Theo dõi (0)

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu

Ngày đăng: 09:03 18-04-2011 | 1414 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Công Thương

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

_______

Số: /2011/QĐ-TTg

DỰ THẢO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________________________

Hà Nội, ngày tháng năm 2011

QUYẾT ĐỊNH

Về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu

_________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,



QUYẾT ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định việc dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu, bao gồm: gạo, đường, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

1. Thương nhân sản xuất, kinh doanh, bao gồm cả thương nhân nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu theo quy định tại Điều 1 Quyết định này.

2. Hiệp hội ngành hàng;

3. Cơ quan quản lý Nhà nước về sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu theo quy định tại Điều 1 Quyết định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Gạo” là gạo tẻ thường, tối đa 25% tấm.

2. “Đường” là đường kính trắng bao gồm đường RE và đường RS .

3. “Thép” bao gồm thép xây dựng các loại và phôi thép vuông để sản xuất thép xây dựng

4. “Phân bón” bao gồm các loại phân vô cơ: Urê, Kali, và DAP.

5. “Thức ăn chăn nuôi” bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc dùng cho chăn nuôi lợn thịt, gà thịt; thức ăn hỗn hợp cho cá; thức ăn hỗn hợp cho tôm sú; các nguyên liệu gồm ngô, đậu tương, khô dầu đầu tương.

Điều 4. Áp dụng pháp luật

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Quyết định này thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Điều 5. Nguyên tắc dự trữ lưu thông bắt buộc

1. Bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu tại từng khu vực địa lý khi có trường hợp mất cân đối cung cầu đột biến, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và tình hình kinh tế-xã hội.

2. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô.

3. Chủ động kiểm soát và hạn chế tăng giá bất hợp lý, phòng chống đầu cơ, găm hàng gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng.

4. Chất lượng hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc là hàng hóa đủ tiêu chuẩn lưu hành trên thị trường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hoặc, trong trường hợp không có tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành, là hàng hóa có chất lượng trung bình trên thị trường.

Chương II

QUỸ DỰ TRỮ LƯU THÔNG BẮT BUỘC

Điều 6. Mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa

1. Mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa đối với gạo:

a) 10% lượng gạo thương nhân đã xuất khẩu trong 06 tháng trước đó đối với tất cả thương nhân có xuất khẩu gạo;

b) 10% lượng gạo các thương nhân đã bán trong 06 tháng trên thị trường trong nước trước đó đối với thương nhân có thị phần lớn do Hiệp hội lương thực Việt Nam xác định nhưng không quá 750.000 tấn;

c) Trong trường hợp thương nhân xuất gạo đồng thời là thương nhân phân phối gạo trên thị trường trong nước thì căn cứ vào thị phần lớn hơn để áp dụng theo điểm a hoặc điểm b khoản này.

2. Mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa đối với đường:

a) 10% lượng đường mà thương nhân được cấp hạn ngạch đối với các thương nhân nhập khẩu đường được Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu đường hàng năm;

b) 05% lượng đường mà thương nhân đã sản xuất trong niên vụ sản xuất trước đó đối với tất cả các thương nhân sản xuất đường;

c) Trong trường hợp thương nhân sản xuất đường đồng thời là thương nhân nhập khẩu đường thì căn cứ vào thị phần lớn hơn để áp dụng theo điểm a hoặc điểm b khoản này.

3. Mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa đối với thép:

a) 10% lượng thép mà thương nhân nhập khẩu năm trước đối với thương nhân nhập khẩu thép.

b) 05% lượng phôi thép mà thương nhân nhập khẩu năm trước đối với thương nhân nhập khẩu phôi thép.

c) 03% lượng phôi thép mà thương nhân đã sản xuất năm trước đối với thương nhân sản xuất phôi thép.

d) Trong trường hợp thương nhân sản xuất phôi thép đồng thời là thương nhân nhập khẩu thép, phôi thép thì căn cứ vào thị phần lớn hơn để áp dụng theo điểm a, điểm b hoặc điểm c khoản này.

4. Mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa đối với phân bón:

a) 12% lượng phân bón mà thương nhân đã nhập khẩu năm trước cho vụ Đông Xuân (từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 3 năm sau) và 06% cho thời gian còn lại trong năm đối với thương nhân nhập khẩu phân bón.

b) 10% số lượng phân bón mà thương nhân đã sản xuất năm trước cho vụ Đông Xuân (từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 3 năm sau) và 05% cho thời gian còn lại trong năm đối với thương nhân sản xuất phân bón.

c) Trong trường hợp thương nhân sản xuất phân bón đồng thời là thương nhân nhập khẩu phân bón thì căn cứ vào thị phần lớn hơn để áp dụng theo điểm a hoặc điểm b khoản này.

5. Mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa đối với thức ăn chăn nuôi:

a) 10% lượng thức ăn chăn nuôi mà thương nhân nhập khẩu năm trước đối với thương nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.

b) 10% lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà thương nhân nhập khẩu năm trước đối với thương nhân nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

c) 05% lượng thức ăn chăn nuôi mà thương nhân đã sản xuất năm trước đối với thương nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi.

d) Trong trường hợp thương nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi đồng thời là thương nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thì căn cứ vào thị phần lớn hơn để áp dụng theo điểm a, điểm b hoặc điểm c khoản này.

Điều 7. Thẩm quyền công bố mức dự trữ lưu thông bắt buộc

1. Căn cứ vào biến động cung cầu trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh tăng (mua vào) hoặc giảm (bán ra) mức dự trữ lưu thông bắt buộc đối với từng loại hàng hóa quy định tại Quyết định này.

2. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối thiểu là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp giảm mức dự trữ lưu thông bắt buộc và tối thiểu là 30 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng mức dự trữ lưu thông bắt buộc.

Điều 8. Mức giá mua vào, bán ra hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc

1. Giá mua hàng hóa đưa vào dự trữ lưu thông thực hiện theo cơ chế giá thị trường.

2. Giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%, giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra.

Điều 9. Trách nhiệm của thương nhân trong trường hợp bán ra hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc

1. Thương nhân thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc phải đăng ký với Sở Công Thương địa phương nơi thương nhân đăng ký kinh doanh về kênh phân phối hàng hóa được quy định tại Điều 1 Quyết định này và chỉ được bán hàng dự trữ lưu thông bắt buộc cho kênh phân phối đã đăng ký.

2. Ngay khi có quyết định bán ra hàng dự trữ lưu thông bắt buộc có hiệu lực, thương nhân thực hiện dữ trữ lưu thông bắt buộc phải điều động hàng hóa trong hệ thống dự trữ của mình đến kênh phân phối đã đăng ký.

3. Số lượng, chủng loại, thời gian, địa chỉ giao hàng và tên của thương nhân nhận hàng phải được thông báo ngay cho cơ quan quản lý thị trường địa phương.

Điều 10. Trách nhiệm của thương nhân trong trường hợp mua vào hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc

Ngay khi có quyết định mua vào hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc (tăng tỷ lệ dự trữ), thương nhân phải thực hiện việc mua hàng hóa trong thời hạn được quy định cụ thể tại Quyết định điều chỉnh tỷ lệ dự trữ lưu thông bắt buộc của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho từng mặt hàng.

Điều 11. Kiểm tra, giám sát thương nhân trong việc hình thành và sử dụng quỹ dự trữ lưu thông bắt buộc

Ngay khi quyết định điều chỉnh mức dự trữ lưu thông bắt buộc có hiệu lực, cơ quan quản lý thị trường phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc hình thành và sử dụng quỹ dự trữ lưu thông bắt buộc của thương nhân.

Chương III

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DỰ TRỮ LƯU THÔNG BẮT BUỘC

Điều 12. Chính sách tín dụng

1. Căn cứ vào quyết định về việc dự trữ lưu thông bắt buộc của Bộ trưởng Bộ Công Thương, thương nhân được ưu tiên vay với lãi suất ưu đãi bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào thời điểm quyết định mức dự trữ lưu thông bắt buộc có hiệu lực.

2. Trong trường hợp thực hiện nhập khẩu các mặt hàng qui định tại Quyết định này để đảm bảo mức dự trữ lưu thông bắt buộc, thương nhân được ưu tiên tiếp cận ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm đủ ngoại tệ nhập khẩu theo định mức dự trữ lưu thông bắt buộc.

3. Ngân hàng Công Thương Việt Nam thực hiện việc cho vay theo quy định tại Điều này; ngân sách Nhà nước cấp bù phần lãi suất được hỗ trợ.

Điều 13. Chính sách ưu đãi đầu tư

Trong trường hợp thương nhân xây kho, bãi để thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc theo quy định tại Quyết định này được hưởng các ưu đãi quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, Quyết định số 57/2010/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng khi dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch. Đối tượng được hưởng ưu đãi được mở rộng cho tất cả các mặt hàng được quy định tại Quyết định này.

