Theo dõi (0)

Dự thảo Quyết định ban hành chính sách nhập khẩu công nghệ

Ngày đăng: 08:58 03-10-2007 | 1585 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Khoa học và Công nghệ

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
Số:          /2007/QĐ-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày         tháng        năm 2007

 
DỰ THẢO
 

QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Chính sách nhập khẩu công nghệ
_________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

          Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

          Căn cứ Quyết định số 188/2002/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về khoa học và công nghệ;

          Căn cứ Luật chuyển giao công nghệ được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006;

          Căn cứ Quyết định số 214/2005/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường công nghệ;

Căn cứ Nghị định số xxxx/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ;

          Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
 

QUYẾT ĐỊNH:
 

Điều 1. Ban hành Chính sách nhập khẩu công nghệvới những nội dung chủ yếu sau đây:
 
1. Quan điểm nhập công nghệ

a) Nhập công nghệ là biện pháp chủ yếu trong nhiều năm tới để đáp ứng nhu cầu đổi mới và nhanh chóng nâng cao trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các ngành kinh tế, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập có hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

b) Tập trung nhập có chọn lọc những công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong nước chưa tạo ra được, kết hợp với làm chủ, thích nghi và phát triển công nghệ nhập trên cơ sở liên kết tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực công nghệ trong nước, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về trình độ khoa học và công nghệ với các nước tiên tiến trong khu vực.

c) Nhà nước huy động nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ và các nguồn vốn ngân sách khác để hỗ trợ nhập, giải mã, làm chủ, thích nghi, phát triển công nghệ nhập và tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ chuyển giao công nghệ;

d) Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nhập công nghệ, đổi mới công nghệ phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
 
2. Công nghệ được khuyến khích nhập khẩu

2.1. Công nghệ được khuyến khích nhập khẩu là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến thuộc các hướng công nghệ trọng điểm của quốc gia và đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:

a) Tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao;

b) Tạo ra ngành công nghiệp, dịch vụ mới;

c) Tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu;

d) Sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo;

đ) Bảo vệ sức khỏe con người;

e) Phòng, chống thiên tai, dịch bệnh;

g) Sản xuất sạch, thân thiện môi trường;

h) Phát triển ngành, nghề truyền thống;

i) Yêu cầu khác.

2.2. Công nghệ được khuyến khích nhập khẩu quy định tại điểm 2.1 Khoản này phải thuộc Danh mục công nghệ được khuyến khích chuyển giao ban hành kèm theo Nghị định số         /2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ.
 
3. Hoạt động nhập công nghệ được khuyến khích

a) Mua quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí quyết kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ;

b) Mua thiết kế, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, phần mềm điều khiển, thông tin dữ liệu;

c) Thuê chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, cử chuyên gia trong nước đi nước ngoài để hỗ trợ việc làm chủ, thích nghi, phát triển công nghệ nhập;

d) Mua máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật kèm theo một hoặc một số đối tượng công nghệ quy định tại các điểm a và b Khoản này;

đ) Nghiên cứu và phát triển để giải mã, làm chủ, thích nghi, phát triển công nghệ nhập.
 
4. Nhập công nghệ để sử dụng trực tiếp vào phát triển sản xuất - kinh doanh

4.1. Nhập công nghệ để sử dụng trực tiếp vào phát triển sản xuất - kinh doanh là việc nhập công nghệ đã hoàn chỉnh nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ứng dụng vào sản xuất - kinh doanh để tạo ra sản phẩm, dịch vụ cụ thể.

4.2. Doanh nghiệp nhập công nghệ theo quy định tại điểm 4.1 Khoản này được vay ưu đãi để thực hiện các hoạt động quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều này từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
5. Nhập công nghệ để phát triển nhằm tạo ra công nghệ trong nước

5.1. Nhập công nghệ để phát triển nhằm tạo ra công nghệ trong nước là việc nhập một số đối tượng công nghệ, công nghệ hợp phần, kết hợp với nghiên cứu và phát triển trong nước nhằm tạo ra công nghệ hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu ứng dụng, tạo ra sản phẩm, dịch vụ cụ thể.

5.2. Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ nhập công nghệ theo quy định tại điểm
5.1 Khoản này được hỗ trợ như sau:

a) Được vay ưu đãi để nhập một số đối tượng công nghệ, công nghệ hợp phần quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều này từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Được tài trợ kinh phí thực hiện hoạt động quy định tại các điểm c, đ Khoản 3 Điều này để phát triển công nghệ nhập từ các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
 
6. Nhập công nghệ để triển khai chương trình, dự án kinh tế trọng điểm

6.1. Chương trình, dự án kinh tế trọng điểm là các chương trình, dự án phát triển sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực của quốc gia, Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các dự án đầu tư thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ.

