Theo dõi (0)

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng chính sách đặc thù để thu hút đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long”

Ngày đăng: 15:07 28-02-2012 | 1622 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Đề án “Xây dựng chính sách đặc thù  để thu hút đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long”

__________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng chính sách đặc thù để thu hút đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long” với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM

1. Mục tiêu:

- Mục tiêu tổng quát là thu hút đầu tư vào Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng của Vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác trong nước.

- Các mục tiêu định hướng cho giai đoạn 2011-2020:

a) Tăng số lượng, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và xã hội của Vùng.

b) Tăng số doanh nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm phi nông nghiệp  trong Vùng.

c) Tăng thu nhập cho người lao động, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong Vùng.

d) Bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu đến đời sống và sản xuất của người dân trong Vùng.

2. Quan điểm:

Các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải được xây dựng theo những quan điểm chủ đạo sau:

- Thu hút đầu tư đồng thời phải đảm bảo tính bền vững và chất lượng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Hệ thống cơ chế, chính sách thu hút vốn vào Vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ.

- Hệ thống cơ chế, chính sách thu hút vốn vào Vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đảm bảo sự vận hành của cơ chế thị trường và thực hiện các cam kết quốc tế.

- Tập trung nguồn lực của Nhà nước nhằm giải quyết một vài vấn đề bức xúc nhất, tạo điều kiện phát triển những sản phẩm mũi nhọn của Vùng.

- Tận dụng tối đa ưu thế của kinh tế của Vùng, đặc biệt quan tâm đến việc tận dụng tác động lan tỏa từ quá trình phát triển kinh tế của Vùng động lực phát triển Đông Nam Bộ.

II. ĐỊNH HƯỚNG MỘT SỐ NHÓM GIẢI PHÁP

1. Nhóm giải pháp về quy hoạch, kế hoạch

- Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng trước mắt phải tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất phục vụ cho việc phát triển những sản phẩm chủ lực của vùng.

- Trên cơ sở xác định bản chất nhiệm vụ “đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”, phân biệt rõ mục tiêu này với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước và nhu cầu xuất khẩu sẽ quy hoạch diện tích trồng lúa phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ban hành những chính sách đảm bảo cho người trồng lúa phục vụ mục tiêu này.

- Đổi mới chính sách đất đai theo hướng thu hẹp diện tích bắt buộc phải trồng lúa, thí điểm cho phép các địa phương trong Vùng xóa bỏ chế độ hạn điền, cho phép tích tụ đất để có thể sản xuất nông nghiệp, thủy sản với quy mô lớn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình hiện đại hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; thí điểm kéo dài thời gian thuê đất sản xuất nông nghiệp, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, nhất là khi họ đưa công nghệ mới vào sản xuất ở những lĩnh vực này.

- Điều chỉnh lại quy hoạch và chiến lược phát triển thủy sản Vùng Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với những bước đột phá mới của ngành trong thập kỷ vừa qua theo hướng đảm bảo tính bền vững và hiệu quả trong quá trình phát triển ngành thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.

- Quy hoạch vùng chuyên canh trồng cây ăn quả trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm cây ăn quả mũi nhọn của từng tỉnh trong Vùng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nông dân tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đảm bảo ổn định chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Xây dựng các tuyến du lịch theo hướng đa dạng về nội dung và thời gian lưu trú trên cơ sở phối hợp giữa các địa phương trong Vùng cũng như với các địa phương ngoài vùng trong việc khai thác tiềm năng du lịch của toàn Vùng.

- Rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch các khu công nghiệp và cụm tuyến công nghiệp theo hướng hình thành và mở rộng từng bước các khu, cụm công nghiệp theo nhu cầu phát triển, tránh hiện tượng quy hoạch treo hoặc bỏ đất hoang trong thời gian dài.

2. Nhóm giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng

- Cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông

Tập trung cải thiện cơ bản mạng lưới giao thông đường bộ. Hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp, bảo trì các tuyến đường bộ chính yếu theo tiêu chuẩn đường cấp cao. Ưu tiên đầu tư các tuyến đường bộ kết nối 4 tỉnh, thành phố của Vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương khác và các cảng biển trong Vùng.

Cải tạo đường thủy nội địa phục vụ cho nông dân và các doanh nghiệp trong việc vận tải hàng hóa và vận tải hành khách. Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển và luồng vào cảng, trước hết tập trung cho dự án luồng sông Hậu và xây dựng cảng Cần Thơ trở thành cảng trung tâm của Vùng.

