tiếng, báo hình, báo điện tử.

- Hoạt động truyền dẫn phát sóng và quy hoạch các tổ chức cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng chịu sự điều chỉnh của pháp luật và quy hoạch về viễn thông và tần số vô tuyến điện.

- Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực PTTH, tuỳ thuộc vào điều kiện, khả năng và quy định của pháp luật có thể thực hiện một hoặc cả hai chức năng trên, trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng hạ tầng truyền dẫn phát sóng và tài nguyên tần số.

- Cần xem lĩnh vực truyền dẫn phát sóng PTTH như là một ngành dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (độc lập với sản xuất chương trình) và có chính sách tạo điều kiện hình thành các nhà khai thác cung cấp dịch vụ này hướng tới thành lập các tập đoàn truyền thông mạnh nhằm nâng cao tính cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.

b) Phân biệt rõ các loại hình truyền dẫn phát sóng PTTH thương mại và PTTH thực hiện nhiệm công ích để có hình thức quản lý phù hợp:

Phân biệt rõ PTTH thực hiện nhiệm vụ công ích với các hình thức PTTH khác để từ đó có các chính sách ưu tiên về tài nguyên tần số, tên miền Internet, cơ chế để khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH phục vụ công ích phát triển, một mặt bảo đảm việc đưa các chương trình PTTH công ích đến mọi người dân, mặt khác có thể huy động được mọi nguồn lực của xã hội cho việc đầu tư phát triển mạng lưới truyền dẫn phát sóng PTTH

Đối với hình thức PTTH có thu phí cần phân biệt rõ các đối tượng: (i) Nhà khai thác thông thường, chỉ tiếp sóng các chương trình PTTH đã có giấy phép phát hành tại Việt Nam chỉ cần có giấy phép thiết lập mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp; (ii) Nhà khai thác truyền hình cáp tự sản xuất chương trình, ngoài giấy phép thiết lập mạng, phải có giấy phép hoạt động báo chí và chịu trách nhiệm về các chương trình do mình do sản xuất theo luật báo chí.

Cần phân loại các dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH để có chính sách và quy định quản lý riêng, cụ thể là các dịch vụ:

- Dịch vụ truyền dẫn tín hiệu;

- Dịch vụ dùng chung cơ sở hạ tầng;

- Dịch vụ phát sóng mặt đất.

c)Xây dựng và điều chỉnh các văn bản pháp luật

Xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định trước đây không còn phù hợp với tình hình hiện nay như: Quyết định 79/2002/QĐ-TTg về việc thu các chương trình truyền hình nước ngoài từ vệ tinh, Luật báo chí… Xây dựng ban hành các văn bản pháp luật quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực truyền dẫn phát sóng PTTH như Luật Viễn thông, Luật Tần số - Vô tuyến điện, các văn bản liên quan đến các dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH mới như: PTTH Internet, PTTH di động...

2. Quản lý tiêu chuẩn chất lượng thiết bị và dịch vụ

a) Chứng nhận hợp chuẩn

Các thiết bị thu phát vô tuyến dùng thu phát tín hiệu PTTH khi chưa có tiêu chuẩn riêng cần tuân theo các quy định về chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông; quy định về danh mục vật tư thiết bị bưu chính, viễn thông bắt buộc phải chứng nhận hợp chuẩn; yêu cầu kỹ thuật cho chứng nhận hợp chuẩn các thiết bị này là: quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện của Việt Nam cho các nghiệp vụ, TCN 68-192:2000, thể lệ thông tin vô tuyến thế giới của ITU và chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng cho chứng nhận hợp chuẩn thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện.

b) Quản lý chất lượng dịch vụ truyền dẫn phát sóng

Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho các dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH làm cơ sở quản lý chất lượng truyền dẫn phát sóng PTTH.

3. Bảo vệ quyền lợi người sử dụng

Xây dựng các chính sách và quy định bảo vệ quyền lợi khán thính giả đặc biệt đối với dịch vụ PTTH có thu phí.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH có thu phí có trách nhiệm bảo đảm chất lượng dịch vụ và thực hiện đúng các quy định về cước phí theo quy định của pháp luật.