6.2. Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ nhập công nghệ để triển  khai chương trình, dự án quy định tại điểm 6.1 Khoản này được hỗ trợ như sau:

a) Được Ngân hàng phát triển Việt Nam cho vay đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư để thực hiện các hoạt động quy định tại các điểm a, b, c, và d Khoản 3 Điều này, nếu dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư được ban hành kèm theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;

b) Được vay ưu đãi để thực hiện các hoạt động quy định tại các điểm a, b và d Khoản 3 Điều này từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Được tài trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều này từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
7. Nhập công nghệ để làm chủ, thích nghi và chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp trong nước

7.1. Nhập công nghệ để làm chủ, thích nghi và chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp là việc thực hiện các hoạt động nhập công nghệ, vận hành ổn định dây chuyền công nghệ nhập theo đúng quy trình, quy phạm về công nghệ, tạo ra một số thay đổi về sản phẩm và quy trình công nghệ cho phù hợp với điều kiện trong nước và chuyển giao công nghệ nhập được làm chủ, thích nghi cho nhiều doanh nghiệp trong nước.

7.2. Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ nhập công nghệ theo quy định tại điểm 7.1 Khoản này được hỗ trợ như sau:

a) Được vay ưu đãi để thực hiện các hoạt động quy định tại các điểm a, b và c Khoản 3 Điều này từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Được tài trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều này từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ.
 
8.Giải mã công nghệ nhập

8.1. Giải mã công nghệ nhập là việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu thiết kế của sản phẩm công nghệ, nguyên lý hoạt động của máy móc, thiết bị công nghệ nhập khẩu để có được kiến thức kỹ thuật về công nghệ nhằm tự sản xuất, chế tạo trong nước, nâng cao năng lực hỗ trợ nhập công nghệ.

8.2. Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được lựa chọn thực hiện dự án giải mã công nghệ theo quy định tại khoản 2 Điều này được hỗ trợ như sau:

a) Được vay ưu đãi để thực hiện hoạt động quy định tại điểm d Khoản 3, Điều này phục vụ cho việc giải mã công nghệ từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia;

b) Được tài trợ kinh phí để thực hiện hoạt động quy định tại điểm d Khoản 3 Điều này phục vụ cho việc giải mã công nghệ nhập từ Ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ;

c) Được tài trợ kinh phí thực hiện hoạt động quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều này để giải mã công nghệ từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ. 
 
9. Phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ

9.1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ thực hiện các hoạt động sau đây :

a) Môi giới chuyển giao công nghệ;

b) Tư vấn chuyển giao công nghệ;

c) Giải mã công nghệ;

d) Đánh giá công nghệ;

đ) Định giá công nghệ;

e) Giám định công nghệ;

g) Xúc tiến chuyển giao công nghệ.

9.2. Nhà nước hỗ trợ các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ thực hiện các hoạt động quy định tại điểm 9.1. Khoản này thông qua các hình thức sau:

a) Thành lập, đầu tư nâng cấp tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ ở các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các trường đại học, các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ.

b) Các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ được hưởng các ưu đãi theo Quyết định này và các quy định có liên quan khác của pháp luật.
 
10. Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ phục vụ tìm kiếm, lựa chọn công nghệ nhập thích hợp

10.1. Tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách khoa học và công nghệ để tìm kiếm, mua thông tin dữ liệu về công nghệ, đánh giá và so sánh mức độ thích hợp với điều kiện ứng dụng trong nước nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ phục vụ cho việc tìm kiếm, lựa chọn công nghệ nhập thích hợp.

10.2. Điều kiện được hỗ trợ:

a) Cơ sở dữ liệu được hỗ trợ phải bao gồm thông tin về các công nghệ được khuyến khích nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều này, có nhiều tổ chức và doanh nghiệp trong nước cần nhập, có nhiều nhà cung cấp trên thế giới; 

b) Tổ chức xin hỗ trợ phải có dự án khả thi về xây dựng và kinh doanh cơ sở dữ liệu, có khả năng huy động được nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất từ các nguồn khác nhau để thực hiện dự án.
 
11. Hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ để nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển giao công nghệ

11.1. Tổ chức cung cấp các khóa đào tạo, tập huấn về dịch vụ chuyển giao công nghệ được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ để thuê chuyên gia nước ngoài làm giảng viên cho khoá học.

11.2. Điều kiện được hỗ trợ:

a) Phải có dự án thuyết minh về nội dung đào tạo phù hợp với dịch vụ chuyển giao công nghệ, có cơ sở vật chất phù hợp để tổ chức các khóa đào tạo;

b) Có khả năng huy động các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm làm giảng viên.
 
12. Môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài

12.1. Cơ quan thương vụ, cơ quan đại diện khoa học và công nghệ của Việt Nam ở nước ngoài được giao kinh phí từ ngân sách khoa học và công nghệ để thực hiện các hoạt động tìm kiếm công nghệ, tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, tổ chức hội chợ công nghệ.

12.2. Điều kiện để được giao kinh phí thực hiện nhiệm vụ:

a) Cơ quan thương vụ chủ trì, phối hợp với bộ phận đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài xây dựng Đề án môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ;

b) Có khả năng huy động được chuyên gia tư vấn chuyển giao công nghệ có năng lực chuyên môn, có kiến thức về lĩnh vực công nghệ liên quan, giỏi ngoại ngữ để tham gia thực hiện Đề án.
 
Điều 2. Giải pháp và tổ chức thực hiện 

1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ tài chính và các Bộ, cơ quan ngang bộ khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hội và hiệp hội nghề nghiệp tổ chức thực hiện: 

a) Xây dựng, ban hành các quy chế hỗ trợ các hoạt động sau từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ:

- Nhập, giải mã, làm chủ, thích nghi công nghệ;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ phục vụ cho việc tìm kiếm, lựa chọn công nghệ nhập thích hợp;

- Đào tạo nghiệp vụ để nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển giao công nghệ của các tổ chức cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ;

- Môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ thông quamạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài;

- Thu thập thông tin, bí quyết kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của các nhà cung cấp công nghệ của nước ngoài.

b) Thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia có chức năng hỗ trợ tài chính cho việc nhập, làm chủ, thích nghi và phát triển công nghệ nhập;

c) Điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia để tài trợ kinh phí cho đề tài, dự án nghiên cứu và phát triển phục vụ nhu cầu giải mã, làm chủ, thích nghi và phát triển công nghệ của doanh nghiệp.
 
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành liên quan thực hiện:

a) Xây dựng các quy định tài chính về hỗ trợ các hoạt động quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này;

b) Xây dựng các quy định hướng dẫn chế độ, mức hỗ trợ kinh phí từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ các hoạt động nhập, làm chủ và thích nghi công nghệ nhập.
 
3. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, cơ quan ngang bộ khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hội và hiệp hội nghề nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện:

a) Hằng năm, xác định các loại công nghệ cần nhập, công nghệ cần giải mã phù hợp với Danh mục công nghệ được khuyến khích chuyển giao để hỗ trợ theo quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7, 8 Điều 1 của Quyết định này;

b) Xây dựng Đề án phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ để hỗ trợ nhập, giải mã, làm chủ, thích nghi và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của ngành, địa phương;

c) Chủ động bố trí nguồn vốn, xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án nhập công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của ngành, địa phương và chính sách nhập công nghệ của Quốc gia;

d) Điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ thực hiện các đề tài, dự án về giải mã, làm chủ, thích nghi và phát triển công nghệ nhập;

đ) Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ các hoạt động nhập công nghệ;

e) Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ phục vụ cho các hoạt động chuyển giao công nghệ của ngành, địa phương.
 
Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định tại Quyết định này; kiểm tra, theo dõi tình hình triển khai thực hiện, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Chính sách nhập công nghệ cho phù hợp với tình hình thực tế.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các tổ chức, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 


Nơi nhận:                                                                          
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
  cơ quan thuộc Chính phủ;    
  - HĐND, UBND các tỉnh,
  thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội;                                        
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;                                                        
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;                       
- Học viện Hành chính quốc gia;- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;- Lưu: Văn thư, KG (5b). HL 310


THỦ TƯỚNG
 
 
 
 
 
 
Nguyễn Tấn Dũng

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Tờ trình.Doc

Ngày nhập

03/10/2007

Đã xem

1585 lượt xem

Dự thảo.Doc

Ngày nhập

03/10/2007

Đã xem

1585 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Khoa học và Công nghệ

Loại tài liệu Quyết định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com