Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm

Ngày đăng: 18:18 30-09-2009 | 1721 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: /2009/NĐ-CP

Dự thảo 3 PA1

Hà Nội, ngày tháng năm 2009

NGHỊ ĐỊNH

Về đăng ký giao dịch bảo đảm


Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải năm 2005

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006;

Căn cứ Luật Đất đai 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm; các trường hợp đăng ký, thẩm quyền và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm; tổ chức, hoạt động của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Điều 2. Áp dụng pháp luật

1. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và Nghị định này.

2. Trong trường hợp cùng một vấn đề mà có quy định khác nhau giữa Nghị định này và các Nghị định có liên quan thì áp dụng quy định của Nghị định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đăng ký giao dịch bảo đảm là việc cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ghi nhận vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm, để giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật và có căn cứ xác định thứ tự ưu tiên thanh toán của bên nhận bảo đảm khi xử lý tài sản đó.

2. Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm là sổ chuyên dùng để đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc sổ có một phần dành để đăng ký giao dịch bảo đảm;

3. Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm là hệ thống thông tin về giao dịch bảo đảm đã đăng ký được lưu giữ tại cơ quan đăng ký dưới dạng dữ liệu điện tử;

4. Hồ sơ đăng ký là văn bản mà người yêu cầu đăng ký nộp cho cơ quan đăng ký, bao gồm đơn hoặc đơn và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm;

5. Tài sản khác gắn liền với đất bao gồm công trình xây dựng, rừng sản xuất là rừng trồng, vườn cây lâu năm.

6. Tài sản khác là tài sản được dùng để bảo đảm và việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản đó không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan quy định tại khoản 1,2,3 Điều 21 Nghị định này.

7. Giấy tờ xác định tư cách pháp lý là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức, gồm: chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ thường trú, mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy tờ khác cấp cho tổ chức nước ngoài theo quy định của pháp luật nước đó.

Điều 4. Đối tượng đăng ký

1. Các giao dịch bảo đảm sau đây phải đăng ký:

a) Thế chấp quyền sử dụng đất;

b) Thế chấp quyền sử dụng rừng;

c) Thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng;

d) Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

đ) Thế chấp tàu biển;

e) Thế chấp một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ;

g) Các trường hợp khác, nếu pháp luật có quy định.

2. Các giao dịch bảo đảm không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được đăng ký khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.

Điều 5. Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm

1. Giao dịch bảo đảm được đăng ký trên cơ sở nội dung kê khai trong đơn của người yêu cầu đăng ký. Nội dung kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký phải phù hợp với thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch bảo đảm. Người yêu cầu đăng ký phải chịu trách nhiệm về nội dung của đơn yêu cầu đăng ký.

2. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm phải đăng ký kịp thời, chính xác theo đúng nội dung đơn mà người yêu cầu đăng ký đã kê khai và chỉ được từ chối trong trường hợp pháp luật có quy định.

3. Thông tin lưu giữ trong Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm, Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm và Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm được công khai cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu tìm hiểu.

Điều 6. Người yêu cầu đăng ký, nghĩa vụ và trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký

1. Người yêu cầu đăng ký có thể là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, cả hai bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản của bên nhận bảo đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản hoặc người được một trong các chủ thể này uỷ quyền. Trong trường hợp thay đổi bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, thì bên bảo đảm mới, bên nhận bảo đảm mới cũng có thể là người yêu cầu đăng ký thay đổi đó.

2. Người yêu cầu đăng ký phải kê khai chính xác, đúng sự thật, phù hợp với nội dung của giao dịch bảo đảm đã giao kết và kê khai đầy đủ các mục thuộc diện phải kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký; lập hồ sơ đăng ký đầy đủ và không được giả mạo giấy tờ.

3. Trong trường hợp đơn yêu cầu đăng ký có nội dung không đúng sự thật, không phù hợp với nội dung của giao dịch bảo đảm đã giao kết, hồ sơ đăng ký có giấy tờ giả mạo mà gây thiệt hại thì người yêu cầu đăng ký phải bồi thường cho người bị thiệt hại; tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm

Việc đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này đến thời điểm xoá đăng ký theo đơn của người yêu cầu xoá đăng ký.