Xây dựng các quy định về quản lý giá cước và chất lượng dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH trong môi trường cạnh tranh, giải quyết những khiếu nại giữa người dân với đơn vị tham gia truyền dẫn phát sóng, khiếu nại giữa các đơn vị tham gia hoạt động truyền dẫn phát sóng với nhau.

V.3. Nhóm giải pháp về chỉ đạo, đổi mới tổ chức bộ máy sản xuất, kinh doanh:

1. Tổ chức và xây dựng một số tập đoàn truyền thông mạnh

Các đài phát thanh, truyền hình quốc gia và các đơn vị được cấp phép chịu trách nhiệm phát triển mạng truyền dẫn, phát sóng PTTH quốc gia phủ sóng cả nước theo hướng hình thành các tập đoàn truyền thông lớn của Việt Nam.

2. Xây dựng, sử dụng hạ tầng truyền dẫn phát sóng đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trên phạm vi cả nước:

Do đặc tính của công nghệ số (một kênh số có thể phát được đồng thời nhiều chương trình), nên hạ tầng truyền dẫn phát sóng phải được sử dụng có hiệu quả theo hướng một máy phát sóng số cần truyền đồng thời nhiều chương trình của các đài PTTH trung ương và địa phương:

- Các đài PTTH vẫn đảm nhiệm chức năng truyền dẫn phát sóng PTTH tương tự cho đến khi chấm dứt hoàn toàn truyền hình tương tự (theo lộ trình số hóa).

- Kể từ thời điểm chấm dứt truyền hình tương tự các đơn vị, tổ chức, PTTH chưa đủ điều kiện cấp phép khai thác hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH số mặt đất tại địa bàn chỉ đảm nhận chức năng sản xuất nội dung thông tin.

- Việc truyền dẫn tín hiệu PTTH của các đơn vị này đến khán thính giả được thực hiện thông qua thỏa thuận hoặc hợp đồng kinh tế với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng trên địa bàn.

- Đối với phát thanh quá trình số hóa có thể chậm hơn truyền hình do có nhiều đặc thù, do đó các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phát thanh, chưa đủ điều kiện cấp phép khai thác hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng phát thanh mặt đất tại địa bàn có thể thỏa thuận với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng trên địa bàn để đảm nhiệm việc khai thác hiệu quả nguồn nhân lực và thiết bị phát sóng (có thể vẫn sử dụng công nghệ tương tự).

-         Việc truyền dẫn tín hiệu PTTH để trao đổi chương trình giữa các đơn vị tham gia truyền dẫn phát sóng được thực hiện bằng cáp quang, viba, Internet hoặc thông qua vệ tinh…

3. Triển khai thực hiện đồng bộ Quy hoạch

Thành lập Ban chỉ đạo “Số hóa phát thanh, truyền hình Việt Nam” của Chính phủ do Bộ Thông tin và Truyền thông làm thường trực nhằm giúp Chính phủ triển khai đồng bộ quy hoạch và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ số hóa lĩnh vực truyền dẫn phát sóng PTTH Việt Nam với các nhiệm vụ:

- Giám sát toàn diện việc thực hiện quy hoạch bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị tham gia truyền dẫn phát sóng và các đối tượng liên quan đảm bảo quy hoạch này được thực hiện khả thi, đồng bộ và công bằng.

- Là cơ quan giải quyết những khiếu nại giữa người dân với đơn vị tham gia truyền dẫn phát sóng, giữa các đơn vị tham gia hoạt động truyền dẫn phát sóng với nhau và giữa cơ quan quản lý Nhà nước với đơn vị tham gia hoạt động truyền dẫn phát sóng.

- Tuyên truyền, hướng dẫn và nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích và sự cần thiết phải chuyển đổi sang truyền dẫn phát sóng PTTH sử dụng công nghệ số cũng như phương pháp tiếp cận.

