Theo dõi (0)

Dự thảo nghị định Về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường

Ngày đăng: 07:38 02-11-2007 | 2376 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

NGHỊ ĐỊNH
Về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường
_______________________________ 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Khai khác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn ngày 10 tháng 12 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, 

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, tài nguyên môi trường biển và đảo (sau đây gọi chung là dữ liệu về tài nguyên và môi trường); trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) trong việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Bộ dữ liệu về tài nguyên và môi trường 
Dữ liệu về tài nguyên và môi trường phải là các bản chính, bản gốc gồm tài liệu, mẫu vật, số liệu đã được xử lý và lưu trữ theo quy định, dữ liệu về tài nguyên và môi trường bao gồm
1. Dữ liệu về đất đai gồm:
a) Số liệu phân hạng, đánh giá đất, thống kê, kiểm kê đất đai và bản đồ phân hạng đất, bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
b) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt;
c) Bản đồ địa chính; kết quả giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
2. Dữ liệu về tài nguyên nước gồm:
a) Số lượng, chất lượng nước mặt, nước dưới đất;
b) Số liệu điều tra khảo sát địa chất thủy văn;
c) Các dữ liệu về khai thác và sử dụng tài nguyên nước;
d) Quy hoạch các lưu vực sông, quản lý, khai thác, bảo vệ các nguồn nước quốc tế;
đ) Kết quả cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép, trả lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; trám lấp giếng khoan;
e) Các dữ liệu về các yếu tố ảnh hưởng đến tài nguyên nước.
3. Dữ liệu về địa chất và khoáng sản gồm:
a) Thống kê trữ lượng khoáng sản;
b) Kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và các mẫu vật địa chất, khoáng sản;
c) Quy hoạch, kế hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản;
d) Bản đồ địa chất khu vực, địa chất tai biến, địa chất môi trường, địa chất khoáng sản, địa chất thủy văn, địa chất công trình và các bản đồ chuyên đề về địa chất và khoáng sản;
đ) Khu vực đấu thầu hoạt động khoáng sản; khu vực có khoáng sản đặc biệt, độc hại; các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;
e) Báo cáo hoạt động khoáng sản; báo cáo quản lý nhà nước hàng năm về hoạt động khoáng sản;
g) Kết quả cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép, trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép tiếp tục thực hiện quyền hoạt động khoáng sản.
4. Dữ liệu về môi trường gồm:
a) Các kết quả điều tra, khảo sát về môi trường;
b) Dữ liệu, thông tin về đa dạng sinh học;
c) Dữ liệu, thông tin về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;
d) Kết quả về giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;
đ) Danh sách, thông tin về các nguồn thải, chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
e) Các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được đưa ra khỏi danh sách;
g) Kết quả điều tra, khảo sát về hiện trạng môi trường, chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường;
h) Thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường được phép trao đổi;
i) Kết quả cấp, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép về môi trường.
5. Dữ liệu về khí tượng thuỷ văn bao gồm:
a) Các tài liệu, số liệu điều tra cơ bản về khí tượng thuỷ văn, môi trường không khí và nước; quan trắc, biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ô dôn;
b) Các loại biểu đồ, bản đồ, ảnh thu từ vệ tinh, các loại phim, ảnh về các đối tượng nghiên cứu khí tượng thuỷ văn;
c) Hồ sơ kỹ thuật của các công trình khí tượng thuỷ văn;
d) Kết quả cấp, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép về hoạt động khí tượng thủy văn.
6. Dữ liệu về đo đạc và bản đồ gồm:
a) Hệ quy chiếu quốc gia;
b) Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia; hệ thống điểm đo đạc cơ sở, điểm đo đạc cơ sở chuyên dụng;
c) Hệ thống ảnh máy bay, ảnh vệ tinh phục vụ đo đạc và bản đồ;
d) Hệ thống bản đồ địa hình, bản đồ nền, bản đồ biên giới quốc gia, bản đồ địa chính cơ sở, bản đồ hành chính, bản đồ địa lý tổng hợp và các loại bản đồ chuyên đề khác;
đ) Hệ thống thông tin địa lý;
e) Thông tin tư liệu thứ cấp được hình thành từ các thông tin tư liệu về đo đạc và bản đồ nêu tại các điểm a, b, c, d, đ  Khoản này và thông tin tư liệu tích hợp của thông tin tư liệu về đo đạc và bản đồ với các loại thông tin tư liệu khác;
g) Kết quả cấp, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép về hoạt động đo đạc và bản đồ.
7. Dữ liệu tài nguyên môi trường biển và đảo gồm:
a) Dữ liệu về đất có mặt nước biển;
b) Dữ liệu về địa hình đáy biển;
c) Dữ liệu về tính chất cơ lý của nước biển;
d) Dữ liệu về địa chất biển, địa vật lý biển, khoáng sản biển;
đ) Dữ liệu về dầu khí biển;
e) Dữ liệu về sinh vật biển;
g) Dữ liệu về chất lượng môi trường biển;
h) Dữ liệu về khí tượng, thuỷ văn biển;
i) Dữ liệu về đảo;
k) Dữ liệu khác liên quan đến tài nguyên, môi trường biển.
8. Kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về tài nguyên và môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
9. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về tài nguyên và môi trường.
10. Kết quả của các dự án, chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về tài nguyên và môi trường.
11. Dữ liệu khác liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 4. Nguyên tắc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường
Việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
1. Phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh;
2. Bảo đảm tính chính xác, trung thực, khách quan;
3. Bảo đảm tính khoa học, thuận tiện cho khai thác và sử dụng;
4. Bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ và có hệ thống;
5. Sử dụng dữ liệu đúng mục đích;
6. Khai thác và sử dụng dữ liệu phải thực hiện nghĩa vụ tài chính;
7. Tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 5. Hợp tác quốc tế về dữ liệu về tài nguyên và môi trường 
Nhà nước có chính sách phát triển hợp tác với các nước, các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong việc điều tra, khảo sát, nghiên cứu, chia sẻ, cung cấp các dữ liệu về tài nguyên và môi trường; khuyến khích chia sẻ thông tin liên quan đến dữ liệu về tài nguyên và môi trường quốc tế; phối hợp nghiên cứu, điều tra các dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc quản lý, khai thác có hiệu quả các dữ liệu về tài nguyên và môi trường quốc tế. 

