Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản
Ngày đăng: 12:52 08-03-2013 | 1994 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
NGHỊ ĐỊNH
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thuỷ sản.
2. Hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thuỷ sản là những hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định quản lý nhà nước trong hoạt động thuỷ sản mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
3. Vi phạm hành chính trong hoạt động thuỷ sản quy định tại Nghị định này bao gồm:
a) Vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản;
b) Vi phạm các quy định về khai thác thuỷ sản;
c) Vi phạm các quy định về quản lý tàu cá và quản lý thuyền viên tàu cá;
d) Vi phạm các quy định về nuôi trồng thuỷ sản; sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản, mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản;
đ) Vi phạm các quy định về thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản;
e) Vi phạm các quy định về các ngành nghề dịch vụ thuỷ sản;
f) Cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản.
4. Các vi phạm hành chính liên quan đến thủy sản không trực tiếp quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản được áp dụng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tổ chức, cá nhân Việt nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam.
Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản
1. Các hình thức xử phạt trong lĩnh vực thủy sản bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động thủy sản có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
e) Trục xuất.
2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 điều này là hình thức xử phạt chính.
Hình thức xử phạt quy định tại điểm c,d,e khoản 1 điều này là hình thức xử phạt bổ sung hoặc là hình thức xử phạt chính.
3. Đối với mỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Điều 4. Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
1. Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động thủy sản (áp dụng đối với cá nhân) là 100.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động thủy sản (áp dụng đối với tổ chức) là 200.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại chương II và mức phạt tiền tối đa của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân.
Điều 5. Các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản
Biện pháp khắc phụ hậu quả khi xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản được quy định cụ thể tại các điều của Nghị định này; áp dụng theo các nguyên tắc quy định tại mục 2, chương I, phần thứ 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT
Mục 1
VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Điều 6. Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Phá dỡ hoặc xây dựng các công trình nổi, công trình ngầm ở các vùng nước làm thay đổi nơi cư trú, sinh trưởng, sinh sản của các loài thuỷ sản mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không theo đúng quy định ghi trong giấy phép;
b) Phá huỷ, cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loài thuỷ sản.
2. Mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển.
3. Mức phạt tiền đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển san hô (trừ san hô ở dạng cát) được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu khối lượng san hô dưới 10 kg;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu khối lượng san hô từ 10 kg đến dưới 50 kg;
c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu khối lượng san hô từ 50 kg đến dưới 100 kg;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu khối lượng san hô từ 100 kg trở lên.
đ) Phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền tương ứng với số lượng san hô quy định tại điểm a,b,c,d khoản 3 điều này trong trường hợp san hô có tên trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật (trừ tàu cá, thiết bị an toàn hàng hải và phương tiện vận chuyển) đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này;
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tháo rỡ hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Điều 7. Vi phạm quy định về bảo vệ các loài thuỷ sản
1. Mức phạt đối với hành vi khai thác thuỷ sản nếu khối lượng các loài thuỷ sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác vượt quá mức cho phép khai thác lẫn như sau:
a) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn đến 50 kg;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn từ 50 kg đến dưới 100 kg;
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn từ 100 kg đến 500 kg;
d) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn từ 500 kg đến 1.000 kg;
e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn trên 1.000 kg.
2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm các quy định về thời gian cấm khai thác, vùng cấm, nghề cấm khai thác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc tàu cá không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên mà không lắp máy hoặc tàu cá có lắp máy mà tổng công suất từ 20 sức ngựa trở lên đến dưới 50 sức ngựa;
c) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 50 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa;
d) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa đến dưới 250 sức ngựa;
đ) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 sức ngựa đến dưới 400 sức ngựa;
e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 sức ngựa trở lên.
