Dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế
Ngày đăng: 15:49 23-11-2007 | 1764 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Ngoại giao
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
NGHỊ ĐỊNH
về quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế
_____
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế ngày 20 tháng 4 năm 2007;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ Việt Nam theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005 (gọi chung là công tác điều ước quốc tế); công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức theo quy định của Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế ngày 20 tháng 4 năm 2007 (gọi chung là công tác thỏa thuận quốc tế).
Điều 2. Nguyên tắc bảo đảm kinh phí
1. Kinh phí do ngân sách nhà nước chi cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế
1.1. Đối với công tác điều ước quốc tế
Kinh phí cho công tác điều ước quốc tế do ngân sách trung ương bảo đảm được bố trí trong dự toán chi cho hoạt động thường xuyên hàng năm của cơ quan được cấp ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách.
1.2. Đối với công tác thỏa thuận quốc tế
a) Kinh phí cho công tác thỏa thuận quốc tế do ngân sách trung ương bảo đảm được bố trí trong dự toán chi cho hoạt động thường xuyên của cơ quan được cấp ngân sách trung ương, bao gồm:
- Kinh phí cho công tác thỏa thuận quốc tế của cơ quan nhà nước ở trung ương nhằm thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó;
- Kinh phí cho công tác thỏa thuận quốc tế của cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức nhằm thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế thuộc khuôn khổ điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ Việt Nam hoặc hoạt động hợp tác quốc tế khác theo ủy quyền hoặc phân công của Nhà nước hoặc Chính phủ.
b) Kinh phí cho công tác thỏa thuận quốc tế của cơ quan cấp tỉnh do ngân sách địa phương bảo đảm được bố trí trong dự toán chi cho hoạt động thường xuyên của cơ quan cấp tỉnh nhằm thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó.
2. Bổ sung dự toán ngân sách chi cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế
a) Đối với công tác điều ước quốc tế
Trường hợp cơ quan cần tiến hành hoạt động đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế mà kinh phí chưa có trong dự toán ngân sách được giao thì cơ quan đó lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự toán để triển khai.
b) Đối với thỏa thuận quốc tế
Trường hợp cơ quan cần tiến hành hoạt động đàm phán, ký, thực hiện thỏa thuận quốc tế trong đó có nội dung thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế thuộc khuôn khổ điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam hoặc hoạt động hợp tác quốc tế khác theo ủy quyền hoặc phân công của Chính phủ mà kinh phí chưa có trong dự toán cho hoạt động thường xuyên của cơ quan thì cơ quan đó lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung dự toán để triển khai.
3. Kinh phí từ nguồn tài trợ khác
a) Trường hợp các cơ quan, đơn vị được cung cấp nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vốn vay, hoặc ODA không hoàn lại đi kèm với ODA vốn vay của Chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ hoặc liên quốc gia để thực hiện chương trình, dự án ODA thuộc điều ước quốc tế thì cơ quan sử dụng nguồn tài trợ đó có trách nhiệm thực hiện theo cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án ODA do Bộ Tài chính quy định.
b) Trường hợp các cơ quan, đơn vị được cung cấp viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế thì cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn tài trợ đó có trách nhiệm thực hiện theo chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính quy định.
c) Trường hợp điều ước quốc tế ký kết giữa Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ có quy định khác hoặc có cam kết khác giữa tổ chức, cá nhân viện trợ, tài trợ và cơ quan, đơn vị nhận kinh phí viện trợ, tài trợ thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc cam kết đã thỏa thuận.
4. Nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ.
5. Cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì tiến hành công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế có trách nhiệm sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích, đúng chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và những quy định tại Nghị định này.
6. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1.2(a) và khoản 3(b) của Điều này, kinh phí cho công tác thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức được bảo đảm từ nguồn tài chính của cơ quan trung ương của tổ chức phù hợp với quy chế hoạt động của tổ chức đó.
Trường hợp cơ quan trung ương của tổ chức được tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp viện trợ không hoàn lại là nguồn thu của cơ quan đó, không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước để phục vụ cho thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh đó thì thực hiện theo cam kết đã thỏa thuận giữa cơ quan đó và tổ chức, cá nhân viện trợ.