Xây dựng và hoàn thiện các cảng hàng không, trước mắt là phát triển sân bay Cần Thơ trở thành sân bay quốc tế, tạo điều kiện để Cần Thơ sớm trở thành một trung tâm của Vùng trong mối liên hệ với các địa phương trong nước và các quốc gia khác.

Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải với nhiều hình thức như BOT, BT, PPP… Cho phép các địa phương đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng thời tạo dựng cơ chế giám sát quá trình này.

- Cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại

Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai và vốn đối với các dự án kho trữ nông sản, thủy sản và cây ăn quả. Sớm bố trí nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ đầu mối nông sản, chợ biên giới, chợ cửa khẩu.

Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ việc sản xuất kinh doanh liên quan đến các sản phẩm chủ lực của Vùng và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận hệ thống thông tin này.

Nghiên cứu từng bước hình thành thị trường nông sản kỳ hạn (trong đó nông dân và doanh nghiệp ký thỏa thuận giá mua nông sản, cách thức thanh toán trước khi thu hoạch) nhằm chia sẻ rủi ro về giá cả và tạo điều kiện cho người dân chủ động về vốn cho thời vụ tiếp theo.

a) Nhóm giải pháp về thuế và tín dụng

Các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng cần tập trung hơn nữa vào một số lĩnh vực liên quan đến các sản phẩm chủ lực, tránh hiện tượng dàn trải làm giảm hiệu quả của nhóm chính sách này.

- Đối tượng thụ hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng và thuế bao gốm các doanh nghiệp và các dự án sau:

+ Các doanh nghiệp, dự án liên quan đến sản xuất và chế biến nông thủy sản;

+ Các đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp;

+ Các cơ sở dạy nghề;

+ Các dự án xây dựng kho trữ nông sản, thủy sản;

+ Các dự án chuyển giao công nghệ;

+ Các dự án phát triển du lịch trên cơ sở liên kết trong Vùng và với  vùng khác;

+ Các dự án mở rộng sản xuất hoặc di dời đến Đồng bằng sông Cửu Long của các doanh nghiệp ở vùng khác;

+ Các dự án liên quan đến dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề phục vụ liên quan đến 4 sản phẩm chủ lực (lúa, thủy sản, cây ăn quả và du lịch).

- Hình thức ưu đãi theo hướng:

+ Ban hành chính sách tín dụng ưu đãi với những hình thức khác nhau như: lãi suất thấp hoặc không lãi, thời gian ân hạn phù hợp, hình thức thế chấp đơn giản, bảo lãnh tín dụng…;

+ Ban hành chính sách ưu đãi thuế như miễn thuế, giảm thuế hoặc cho phép khấu hao nhanh đối với các doanh nghiệp trong Vùng.

3. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

Tập trung nâng cấp các cơ sở dạy nghề công lập theo hướng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, nhất là những ngành nghề liên quan đến 4 sản phẩm chủ lực. Khuyến khích các nhà đầu tư thành lập các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, khuyến khích các doanh nghiệp cùng phối, kết hợp với các cơ sở dạy nghề trong quá trình đào tạo lao động.

Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác dạy nghề cũng như nghiên cứu đưa ra những sản phẩm mới, công nghệ mới, đặc biệt những công nghệ liên quan đến các sản phẩm chủ lực.

Cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường, nhất là mùa lũ.

4. Nhóm giải pháp phát triển dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm thông tin kinh doanh, tư vấn thông tin pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại và thông tin công nghệ.

Sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính từ quỹ xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ pháp lý,…

5. Nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường

Chú ý xem xét thận trọng các giải pháp bảo vệ môi trường và các biện pháp liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm khi nghiên cứu, thẩm định những đề án phát triển các sản phẩm trong Vùng.