- Cùng với các chuyên gia, huy động thêm các tổ chức có liên quan tham gia vào quá trình chuyển đổi công nghệ truyền dẫn phát sóng từ tương tự sang truyền dẫn phát sóng PTTH số như: các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH, các doanh nghiệp điện tử, nhập khẩu thiết bị, các nhà bán lẻ thiết bị…

- Làm tăng mối liên hệ mật thiết giữa Chính phủ, các Bộ, Ngành với các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp PTTH để đảm bảo về thời điểm chuyển đổi sang PTTH số được khả thi.

- Chịu trách nhiệm trả lời tất cả những thắc mắc của người dân về quá trình chuyển đổi sang số.

- Website và đường dây nóng của cơ quan này được xây dựng để cung cấp những thông tin đầy đủ cho người dân, đơn vị, tổ chức và các doanh nghiệp quan tâm đến những thông tin về quá trình chuyển đổi công nghệ được công bố rộng rãi trong năm 2008.

V.4. Nhóm giải pháp phát triển nguồn lực

1. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị đầu cuối thu tín hiệu PTTH số

a) Chính sách về thuế

(i) Thuế nhập khẩu:

- Bước đầu. tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thiết bị đầu cuối thu truyền hình số (theo chuẩn số DVB-T, DVB-C, DVB-S…) có tính đến lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, phụ tùng phục vụ thay thế nhập khẩu.

- Từng bước tiến tới xoá bỏ các biện pháp bảo hộ sản xuất thông qua thuế nhập khẩu, tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.

- Thuế nhập khẩu linh kiện, cụm linh kiện : Giảm đến 0% thuế suất nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ cho việc lắp ráp đầu thu truyền hình số, đầu thu DTH…

(ii) Các thuế khác:

- Xem xét, đề xuất các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị thu truyền hình số, đầu thu DTH…

b) Chính sách huy động vốn đầu tư: Huy động mọi vốn đầu tư từ việc đấu giá tần số PTTH để xây dựng Quỹ Thúc đẩy Số hóa PTTH, các nguồn đầu tư từ xã hội, các doanh nghiệp thông qua liên doanh, liên kết, cổ phần hóa để sản xuất máy thu hình số, thiết bị thu truyền hình số.

2. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu quy hoạch. Trong thời gian qua, đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng PTTH đã làm chủ được kỹ thuật, công nghệ nhưng vẫn còn thiếu nhiều cán bộ đạt trình độ chuyên môn cao và các cán bộ có khả năng đáp ứng các yêu cầu trong xu hướng hội tụ công nghệ. Nguồn nhân lực trong thời gian tới cần tiếp tục phát triển nâng cao về số lượng và chất lượng, trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao và thông thạo ngoại ngữ.

Có sự cải tiến mạnh mẽ về phương pháp đào tạo và chương trình giảng dạy tại các khoa điện tử - viễn thông, các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật chuyên ngành. Cần đào tạo chuyên ngành, đào tạo chuyên sâu để có những kỹ sư thiết kế giỏi, những chuyên gia lành nghề trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng PTTH.

Đẩy mạnh xã hội hóa việc đào tạo và đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, thợ lành nghề để đáp ứng cho yêu cầu mới, ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, lý thuyết đi đôi với thực hành.

Xây dựng hệ thống đào tạo chuyên ngành kỹ thuật PTTH tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật PTTH có tính chuyên nghiệp cao. Hệ thống đào tạo này do Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ sở đào tạo bậc đại học về điện tử - viễn thông và công nghệ thông tin đảm nhiệm.

3. Nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ

Triển khai các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp ngành, các dự án thử nghiệm công nghệ PTTH mới như: truyền hình PTTH qua Internet, truyền hình di động…

Hoàn thiện chính sách chuyển giao công nghệ tạo điều kiện cho việc nhập khẩu và triển khai các công nghệ tiên tiến. Yêu cầu các nhà cung cấp công nghệ nước ngoài chuyển giao toàn bộ kỹ năng thực hành đối với công nghệ truyền dẫn phát sóng PTTH. Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cho các loại công nghệ mới và các thiết bị nhập khẩu.

