Theo dõi (0)

Dự thảo nghị định về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản

Ngày đăng: 10:43 20-04-2006 | 2119 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

NGHỊ ĐỊNH

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phá sản ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 07 năm 2002;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản thì bị xử phạt theo quy định của Nghị định này.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản được thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều 3 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 4. Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng

Tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trong xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản được thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9 của  Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều 6 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hiệu nói trên mà vi phạm hành chính mới bị phát hiện thì không xử phạt nhưng vẫn  bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

Người có thẩm quyền xử phạt nếu có lỗi trong việc để quá thời hiệu xử phạt thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

2. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà  hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản thì bị xử phạt vi phạm hành chính; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định phải gửi quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu người vi phạm thực hiện vi phạm hành chính mới trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu xử phạt  quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; thời hiệu xử phạt được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều 6. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều 7 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 7. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Mức quy định tiền phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản là 20.000.000 đồng.

2. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả quy định cụ thể tại các điều của Chương II Nghị định này.

3. Trong trường hợp phạt tiền thì mức phạt tiền cụ thể đối với một vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt; đối với trường hợp vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không dưới mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. Đối với trường hợp vi phạm hành chính có cả tình tiết tăng nặng lẫn tình tiết giảm nhẹ, thì tuỳ theo tính chất, mức độ của các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đó mà người có thẩm quyền quyết định  áp dụng mức phạt cao hơn, thấp hơn mức trung bình hoặc áp dụng mức trung bình của khung tiền phạt.

 

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNHVÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT

TRONG QUÁ TRÌNH TIẾN HÀNH THỦ TỤC PHÁ SẢN

 

            Điều 8. Hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn

            Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn của những người có quyền nộp đơn được quy định tại các Điều 13, 14, 16, 17, 18 Luật Phá sản yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.

            Điều 9. Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ nộp đơn

            1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong thời hạn do pháp luật quy định.

            2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

            Buộc chủ doanh nghiệp, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã nộp đơn theo yêu cầu của Tòa án có thẩm quyền.

            Điều 10. Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ cung cấp tài liệu

            1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

a) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời tài liệu do pháp luật quy định và theo yêu cầu của Toà án;

b) Không sửa đổi đơn, bổ sung tài liệu hoặc quá hạn trong việc sửa đổi đơn, bổ sung tài liệu theo yêu cầu của Tòa án.

            2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

            a) Buộc cung cấp đầy đủ các tài liệu cho Tòa án đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

            b) Buộc sửa đổi đơn, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

            Điều 11. Hành vi vi phạm trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

            1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do không khách quan, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

            2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người nộp đơn có hành vi gian dối trong việc yêu cầu mở thủ tục phá sản, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

            3. Biện pháp khắc phục hậu quả.

Buộc cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng.

            Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về xuất trình giấy tờ, tài liệu

            Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã có hành vi không xuất trình hoặc xuất trình không kịp thời cho Tòa án các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật phá sản.

            Điều 13. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã khi đã có quyết định mở thủ tục phá sản

            1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản mà có một trong các hành vi  sau đây khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản  của thẩm phán:

a) Cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng cho, cho thuê tài sản;

b) Nhận tài sản từ hợp đồng chuyển nhượng;

c) Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

d) Vay tiền;

đ) Bán, chuyển đổi cổ phần hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản;

e) Thanh toán các khoản nợ mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã.

            2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã nhận được quyết định mở thủ tục phá sản mà có một trong các hành vi sau đây:

a) Cất giấu, tẩu tán tài sản;

b) Thanh toán nợ không bảo đảm;

c) Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

d) Chuyển các khoản nợ không có bản đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp.

            3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

            Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về thời hạn và nghĩa vụ kiểm kê tài sản

            1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không thực hiện việc kiểm kê tài sản theo bảng kê chi tiết đã nộp cho Tòa án và xác định giá trị các tài sản đó trong thời hạn quy định.

            2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

            Buộc thực hiện việc kiểm kê tài sản theo bảng kê chi tiết đã nộp cho Tòa án và xác định giá trị các tài sản đó trong thời hạn quy định.

            Điều 15. Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý có tài khoản

            1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án áp dụng thủ tục thanh lý mà  vẫn thực hiện việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã đó, trừ trường hợp việc thanh toán được thẩm phán phụ trách tiến hành phá sản đồng ý bằng văn bản.

            2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án áp dụng thủ tục thanh lý mà thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm bù trừ hoặc thanh toán các khoản doanh nghiệp, hợp tác xã vay của ngân hàng.

            3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

            Buộc thu hồi các khoản đã thanh toán hoặc bù trừ không đúng quy định đối với  vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

            Điều 16. Hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của nhân viên, người lao động liên quan đến thủ tục phá sản

            1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với nhân viên, người lao động có hành vi che giấu tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã đã nhận được quyết định mở thủ tục phá sản.

            2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng  đối với nhân viên, người lao động có hành vi tẩu tán, chuyển nhượng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã đã nhận được quyết định mở thủ tục phá sản.

            3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

            Buộc thu hồi tài sản đã bị tẩu tán, chuyển nhượng trái quy định đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

            Điều 17. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh

            1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không thực hiện việc xây dựng phương án phục hồi hoạt đồng kinh doanh và nộp cho Tòa án có thẩm quyền trong thời hạn quy định.

