Dự thảo Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật
Ngày đăng: 13:42 24-02-2011 | 2437 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Tư pháp
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI Pháp lệnh số: ../UBTVQH12 Dự thảo 2 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
PHÁP LỆNH
HỢP NHẤT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Điều 92 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;
Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật,
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Pháp lệnh này quy định về cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, kỹ thuật hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) do các cơ quan nhà nước trung ương ban hành.
Điều 2. Mục đích của việc hợp nhất văn bản
Việc hợp nhất văn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu, áp dụng và thi hành pháp luật; góp phần tăng cường tính thống nhất, tính minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hiệu quả thi hành pháp luật.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hợp nhất văn bản là việc đưa nội dung sửa đổi, bổ sung trong văn bản sửa đổi, bổ sung vào văn bản được sửa đổi, bổ sung.
2. Văn bản hợp nhất là văn bản được hình thành từ việc hợp nhất văn bản.
3. Văn bản được hợp nhất là văn bản sửa đổi, bổ sung và văn bản được sửa đổi, bổ sung.
Điều 4. Trích dẫn, viện dẫn văn bản hợp nhất
Văn bản hợp nhất được trích dẫn, viện dẫn trong áp dụng và thi hành pháp luật. Trường hợp văn bản hợp nhất có nội dung khác với nội dung của văn bản được hợp nhất thì áp dụng nội dung trong văn bản được hợp nhất.
Điều 5. Nguyên tắc hợp nhất văn bản
1. Chỉ hợp nhất văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung do cùng cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2. Việc hợp nhất văn bản không làm thay đổi nội dung, hiệu lực của các văn bản được hợp nhất.
3. Văn bản hợp nhất phải bảo đảm đầy đủ, chính xác về nội dung của văn bản được hợp nhất.
4. Văn bản hợp nhất phải bảo đảm tính chính xác về thời điểm có hiệu lực thi hành của các quy định trong văn bản được hợp nhất.
5. Tuân thủ thẩm quyền, quy trình thực hiện việc hợp nhất văn bản.
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan trong việc hợp nhất văn bản
1. Cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản phải thực hiện hợp nhất văn bản đúng thời hạn, trình tự, thủ tục, kỹ thuật hợp nhất và bảo đảm tính chính xác của văn bản hợp nhất.
2. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc hợp nhất văn bản:
a) Đôn đốc việc thực hiện hợp nhất văn bản;
b) Hướng dẫn kỹ thuật hợp nhất văn bản;
c) Kịp thời kiến nghị cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản xử lý các sai sót trong quá trình hợp nhất văn bản.
CHƯƠNG II
TRÁCH NHIỆM, QUY TRÌNH HỢP NHẤT VĂN BẢN
Phương án 1.
Điều 7. Trách nhiệm hợp nhất văn bản
1. Văn phòng Quốc hội chịu trách nhiệm hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
2. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung chịu trách nhiệm hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
3. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm tổ chức việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành và văn bản liên tịch do mình chủ trì soạn thảo.
Điều 8. Trình tự, thủ tục hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội
1. Chậm nhất là 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày văn bản sửa đổi, bổ sung được công bố, Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm hoàn thành việc hợp nhất văn bản. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm xác thực văn bản hợp nhất.
2. Chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc hợp nhất văn bản, Văn phòng Quốc hội gửi văn bản hợp nhất để đăng Công báo điện tử và đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Quốc hội.
Điều 9. Trình tự, thủ tục hợp nhất văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
1. Trong thời hạn chậm nhất 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày văn bản sửa đổi, bổ sung được ký ban hành, văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được gửi đến cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản.
2. Trong thời hạn chậm nhất 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được văn bản, cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản phải hoàn thành việc hợp nhất. Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản thực hiện việc xác thực văn bản hợp nhất.
3. Chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc hợp nhất văn bản, cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản gửi văn bản hợp nhất để đăng Công báo điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản, đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp.
Điều 10. Trình tự, thủ tục hợp nhất văn bản của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và văn bản liên tịch
1. Trong thời hạn chậm nhất 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày văn bản được sửa đổi, bổ sung được ký ban hành, văn bản của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải được hợp nhất. Thủ trưởng cơ quan ban hành văn bản xác thực việc hợp nhất văn bản.
2. Chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc hợp nhất văn bản, cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản gửi văn bản hợp nhất để đăng Công báo điện tử và đăng trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản, đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp.
Điều 11. Đăng văn bản hợp nhất trên Công báo điện tử và Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản
1. Văn bản hợp nhất được đăng trên Công báo điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản. Việc đăng văn bản hợp nhất trên Công báo điện tử được thực hiện theo quy định về đăng Công báo.
Văn bản hợp nhất đăng trên Công báo điện tử và Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản được khai thác miễn phí.
2. Văn bản hợp nhất có sai sót về mặt kỹ thuật so với văn bản được hợp nhất phải được chỉnh sửa, đính chính kịp thời, đồng thời đăng trên Công báo điện tử và Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện văn bản hợp nhất có sai sót với văn bản được hợp nhất thì kiến nghị với cơ quan chịu trách nhiệm hợp nhất văn bản để kịp thời xử lý.
Phương án 2.
Điều 7. Trách nhiệm hợp nhất văn bản
1. Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung chịu trách nhiệm hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm tổ chức việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành và văn bản liên tịch do mình chủ trì soạn thảo.
Điều 8. Trình tự, thủ tục hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
1. Trong thời hạn chậm nhất 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày văn bản sửa đổi, bổ sung được công bố, ký ban hành, văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được gửi đến cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản.
2. Trong thời hạn chậm nhất 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được văn bản, cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản phải hoàn thành việc hợp nhất. Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm hợp nhất thực hiện việc xác thực văn bản hợp nhất.
3. Chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc hợp nhất văn bản, cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản gửi văn bản hợp nhất để đăng Công báo điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản, đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp.
Điều 9. Trình tự, thủ tục hợp nhất văn bản của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và văn bản liên tịch
1. Trong thời hạn chậm nhất 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày văn bản sửa đổi, bổ sung được ký ban hành, văn bản của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải được hợp nhất. Thủ trưởng cơ quan ban hành văn bản xác thực văn bản hợp nhất.
2. Chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc hợp nhất văn bản, cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản gửi văn bản hợp nhất để đăng Công báo điện tử và đăng trên Trang thông tin điện tử của cơ quan mình, đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp.
Điều 10. Đăng văn bản hợp nhất trên Công báo điện tử và Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản
1. Văn bản hợp nhất được đăng trên Công báo điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản. Việc đăng văn bản hợp nhất trên Công báo điện tử được thực hiện theo quy định về đăng Công báo.
Văn bản hợp nhất đăng trên Công báo điện tử và Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản được khai thác miễn phí.
2. Văn bản hợp nhất có sai sót về mặt kỹ thuật so với văn bản được hợp nhất phải được chỉnh sửa, đính chính kịp thời, đồng thời đăng trên Công báo điện tử và Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện văn bản hợp nhất có sai sót với văn bản được hợp nhất thì kiến nghị với cơ quan chịu trách nhiệm hợp nhất văn bản để kịp thời xử lý.
CHƯƠNG III
KỸ THUẬT HỢP NHẤT VĂN BẢN
Điều 12. Tên của văn bản hợp nhất
1. Tên của văn bản hợp nhất là tên của văn bản được sửa đổi, bổ sung.
2. Ngay sau tên của văn bản hợp nhất phải liệt kê tên văn bản được sửa đổi, bổ sung và tên của văn bản sửa đổi, bổ sung. Kèm theo tên của văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung phải ghi rõ ngày, tháng, năm công bố/ký ban hành và ngày có hiệu lực của từng văn bản.
3. Việc trình bày tên văn bản hợp nhất được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục được ban hành kèm theo Pháp lệnh này.
Điều 13. Hợp nhất nội dung bị bãi bỏ
1. Việc hợp nhất nội dung bị bãi bỏ được thực hiện như sau:
a) Văn bản được sửa đổi, bổ sung có chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ bị bãi bỏ thì trong văn bản hợp nhất không thể hiện nội dung bị bãi bỏ;
b) Số thứ tự chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản hợp nhất được giữ nguyên như văn bản được sửa đổi, bổ sung, đồng thời ghi rõ cụm từ “bị bãi bỏ” ngay sau chương, mục, điều, khoản, điểm đó;
c) Phải ghi chú rõ trong văn bản hợp nhất đoạn, cụm từ bị bãi bỏ ngay tại vị trí của đoạn, cụm từ đó;
d) Tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ bị bãi bỏ; ngày, tháng, năm ký ban hành, công bố của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của các nội dung bãi bỏ chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ.