Có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư và chuyển giao công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm, thiết bị linh kiện điện tử phục vụ cho lĩnh vực truyền dẫn phát sóng PTTH, thiết bị truyền dẫn truyền hình cáp, đầu thu truyền hình số mặt đất (chuẩn DVB-T), truyền hình số vệ tinh (chuẩn DVB-S), truyền hình cáp (chuẩn DVB-C)…

4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Nghiên cứu, học tập các mô hình PTTH của các nước trên thế giới từ đó tìm ra mô hình hợp lý phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực PTTH, phối hợp với các tổ chức trong việc trao đổi, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý PTTH.

Huy động các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA để cùng với nguồn vốn ngân sách Nhà nước thúc đẩy việc phủ sóng PTTH đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và hỗ trợ thiết bị đầu cuối truyền hình số cho các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Thông tin và Truyền thông:

Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện quy hoạch, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung cần cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Nghiên cứu ban hành và đề xuất với Chính phủ ban hành các văn bản quản lý Nhà nước đã nêu trong phần “Giải pháp thực hiện”.

Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình số hóa truyền dẫn phát sóng PTTH và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc triển khai và thực hiện chương trình này.

Tạo điều kiện cho việc sử dụng tần số PTTH, không thu phí sử dụng tần số cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng lõm sóng… mà không ảnh hưởng đến các nghiệp vụ vô tuyến khác.

Căn cứ vào tình hình và nhu cầu phát triển của thị trường truyền dẫn phát sóng PTTH, quy định việc cấp phép cung cấp hạ tầng truyền dẫn phát sóng PTTH cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện.

Phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật truyền dẫn phát sóng PTTH.

Tham gia thẩm định các nhóm dự án trọng điểm để thực hiện các mục tiêu của quy hoạch này.

Xây dựng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo “Số hóa phát thanh, truyền hình Việt Nam” đảm bảo hoạt động một cách hiệu quả, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Phối hợp với các Bộ Ngành liên quan rà soát điều chỉnh các văn bản quy định chưa thực sự phù hợp với thực tế hiện nay, nghiên cứu ban hành các văn bản quản lý Nhà nước về PTTH.

2. Bộ Kế hoạch Đầu tư:

Chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trong việc bố trí, huy động vốn và các nguồn tài trợ cho việc phát triển, hiện đại hóa hệ thống PTTH; xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng phục vụ cho nhóm các dự án trọng điểm, các dự án hỗ trợ đầu thu số chuẩn bị cho lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng PTTH.

3. Bộ Tài chính:

Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan xác định nguồn chi ngân sách hằng năm cho việc hiện đại hóa mạng lưới PTTH, các nhóm dự án trọng điểm phục vụ cho phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng, hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính hỗ trợ đầu thu số chuẩn bị cho lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng PTTH

4. Đài Truyền hình Việt Nam

Chủ trì triển khai nhóm dự án mở rộng phủ sóng truyền hình tới các thôn bản vùng sâu, vùng xa, phát triển mạng phát sóng số mặt đất quốc gia cung cấp dịch vụ truyền hình công, xây dựng mạng truyền hình trả tiền chất lượng cao phục vụ nhu cầu của nhân dân. Phối hợp với các Bộ, Ngành trong việc xây dựng lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật trong truyền dẫn phát sóng truyền hình, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH thực hiện các mục tiêu số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH thực hiện lộ trình số hóa và chia sẻ hạ tầng truyền dẫn phát sóng, đổi mới tổ chức và hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.

5. Đài Tiếng nói Việt Nam

Chủ trì mở rộng vùng phủ sóng phát thanh quốc gia đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biển Tổ quốc, phát triển mạng phát thanh số mặt đất quốc gia cung cấp dịch vụ phát thanh công. Phối hợp với các Bộ, Ngành trong việc xây dựng lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật trong truyền dẫn phát sóng phát thanh, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH thực hiện các mục tiêu số hóa truyền dẫn phát sóng phát thanh. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH thực hiện lộ trình số hóa và chia sẻ hạ tầng truyền dẫn phát sóng, đổi mới tổ chức và hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.

6. Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép xây dựng hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH:

Phối hợp với các Bộ Ngành trong việc xây dựng lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật trong truyền dẫn phát sóng PTTH. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH thực hiện lộ trình số hóa và chia sẻ hạ tầng truyền dẫn phát sóng.

