Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Ngày đăng: 23:01 16-05-2012 | 3779 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Công Thương
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại
về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý
mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, bao gồm các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; các hoạt động ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu; đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa.
2. Hàng hoá là tài sản di chuyển, hàng hoá phục vụ nhu cầu của cá nhân có thân phận ngoại giao và hành lý cá nhân thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thương nhân Việt Nam; các tổ chức, cá nhân khác hoạt động cóliên quan đến thương mại quy định tại Luật Thương mại.
Chương II
XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ
Điều 3. Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):
a. Trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật khác, thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh.
b. Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân.
2. Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam:
Các thương nhân, công ty, chi nhánh khi tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố.
Điều 4. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép khi xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Công Thương hoặc các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành.
2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan.
3. Hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và các hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, khoản 2 Điều này, khi xuất khẩu, nhập khẩu chỉ phải làm thủ tục thông quan tại Hải quan cửa khẩu.
4. Cửa khẩu thông quan hàng hóa.
a. Hàng hóa xuất khẩu được thông quan tại các cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu song phương, cửa khẩu phụ có đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định.
b. Hàng hóa nhập khẩu được thông quan tại các cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu song phương.
Điều 5. Hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu
1. Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (Phụ lục I).
2. Việc điều chỉnh Danh mục hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
3. Việc cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại khoản 1 Điều này do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ theo phân công tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu đối với các trường hợp cụ thể theo quy định sau đây:
a) Chỉ xem xét, giải quyết việc cho phép nhập khẩu đối với hàng hóa là hàng hóa viện trợ nhân đạo, làm mẫu để nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm; không xem xét, giải quyết đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm mục đích thương mại.
b) Căn cứ phân công tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành danh mục hàng hóa cụ thể theo đúng mã HS trong Biểu thuế xuất nhập khẩu và hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cấp phép nhập khẩu.
c) Bộ Công Thương xem xét, giải quyết việc cho phép nhập khẩu hàng hóa viện trợ nhân đạo trên cơ sở đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền.
Điều 6. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ
1. Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành, nguyên tắc quản lý áp dụng đối với danh mục này trong từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành (Phụ lục II).
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành phải công bố công khai tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp phép. Thủ tục cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu phải được thực hiện theo đúng quy định về xuất khẩu hàng hóa và quy chế về thủ tục cấp phép nhập khẩu hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Điều 7. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm tra về an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng trước khi thông quan
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được kiểm dịch trước khi thông quan theo quy định của pháp luật về kiểm dịch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Danh mục hàng hóa phải tiến hành kiểm dịch trước khi thông quan; quy định thủ tục, hồ sơ kiểm dịch và tiêu chuẩn cụ thể các loại hàng hóa thuộc danh mục này.
2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Căn cứ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các Bộ quản lý chuyên ngành công bố Danh mục hàng hóa phải kiểm tra về an toàn thực phẩm trước khi thông quan và quy định tiêu chuẩn cụ thể về an toàn thực phẩm của hàng hóa thuộc danh mục này.
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng theo quy định của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Căn cứ quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan có trách nhiệm công bố Danh mục các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra việc bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng bắt buộc trước khi thông quan và hướng dẫn cụ thể hồ sơ, quy trình, thủ tục kiểm tra, xác nhận chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 8. Công bố danh mục hàng hóa theo mã số HS và điều chỉnh danh mục hàng hóa tại các Phụ lục I, II
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm thống nhất với Bộ Công Thương về danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã số HS để công bố mã số HS của hàng hóa theo mã số HS trong Biểu thuế xuất nhập khẩu đối với danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I, II ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Việc điều chỉnh danh mục hàng hóa quy định tại các Phụ lục I, II ban hành kèm theo Nghị định này do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành.
Điều 9. Một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định riêng
1. Xuất khẩu thóc, gạo các loại: Việc xuất khẩu thóc, gạo thực hiện theo quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo.
2. Xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, nhiên liệu: Việc xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, nhiên liệu thực hiện theo quy định của Chính phủ.
3. Nhập khẩu ô tô các loại đã qua sử dụng: Ô tô các loại đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu nếu bảo đảm điều kiện: loại đã qua sử dụng không quá 05 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.
4. Tái xuất khẩu các loại vật tư nhập khẩu chủ yếu mà Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ để nhập khẩu: Các mặt hàng nhập khẩu mà Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu, chỉ được tái xuất khẩu thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc theo giấy phép của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương công bố danh mục hàng hoá cụ thể từng thời kỳ và tổ chức thực hiện.
5. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà: Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điếu các loại và các cam kết quốc tế có liên quan, Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể việc nhập khẩu mặt hàng này.
6. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ an ninh, quốc phòng: Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ an ninh, quốc phòng, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng quy định việc cấp phép để thực hiện.
7. Nhập khẩu một số hàng hóa đặc thù khác như máy bay không có vũ trang, xe ô tô có bọc thép không gắn vũ khí quân dụng, súng bắn sơn: Bộ Quốc phòng công bố danh mục các mặt hàng cụ thể, mã số HS đúng trong Biểu thuế xuất nhập khẩu và quy định nguyên tắc, hồ sơ, thủ tục cấp phép nhập khẩu các mặt hàng này.
8. Nhập khẩu gỗ các loại từ các nước có chung đường biên giới: Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể việc nhập khẩu phù hợp luật pháp của Việt Nam và các nước cũng như các thoả thuận có liên quan của Việt Nam với các nước.
Điều 10. Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá
1. Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu với những thị trường hoặc với những mặt hàng nhất định để bảo vệ an ninh và các lợi ích quốc gia, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được công bố công khai để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước biết.
2. Bộ Công Thương thông báo với các tổ chức kinh tế quốc tế, các nước có liên quan theo thủ tục đã thoả thuận khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá nêu tại khoản 1 Điều này.
Lĩnh vực liên quan
Phiên bản 1
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương
Loại tài liệu Nghị định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.