Theo dõi (0)

Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối

Ngày đăng: 23:12 16-05-2012 | 3318 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Ngân hàng Nhà nước

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

 DỰ THẢO




PHÁP LỆNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH NGOẠI HỐI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2011/QH13 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011;

Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối 28/2005/PL-UBTVQH11.

Điều 1.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối:

1.   Sửa đổi, bổ sung các khoản 2, 4, 6, 7, 11, 12 và 13 Điều 4 như sau:

“2. Người cư trú là tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng sau đây:

a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng;

b) Tổ chức kinh tế được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trừ đối tượng quy định tại điểm a khoản này (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);

c) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;

d) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài;

đ) Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức quy định tại các điểm a, b, c khoản này;

e) Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức quy định tại điểm d và điểm đ khoản này và cá nhân đi theo họ;

g) Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;

h) Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên, trừ các trường hợp người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn.”

i) Chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh tế nước ngoài, bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư.”

“4. Giao dịch vốn là giao dịch chuyển vốn giữa người cư trú với người không cư trú trong các hoạt động sau đây:

a) Đầu tư trực tiếp;

b) Đầu tư gián tiếp;

c) Vay và trả nợ nước ngoài;

d) Cho vay và thu hồi nợ nước ngoài;

đ) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.”

“6. Thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai bao gồm:

a)  Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ;

b) Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến khoản vay tín dụng thương mại và ngân hàng ngắn hạn;

c) Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến thu nhập từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp;

d) Các khoản chuyển tiền khi được phép giảm vốn đầu tư trực tiếp;

đ) Các khoản thanh toán tiền lãi và trả dần nợ gốc của khoản vay nước ngoài;

e) Các khoản chuyển tiền một chiều cho mục đích tiêu dùng;

g) Các giao dịch tương tự khác.”

“7. Chuyển tiền một chiều là các giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam hay từ Việt Nam ra nước ngoài qua ngân hàng, qua bưu điện (trừ  hình thức chuyển tiền qua bưu phẩm, bưu kiện) mang tính chất tài trợ, viện trợ hoặc giúp đỡ thân nhân gia đình, sử dụng chi tiêu cá nhân không có liên quan  đến việc thanh toán xuất khẩu, nhập khẩu về hàng hoá và dịch vụ.”

“11. Tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Pháp lệnh này.”

“12. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc người không cư trú bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại Việt Nam.”

“13. Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc người không cư trú đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác, góp vốn, mua cổ phần và thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác theo quy định của pháp luật mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.”

2.   Khoản 2 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Người cư trú là các tổ chức tín dụng được phép thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

3.   Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 11. Đầu tư trực tiếp

1. Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép. Việc góp vốn đầu tư, việc chuyển vốn đầu tư gốc, lợi nhuận và các khoản thu hợp pháp khác phải thực hiện thông qua tài khoản này.

2. Các nguồn thu hợp pháp của người không cư trú là nhà đầu tư nước ngoài từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam được sử dụng để tái đầu tư, chuyển ra nước ngoài hoặc mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép (trường hợp nguồn thu bằng đồng Việt Nam) để chuyển ra nước ngoài.

3. Các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

4.   Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 12. Đầu tư gián tiếp

1. Người không cư trú là nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Vốn đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ phải được chuyển sang đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư thông qua tài khoản này.

2. Các nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú từ hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam được sử dụng để tái đầu tư hoặc mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp và các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam.”

5. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 13. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Khi được phép đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Người cư trú được sử dụng các nguồn vốn sau đây để đầu tư:

1. Ngoại tệ trên tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép;

2. Ngoại tệ mua tại tổ chức tín dụng được phép;

3. Ngoại tệ từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.”

6. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 14. Chuyển vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Khi được phép đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Người cư trú phải mở tài khoản ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép và đăng ký việc thực hiện chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư thông qua tài khoản này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

7. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 15. Chuyển vốn, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Vốn, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp từ việc đầu tư trực tiếp tại nước ngoài phải chuyển về Việt Nam thông qua tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

8. Bổ sung Điều 15a như sau:

Điều 15a: Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

1. Tổ chức tín dụng thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Khi được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, người cư trú không phải là tổ chức tín dụng được phép thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, chuyển vốn gốc và lợi nhuận hợp pháp từ hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

9. Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 16. Vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ

Chính phủ và các tổ chức được Chính phủ ủy quyền thực hiện vay, trả nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

10. Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 17. Vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú

1. Người cư trú là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Người cư trú khi thực hiện vay, trả nợ nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài, thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký khoản vay trên cơ sở hạn mức vay thương mại nước ngoài tự vay, tự trả do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hằng năm.

