Theo dõi (0)

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển dịch vụ môi trường phù hợp với các quy định của WTO làm cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài”

Ngày đăng: 11:12 15-12-2008 | 1778 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

_____________

Sè : /2008/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

___________________

Hà Nội, ngày tháng năm 2008

DỰ THẢO

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt “Đề án phát triển dịch vụ môi trường phù hợp với các quy định của WTO làm cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài”

___________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt "Đề án phát triển dịch vụ môi trường phù hợp với các quy định của WTO làm cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài" với những nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm chỉ đạo

- Phát triển DVMT nhằm giảm thiểu tối đa chất thải, cải thiện chất lượng môi trường và chất lượng cuộc sống của nhân dân, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước;

- Phát triển DVMT góp phần tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu tổng thu nhập quốc nội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý các vấn đề môi trường;

- Phát triển DVMT theo hướng thực hiện tốt các cam kết Việt Nam đối với WTO, tạo thuận lợi thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành DVMT trong nước;

- Phát triển DVMT theo lộ trình và bước đi phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trước mắt lấy việc đổi mới các doanh nghiệp cung ứng DVMT của Nhà nước làm nền tảng, hướng tới phát triển mạng lưới các tổ chức cung ứng DVMT chuyên nghiệp với vai trò dẫn dắt của Tập đoàn DVMT của Nhà nước, đồng thời phát triển thị trường DVMT năng động và hiệu quả;

- Phát triển ngành DVMT trên cơ sở đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn chủ trương xã hội hoá các hoạt động bảo vệ môi trường, thu hút các nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Phát triển ngành DVMT đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với các quy định của WTO, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

b) Mục tiêu cụ thể

- Định hướng chiến lược phát triển DVMT với tầm nhìn và lộ trình phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập của đất nước;

- Hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về phát triển DVMT tạo thuận lợi để các tổ chức cung ứng DVMT trong nước phát triển, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài;

- Cải cách hệ thống cung ứng DVMT hiện có theo hướng thúc đẩy phát triển mạng lưới doanh nghiệp cung ứng DVMT và hình thành thị trường DVMT phù hợp với nền kinh tế thị trường và các cam kết đối với WTO;

- Hình thành tập đoàn DVMT của Nhà nước đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn của đất nước, đi đầu trong hoạt động cung ứng DVMT, đủ sức cạnh tranh và tiến tới chiếm lĩnh thị trường DVMT trong nước và đầu tư ra nước ngoài;

- Phát triển thị trường DVMT, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu và tạo lập cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả phục vụ phát triển thị trường DVMT hoàn hảo.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH

1. Các nhiệm vụ chính

a) Giai đoạn 2009 - 2012

- Điều tra, đánh giá thực trạng, nhận dạng các cơ hội, thách thức và xây dựng Chiến lược phát triển DVMT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về phát triển DVMT phù hợp với các cam kết của Việt Nam đối với WTO;

- Lập và phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường đến năm 2020;

- Thí điểm tái cơ cấu các doanh nghiệp DVMT nhà nước theo hướng cổ phần hóa;

- Thành lập Tập đoàn DVMT Việt Nam với cổ phần chủ yếu của Nhà nước đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn của đất nước và đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài về môi trường.

b) Giai đoạn 2013 - 2015

- Xây dựng và thực hiện lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp DVMT nhà nước theo hướng cổ phần hóa phù hợp với cơ chế thị trường và các cam kết với WTO;

- Hình thành và phát triển thị trường DVMT ở Việt Nam phù hợp với nền kinh tế thị trường và các cam kết với WTO;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về DVMT và cơ chế trao đổi thông tin, đối thoại về DVMT;

- Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành DVMT;

- Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về DVMT.

2. Danh mục các nhiệm vụ thực hiện Đề án được ghi trong Danh mục các nhiệm vụ, dự án của "Đề án phát triển dịch vụ môi trường phù hợp với các quy định của WTO làm cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài", ban hành kèm theo Quyết định này.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Giải pháp về thể chế chính sách

- Hệ thống hoá các quy định và chính sách về dịch vụ môi trường hiện có, trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế theo mục tiêu của Đề án. Tạo khuôn khổ pháp lý cho các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng vào hoạt động kinh doanh dịch vụ môi trường; xây dựng và hoàn thiện các công cụ kinh tế quản lý và khuyến khích hoạt động kinh doanh dịch vụ môi trường và chính sách thu hút, khuyến khích khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài.

- Tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ môi trường. Phương thức chủ yếu để chất lượng của nhà cung cấp dịch vụ môi trường được bảo đảm là thông qua những chứng nhận và giấy phép chuyên môn có liên quan đến các tiêu chuẩn về hoạt động trên toàn cầu. Những chứng nhận và giấy phép như vậy cần dựa trên cơ sở kết hợp từ bước đào tạo, kiểm tra năng lực, giám sát kinh nghiệm và xem xét độ tin cậy trên thực tế.

2. Giải pháp về nguồn lực tài chính

- Bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện Đề án từ ngân sách Nhà nước là chủ yếu, đồng thời huy động các nguồn vốn khác như: ODA, các chương trình hợp tác quốc tế và các thành phần kinh tế;

- Căn cứ trên đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương cũng như kinh nghiệm của các Đề án, Chương trình, các Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước đã được thực hiện trước năm 2008. Phương án dự kiến kinh phí thực hiện Đề án được phân bổ và thể hiện ở bảng 1;

- Tổng kinh phí dự kiến thực hiện “Đề án phát triển dịch vụ môi trường phù hợp với các quy định của WTO làm cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài” là 6.219,5 tỷ VND. Kinh phí thực hiện sẽ được xác định cụ thể trên cơ sở phê duyệt từng dự án khả thi của Đề án. Chi tiết hoá cho từng giai đoạn 2009 - 2012 và 2012 - 2015 sẽ được xác định trong từng dự án do các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng các Dự án cụ thể sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án.

3. Đào tạo nguồn nhân lực

- Đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực dịch vụ môi trường, bao gồm đào tạo bổ sung, đào tạo mới, bồi dưỡng; nâng cao trình độ khoa học, công nghệ ở các trình độ đại học và trên đại học và nâng cao năng lực quản lý để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển dịch vụ môi trường;

- Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

4. Đổi mới cơ chế phối hợp, tổ chức, điều hành

Trong nhiều năm qua việc phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong lĩnh vực dịch vụ môi trường còn nhiều bất cập. Để khắc phục những hạn chế, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Đổi mới cơ chế phối hợp, tổ chức, điều hành: phân công trách nhiệm cụ thể theo chuyên ngành cho từng Bộ, ngành và các viện nghiên cứu;

- Hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trung ương với các địa phương;

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các địa phương và cộng đồng dân cư về dịch vụ môi trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

- Chủ trì lập kế hoạch vốn ngân sách nhà nước dài hạn và từng năm để thực hiện các nội dung của Đề án, gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương điều tra, đánh giá thực trạng, nhận dạng các cơ hội, thách thức và xây dựng Chiến lược phát triển DVMT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ tài chính xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về phát triển DVMT phù hợp với các cam kết của Việt Nam đối với WTO;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ tài chính thành lập Tập đoàn DVMT Việt Nam với cổ phần chủ yếu của Nhà nước đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn của đất nước và đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài về môi trường; kiện toàn bộ máy quản lý hoạt động DVMT và tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động này;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về DVMT.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Cân đối, bố trí và hướng dẫn sử dụng kế hoạch vốn hàng năm và dài hạn để thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ của Đề án;

- Hoàn thiện và cụ thể hoá một số quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư nước ngoài liên quan đến đầu tư nước trong lĩnh vực môi trường;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các Viện, Trường, địa phương xây dựng và thực hiện lộ trình cải cách hệ thống các tổ chức cung ứng DVMT hiện nay ở Việt Nam theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và các cam kết với WTO;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các Viện, Trường, địa phương hình thành và phát triển thị trường DVMT ở Việt Nam phù hợp với nền kinh tế thị trường và các cam kết với WTO.

3. Bộ Tài chính

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách về DVMT như rà soát, sửa đổi các loại phí, thuế, lệ phí môi trường, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh DVMT;

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các hình thức trợ cấp môi trường phù hợp với Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) của WTO;

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi các quy định bất hợp lý liên quan đến các chi phí giao dịch trong hoạt động lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ, thủ tục hải quan.