3. Mức phạt đối với hành vi khai thác các loài thuỷ sản trong danh mục cấm khai thác như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản dưới 20 kg;
b) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản từ 20 kg đến dưới 50 kg;
c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản từ 50 kg đến dưới 100 kg;
d) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản từ 100 kg đến dưới 300 kg;
đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản từ 300 kg đến dưới 500 kg;
e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu khối lượng thuỷ sản trên 500 kg.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản hoặc bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng đối với hành vi quy định tại khoản 3 điều này;
b) Tịch thu số thuỷ sản đã khai thác trái phép đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
c) Tịch thu công cụ khai thác thủy sản đối với trường hợp vi phạm nghề cấm khai thác quy định tại khoản 2 điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thả số thuỷ sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này.
Điều 8. Vi phạm quy định về quản lý thủy sinh vật ngoại lai xâm hại
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thả các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại vào vùng nước tự nhiên.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thả thủy sinh vật ngoại lai xâm hại vào các vùng nước thuộc khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, mua bán, kinh doanh, nhân giống thủy sinh vật ngoại lai xâm hại (trừ mục đích làm thực phẩm) không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau:
a) Nhập khẩu thủy sinh vật ngoại lai xâm hại không có trong danh mục được phép nhập khẩu làm thực phẩm;
b) Để thủy sinh vật ngoại lai xâm hại nhập khẩu làm thực phẩm thoát ra vùng nước tự nhiên.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật đối với hành vi quy định tại khoản 3, điểm a khoản 4 điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu gom, bắt giữ thủy sinh vật ngoại lai xâm hại nhập khẩu làm thực phẩm đã sổng các vùng nước tự nhiên đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 điều này.
b) Buộc tiêu hủy các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại đối với hành vi quy định tại khoản 3, điểm a khoản 4 điều này.
Điều 9. Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng theo danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES)
1. Mức phạt đối với một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn như sau:
a) Phạt tiền từ 30.000.000 đến 50.000.000 đối với các loài thủy sinh quý hiếm có thứ hạng rất nguy cấp (CR);
b) Phạt tiền từ 10.00.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các loài thủy sinh quý hiếm có thứ hạng nguy cấp (EN).
2. Mức phạt đối với một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng lớn, có thứ hạng sẽ nguy cấp (VU) như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản dưới 20 kg;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 20 kg đến dưới 50 kg;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 50 kg đến dưới 100 kg;
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 100 kg trở lên.
3. Mức phạt đối với một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh có tên trong các phụ lục của Công ước CITES như sau:
a) Phạt tiền từ 50.000.000 đến 70.000.000 đối với các loài thủy sinh hoang dã nguy cấp có tên ở Phụ lục I;
b) Phạt tiền từ 30.00.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các loài thủy sinh hoang dã nguy cấp có tên ở Phục lục II (trong trường hợp các hoạt động vượt quá quota được cấp hàng năm).
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu số thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và sản phẩm của chúng đối với các hành vi quy định tại khoản 1 khoản 2, khoản 3 điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép kinh doanh từ 06 tháng đến 12 tháng đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này;
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thả số thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với các hành vi quy định tại khoản 1 khoản 2, khoản 3 điều này.
Điều 10. Vi phạm các quy định về quản lý các phân khu chức năng trong Khu bảo tồn biển
1. Mức phạt đối với h ành vi vi phạm nội dung hoạt động nghiêm cấm tại các phân khu chức năng trong khu bảo tồn biển như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi bị nghiêm cấm xảy ra tại phân khu phát triển;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mỗi hành vi bị nghiêm cấm xảy ra tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, vành đai bảo vệ.
2. Mức phạt đối với hành vi vi phạm nội dung hoạt động có điều kiện tại các phân khu chức năng trong khu bảo tồn biển như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm nội dung hoạt động có điều kiện xảy ra tại phân khu phát triển;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm nội dung hoạt động có điều kiện xảy ra tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, vành đai bảo vệ.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm (trừ tàu cá và thiết bị an toàn hàng hải) đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản (nếu có) hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này.
b) Buộc bồi thường thiệt hại (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Loại tài liệu Nghị định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.