4. Người cư trú được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ để thanh toán nợ gốc, lãi và phí có liên quan của khoản vay nước ngoài.

5. Các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và pháp luật có liên quan.”   

11. Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 19. Cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế

1. Tổ chức tín dụng thực hiện cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định sau:

a) Tổ chức kinh tế thực hiện cho vay ra nước ngoài (trừ việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ trả chậm), bảo lãnh cho người không cư trú khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn ra và thu hồi nợ nước ngoài, đăng ký cho vay, thu hồi nợ nước ngoài và các giao dịch chuyển vốn khác có liên quan đến hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của các tổ chức kinh tế.”

12. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 22. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối

Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

 13. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 23. Mở và sử dụng tài khoản 

1. Người cư trú, người không cư trú được mở tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc sử dụng tài khoản ngoại tệ của các đối tượng quy định tại khoản này.

2. Người cư trú là tổ chức tín dụng được phép được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động ngoại hối ở nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam .

3. Người cư trú là tổ chức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp giấy phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức kinh tế có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài hoặc có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để tiếp nhận vốn vay, thực hiện cam kết, hợp đồng với bên nước ngoài.

b) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để tiếp nhận viện trợ, tài trợ của nước ngoài hoặc các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép.”

14. Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 25. Sử dụng đồng Việt Nam của người không cư trú    

Người không cư trú là tổ chức, cá nhân có đồng Việt Nam từ các nguồn thu hợp pháp được mở tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc sử dụng tài khoản đồng Việt Nam của các đối tượng quy định tại Điều này.”

15. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 26. Sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam

Việc sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

16. Sửa đổi tên Chương V như sau:

“Chương V - Thị trường ngoại tệ, cơ chế tỷ giá hối đoái và quản lý thị trường vàng”

17. Khoản 2 Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2.   Thành viên tham gia thị trường ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng được phép với khách hàng bao gồm tổ chức tín dụng được phép và khách hàng là người cư trú, người không cư trú tại Việt Nam.”

18. Khoản 2 Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá.”

            19. Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:

            “Điều 31. Quản lý thị trường vàng

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng theo quy định của Chính phủ.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt miếng và các loại vàng khác.

3. Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú chỉ được thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép.”

20. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 32 như sau:

“4. Vàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý“

“5. Các loại ngoại hối khác của Nhà nước. “

21. Khoản 3 Điều 34 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ và đột xuất về quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước. “

22. Điều 35 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 35. Ngoại hối thuộc ngân sách nhà nước

1. Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi toàn bộ số ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

            2. Thủ tướng Chính phủ quy định mức ngoại tệ Bộ Tài chính được giữ lại từ nguồn thu ngân sách để chi các khoản chi ngoại hối thường xuyên của ngân sách nhà nước. Số ngoại tệ còn lại Bộ Tài chính bán cho Dự trữ ngoại hối nhà nước tập trung tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

23. Bổ sung Điều 35a như sau:

Điều 35a. Sử dụng Dự trữ ngoại hối nhà nước

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng Dự trữ ngoại hối nhà nước cho nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước; trường hợp sử dụng Dự trữ ngoại hối nhà nước dẫn đến thay đổi dự toán ngân sách thì thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.”

24. Sửa đổi tên Chương VII như sau:

“Chương VII – Hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác”

25. Điều 36 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 36. Nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối

1. Các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và các tổ chức khác.” 

            Điều 2.

Bãi bỏ Điều 38 của Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11.

            Điều 3.

1. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày … tháng … năm 20…

2. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Bản thuyết minh các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối

Ngày nhập

16/05/2012

Đã xem

3318 lượt xem

Dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối

Ngày nhập

16/05/2012

Đã xem

3318 lượt xem

Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối

Ngày nhập

16/05/2012

Đã xem

3318 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 3

Cơ quan soạn thảo Ngân hàng Nhà nước

Loại tài liệu Pháp lệnh

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com