4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Viện, các Trường đại học xây dựng cơ sở dữ liệu về DVMT và cơ chế trao đổi thông tin, đối thoại về DVMT.

5. Bộ Công Thương

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh triển khai đánh giá thực trạng chất thải công nghiệp, đề xuất các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ môi trường;

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cụ thể hoá các cam kết về dịch vụ môi trường, các phương thức cung cấp dịch vụ và lộ trình thực hiện của Việt Nam.

6. Bộ Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương lập và phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường đến năm 2020.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề khảo sát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực DVMT.

8. Ủy ban nhân dân tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, thí điểm tái cơ cấu các doanh nghiệp DVMT nhà nước theo hướng cổ phần hóa; xây dựng và thực hiện lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp DVMT nhà nước theo hướng cổ phần hóa phù hợp với cơ chế thị trường và các cam kết với WTO.

9. Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân: có nhu cầu tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương để được xem xét, giải quyết.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh,

thành phố trực thuộc Trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- Các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91;

- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,

Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KG (5b). XH

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

Hoàng Trung Hải

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ - DỰ ÁN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG PHÙ HỢP VỚI CÁC QUY ĐỊNH CỦA WTO LÀM CƠ SỞ THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI”

(Ban hành kèm theo Quyết định /2008/QĐ-TTg ngày tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên Dự án

Cơ quan

chủ trì

Cơ quan phối hợp

Dự kiến kinh phí (tỷ VNĐ)

Thời gian thực hiện

Ghi chú

1

Điều tra, đánh giá thực trạng, nhận dạng các cơ hội, thách thức và xây dựng Chiến lược phát triển DVMT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Bộ TN&MT

Các Bộ: KH&ĐT, CT; Các Viện, Đại học; Các địa phương

12,0

2009-2011

2

Xây dựng và hoàn thiện chính sách và pháp luật về phát triển DVMT phù hợp với các quy định của WTO nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Bộ TN&MT

Các Bộ: KH&ĐT, CT, TC; Các Viện, Đại học; Các địa phương

9,5

2009-2011

3

Điều tra, đánh giá thực trạng phát triển thị trường ngành DVMT Việt Nam và lập quy hoạch kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường đến năm 2020

Bộ XD

Các Bộ: TN&MT, KH&ĐT, CT; Các Viện, Đại học.

15,0

2012-2014

4

Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về phát triển DVMT, thí điểm tái cơ cấu các doanh nghiệp DVMT nhà nước theo hướng cổ phần hóa

Ủy ban Nhân dân Tỉnh

Các Bộ: KH&ĐT, CT, TC; Các Viện, Đại học;

5,0

2010-2012

5

Thành lập Tập đoàn DVMT của nhà nước

Bộ TN&MT

Các Bộ: KH&ĐT, CT

Các Viện, Đại học; Các địa phương

6000,0

2010 - 2012

6

Xây dựng và thực hiện lộ trình cải cách hệ thống các tổ chức cung ứng DVMT hiện nay ở Việt Nam theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và các cam kết với WTO

Bộ KH&ĐT

Các Bộ: TN&MT, CT; Các Viện, Đại học; Các địa phương

150,0

2013 - 2015

7

Hình thành và phát triển thị trường DVMT ở Việt Nam phù hợp với nền kinh tế thị trường và các cam kết với WTO

Bộ KH&ĐT

Các Bộ: TN&MT, CT, TC; Các Viện, Đại học.

15,0

2014-2015

8

Xây dựng cơ sở dữ liệu về DVMT và cơ chế trao đổi thông tin, đối thoại về DVMT

VCCI

Các Bộ: KH&ĐT, TN&MT, CT; Các Viện, Đại học; Các địa phương

4,5

2013-2014

9

Tăng cường năng lực cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ môi trường

Bộ TN&MT

Bộ GD, KH&ĐT; Các Viện, Đại học; Các địa phương

3,5

2012-2014

10

Tuyên truyền và nâng cao kiến thức doanh nghiệp và cộng đồng DVMT trong khuôn khổ WTO

Bộ TN&MT

Bộ GD; Các Viện, Đại học; Các địa phương

5,0

2012-2013

------------------------

Lĩnh vực liên quan

Thông tin tài liệu

Số lượng file

Cơ quan soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường

Loại tài liệu Quyết định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com