Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản

Ngày đăng: 09:22 16-08-2009 | 1808 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

CHÍNH PHỦ

_________

Số: /2009/NĐ-CP

Dự thảo 2

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________________________

Hà Nội, ngày tháng năm 2009

NGHỊ ĐỊNH

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản

_________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 08 tháng 3 năm 2007; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản; hình thức xử phạt, mức xử phạt; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản (bao gồm lập bản đồ địa chất, nghiên cứu chuyên đề địa chất và đánh giá tiềm năng khoáng sản); khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ tài nguyên khoáng sản do tổ chức, cá nhân cố ý hoặc vô ý vi phạm mà không phải là tội phạm nhưng theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 08 tháng 3 năm 2007; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008 (gọi chung là pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính) và Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản không quy định tại Nghị định này mà quy định tại văn bản xử lý vi phạm hành chính khác thì bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Điều 2. Đối tượng bị xử phạt

1. Tổ chức, cá nhân trong nước có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản; trường hợp §iều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên gia nhập hoặc ký kết có quy định khác thì áp dụng theo quy định của §iều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Phương tiện được coi là bị người vi phạm hành chính chiếm đoạt trái phép theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính là trường hợp phương tiện của chủ sở hữu hợp pháp bị người có hành vi vi phạm hành chính trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt, lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để công khai chiếm đoạt (công nhiên chiếm đoạt) hoặc các hành vi trái pháp luật khác tước đoạt quyền chiếm hữu, quản lý, sử dụng của chủ sở hữu hợp pháp phương tiện đó;

2. Phương tiện được coi là bị sử dụng trái phép theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính là phương tiện thuộc một trong các trường hợp sau:

b) Chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện cho người khác thuê, mượn hoặc thuê người khác điều khiển phương tiện đó để sử dụng vào mục đích chính đáng, nhưng người thuê, mượn phương tiện hoặc người được thuê điều khiển phương tiện đó đã tự ý sử dụng phương tiện để vi phạm hành chính.

c) Chủ sở hữu hợp pháp đối với phương tiện của mình hoặc người quản lý hợp pháp đối với phương tiện thuê của chủ sở hữu hợp pháp giao cho người lao động của mình quản lý, điều khiển, sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hợp pháp nhưng người lao động tự ý sử dụng các phương tiện đó để vi phạm hành chính

Việc cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển phương tiện phải được giao kết bằng văn bản giữa chủ sở hữu hợp pháp và người được thuê, được mượn theo quy định của pháp luật trước khi hành vi vi phạm xẩy ra. Bản giao kết phải ghi rõ nội dung sử dụng phương tiện cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điểu khiển và trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phương tiện bị tạm giữ, người có hành vi vận chuyển trái pháp luật phải xuất trình văn bản giao kết đó cho cơ quan, các nhân có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc.

Điều 4. Nguyên tắc, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 01 năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện, nếu quá thời hạn trên thì không xử phạt nhưng bị áp dụng các biện pháp tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 6 cña Nghị định này để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

3. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là một năm, kể từ ngày tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính đã thi hành xong quyết định xử phạt mà không tái phạm.

Điều 5. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng áp dụng khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 6. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền. Mức phạt tiền cao nhất là 500.000.000 đồng.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

b) Buộc tiêu hủy các hóa chất, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng;

c) Buộc nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Buộc san lấp các công trình; thực hiện đầy đủ yêu cầu bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo quy định;

đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

e) Buộc đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về kế hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản;

g) Buộc thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin của Nhà nước về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản;

h) Buộc lập thiết kế mỏ; bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ theo quy định;

i) Buộc lập bản đồ hiện trạng mỏ;

k) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả khác được quy định tại Chương II của Nghị định này.

Điều 7. Chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra hoặc bỏ trốn mà việc khắc phục hậu quả là thật cần thiết để kịp thời bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông và trật tự, an toàn xã hội thì chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

CHƯƠNG II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KHOÁNG SẢN, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT

Điều 8. Vi phạm quy định về điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không đăng ký kế hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản mà không có quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Không nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc đăng ký kế hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 9. Vi phạm quy định về hoạt động khảo sát khoáng sản

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không nộp báo cáo kết quả khảo sát theo quy định;

b) Chuyển ra ngoài khu vực khảo sát các mẫu vật địa chất, khoáng sản với số lượng và chủng loại không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi khảo sát khoáng sản không có giấy phép theo quy định hoặc giấy phép khảo sát đã hết hạn, trừ trường hợp đã nộp hồ sơ xin gia hạn theo quy định.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu mẫu vật địa chất, khoáng sản đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp báo cáo kết quả khảo sát đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 10. Vi phạm quy định về hoạt động thăm dò khoáng sản

1. Phạt phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo kế hoạch thăm dò với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện việc san lấp các công trình thăm dò hoặc thực hiện không đúng yêu cầu bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường theo quy định khi giấy phép thăm dò hết hiệu lực;

b) Chuyển ra ngoài khu vực thăm dò các mẫu vật địa chất, khoáng sản với số lượng và chủng loại không đúng quy định.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không nộp báo cáo cuối cùng về kết quả thăm dò theo quy định.

5. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò khoáng sản không có giấy phép theo quy định.

6. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò theo quy định có thời hạn từ sáu tháng đến mười hai tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

b) Tịch thu mẫu vật địa chất, khoáng sản đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

c) Buộc thông báo kế hoạch thăm dò theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

d) Buộc nộp báo cáo cuối cùng về kết quả thăm dò đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

đ) Buộc chấm dứt hoạt động thăm dò, san lấp các công trình thăm dò và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;

e) Buộc san lấp các công trình thăm dò, thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 5 Điều này.

Điều 11. Vi phạm quy định về hoạt động khai thác khoáng sản

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ và ngày bắt đầu hoạt động sản xuất với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản theo quy định;

b) Không thông báo kế hoạch khai thác khoáng sản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có mỏ trước khi thực hiện;

c) Không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác theo quy định đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó;

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không lập bản đồ hiện trạng khai thác mỏ, không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo sai số liệu về hoạt động khai thác khoáng sản cho các cơ quan nhà nước có thẩm;

b) Không nộp thiết kế mỏ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

c) Không thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin của nhà nước về kết quả thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo bằng văn bản.

3. Đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về việc đóng cửa mỏ thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường;

b) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác các loại khoáng sản không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản này;

c) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản quý, hiếm, đặc biệt và độc hại.

4. Đối với hành vi không phục hồi môi trường khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

5. Đối với một trong các hành vi: khai thác không đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn trong khai thác mỏ; khai thác vượt công suất quy định tại giấy phép khai thác đến 50% (năm mươi phần trăm); hành vi không bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ theo quy định thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khai thác than bùn; khai thác nước khoáng;

b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối trường hợp khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác đá ốp lát;

c) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác lộ thiên các loại khoáng sản, trừ trường hợp đã quy định tại các điểm a, b, đ và điểm e khoản này;

d) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác hầm lò các loại khoáng sản, trừ trường hợp đã quy định tại các điểm đ và điểm e khoản này;

đ) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản quý hiếm;

e) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại.

6. Đối với một trong các hành vi: khai thác khoáng sản không có thiết kế mỏ; khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép; khai thác vượt công suất quy định tại giấy phép khai thác trên 50% thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khai thác than bùn; khai thác nước khoáng;

b) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khai thác đá ốp lát;

c) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác lộ thiên các loại khoáng sản, trừ trường hợp đã quy định tại các điểm a, b, đ và điểm e khoản này;

d) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò, trừ trường hợp đã quy định tại điểm đ và điểm e khoản này;

đ) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản quý hiếm;

e) Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại.

7. Đối với một trong các hành vi: khai thác than bùn, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép (trừ trường hợp đã nộp hồ sơ xin gia hạn đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định) hoặc theo giấy phép chuyển nhượng không đúng quy định của pháp luật thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm với khối lượng khoáng sản khai thác không quá 20 m3;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy với khối lượng khoáng sản khai thác từ 20 m3 đến 50 m3;

c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm với khối lượng khoáng sản khai thác từ 50 m3 đến 100 m3;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm với khối lượng khoáng sản khai thác từ 100 m3 đến 200 m3;

đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm với khối lượng khoáng sản khai thác lớn hơn 200 m3/lần.

8. Đối với một trong các hành vi: khai thác than bùn, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép (trừ trường hợp đã nộp hồ sơ xin gia hạn đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định) hoặc theo giấy phép chuyển nhượng không đúng quy định của pháp luật thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng mà không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

c) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp khai thác lộ thiên các loại khoáng sản, trừ các khoáng sản đã quy định tại các điểm a, b, đ và điểm e khoản này;

d) Phạt tiền từ 280.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này trong trường hợp khai thác hầm lò các loại khoáng sản, trừ các khoáng sản đã quy định tại các điểm đ và điểm e khoản này;

đ) Phạt tiền từ 380.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này trong trường hợp khai thác khoáng sản quý hiếm;

e) Phạt tiền từ 480.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này trong trường hợp khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại.

9. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 12 tháng đến 24 tháng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 6 khoản 7 và khoản 8 Điều này;

c) Buộc phải thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin của nhà nước về kết quả thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

d) Buộc áp dụng các biện pháp tương ứng khác quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này để khắc phục hậu quả do các hành vi vi phạm gây ra.