Điều 14. Chính sách tài chính

1. Chi phí dự trữ lưu thông bắt buộc được phép hạch toán vào chi phí chung của doanh nghiệp.

2. Các doanh nghiệp thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc được gia hạn nộp thuế theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 và thời gian gia hạn nộp thuế được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 24 Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý Thuế.

Điều 15. Chính sách ưu đãi khác

Ủy ban Nhân dân cấp Tỉnh căn cứ vào cân đối ngân sách của địa phương và tình hình cung cầu trên địa bàn, có chính sách ưu đãi riêng phù hợp với các quy định của pháp luật để hỗ trợ cho các thương nhân trên địa bàn thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc theo quy định tại Quyết định này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương:

a) Chủ trì, phối với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Quyết định này.

b) Ban hành quy chế công bố quyết định sử dụng quỹ dự trữ lưu thông bắt buộc.

c) Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát thương nhân trong việc hình thành, sử dụng quỹ dự trữ lưu thông bắt buộc; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo đảm thị trường thông suốt.

d) Phối hợp với các cơ quan có liên quan biên soạn tài liệu, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về dự trữ lưu thông bắt buộc cho các thương nhân.

2. Bộ Tài chính:

a) Hướng dẫn mức giá bán hàng dự trữ lưu thông bắt buộc khi có quyết định sử dụng quỹ dự trữ lưu thông bắt buộc của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; công bố giá thị trường theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Quyết định này;

b) Hướng dẫn các chính sách ưu đãi về thuế và chế độ kế toán đối với các thương nhân thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc;

c) Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc cấp bù lãi suất và thực hiện việc cấp bù lãi suất theo quy định của Quyết định này;

d) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan có trách nhiệm lập danh sách gửi Bộ Công Thương về các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và lượng nhập khẩu của từng doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định này. Thời hạn gửi danh sách tới Bộ Công Thương chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm sau.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Hướng dẫn chế độ tín dụng ưu đãi để thực hiện việc dự trữ lưu thông bắt buộc; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn cấp bù lãi suất;

b) Bảo đảm ngoại tệ để thực hiện nhập khẩu kịp thời hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc;

c) Chỉ đạo Ngân hàng Công Thương Việt Nam thực hiện cho vay theo quy định của Quyết định này.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Công Thương bố trí ngân sách hàng năm cấp bù lãi suất theo quy định của Quyết định này;

b) Hướng dẫn các chính sách ưu đãi đầu tư cho thương nhân thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc theo quy định tại Quyết định này.

5. Ủy ban Nhân dân các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Cân đối ngân sách của địa phương và tình hình cung cầu trên địa bàn, có chính sách ưu đãi riêng phù hợp với các quy định của pháp luật để hỗ trợ cho các thương nhân trên địa bàn thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc theo quy định tại Quyết định này.

b) Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát thương nhân trong việc hình thành, sử dụng quỹ dự trữ lưu thông bắt buộc; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo đảm thị trường thông suốt.

6. Các Hiệp hội:

a) Chỉ đạo các thương nhân hội viên tuân thủ nghiêm túc dự trữ lưu thông bắt buộc theo quy định tại Quyết định này.

b) Lập danh sách gửi Bộ Công Thương về tình hình sản xuất kinh doanh của các thương nhân hội viên. Thời hạn gửi danh sách tới Bộ Công Thương chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm sau.

c) Thu thập các báo cáo và tài liệu, số liệu thống kê về các hoạt động sản xuất – kinh doanh; theo dõi, nắm bắt và dự báo thị trường trong nước và quốc tế để kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng, giảm mức dự trữ lưu thông bắt buộc nhằm ổn định thị trường.

Điều 17. Xử lý vi phạm

Thương nhân thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc có các hành vi dưới đây, tùy theo mức độ vi phạm, bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:

1. Không duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định của Quyết định này.

2. Sử dụng sai mục đích các nguồn ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động dự trữ lưu thông bắt buộc của Nhà nước.

3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ việc đưa hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc ra thị trường theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

4. Thực hiện mức giá bán lẻ hàng hóa sử dụng quỹ dự trữ lưu thông bắt buộc không đúng với hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày tháng năm 2011.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp Tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- UB Giám sát tài chính QG;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ngân hàng Chính sách Xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng



Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu

Ngày nhập

18/04/2011

Đã xem

1414 lượt xem

Dự thảo Tờ trình Thủ tướng

Ngày nhập

18/04/2011

Đã xem

1414 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương

Loại tài liệu Quyết định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 1 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com