7. UBND Tỉnh, Thành phố:

Triển khai và chỉ đạo các đài PTTH trực thuộc địa phương thực hiện những nội dung của quy hoạch này trên địa bàn, bảo đảm tốt vùng phủ sóng PTTH đến mọi người dân trong địa phương.

8. Các đài PTTH địa phương:

Chịu trách nhiệm phát triển hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh truyền hình địa phương trên địa bàn đảm bảo thông tin liên lạc trong giai đoạn chuyển đổi từ tương tự sang số hóa, Thực hiện lộ trình số hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt, triển khai các nội dung của quy hoạch này liên quan đến phạm vi và trách nhiệm của mình.

PHỤ LỤC 1: XU HƯỚNG VÀ DỰ BÁO PHÁT TRIỂN TRUYỀN DẪN PHÁT SÓNG PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH

I.1. Xu hướng số hóa PTTH

1. Xu hướng số hóa phát thanh

Tình hình số hóa phát thanh ở một số nước:

Australia: Bắt đầu thử nghiệm hệ thống phát thanh DAB từ năm 1999, ở các vùng rộng lớn ở Sydney và Melbourne. Tháng 10/2005 kế hoạch phát thanh số của Australia được công bố và chính phủ đã quyết định từ 1/1/2009 sẽ cung cấp dịch vụ phát thanh số trên toàn quốc.

Đức: Một trong những quốc gia đầu tiên tham gia phát triển hệ thống phát thanh DAB. Năm 1995 dự án thử nghiệm DAB đầu tiên được tiến hành tại bang Baden-Wurttemberg. Năm 1998 dự án thử nghiệm kết thúc với gần 3.000 bộ máy thử nghiệm DAB được bán ra. Hiện nay đã có khoảng 85% các gia đình ở Đức đã có thể sử dụng các dịch vụ phát thanh số.

Singapore: Từ 19/11/1999 Singapore đã cung cấp dịch vụ phát thanh số sử dụng chuẩn E 147 DAB và Singapore đã là quốc gia đầu tiên phủ sóng hoàn toàn DAB.

Anh: Đài BBC lần đầu tiên cung cấp hệ thống phát thanh số ở London vào năm 1990. Tháng 9/1997 BBC thông báo rằng đã bao phủ 65% trên toàn quốc và đến 2006 bao phủ được 88% dân số.

2. Xu hướng số hóa truyền hình

Hiện nay một số quốc gia trên thế giới đã đưa ra lộ trình chấm dứt việc phát truyền hình tương tự mặt đất trên phạm vi quốc gia:

Nhật Bản : Chấm dứt việc phát truyền hình tương tự mặt đất vào năm 2011.

Thụy Điển : Hệ thống DTT (Truyền hình số mặt đất) đã được triển khai vào năm 1999, việc kết thúc hệ thống tương tự đã được bắt đầu vào năm 2005 và dự kiến đến năm 2007 sẽ kết thúc hoàn toàn. Việc này sẽ tiến hành theo từng vùng và vùng đầu tiên sẽ kết thúc truyền hình tương tự vào cuối năm 2005.

Phần Lan : Tháng 3/2004 Chính phủ đã quyết định truyền dẫn phát sóng PTTH tương tự kết thúc vào tháng 8/2007.

Các nước trong khối Asean: Chưa đưa ra lộ trình số hóa truyền hình mặt đất, chỉ có một số nước đang trong giai đoạn thử nghiệm.

3 . Sự cần thiết phải số hóa PTTH

Truyền hình số cung cấp một nền tảng tốt hơn đối với nội dung thông tin, khả năng tương tác, cải thiện chất lượng âm thanh và hình ảnh, cho phép khả năng sử dụng phổ tần số cao hơn.

Gánh nặng chi phí vận hành và bảo trì hai hệ thống hạ tầng truyền dẫn PTTH, việc kết thúc truyền hình tương tự đem lại lợi ích đến toàn thể công chúng trong việc rút ngắn khoảng cách số với mức giá thấp.