2. Việc trình bày nội dung bị bãi bỏ tại văn bản hợp nhất được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục được ban hành kèm theo Pháp lệnh này.
Điều 14. Hợp nhất nội dung bổ sung
1. Văn bản được sửa đổi, bổ sung có điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bổ sung thì trong văn bản hợp nhất được thể hiện như sau:
a) Số thứ tự điều, khoản, điểm của văn bản hợp nhất vẫn được giữ nguyên như văn bản được sửa đổi, bổ sung;
b) Số thứ tự của điều, khoản bổ sung được thể hiện gồm phần số và phần chữ. Phần số được thể hiện theo số thứ tự của điều, khoản trong văn bản được sửa đổi, bổ sung. Phần chữ được sắp xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Việt.
Số thứ tự của điểm bổ sung được thể hiện gồm phần chữ và phần số. Phần chữ được thể hiện theo thứ tự của điểm trong văn bản được sửa đổi, bổ sung. Phần số được sắp xếp theo thứ tự bắt đầu từ số 1;
c) Phải ghi chú rõ trong văn bản hợp nhất điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ bổ sung ngay tại vị trí của điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ đó;
d) Tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bổ sung; ngày, tháng, năm ký ban hành, công bố của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bổ sung.
2. Việc trình bày nội dung được bổ sung tại văn bản hợp nhất được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục được ban hành kèm theo Pháp lệnh này.
Điều 15. Hợp nhất nội dung sửa đổi
1. Văn bản được sửa đổi, bổ sung có điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ sửa đổi thì trong văn bản hợp nhất được thể hiện như sau:
a) Số thứ tự điều, khoản, điểm của văn bản hợp nhất vẫn được giữ nguyên như văn bản được sửa đổi, bổ sung;
b) Phải ghi chú rõ trong văn bản hợp nhất điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ sửa đổi ngay tại vị trí của điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ đó;
c) Tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ sửa đổi; ngày, tháng, năm ký ban hành, công bố của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ sửa đổi.
2. Việc trình bày nội dung sửa đổi tại văn bản hợp nhất được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục được ban hành kèm theo Pháp lệnh này.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp
Trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực, các cơ quan quy định tại Điều 7 Pháp lệnh này có trách nhiệm hoàn thành việc hợp nhất các văn bản được ban hành trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực và đăng tải văn bản hợp nhất trên Công báo điện tử và Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản.
Trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung đã bị giải thể, sáp nhập với cơ quan khác, thì cơ quan được giao trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện việc hợp nhất.
Điều 17. Áp dụng việc hợp nhất đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
Căn cứ vào các quy định về nguyên tắc, kỹ thuật hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật trong Pháp lệnh này, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể ban hành văn bản quy định việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ở địa phương.
Điều 18. Bảo đảm nguồn nhân lực và kinh phí cho việc hợp nhất văn bản
1. Nguồn nhân lực và kinh phí hợp nhất văn bản do ngân sách nhà nước bảo đảm.
2. Người đứng đầu/cơ quan quy định tại Điều 7 Pháp lệnh này có trách nhiệm bố trí cán bộ, công chức thực hiệc việc hợp nhất văn bản; tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hợp nhất văn bản cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện việc hợp nhất.
3. Kinh phí hợp nhất được dự toán chung trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan có trách nhiệm hợp nhất văn bản.
Các mức chi cho việc hợp nhất văn bản theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
4. Cơ quan thực hiện việc hợp nhất được sử dụng các nguồn hỗ trợ từ các dự án, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để bổ sung vào kinh phí hợp nhất.
5. Kinh phí hợp nhất đối với văn bản được ban hành trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực được áp dụng tương tự kinh phí rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 19. Hiệu lực thi hành
Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 06 năm 2011.
Bãi bỏ Chương VIII Kỹ thuật hợp nhất văn bản và Điều 46 của Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 03/07/2007 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế về kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Hà Nội, ngày .... tháng .... năm 201 ... TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHỦ TỊCH
Nguyễn Phú Trọng |
-
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 3
Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp
Loại tài liệu Pháp lệnh
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.