Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định Về quản lý đầu tư phát triển đô thị

Ngày đăng: 21:44 27-11-2011 | 2723 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Xây dựng

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

NGHỊ ĐỊNH

Về quản lý đầu tư phát triển đô thị


CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 năm 2003; Luật số 38/2009/QH12 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;

Căn cứ Luật Đất đai số 13/2003/QH11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đầu tư số 59/2005/QH 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản số 63/2006/QH11 năm 2006;

Căn cứ Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 năm 2005; Luật số 34/2009/QH12 về sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 năm 2009;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.  Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

  1. Phạm vi điều chỉnh:

Nghị định này điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc đầu tư phát triển đô thị bao gồm: quy hoạch đô thị; hình thành, công bố kế hoạch triển khai các khu vực phát triển đô thị; thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị và vận hành, khai thác, chuyển giao sau khi các dự án hoàn thành.

  1. Đối tượng áp dụng:

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia các hoạt động liên quan đến việc đầu tư phát triển đô thị.

Điều 2.  Áp dụng Nghị định này và pháp luật có liên quan

  1. Hoạt động đầu tư phát triển đô thị phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
  2. Đối với trường hợp quản lý quy hoạch đô thị, phát triển nhà ở và các công trình xây dựng không được quy định hoặc đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng có nội dung khác với quy định của Nghị định này thì thực hiện theo các quy định của Nghị định này.

Điều 3.  Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, một số từ ngữ được hiểu như sau:

  1. Khu vực phát triển đô thị là một khu vực được xác định để đầu tư phát triển đô thị trong một giai đoạn nhất định. Khu vực phát triển đô thị có thể là khu vực phát triển đô thị mới, khu vực phát triển mở rộng đô thị hoặc khu vực cải tạo tái thiết đô thị.

Khu vực phát triển đô thị có thể gồm một hoặc nhiều khu chức năng đô thị. Khu vực phát triển đô thị có thể thuộc địa giới hành chính của một hoặc nhiều tỉnh, thành phố. Khu vực phát triển đô thị có thể bao gồm một hoặc nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị.

  1. Khu vực phát triển đô thị mới là khu vực đô thị được dự kiến hình thành trong tương lai theo định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng đô thị.
  2. Khu vực phát triển mở rộng đô thị là khu vực phát triển đô thị bao gồm cả khu vực đô thị hiện hữu và khu đô thị mới có sự kết nối đồng bộ về hạ tầng đô thị.
  3. Khu vực cải tạo tái thiết đô thị là khu vực phát triển đô thị trên nền đô thị hiện hữu.
  4. Khu vực đô thị có chức năng chuyên biệt là khu công viên, cây xanh; khu đại học; khu du lịch, khu nghỉ dưỡng; khu hành chính; khu thương mại; khu kinh tế; khu công nghệ cao và các khu chức năng khác.
  5. Tái thiết đô thị là các hoạt động phá dỡ xây lại các công trình kiến trúc, công trình hạ tầng đô thị làm thay đổi các chỉ tiêu về sử dụng đất hoặc thay đổi chức năng sử dụng của công trình hoặc của khu vực.
  6. Cải tạo chỉnh trang đô thị là các hoạt động cải tạo, nâng cấp kết cấu công trình nhưng không làm thay đổi chức năng cũng như các chỉ tiêu sử dụng đất của công trình hoặc của khu vực.
  7. Bảo tồn tôn tạo đô thị là các hoạt động nhằm bảo tồn tôn tạo các giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, tôn giáo của các công trình, cảnh quan trong đô thị.
  8. Dự án đầu tư phát triển đô thị là dự án đầu tư xây dựng một công trình hoặc một tổ hợp công trình trong khu vực phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền quyết định và công bố.

Dự án đầu tư phát triển đô thị có các loại hình như sau: Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; dự án phát triển nhà ở; dự án đầu tư xây dựng công trình, nhóm công trình có quy mô chiếm đất nhỏ hơn 20 ha.

  1. Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị là dự án đầu tư xây dựng một khu đô thị đồng bộ có hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu dân cư và các công trình dịch vụ khác có quy mô từ 20 ha trở lên; được phát triển nối tiếp hoặc tái thiết, cải tạo chỉnh trang, bảo tồn tôn tạo đô thị hiện có hoặc hình thành khu đô thị tách biệt; có ranh giới và chức năng được xác định phù hợp với quy hoạch đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  2. Dự án phát triển nhà ở là dự án đầu tư phát triển đô thị có tỉ lệ đất xây dựng nhà ở chiếm trên 40% tổng diện tích đất xây dựng công trình của dự án.
  3. Chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân sở hữu vốn hoặc được giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị.
  4. Chủ đầu tư cấp 1 là Chủ đầu tư được Nhà nước giao đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị.
  5. Chủ đầu tư thứ cấp là chủ đầu tư cấp 2 hoặc chủ đầu tư các cấp tiếp theo tham gia đầu tư vào dự án đầu tư phát triển đô thị thông qua việc thuê, giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng thuộc dự án đầu tư phát triển đô thị để đầu tư xây dựng công trình.
  6. Dịch vụ đô thị là các dịch vụ phục vụ công cộng khu vực phát triển đô thị như: quản lý, khai thác, duy tu hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực phát triển đô thị; vệ sinh môi trường và bảo vệ môi trường sinh thái; quản lý công viên, cây xanh; chiếu sáng đô thị, cấp nước, thoát nước; quản lý chung cư; dịch vụ tang lễ, xử lý chất thải; vận tải công cộng; bảo vệ trật tự, an ninh khu vực phát triển đô thị; y tế, giáo dục, thương mại, vui chơi giải trí, thể dục thể thao và các dịch vụ đô thị khác.