Ưu điểm của truyền hình số khiến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trên toàn thế giới chuyển sang số, trong tương lai không xa các nhà sản xuất thiết bị sẽ ngừng việc sản xuất thiết bị truyền dẫn và thu, phát tương tự, các nhà sản xuất chương trình cũng ngừng việc sản xuất chương trình dựa trên công nghệ tương tự, điều đó sẽ là một thách thức đối với các quốc gia không làm chủ về mặt công nghệ.

I.2. Xu hướng hội tụ PTTH, viễn thông và CNTT

1. Xu hướng hội tụ nội dung PTTH và viễn thông

Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp nội dung của các đài truyền hình trên mạng viễn thông dựa trên cơ chế chia sẻ tỷ lệ lợi nhuận theo tỷ lệ đầu tư.

2. Xu hướng hội tụ mạng truyền dẫn PTTH và viễn thông

Một mạng duy nhất để truyền các tín hiệu cả viễn thông và truyền hình: Mạng trục NGN, mạng toàn quang, mạng truy nhập FTTH, Wireless Broadband… hỗ trợ cho xu hướng trên.

3. Xu hướng hội tụ thiết bị đầu cuối

Thiết bị đầu cuối có khả năng cung cấp trên cùng một thiết bị các dịch vụ thoại, Internet, nghe radio và xem truyền hình.

4. Xu hướng hội tụ quản lý

Khoảng cách giữa viễn thông và PTTH đang ngày càng rút ngắn và có xu hướng tiến tới thống nhất, nhiều vấn đề vẫn còn được tranh cãi, tùy theo đặc thù từng quốc gia mà họ đưa ra các chính sách quản lý khác nhau, một số quốc gia thì quản lý chung cả viễn thông và PTTH, các quốc gia khác thì coi những dịch vụ PTTH mới là một dịch vụ giá trị gia tăng của viễn thông.

I.3. Hệ thống PTTH nói chung

1. Các dịch vụ PTTH:

Việc phân loại PTTH ở một số nước được thực hiện như sau:

- Theo mục tiêu phục vụ và nguồn tài chính: PTTH phục vụ công ích và PTTH thương mại.

- Theo phạm vi phục vụ: PTTH quốc gia và PTTH địa phương.

- Theo nền tảng phương tiện truyền dẫn: PTTH mặt đất, vệ tinh, Internet và cáp.

- Theo sự di động của thiết bị đầu cuối: Truyền hình cố định và truyền hình di động.

2. Hệ thống PTTH

a. Mô hình

Hệ thống PTTH bao gồm nhiều công đoạn khác nhau, có nhiều thành phần tham gia vào công đoạn này bao gồm:

- Thành phần trung tâm là các đài PTTH (Broadcaster) có chức năng chính là sản xuất biên tập, lập kế hoạch (lịch trình) PTTH.

- Một thành phần không thể thiếu trong công nghiệp PTTH là các nhà sản xuất nội dung chẳng hạn như các hãng phim và các studio sản xuất các sản phẩm PTTH như: Chương trình trò chơi truyền hình, kịch truyền hình, talk shows…

- Việc truyền tải các sản phẩm, nội dung PTTH đến khán thính giả được thực hiện thông qua các hệ thống truyền dẫn phát sóng với các nền công nghệ hiện nay là truyền dẫn phát sóng mặt đất, truyền dẫn qua hệ thống cáp và truyền dẫn phát sóng qua vệ tinh, tương ứng với các công nghệ này là các nhà khai thác mạng truyền dẫn phát sóng mặt đất, các nhà khai thác cáp, các nhà khai thác vệ tinh và các ISP qua Internet.

b. Hệ thống truyền dẫn phát sóng mặt đất tập trung

Hầu hết các nước đều có công ty cung cấp các dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH mặt đất. Các công ty này thường là doanh nghiệp sở hữu và khai thác mạng công cộng cung cấp các dịch vụ truy cập cơ sở hạ tầng phát sóng mặt đất và các dịch vụ truyền dẫn tín hiệu PTTH.

Ưu tiên tài nguyên tần số dành cho phát hình mặt đất, sau khi phân bổ cho các kênh PTTH công ích một tỷ lệ tài nguyên nhất định, phần còn lại sẽ được thị trường hóa.