Chương II
THU THẬP, QUẢN LÝ DỮ LIỆU VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG 

Điều 6. Quản lý nhà nước dữ liệu về tài nguyên và môi trường 
1. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật trong việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường;
2. Kế hoạch thu thập các dữ liệu về tài nguyên và môi trường;
3. Quy định về lưu trữ, bảo quản;
4. Quy định chế độ tài chính trong khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
5. Thực hiện chế độ thu phù hợp với từng loại dữ liệu tài nguyên môi trường bảo đảm thu đủ, thu từng phần giá trị dữ liệu được khai thác phục vụ cho việc quản lý, khai thác dữ liệu tài nguyên và môi trường.

Điều 7. Thu thập dữ liệu về tài nguyên và môi trường 
1. Hàng năm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch thu thập dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
2. Căn cứ vào kế hoạch thu thập đã được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức chỉ đạo việc thu thập và xử lý các dữ liệu đã thu thập được để xây dựng các bộ dữ liệu.

Điều 8. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, giao nộp dữ liệu về tài nguyên và môi trường 
1. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật trong việc thu thập, lưu trữ và giao nộp dữ liệu;
2. Giao nộp dữ liệu thu thập được cho cơ quan quản lý dữ liệu đối với trường hợp thu thập dữ liệu bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi cung cấp dữ liệu không chính xác, gây thiệt hại cho người khai thác, sử dụng dữ liệu;
4. Không được lợi dụng việc cung cấp dữ liệu để sách nhiễu, trục lợi, phát tán các dữ liệu trái với các quy định của pháp luật;
5. Được từ chối yêu cầu về cung cấp dữ liệu trái với quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 9. Kinh phí thu thập, xử lý dữ liệu về tài nguyên và môi trường 
Kinh phí thu thập, xử lý dữ liệu về tài nguyên và môi trường; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. 