6. Xây dựng và thực hiện một số Đề án liên quan

Thực hiện 5 Đề án đã được đề xuất với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể:

- Đề án “Các giải pháp sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

- Đề án “Phát triển thủy sản (tôm, cá da trơn) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

- Đề án “Nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

- Đề án “Đào tạo nghề nông thôn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

- Đề án “Cơ chế, tổ chức và chính sách liên kết vùng với sự tham gia của 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học)”

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quán triệt tinh thần của Đề án, phổ biến đến các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân; nghiên cứu, tiếp thu các nội dung của Đề án để bổ sung, hoàn thiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; xây dựng chương trình và kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế phù hợp với đặc điểm và điều kiện của Bộ, ngành, địa phương.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Văn phòng Chính phủ căn cứ vào các nội dung phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Phụ lục đính kèm Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

­­­­­­­­­­­Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:                                                                                               

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; 

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;                                                                   

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;                                   

- Văn phòng Quốc hội;                                                                     

- Tòa án nhân dân tối cao;                                                             

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;

- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, 

  các Vụ, các Vụ: TH, TKBT, KGVX,

  KTN, ĐP, ĐMDN, QHQT, PL;

- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

 

Phụ lục

MỘT SỐ NHIỆM VỤ PHỤC VỤ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

“XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG”
(Ban hành kèm theo Quyết định số   ………/QĐ-TTg

ngày …. tháng …. năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)

__________

TT

Nội dung công việc

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Sản phẩm

Thời gian hoàn thành

Ghi chú

1

Xây dựng Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội Vùng ĐBSCL và Vùng Kinh tế trọng điểm Vùng ĐBSCL

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các bộ, ngành, địa phương liên quan

Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ

Quý I/2011

Hiện đã xây dựng xong Dự thảo

2

Báo cáo “Thực trạng và những giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các Khu Công nghiệp vùng ĐBSCL”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các bộ, ngành, địa phương liên quan

Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ 

Quý II/2011

3

Đề án “Các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng đối với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất Vùng ĐBSCL”

Bộ Tài chính

Các bộ, ngành

và địa phương

 liên quan

Đề án trình Chính phủ

Quý III/2011

4

Báo cáo về “phạm vi và quy mô dự trữ và các chính sách ưu đãi cần thiết cho việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”

Tổng cục dự trữ Quốc gia, Bộ NNPTNT

Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các bộ, ngành và địa phương liên quan

Báo cáo trình Chính phủ

Quý II/2011

5

Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành thủy sản

Bộ NNPTNT

Các bộ, ngành và địa phương liên quan

Quý II/2011

Theo Nghị định 04/2008/NĐ-CP thì Bộ NNPTNT phê duyệt QH này

6

Điều chỉnh Quy hoạch phát triển cây ăn quả vùng ĐBSCL

Bộ NNPTNT

Các bộ, ngành và địa phương liên quan

Quý III/2011

Theo Nghị định 04/2008/NĐ-CP thì Bộ NNPTNT phê duyệt QH này

7

Điều chỉnh quy hoạch thủy lợi Vùng ĐBSCL

Bộ NNPTNT

Các bộ, ngành và địa phương liên quan

Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ

Quý IV/2011

8

Đề án phát triển mạng lưới kho trữ lương thực và thủy sản thuộc Vùng ĐBSCL

Bộ NNPTNT

Các bộ, ngành và địa phương liên quan

Đề án trình Thủ tướng Chính phủ

Quý IV/2011

9

Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý xuất khẩu gạo”

Bộ NNPTNT

Các bộ, ngành và địa phương liên quan

Đề án trình Thủ tướng Chính phủ

Quý III/2011

10

Đề án “Các biện pháp thu hút đầu tư thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy Vùng ĐBSCL” 

Bộ Giao thông Vận tải

Các bộ, ngành và địa phương liên quan

Đề án trình Thủ tướng Chính phủ

Quý III/2011

11

Đề án “Thí điểm đổi mới quản lý đất nông nghiệp Vùng ĐBSCL”

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành và địa phương liên quan

Đề án trình Chính phủ

Quý II/2011

Đưa nội dung này vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

12

Đề án “Nâng cao chất lượng dạy nghề Vùng ĐBSCL”

Bộ LĐ-TB-XH

Các bộ, ngành và địa phương liên quan

Đề án trình Thủ tướng Chính phủ

Quý III/2011

13

Đề án “Phát triển du lịch ĐBSCL trên cơ sở liên kết các địa phương trong Vùng”

Bộ VH-TT-DL

Các bộ, ngành và địa phương liên quan

Đề án trình Thủ tướng Chính phủ

Quý III/2011

14

5 Đề án tại điểm g, Điều 1 tại Quyết định này

Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Bộ NNPTNT

Các bộ, ngành và địa phương liên quan

Đề án trình Thủ tướng Chính phủ

Quý IV/2011

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng chính sách đặc thù để thu hút đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long”

Ngày nhập

28/02/2012

Đã xem

1622 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Loại tài liệu Quyết định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com