Điều cần thiết là phải có hệ thống cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng thống nhất, nhà khai thác cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng có chức năng cung cấp dịch vụ truyền dẫn tín hiệu trên phạm vi cả nước, mô hình này có các ưu điểm:

- Phổ tần số được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn vì nhà khai thác mạng cần phải quan tâm đến việc tối ưu hóa quỹ tần số đã được phân bổ.

- Ngoài ra các nhà khai thác nội dung khác (chẳng hạn như các hãng thông tấn, báo chí) sẽ có cơ hội truy nhập các dịch vụ truyền dẫn phát sóng , tham gia vào vào thị trường PTTH mà không phải lo gánh nặng đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống truyền dẫn phát sóng riêng của mình.

- Việc cung cấp các dịch vụ truyền dẫn tín hiệu và cơ sở hạ tầng phát sóng do một đơn vị, tổ chức hoặc doanh nghiệp sở hữu và khai thác trên cơ sở hành lang pháp lý đảm bảo tính công bằng, không thiên vị và minh bạch, trên cơ sở đó các đài PTTH có thể truy nhập một cách công bằng vào mạng truyền dẫn phát sóng công cộng với dung lượng, chất lượng và phí dịch vụ được đảm bảo quản lý và quy định chặt chẽ của Nhà nước.

- Cơ sở hạ tầng phát sóng mặt đất thường được sở hữu và khai thác bởi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp PTTH phục vụ công ích hoặc các công ty viễn thông có chức năng cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng. Ví dụ phần lớn các nước thuộc khối OECD các đài thương mại mặt đất thường thuê cơ sở hạ tầng nhà khai thác sở hữu mạng công cộng để phân phối chương trình đến khán thính giả.

I.4. Đánh giá xu hướng và dự báo phát triển truyền dẫn phát sóng PTTH ở Việt Nam

Xã hội hóa việc sản xuất nội dung thông tin dẫn đến xuất hiện nhu cầu đưa nội dung thông tin đến khán giả hình thành một thị trường truyền dẫn phát sóng PTTH.

Do xu hướng hội tụ công nghệ các nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH cung cấp cả dịch vụ viễn thông và ngược lại, hạ tầng truyền dẫn sẽ dựa trên một nền tảng duy nhất trên đó tất cả các dịch vụ được cung cấp đến người xem.

Các công nghệ PTTH mới (như truyền hình số mặt đất, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet…) sẽ phát triển nhanh và thay thế dần các công nghệ truyền dẫn phát sóng PTTH truyền thống (truyền hình tương tự).

PTTH có thu phí, thương mại sẽ phát triển với tốc độ nhanh chóng, truyền hình công sẽ ngày càng giảm số lượng người xem.

Các dịch vụ PTTH di động, Internet sẽ phát triển với tốc độ nhanh chóng cùng với việc phát triển nhanh chóng của công nghệ nén, mã hóa, công nghệ truy nhập, việc thương mại hóa dịch vụ này được thực hiện trong tương lai gần.

Khả năng xuất hiện mô hình quản lý khi mà một số đơn vị được Chính phủ cấp phép chịu trách nhiệm mạng truyền dẫn phát sóng PTTH số quốc gia. Các bộ phận kỹ thuật truyền dẫn phát sóng tại các địa phương sẽ được chuyển về các đơn vị này quản lý và khai thác. Đây là một mô hình hợp lý cho phép nâng cao khả năng cạnh tranh của một số tập đoàn PTTH trong nước khi trong tương lai có các tập đoàn truyền thông thế giới tham gia thị trường.

Với sự phát triển mạnh của truyền hình cáp, mô hình chi nhánh sẽ bùng nổ bởi vì việc kinh doanh chỉ tập trung mạnh vào việc phân phối các chương trình truyền hình trên mạng truyền hình cáp.

