Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 02/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng

Ngày đăng: 09:24 04-05-2011 | 2020 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

CHÍNH PHỦ


Số: /2011/NĐ-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày tháng năm 2011

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng


CHÍNH PHỦ



Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, hoạt động công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

CHƯƠNG II

CÔNG CHỨNG VIÊN

Điều 2. Thủ tục bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề công chứng đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng

1. Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại Điều 13 của Luật công chứng thì trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên phải kèm theo giấy tờ chứng minh là đã nghỉ hưu hoặc thôi việc.

2. Công chứng viên của Phòng Công chứng thôi việc theo nguyện vọng hoặc đã nghỉ hưu thì vẫn được giữ chức danh công chứng viên và có quyền thành lập Văn phòng công chứng hoặc tham gia Văn phòng công chứng đang hoạt động.

Công chứng viên đã nghỉ hưu không quá một năm có quyền hành nghề công chứng theo quy định và không phải làm thủ tục bổ nhiệm công chứng viên. Thời gian không quá một năm đối với công chứng viên nghỉ hưu được tính từ ngày có quyết định nghỉ hưu đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng.

3. Trường hợp người đã là công chứng viên không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều này mà có nguyện vọng đề nghị bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề công chứng, thì trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên phải có bản sao Quyết định bổ nhiệm công chứng viên trước đây.

Điều 3. Điều kiện hành nghề công chứng đối với luật sư được bổ nhiệm công chứng viên

1. Luật sư được bổ nhiệm công chứng viên để thành lập Văn phòng công chứng thì khi làm thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng phải có xác nhận đã rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư và chấm dứt hành nghề luật sư.

Luật sư được bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng đang hoạt động thì khi làm thủ tục đăng ký hoạt động cũng phải có xác nhận đã rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư và chấm dứt hành nghề luật sư.

2. Việc xác nhận luật sư đã rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư thực hiện như sau:

a) Luật sư phải có đơn gửi Đoàn luật sư về việc xin rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư và nộp lại Thẻ luật sư đã được cấp cho Đoàn luật sư và thông báo cho Sở Tư pháp;

b) Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có văn bản xác nhận việc rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư và thông báo cho Sở Tư pháp;

3. Việc chấm dứt hành nghề luật sư được thể hiện bằng một trong các giấy tờ sau đây:

a) Đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân thì phải có giấy xác nhận đã nộp lại giấy đăng ký hành nghề luật sư cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp;

b) Đối với luật sư thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì phải có giấy xác nhận đã nộp lại giấy đăng ký hoạt động Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp;

c) Đối với luật sư là thành viên Công ty luật hợp danh hoặc thành viên sáng lập Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phải có giấy xác nhận đã rút tên khỏi danh sách thành viên Công ty luật hợp danh hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

d) Đối với luật sư là thành viên góp vốn trong Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phải có giấy xác nhận đã chấm dứt tư cách thành viên trong Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

đ) Đối với luật sư làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư phải có giấy xác nhận đã chấm dứt hợp đồng làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư.

Điều 4. Đào tạo nghề công chứng

1. Cơ sở đào tạo nghề công chứng bao gồm Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp và cơ sở đào tạo nghề công chứng do tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng toàn quốc thành lập, nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định.

2. Cơ sở đào tạo nghề công chứng phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có số lượng giáo viên tối thiểu 1 giáo viên/20 học viên;

Giáo viên đào tạo nghề công chứng là công chứng viên có ít nhất 5 năm hành nghề công chứng, chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành; có uy tín nghề nghiệp, khả năng sư phạm, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

Giáo viên đào tạo nghề công chứng bao gồm giáo viên cơ hữu và giáo viên kiêm nhiệm;

b) Có đội ngũ cán bộ quản lý bao gồm Giám đốc, cán bộ phụ trách về tổ chức, đào tạo, hành chính, quản trị;

c) Có chương trình đào tạo nghề công chứng, giáo trình giảng dạy phù hợp với chương trình khung do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành;

d) Có trường sở ổn định, có đủ khả năng về tài chính và các điều kiện vật chất khác bảo đảm quy mô đào tạo tối thiểu 200 học viên/khoá.

3. Hồ sơ thành lập cơ sở đào tạo nghề công chứng gồm có:

a) Giấy đề nghị thành lập cơ sở đào tạo nghề công chứng;

b) Đề án thành lập cơ sở đào tạo nghề công chứng, trong đó nêu cụ thể về nguồn giáo viên, cán bộ quản lý, quy mô đào tạo, địa điểm trường sở, nguồn tài chính;

c) Sơ yếu lý lịch của Giám đốc cơ sở đào tạo nghề công chứng;

d) Danh sách kèm theo sơ yếu lý lịch của các giáo viên; đối với giáo viên kiêm nhiệm thì phải có cam kết bằng văn bản về việc tham gia giảng dạy cho cơ sở đào tạo nghề công chứng đó;

đ) Chương trình đào tạo nghề công chứng và giáo trình dự kiến áp dụng;

e) Văn bản xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc văn bản thoả thuận của cơ quan có thẩm quyền về quyền sử dụng đất lâu dài để xây dựng trường hoặc hợp đồng thuê nhà, đất (tối thiểu là 5 năm);

g) Văn bản của cơ quan tài chính có thẩm quyền xác nhận khả năng tài chính của tổ chức đề nghị thành lập cơ sở đào tạo nghề công chứng.

4. Hồ sơ thành lập cơ sở đào tạo nghề công chứng được gửi đến Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét cấp Giấy phép thành lập cơ sở đào tạo nghề công chứng; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Cơ sở đào tạo nghề công chứng do tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng toàn quốc thành lập có tư cách pháp nhân; hoạt động theo quy định của pháp luật áp dụng đối với cơ sở ngoài công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể thủ tục thành lập, trình tự tiếp nhận hồ sơ thành lập cơ sở đào tạo nghề công chứng.

Điều 5. Bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng

1. Người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng trước khi thành lập Văn phòng công chứng hoặc trước khi ký hợp đồng làm việc theo chế độ hợp đồng với một Văn phòng công chứng. Thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng là 1 (một) tháng.

Người đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng được cấp Giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng.

2. Công chứng viên đang hành nghề công chứng phải tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm. Thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng là 1 (một) tuần.

Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên đang hành nghề công chứng tại địa phương mình.

3. Bộ Tư pháp quy định cụ thể về việc bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng đối với công chứng viên theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này và xây dựng chương trình, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng và cấp Giấy chứng nhận đã qua Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 6. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên

1. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên được thành lập để đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, giám sát việc tuân theo pháp luật và thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tạo điều kiện để các công chứng viên trao đổi, học tập kinh nghiệm nghề nghiệp và phát huy tính tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến hoạt động công chứng.

2. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Hiệp hội công chứng tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên thành lập ở Trung ương là Hiệp hội công chứng toàn quốc.

3. Việc thành lập và hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về hội.
...

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Tờ trình Chính phủ về Nghị định thay thế Nghị định 02/2008/NĐ-CP

Ngày nhập

04/05/2011

Đã xem

2020 lượt xem

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 02/2008/NĐ-CP

Ngày nhập

04/05/2011

Đã xem

2020 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com