CHƯƠNG II
LẬP DỰ TOÁN, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
VÀ CÔNG TÁC THỎA THUẬN QUỐC TẾ
Điều 3. Nội dung chi
1. Nội dung chi cho công tác điều ước quốc tế theo quy định của Luật ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế
1.1. Chuẩn bị, tổ chức đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế
a) Xây dựng đề xuất, kế hoạch về đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế:
Chi tổ chức dịch thuật; thu thập thông tin, tư liệu; rà soát, so sánh điều ước quốc tế với pháp luật trong nước; tổ chức hội thảo chuyên đề, các cuộc họp để lấy ý kiến hoặc xét duyệt đề xuất, kế hoạch về đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế.
b) Kiểm tra đề xuất đàm phán, ký, gia nhập điều ước quốc tế; thẩm định điều ước quốc tế; thẩm tra điều ước quốc tế; hoạt động khác trực tiếp phục vụ phê duyệt, phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế:
Chi tổ chức thu thập thông tin, tư liệu; tổ chức các cuộc họp; biên soạn báo cáo kiểm tra, thẩm định, thẩm tra.
c) Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế ở trong nước hoặc ở nước ngoài và hoạt động khác phục vụ đàm phán, ký, gia nhập điều ước quốc tế:
Chi tổ chức đoàn đàm phán của Việt Nam, đón đoàn đàm phán của nước ngoài; tổ chức đàm phán ở trong nước hoặc ở nước ngoài; tổ chức lễ ký điều ước quốc tế.
1.2. Tổ chức thực hiện điều ước quốc tế:
Chi cho các hoạt động công bố điều ước quốc tế; đóng góp quỹ hoặc niên liễm cho tổ chức quốc tế được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; xây dựng, triển khai kế hoạch, đề án thực hiện điều ước quốc tế; rà soát, so sánh điều ước quốc tế với pháp luật trong nước; tổ chức hội nghị ở Việt Nam hoặc tham dự hội nghị ở nước ngoài và hoạt động khác nhằm thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
1.3. Kiểm tra, giám sát, tổng kết tình hình ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế:
Chi tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch, đề án ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế; biên soạn báo cáo, tổ chức các cuộc họp đánh giá báo cáo kiểm tra, giám sát, tổng kết tình hình ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế.
2. Nội dung chi cho công tác thỏa thuận quốc tế theo quy định của Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế bao gồm:
a) Chuẩn bị, tổ chức đàm phán, ký thỏa thuận quốc tế:
Chi tổ chức dịch thuật, đàm phán, ký thỏa thuận quốc tế ở trong nước hoặc nước ngoài.
b) Tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế:
Chi cho hoạt động triển khai kế hoạch, đề án thực hiện thỏa thuận quốc tế, đóng góp quỹ theo cam kết quy định tại thỏa thuận quốc tế.
c) Kiểm tra, giám sát, tổng kết tình hình ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế:
Chi tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát; biên soạn báo cáo, tổ chức các cuộc họp đánh giá báo cáo kiểm tra, giám sát, tổng kết tình hình ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Điều 4. Mức chi
1. Việc sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế được thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành về công tác phí, hội nghị phí, dịch thuật, làm thêm giờ, chi phí in ấn và chi phí khác theo quy định hiện hành.
2. Đối với những khoản chi do tính chất đặc thù của công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế mà mức chi chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì mức chi thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Riêng đối với khoản chi đóng góp quỹ, niên liễm cho tổ chức quốc tế được thành lập theo điều ước quốc tế hoặc đóng góp quỹ theo thỏa thuận quốc tế thì mức đóng góp thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế đó.
Điều 5. Lập dự toán kinh phí
1. Việc lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước hiện hành và quy định tại khoản 2 của Điều này.
2. Hàng năm, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác được hỗ trợ của ngân sách nhà nước căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm lập kế hoạch ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ, kế hoạch ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình; đồng thời lập dự toán cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế của cơ quan mình; tổng hợp chung vào dự toán ngân sách năm của cơ quan mình gửi Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội để tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Các cơ quan khi lập dự toán kinh phí cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế phải dự kiến số kinh phí cần thiết, kèm theo căn cứ tính toán gửi Bộ Tài chính để thẩm định về nguồn tài chính dự kiến nhằm bảo đảm công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế.
Điều 6. Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
1. Việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế được thực hiện theo qui định hiện hành.
2. Kinh phí cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế chi cho nội dung nào thì hạch toán vào mục chi tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 8. Trách nhiệm hướng dẫn
Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Ngoại giao
Loại tài liệu Nghị định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.