Sự phát triển mạnh của một số đài PTTH của một số tỉnh, thành phố có thu nhập cao, giống như trường hợp tỷ phú truyền thông Ted Turner phát triển đài truyền hình TBS của mình trong những năm 80 của thế kỷ trước vượt ra khỏi ranh giới Atlanta. Nhờ sử dụng dịch vụ truyền hình DTH, các khán thính giả có thể xem các chương trình truyền hình trực tiếp qua vệ tinh (khi được cấp phép) và các nhà khai thác truyền hình cáp tại địa phương rất hoan nghênh vì có thể sử dụng chương trình mà không phải cam kết tiếp sóng 100%, trong khi đó vẫn chèn được quảng cáo riêng của mình.

 

PHỤ LỤC 2: DANH MỤC CÁC NHÓM DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM TRONG QUY HOẠCH TRUYỀN DẪN PHÁT SÓNG PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH ĐẾN NĂM 2020

Nhóm Dự án I : Mở rộng phủ sóng truyền hình tới các thôn bản vùng sâu, vùng xa đến năm 2020

Mục tiêu dự án:

Dự án này thực hiện cho các vùng sâu, vùng xa: những vùng thôn bản từ trước đến nay chưa được xem truyền hình, những vùng đồng bào còn nghèo khó, những vùng đặc biệt khó khăn sử dụng tất cả các phương thức truyền dẫn phát sóng PTTH mặt đất tương tự, số, cáp và đặc biệt là sử dụng vệ tinh Vinasat.

Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản 100% các thôn bản đặc biệt khó khăn được xem truyền hình quốc gia.

Nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước và nguồn vốn doanh nghiệp.

Đơn vị thực hiện : Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH.

Nhóm Dự án II: “Mở rộng vùng phủ sóng phát thanh quốc gia đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biển tổ quốc đến năm 2020

Mục tiêu dự án: Tăng cường phủ sóng mạnh, ổn định, liên tục và chất lượng cao cho vùng biển và tăng cường phủ sóng các vùng lõm sóng chương trình VOV2, VOV3 khu vực các tỉnh vùng sâu, vùng xa bằng sóng FM chất lượng cao.

Nguồn vốn : Ngân sách Nhà nước và nguồn vốn doanh nghiệp.

Đơn vị thực hiện: Đài Tiếng nói Việt Nam và các đơn vị, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH.

Nhóm Dự án III: “Phát triển mạng truyền hình số mặt đất quốc gia

Mục tiêu dự án: Phát triển hệ thống phát sóng số mặt đất trên phạm vi quốc gia tại các địa phương song song với hệ thống phát sóng tương tự trong thời kỳ quá độ cung cấp các chương trình truyền hình công, đáp ứng tình hình phát triển đất nước đồng thời thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân nhân.

Nguồn vốn : Ngân sách Nhà nước và nguồn vốn doanh nghiệp.

Đơn vị thực hiện: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH.

Nhóm Dự án IV “Phát triển mạng phát thanh số mặt đất quốc gia

Mục tiêu dự án: Phát triển hệ thống phát sóng số mặt đất trên phạm vi quốc gia tại các địa phương song song với hệ thống phát sóng tương tự trong thời kỳ quá độ cung cấp các chương trình phát thanh công, đáp ứng tình hình phát triển đất nước đồng thời thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân nhân.

Nguồn vốn : Ngân sách Nhà nước và nguồn vốn doanh nghiệp.

Đơn vị thực hiện: Đài Tiếng nói Việt Nam và các đơn vị, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng PTTH.

Nhóm Dự án V: “Sản xuất và cung cấp đầu thu truyền hình số”

Mục tiêu dự án: Sản xuất và cung cấp đầu thu truyền hình số.

Nguồn vốn : Doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước.

Đơn vị thực hiện: Các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng

Nhóm Dự án VI: “Phát triển mạng truyền hình cáp tại các địa phương trên cả nước”

Mục tiêu dự án: Phát triển mạng truyền hình cáp tại các tỉnh thành phố và các huyện vùng kinh tế trọng điểm.

Nguồn vốn : Vốn doanh nghiệp

Đơn vị thực hiện: Đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép

 

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo dạng .DOC

Ngày nhập

14/11/2007

Đã xem

2611 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Thông tin và Truyền thông

Loại tài liệu Quyết định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 7 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com