Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam
Ngày đăng: 11:24 09-03-2007 | 1860 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Ngân hàng Nhà nước
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 12 năm 2005;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
NGHỊ ĐỊNH
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam như sau:
1. Khoản 5, 6, 7 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“5. Khách hàng tài chính quy mô nhỏ là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thỏa mãn các tiêu chí để trở thành khách hàng tài chính quy mô nhỏ theo quy định của tổ chức tài chính quy mô nhỏ trên cơ sở tham khảo chuẩn nghèo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định. Khách hàng tài chính quy mô nhỏ có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và quy định của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.
6. Tiết kiệm bắt buộc: là tiền gửi của khách hàng tài chính quy mô nhỏ tại tổ chức tài chính quy mô nhỏ để được quyền vay vốn của tổ chức này. Tiết kiệm bắt buộc có thể được tổ chức tài chính quy mô nhỏ quy định dưới hình thức là một khoản tiền nhỏ gửi định kỳ hoặc một tỷ lệ phần trăm nhất định trên giá trị của khoản vay. Tiết kiệm bắt buộc có thể được tổ chức tài chính quy mô nhỏ sử dụng để bảo đảm khoản vay của khách hàng tài chính quy mô nhỏ tại chính tổ chức tài chính quy mô nhỏ.
7. Tự nguyện gửi tiền: là tiền gửi theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng của các đối tượng là khách hàng tài chính quy mô nhỏ và khách hàng là tổ chức, cá nhân khác.”
2. Điều 3 được sửa như sau:
“Điều 3. Vốn pháp định
Vốn pháp định của tổ chức tài chính quy mô nhỏ là 05 (năm) tỷ đồng”.
3. Khoản 2 Điều 5 được sửa đổi như sau:
“2. Trường hợp tổ chức tài chính quy mô nhỏ muốn mở rộng địa bàn hoạt động ra ngoài địa bàn đã được quy định tại Giấy phép, tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải thành lập chi nhánh tại khu vực đó. Việc mở chi nhánh phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận”.
4. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6. Loại hình doanh nghiệp; góp vốn và chuyển nhượng vốn góp
1. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ là doanh nghiệp được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn;
2. Số lượng thành viên góp vốn, tỷ lệ vốn góp và việc chuyển nhượng phần vốn góp được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.”
5. Khoản 7 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“7. a) Đối với tổ chức tài chính quy mô nhỏ được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:
- Phải có ít nhất một trong số các thành viên góp vốn là tổ chức thuộc các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 9/3/2005 của Chính phủ;
- Phải có ít nhất một trong số các thành viên góp vốn là tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Trực tiếp tham gia quản trị và/hoặc điều hành một hoặc nhiều tổ chức, chương trình, dự án có cung cấp dịch vụ nhận tiết kiệm bắt buộc và cấp tín dụng quy mô nhỏ tại Việt Nam trong 03 (ba) năm liền trước thời điểm nộp đơn xin cấp Giấy phép hoặc là tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực tài chính quy mô nhỏ được cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ cấp giấy phép thành lập và giám sát an toàn hoạt động; chứng minh được việc quản trị, kiểm soát và điều hành an toàn, bền vững đối với các hoạt động tài chính quy mô nhỏ trong thời gian ít nhất là 01 (một) năm liền trước thời điểm nộp đơn xin cấp Giấy phép; phần vốn góp của thành viên này tại tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
b) Đối với tổ chức tài chính quy mô nhỏ được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: chủ sở hữu phải là một tổ chức chính trị - xã hội được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều này, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.
6. Khoản 7 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“7. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các chương trình, dự án hoặc tổ chức có hoạt động tài chính quy mô nhỏ trong 03 (ba) năm liền trước thời điểm nộp đơn xin cấp giấy phép”.
7. Điểm đ Khoản 1 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“d) Đăng báo trung ương hoặc địa phương theo quy định của pháp luật về những nội dung trong Giấp phép.”
8. Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 16. Cơ cấu tổ chức của tổ chức tài chính quy mô nhỏ
1. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ có Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty đối với hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành;
2. Hội đồng quản trị phải có ít nhất 03 (ba) thành viên; Ban kiểm soát phải có ít nhất 03 (ba) thành viên; trong đó tối thiểu phải có một nửa số thành viên là chuyên trách;
3. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 05 (năm) năm, Ban kiểm soát không quá 03 (ba) năm. Trường hợp có thành viên được bầu bổ sung hoặc thay thế thành viên bị miễn nhiệm trong thời hạn nhiệm kỳ thì nhiệm kỳ của thành viên đó là thời gian còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Thành viên Hội đồng Quản trị và thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu lại.
4. Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn và các tiêu chuẩn về năng lực khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
5. Việc bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tài chính quy mô nhỏ được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.”
9. Khoản 3 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) trong việc quản trị, điều hành tổ chức tài chính quy mô nhỏ; thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại điều lệ của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.”
10. Khoản 1 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Nhận tiền gửi:
a) Tiết kiệm bắt buộc
b) Tiền gửi tự nguyện.”
11. Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 27. Hạn chế về hoạt động tín dụng và huy động tiết kiệm
1. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải tuân thủ các quy định hạn chế sau đây:
a) Giá trị tối đa của khoản tín dụng quy mô nhỏ;
b) Tỷ lệ tối thiểu của tổng dự nợ các khoản tín dụng quy mô nhỏ trên tổng dư nợ tín dụng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ;
c) Các hạn chế nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.
2. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể các quy định nêu tại khoản 1 Điều này.
3. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.”
12. Khoản 2 Điều 37 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Trong thời gian 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các tổ chức có chương trình, dự án hay tổ chức trực thuộc hoạt động tài chính quy mô nhỏ phải nộp đơn xin cấp Giấy phép theo quy định tại nghị định này nếu:
a) Đang huy động tiền gửi tự nguyện của tổ chức, cá nhân không thuộc diện khách hàng tài chính quy mô nhỏ; và/ hoặc
b) Có số lượng khách hàng gửi tiền từ 5.000 (năm nghìn) khách hàng trở lên và/ hoặc tổng số dư tiền tiết kiệm từ 01 (một) tỷ đồng trở lên.
Đối với các tổ chức, chương trình, dự án có hoạt động tài chính quy mô nhỏ không đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp giấy phép phải chấm dứt việc huy động tiền gửi tự nguyện của khách hàng không thuộc diện khách hàng tài chính vi mô và phải tiến hành hoàn trả cho các khách hàng này số tiền họ đã gửi, đồng thời phải giảm quy mô hoạt động xuống dưới mức quy định tại điểm b khoản này và duy trì số dư tiền gửi tiết kiệm trên một khách hàng không được vượt quá 500.000 (năm trăm nghìn) đồng. Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ có thể xem xét việc gia hạn với thời gian tối đa không quá 24 (hai mươi bốn) tháng.”
13. Bỏ Điểm đ Khoản 2 Điều 13, Điều 20 và Điều 36.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 2
Cơ quan soạn thảo Ngân hàng Nhà nước
Loại tài liệu Nghị định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.