Điều 12. Vi phạm quy định về chế biến khoáng sản

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo sai số liệu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

2. Hành vi chế biến khoáng sản mà không có giấy phép được cấp theo quy định, trừ trường hợp đã nộp đơn xin gia hạn theo quy định trong trường hợp giấy phép đã hết hạn thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, chế biến than bùn với công suất dưới 5.000 m3/năm;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, chế biến than bùn với công suất trên 5.000 m3/năm;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp chế biến các khoáng sản, trừ trường hợp đã quy định tại các điểm a, b, d và điểm đ khoản này;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp chế biến khoáng sản kim loại quý hiếm;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp chế biến khoáng sản đặc biệt và độc hại.

3. Các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến khoáng sản bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 13. Vi phạm khác về quản lý khoáng sản

1. Phạt phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc tiến hành hợp pháp các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, thăm dò khoáng sản.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không ký hợp đồng thuê đất theo quy định trong hoạt động khoáng sản.

3. Các hành vi: mua; bán; vận chuyển; tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với khối lượng dưới 100 m3;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với khối lượng trên 100 m3;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với các loại khoáng sản, trừ trường hợp đã quy định tại điểm a, b, d và điểm đ khoản này;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với khoáng sản quý, hiếm;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khoáng sản đặc biệt và độc hại.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cất giấu, phá huỷ, làm tổn hại đến chất lượng hoặc mua, bán, vận chuyển trái phép các mẫu vật địa chất, mẫu khoáng sản đặc biệt quý hiếm theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

b) Khi phát hiện được các điểm khoáng sản mà không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản;

c) Tiết lộ thông tin về tài nguyên khoáng sản thuộc bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Cản trở các hoạt động kiểm tra, thanh tra về khoáng sản của người thi hành công vụ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Cản trở các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản hợp pháp theo quy định.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này và mẫu vật địa chất, mẫu khoáng sản đặc biệt quý hiếm bị mua, bán, vận chuyển trái phép.

b) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn 03 tháng hoặc không thời hạn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

CHƯƠNG III

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KHOÁNG SẢN

Điều 14. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản của Chủ tịch ñy ban nh©n d©n các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và điểm k Điều 6 của Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép theo thẩm quyền;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và điểm k Điều 6 của Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này.

Điều 15. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản của Thanh tra về khoáng sản

1. Thanh tra viên về khoáng sản đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm có giá trị đến 2.000.000 đồng;

c) Buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này.

2. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có quyền:

a) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hµnh chÝnh;

d) Buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này;

d) Đình chỉ hành vi vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

3. Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền:

a) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tịch thu khoáng sản khai thác trái phép;

đ) Buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này;

e) Đình chỉ hành vi vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

Điều 16. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, các chức danh có thẩm quyền khác

Ngoài những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại các điều 14, 15 của Nghị định này, những người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính nếu phát hiện thấy các hành vi vi phạm hành chính quy định trong Nghị định này mà thuộc lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình thì có quyền xử phạt nhưng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 17. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản

1. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

2. Các vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản bị xử phạt đều phải lập thành hồ sơ và lưu giữ đầy đủ tại cơ quan xử phạt.

3. Tổ chức, cá nhân bị phạt tiền phải nộp tiền phạt theo quy định tại Điều 54 (sửa đổi, bổ sung) và Điều 58 cña Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

4. Khi áp dụng hình thức tịch thu khoáng sản, tang vật, phương tiện vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải thực hiện đúng quy định tại Điều 60 và khoản 1 Điều 61 (sửa đổi, bổ sung) của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 18. Thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này phải nghiêm chỉnh thi hành quyết định xử phạt của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn quy định. Nếu tổ chức, cá nhân bị xử phạt không thi hành quyết định xử phạt hoặc cố ý trốn tránh thi hành quyết định xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo Điều 66 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, cơ quan, người có thẩm quyền phải tuân thủ trình tự, thủ tục cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Hiệu lực thi hành

a) Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày … tháng … năm ….

b) Nghị định này thay thế Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản (sau đây gọi chung là Nghị định 150/2004/NĐ-CP).

2. Nguyên tắc áp dụng

a) Những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản bị phát hiện, lập biên bản trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa bị xử phạt, nếu hành vi đó theo quy định của nghị định này có mức phạt tiền thấp hơn Nghị định số 150/2004/NĐ-CP thì xử phạt theo quy định của Nghị định này; trường hợp hành vi đó theo quy định của Nghị định này có mức phạt tiền cao hơn thì áp dụng theo quy định tại Nghị định số 150/2004/NĐ-CP;

b) Những hành vi vi phạm xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành mới bị phát hiện, lập biên bản thì xử phạt theo quy định tại Nghị định này;

c) Các hành vi vi phạm đã có quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành nhưng chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa xong thì vẫn thi hành theo quyết định xử phạt đó.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Ngân hàng Chính sách Xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KTN (5b). XH

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng



Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo

Ngày nhập

16/08/2009

Đã xem

1808 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com