Điều 4.  Những nguyên tắc trong đầu tư phát triển đô thị

  1. Phải tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị, pháp luật về trình tự đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan.
  2. Bảo đảm khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm hoạ thiên tai nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
  3. Tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị; tôn trọng lợi ích cộng đồng và tăng cường phúc lợi công cộng đồng thời bảo đảm hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, cộng đồng và người dân.
  4. Đảm bảo phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan trong đô thị.
  5. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử hiện có.

Điều 5.  Đất dành cho đầu tư phát triển đô thị

  1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy hoạch đô thị, kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức tạo quỹ đất cho các dự án đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị đã được công bố.
  2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện theo phân cấp, có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
  3. Việc giao đất, cho thuê đất dành cho đầu tư phát triển đô thị được thực hiện thông qua các hình thức chỉ định thầu, đấu thầu hoặc đấu giá.
  4. Nhà nước thu hồi toàn bộ hay từng phần đất đã giao, cho thuê nếu trong thời gian liên tục 12 tháng liền, kể từ ngày nhận bàn giao đất mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án hoặc tiến độ thực hiện dự án chậm quá              24 tháng so với tiến độ dự án đã được phê duyệt hoặc tiến độ được ghi trong Quyết định giao chủ đầu tư.
  5. Đất dành cho nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư phải được xác định khi lập và phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị.
  6. Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết về quản lý và sử dụng quỹ đất phát triển đô thị.

Điều 6.  Vốn đầu tư cho phát triển đô thị

  1. Vốn đầu tư cho khu vực phát triển đô thị bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, ODA và vốn của các thành phần kinh tế khác.
  2. Nguồn thu từ tiền sử dụng đất, chênh lệch giá đất trước và sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thuế liên quan đến các hoạt động kinh doanh bất động sản của các chủ đầu tư tại khu vực phát triển đô thị nào thì được ưu tiên sử dụng để đầu tư phát triển hoàn chỉnh hạ tầng đô thị tại khu vực đó.
  3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được lập quỹ phát triển đô thị để tạo nguồn kinh phí phát triển đô thị.
  4. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết về quản lý và sử dụng quỹ phát triển đô thị.

Điều 7.  Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị

  1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị để quản lý khu vực phát triển đô thị tại địa phương.
  2. Đối với khu vực phát triển đô thị thuộc hai tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban điều phối khu vực phát triển đô thị để chỉ đạo, hỗ trợ các Ban quản lý của địa phương thực hiện đồng bộ việc đầu tư xây dựng.
  3. Tuỳ thuộc vào nhu cầu phát triển đô thị, quy mô, tầm quan trọng của khu vực phát triển đô thị và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thể thành lập một hay nhiều Ban quản lý khu vực phát triển đô thị.
  4. Một Ban quản lý khu vực phát triển đô thị có thể được giao quản lý một hoặc nhiều khu vực phát triển đô thị. Ban quản lý khu vực phát triển đô thị là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân.
  5. Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a)   Tổ chức lập kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị;

b)  Tổ chức lập kế hoạch lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị;

c)   Trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại khu vực phát triển đô thị (nếu có);

d)  Xây dựng kế hoạch, tiến độ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực phát triển đô thị thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương;

e)   Giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị bảo đảm đúng quy hoạch, tiến độ và các nội dung dự án đã được phê duyệt;

f)    Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các dự án không tuân thủ quy định của pháp luật; hoặc đình chỉ các dự án có vi phạm theo thẩm quyền khi được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ Xây dựng ủy quyền;

g)   Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Xây dựng theo định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất về tình hình thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị;

h)   Các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ Xây dựng  giao.

  1. Ban quản lý khu vực phát triển đô thị chịu sự quản lý nhà nước về chuyên môn của các Sở, ngành có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế phối hợp quản lý phát triển đô thị giữa Ban quản lý khu vực phát triển đô thị và các Sở ngành có liên quan.

Điều 8.  Khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đối với các dự án phát triển đô thị

  1. Nhà nước có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi cho dự án phát triển đô thị có một hoặc nhiều tiêu chí sau đây:

a)   Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội đặc biệt đối với các không gian phục vụ lợi ích công cộng;

b)  Cung cấp các dịch vụ đô thị, quản lý nhà chung cư;

c)   Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo, xây dựng lại khu nhà ở cũ theo quy định của pháp luật;

d)  Đầu tư xây dựng công trình có ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường;

e)   Đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê.

  1. Nhà nước có các chính sách hỗ trợ bao gồm:

a)   Công bố kịp thời và cung cấp miễn phí các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị;

b)  Hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trong hàng rào dự án;

c)   Hỗ trợ đầu tư các dự án tăng cường năng lực dịch vụ công ích cho khu vực.

  1. Nhà nước có các chính sách ưu đãi bao gồm:

a)   Cho vay với lãi suất ưu đãi;

b)  Cho phép huy động vốn dưới dạng trái phiếu;

c)   Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với các công trình hạ tầng chuyển giao cho địa phương, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư và cải tạo, xây dựng lại khu nhà ở cũ theo quy định.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Nghị định Về quản lý đầu tư phát triển đô thị

Ngày nhập

27/11/2011

Đã xem

2723 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Xây dựng

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com