Chương III
KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG DỮ LIỆU VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG 

Điều 10. Công bố danh mục dữ liệu về tài nguyên và môi trường 
1. Danh mục dữ liệu về tài nguyên và môi trường được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet, trang web của các cơ quan Trung ương và địa phương nhằm phục vụ cho cộng đồng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục dữ liệu tài nguyên và môi trường ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố danh mục dữ liệu  tài nguyên và môi trường ở địa phương.
3. Việc công bố danh mục dữ liệu về tài nguyên và môi trường phải tuân theo các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Điều 11. Hình thức, thủ tục khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường 
1. Việc khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường thực hiện theo các  hình thức sau đây:
a) Khai thác và sử dụng dữ liệu trên mạng Internet, trang web do cơ quan quản lý dữ liệu quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hình thức khai thác từ internet và trang web;
b) Khai thác và sử dụng dữ liệu bằng hình thức hợp đồng giữa cơ quan quản lý dữ liệu và bên khai thác, sử dụng dữ liệu theo quy định của pháp luật;
c) Khai thác và sử dụng dữ liệu thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu.
2. Việc khai thác và sử dụng dữ liệu theo hình thức phiếu hoặc văn bản yêu cầu được thực hiện theo quy định sau:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác và sử dụng dữ liệu nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan quản lý dữ liệu quy định tại Điều 14 của Nghị định này.
Trường hợp cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam thì phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu phải được cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự tại Việt Nam của nước mà cá nhân, tổ chức đó mang quốc tịch ký xác nhận, đóng dấu;
b) Trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu hợp lệ, cơ quan quản lý dữ liệu phải cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác và sử dụng dữ liệu. Trường hợp nội dung yêu cầu phức tạp, khối lượng lớn thì cơ quan quản lý dữ liệu được gia hạn thời gian cung cấp nhưng không quá mười lăm ngày kể từ ngày gia hạn. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Điều 12. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường 
Tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
1. Tuân thủ các nguyên tắc khai thác và sử dụng dữ liệu quy định tại Điều 4 của Nghị định này;
2. Không được cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp cho mình để khai thác, sử dụng trừ trường hợp được thỏa thuận trong hợp đồng;
3. Trả tiền khai thác, sử dụng dữ liệu đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định này;
4. Thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý dữ liệu về những sai sót  của dữ liệu đã cung cấp;
5. Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật khi bị vi phạm quyền khai thác, sử dụng dữ liệu của mình.

Điều 13. Tiền khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường 
1. Việc khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường được thu thập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để phục vụ cho các mục đích quốc phòng và an ninh, phục vụ yêu cầu trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoặc trong tình trạng khẩn cấp thì không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Mức thu, chế độ thu, nộp tiền đối với việc khai thác, sử dụng dữ liệu thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính.
a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu, nộp, sử dụng tiền đối với khai thác các dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành bộ đơn giá cung cấp, khai thác, sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường. 

Chương IV
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ DỮ LIỆU VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG 

Điều 14. Trách nhiệm quản lý nhà nước về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường 
1. Chính phủ thống nhất quản lý về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường do mình thu thập.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm quản lý việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng các dữ liệu về tài nguyên và môi trường ở địa phương.
Sở Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường ở địa phương.

Điều 15. Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1.Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường  quốc gia;
2. Lập quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm về điều tra dữ liệu về tài nguyên và môi trường trong kế hoạch, nhiệm vụ của mình trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
3. Hướng dẫn các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh  thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu;
4. Xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường quốc gia; cung cấp dữ liệu về tài nguyên và môi trường cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
5. Tổ chức xây dựng hệ thống quan trắc quốc gia về tài nguyên và môi trường;
6. Biên tập và phát hành cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường 5 năm một lần.