            2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xây dựng phương án phục hồi hoạt đồng kinh doanh và nộp cho Tòa án có thẩm quyền trong thời hạn quy định.

            Điều 18. Hành vi vi phạm quy định về giám sát thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh

            1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không gửi báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cho Tòa án có thẩm quyền trong thời hạn quy định.

            2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện việc gửi báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cho Tòa án có thẩm quyền trong thời hạn quy định.

            Điều 19. Hành vi vi phạm quy định về tham gia Hội nghị chủ nợ

            Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

1. Chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của chủ doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không tham gia Hội nghị chủ nợ mà không có lý do chính đáng.

2. Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại các điều 15, 16, 17 và 18 Luật Phá sản không tham gia Hội nghị chủ nợ nhưng không uỷ quyền cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ mà không có lý do chính đáng.

 

Chương III

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT

            Điều 20. Thẩm quyền xử phạt của Thẩm phán Tòa án nhân dân

            Thẩm phán Tòa án nhân dân có thẩm quyền :

            1. Phạt cảnh cáo;

            2. Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

            3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II Nghị định này.

            Điều 21. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện

            Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền :

            1. Phạt cảnh cáo;

            2. Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

            3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II Nghị định này.

            Điều 22. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh

            Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền :

            1. Phạt cảnh cáo ;

            2. Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này.

            3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II Nghị định này.

            Điều 23. Phân định thẩm quyền xử phạt

            1. Thẩm phán Tòa án nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điều 8, 10, 12, 14, 16 , 17, 18, 19 của Nghị định này trong phạm vi vụ việc mình đang thụ lý giải quyết.

            2. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trong phạm vi địa phương mình quản lý.

 

Chương IV

THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

 

Điều 24. Đình chỉ hành vi vi phạm hành chính

Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc nhận được báo cáo, biên bản về hành vi vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, người có thẩm quyền xử phạt phải kiểm tra, xác minh, ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm. Quyết định đình chỉ có thể là quyết định bằng văn bản hoặc bằng lời nói.

Điều 25. Lập biên bản vi phạm hành chính

1. Người có thẩm quyền đang thi hành nhiệm vụ, công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính trừ trường hợp xử phạt bằng hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000 đồng.

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương III Nghị định này và Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản.

2. Việc lập biên bản vi phạm hành chính phải tuân thủ quy định tại Điều 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều 20 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

 Điều 26. Quyết định xử phạt

1. Việc ra quyết định xử phạt theo thủ tục đơn giản được thực hiện theo quy định tại Điều 54 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

2. Việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều 21 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

  Điều 27. Thủ tục phạt tiền

Thủ tục phạt tiền, thu nộp tiền phạt thực hiện theo quy định tại Điều 57, 58 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 28. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoãn chấp hành quyết định phạt tiền

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quá thời hạn này, nếu cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành.

Sau khi ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải giao quyết định cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt hoặc thông báo cho họ đến nhận; thời điểm cá nhân, tổ chức bị xử phạt nhận được quyết định xử phạt được coi là thời điểm giao quyết định xử phạt.

Trường hợp đã qua một năm mà người có thẩm quyền không thể giao quyết định xử phạt đến cá nhân, tổ chức bị xử phạt do người đó không đến nhận và không xác định được địa chỉ của họ hoặc lý do khách quan khác được xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

2. Cá nhân bị phạt tiền từ 500.000 đồng trở lên có thể được hoãn chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 65 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Cá nhân được hoãn chấp hành quyết định được trả lại giấy tờ hoặc tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 29. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành

1. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định từ Điều 66 đến Điều 67 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 03 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Việc chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành được thực hiện theo quy định tại Điều 68 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều 27 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 30. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản là một năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt; quá thời hạn này mà quyết định đó không được thi hành thì không thi hành quyết định xử phạt nữa nhưng vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Điều 31. Quyết định buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt

1. Trong trường hợp quá thời hiệu xử phạt được quy định tại Điều 5 và trường hợp quá thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại Điều 26 Nghị định này, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt nhưng vẫn có thể ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Việc ra quyết định buộc khắc phục hậu qủa được thực hiện theo quy định của Điều 23 Nghị định số 134/2003/NĐ- CP ngày 14 tháng 11 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 32. Khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt của ng­ười có thẩm quyền.

Công dân có quyền tố cáo với các cơ quan nhà n­ước có thẩm quyền những hành vi trái pháp luật về xử phạt hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.

2. Thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Điều 118 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Việc khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Điều 33.Xử lý đối với ng­ười có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản

Ng­ười có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản mà sách nhiễu, dung túng, bao che cho người vi phạm, không xử phạt hoặc xử phạt không đúng mức, xử phạt vượt thẩm quyền, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại cho Nhà nư­ớc, công dân, tổ chức thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 34.Xử lý vi phạm đối với người bị xử phạt vi phạm hành chính

Ng­ười bị xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, nếu có hành vi chống người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 35.  Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 36. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Tờ trình .DOC

Ngày nhập

20/04/2006

Đã xem

2119 lượt xem

Dự thảo .DOC

Ngày nhập

20/04/2006

Đã xem

2119 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com