Điều 8. Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nội dung của đơn yêu cầu đăng ký được ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

2. Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm trong các trường hợp sau đây được xác định như sau:

a) Trường hợp có đơn yêu cầu đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm, sai sót do kê khai về tài sản bảo đảm hoặc tên của bên bảo đảm, số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm thì thời điểm đăng ký là thời điểm nội dung đơn yêu cầu đăng ký thay đổi đó được ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm;

b) Trường hợp có đơn yêu cầu đăng ký thay đổi tên của bên bảo đảm, số của giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm, yêu cầu thay thế bên bảo đảm thuộc thẩm quyền đăng ký của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản trực thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, thì thời điểm đăng ký không thay đổi, nếu Trung tâm nhận được đơn yêu cầu đăng ký thay đổi trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi đó; nếu nhận được đơn sau thời hạn nêu trên thì thời điểm đăng ký là thời điểm nội dung thay đổi được ghi vào cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

Điều 9. Lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm

1. Người yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm phải nộp lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin.

2. Mức lệ phí, phí; các trường hợp miễn, giảm lệ phí, phí đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa làm nghề nông, lâm, diêm, ngư nghiệp và việc quản lý, sử dụng lệ phí, phí do Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp quy định.

Điều 10. Hệ thống dữ liệu quốc gia giao dịch bảo đảm

1. Hệ thống dữ liệu quốc gia giao dịch bảo đảm là hệ thống dữ liệu tập trung thông tin về giao dịch bảo đảm trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính xây dựng Hệ thống dữ liệu quốc gia giao dịch bảo đảm.

Điều 11. Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm

Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm phải được kê khai rõ bằng tiếng Việt và lập theo đúng mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Điều 12. Phương thức nộp hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Hồ sơ đăng ký được nộp theo một trong các phương thức sau đây:

a) Nộp tại trụ sở của cơ quan đăng ký.

b) Gửi qua đường bưu điện;

c) Gửi qua hệ thống đăng ký trực tuyến khi hệ thống này hoạt động;

d) Gửi qua fax.

2. Cá nhân, tổ chức yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm tại Cục Hàng không Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký theo một trong các phương thức quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này.

3. Cá nhân, tổ chức yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm tại Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải và tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất nộp hồ sơ đăng ký theo phương thức quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này.

4. Cá nhân, tổ chức yêu cầu đăng ký tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản nộp hồ sơ đăng ký theo một trong các phương thức quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp gửi đơn yêu cầu đăng ký qua fax chỉ được thực hiện khi người yêu cầu đăng ký được công nhận là khách hàng thường xuyên của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản.

Điều 13. Từ chối đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm từ chối đăng ký khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Không thuộc thẩm quyền đăng ký;

b) Hồ sơ đăng ký không hợp lệ.

Hồ sơ đăng ký không hợp lệ là hồ sơ không có đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật hoặc có đơn yêu cầu đăng ký không hợp lệ.

Đơn yêu cầu đăng ký không hợp lệ là đơn không có đủ các nội dung thuộc diện bắt buộc phải kê khai theo mẫu;

c) Người yêu cầu đăng ký không nộp lệ phí đăng ký hoặc chậm thanh toán theo định kỳ;

d) Yêu cầu đăng ký thay đổi, đăng ký thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, sửa chữa sai sót trong trường hợp đã xoá đăng ký giao dịch bảo đảm;

đ) Khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký;

e) Khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, tài sản gắn liền với đất không đúng sự thật, không phù hợp với nội dung của giao dịch bảo đảm đã giao kết hoặc có giấy tờ giả mạo.

2. Trong trường hợp từ chối đăng ký thì cơ quan đăng ký phải lập thành văn bản gửi cho người yêu cầu đăng ký, trong đó nêu rõ lý do từ chối và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

3. Quy định tại các điểm a, c khoản 1 và khoản 2 Điều này không áp dụng đối với trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến tại Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm.

................

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo 3 PA1

Ngày nhập

30/09/2009

Đã xem

1721 lượt xem

Dự thảo 3 PA2

Ngày nhập

30/09/2009

Đã xem

1721 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com