Điều 16. Trách nhiệm và quyền hạn của các Bộ, ngành
Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm:
1. Ban hành tiêu chuẩn, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật;
2. Lập quy hoạch, kế hoạch về điều tra dữ liệu về tài nguyên và môi trường cùng với việc lập quy hoạch, kế hoạch hoạt động của các Bộ ngành địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
3. Kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu sản phẩm đã được điều tra;
4. Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường do mình thu thập được;
5. Cung cấp dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường quốc gia và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu về tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật; trao đổi dữ liệu về tài nguyên và môi trường do mình quản lý với các Bộ, ngành khác có liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
6. Lưu trữ các dữ liệu về tài nguyên và môi trường đã thu thập được.

Điều 17. Trách nhiệm và quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường do mình thu thập được tại Sở Tài nguyên và môi trường;
2. Lập quy hoạch, kế hoạch điều tra dữ liệu về tài nguyên và môi trường cùng với việc quy hoạch, kế hoạch kinh tế xã hội ở địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt
3. Kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu sản phẩm đã được điều tra;
4. Cung cấp dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường quốc gia và các tổ chức;
5. Cung cấp dữ liệu cho cá nhân có nhu cầu khai thác và sử dụng dữ liệu theo quy định của pháp luật; trao đổi dữ liệu về tài nguyên và môi trường với các Bộ, ngành, địa phương khác theo quy định của pháp luật;
6. Lưu trữ các dữ liệu về tài nguyên và môi trường đã thu thập được tại Trung tâm Thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường.
7. Tổ chức chỉ đạo các tổ chức, cá nhân cung cấp và lưu trữ dữ liệu tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 18. Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
1. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc thu thập, điều tra, quản lý dữ liệu về tài nguyên và môi trường để khai thác, sử dụng có hiệu quả dữ liệu.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu về tài nguyên và môi trường giữa các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. 

Chương V
XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 19. Xử lý vi phạm
1. Người nào chiếm giữ, tiêu huỷ trái phép, làm hư hại dữ liệu về tài nguyên và môi trường; khai thác, sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường trái với quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm hư hỏng, thất thoát dữ liệu về tài nguyên và môi trường, cản trở việc khai thác, sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 20. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp trong thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. 

Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Xử lý dữ liệu về tài nguyên và môi trường  đã được điều tra, thu thập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành
Các dữ liệu về tài nguyên và môi trường đã được điều tra, thu thập bằng ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được xử lý theo quy định sau đây:
1. Đối với những dữ liệu đã được nghiệm thu, đánh giá thì các cơ quan, tổ chức đang quản lý dữ liệu có trách nhiệm cung cấp toàn bộ dữ liệu đó cho Cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời hạn cung cấp dữ liệu về tài nguyên và môi trường hoàn thành chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
2. Đối với những dữ liệu về tài nguyên và môi trường chưa được nghiệm thu, đánh giá hoặc đang triển khai thực hiện, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đã được Nhà nước cấp kinh phí để điều tra, thu thập dữ liệu về tài nguyên và môi trường  có trách nhiệm tổ chức thẩm định, nghiệm thu, đánh giá các dữ liệu và đưa vào sử dụng theo quy định của Nghị định này. Thời hạn hoàn thành việc nghiệm thu, đánh giá các tài liệu đã được điều tra, thu thập và nộp vào Cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường quốc gia chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
3. Đối với dự án, đề án, đề tài, chương trình đang triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì tổ chức, cá nhân phải cung cấp cho cơ quan quản lý dữ liệu theo quy định của Nghị định này.

Điều 22. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Nghị định số 162/2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ ban hành Quy chế thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước và Nghị định số 101/2007/NĐ-CP ngày ngày 13  tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển hết hiệu lực thi hành;

Điều 23. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
 


 

 TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
   
 
  Nguyễn Tấn Dũng

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo dạng .DOC

Ngày nhập

02/11/2007

Đã xem

2376 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com