Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP, ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón
Ngày đăng: 21:59 16-07-2007 | 1968 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP, ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón.
1. Điều 1 và Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc sản xuất, gia công, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, khảo nghiệm, đặt tên phân bón mới, đổi tên phân bón và quản lý nhà nước về phân bón, nhằm bảo hộ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón."
2. Điều 2 được sửa đổi. bổ sung như sau:
"Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các loại phân bón thuộc Nghị định này bao gồm: phân vô cơ, phân hữu cơ, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ khoáng, phân đa yếu tố, phân phức hợp, phân trộn, phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh, phân bón lá, phân có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng, chất bổ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón, phân bón đất hiếm, phân bón dạng bôi, giá thể cây trồng, chất giữ ẩm phối trộn với phân bón, và chất cải tạo đất (trong Nghị định này gọi chung là phân bón).
Các chất điều hòa sinh trưởng đơn thuần, chất bám dính không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này."
3. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phân bón rễ: là các loại phân bón được bón trực tiếp vào đất hoặc vào nước để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ;
2. Phân bón lá: là các loại phân bón được tưới hoặc phun trực tiếp vào lá hoặc thân để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua lá;
3. Phân vô cơ (phân khoáng, phân hóa học): là loại phân có chứa các chất dinh dưỡng vô cơ cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng;
4. Phân đơn (phân khoáng đơn): là loại phân vô cơ chỉ chứa một yếu tố dinh dưỡng đa lượng;
5. Phân đa yếu tố: là loại phân vô cơ có chứa từ 2 yếu tố dinh dưỡng đa lượng trở lên, không kể các yếu tố trung lượng, vi lượng;
6. Phân phức hợp: là loại phân đa yếu tố được sản xuất trên cơ sở hóa hợp các nguyên liệu;
7. Phân trộn: là loại phân đa yếu tố được sản xuất bằng cách trộn cơ giới nhiều loại phân đơn;
8. Yếu tố dinh dưỡng đa lượng (sau đây gọi là phân đa lượng): là những yếu tố dinh dưỡng mà cây trồng sử dụng với lượng lớn gồm: đạm, lân và kali, trong đó đạm ký hiệu là N, lân ký hiệu là Phường (tính bằng P2O5 hữu hiệu) và kali ký hiệu là K (tính bằng K2O);
9. Yếu tố dinh dưỡng trung lượng (sau đây gọi là phân trung lượng): là những yếu tố dinh dưỡng mà cây trồng sử dụng với lượng trung bình gồm: Canxi (Ca), Magiê (Mg), Lưu huỳnh (S) và Silic (SiO2);
10. Yếu tố dinh dưỡng vi lượng (sau đây gọi là phân vi lượng): là những yếu tố dinh dưỡng mà cây trồng sử dụng với lượng ít gồm: sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu), bo (B), môlipđen (Mo), mangan (Mn) và clo (Cl);
11. Phân vi sinh: là loại phân có chứa một hay nhiều loại vi sinh vật sống có ích như vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải kali, phân giải xenlulo, vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật tăng khả năng quang hợp… với mật độ phù hợp với tiêu chuẩn đã ban hành;
12. Phân hữu cơ vi sinh: là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có chứa ít nhất một chủng vi sinh vật sống có ích với mật độ phù hợp với tiêu chuẩn đã ban hành;
13. Phân hữu cơ sinh học: là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có sự tham gia của vi sinh vật sống có ích hoặc các tác nhân sinh học khác;
14. Phân hữu cơ khoáng: là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ được trộn thêm yếu tố dinh dưỡng khoáng, trong đó có ít nhất một yếu tố dinh dưỡng đa lượng;
15. Phân hữu cơ truyền thống: là loại phân có nguồn gốc từ động, thực vật như: phân trâu, phân bò, phân lợn, phân gà, phân bắc, nước giải, rơm rạ, phân xanh, phụ phẩm cây trồng;
16. Hàm lượng các chất dinh dưỡng: là lượng các chất dinh dưỡng chính có trong phân bón được biểu thị bằng đơn vị khối lượng/đơn vị khối lượng (kg/kg, mg/kg…), tỷ lệ phần trăm (%) hoặc phần triệu (ppm); nếu là phân dạng lỏng có thể dùng đơn vị khối lượng/đơn vị thể tích (mg/lít, g/lít…);
17. Phân bón có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng: là loại phân bón vô cơ hoặc hữu cơ được bổ sung một lượng theo quy định các vitamin, các enzim, các axit hữu cơ, hoặc các chất hóa học có tác dụng kích thích hoặc kìm hãm quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng;
18. Chất cải tạo đất: là chất bón vào đất có tác dụng nâng cao độ phì, cải thiện đặc điểm lý tính, hóa tính, sinh tính đất, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng nông sản tốt;
19. Giá thể cây trồng: là những chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo được dùng làm môi trường để cho bộ rễ cây trồng phát triển;
20. Các kim loại nặng trong phân bón gồm những loại sau: Thủy ngân (Hg), Chì (Pb), Cadimi (Cd), Asen (As), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Nhôm (Al), Crôm (Cr), Niken (Ni), có hàm lượng trong phân bón vượt mức so với quy định;
21. Vi sinh vật gây hại: là các chủng vi khuẩn E. coli, Salmonella, Coliform và trứng giun đũa (Acaris) có trong phân bón với mật độ vượt mức so với quy định;
22. Hàm lượng các chất hữu hiệu (hoặc các chất hòa tan đối với phân bón lá): là hàm lượng các chất hòa tan trong nước hoặc trong axit yếu mà cây trồng có thể dễ dàng sử dụng được và được xác định bằng các tiêu chuẩn phân tích theo quy định;
23. Hàm lượng độc tố cho phép: là hàm lượng các kim loại nặng, các vi sinh vật có hại, Biuret và axit tự do tối đa cho phép trong phân bón;
24. Chất phụ gia: là các chất ở dạng viên, bột hoặc lỏng được trộn với các chất dinh dưỡng trong quá trình sản xuất phân bón;
25. Chất giữ ẩm: là những chất tự nhiên hay tổng hợp có khả năng hút và giữ nước mạnh, có tác dụng giữ ẩm trong điều kiện đất khô hạn và được sử dụng để phối trộn với các yếu tố dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng;
26. Phân đất hiếm: là loại phân gồm 17 nguyên tố: Scandium (số thứ tự 21), Yttrium (số thứ tự 39) và các nguyên tố trong dãy Lanthanides (số thứ tự từ số 57-71: lanthanum, cerium, praseodymium, neodymium, promethium, samarium, europium, gadolinium, terbium, dysprosium, holmium, erbium, thulium, ytterbium, lutetium) trong bảng tuần hoàn Mendêlép;
27. Chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón: là những chất khi pha trộn hoặc bón cùng với phân bón có tác dụng làm tăng hiệu suất sử dụng các chất dinh dưỡng có trong phân bón;
28. Phân bón dạng bôi: là loại phân bón cung cấp các chất dinh dưỡng thông qua sự hấp thu qua nhân, vết cắt trên thân hoặc cành đối với các loại cây trồng thân gỗ;
29. Gia công: là việc doanh có chức năng sản xuất phân bón tại Việt Nam nhận sản xuất phân bón theo hợp đồng với thương nhân nước ngoài;
30. Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam (sau đây gọi là Danh mục phân bón): là bản liệt kê các loại phân bón được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận theo từng thời kỳ.
4. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 5. Điều kiện sản xuất, gia công phân bón
Tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón phải có các điều kiện sau:
1. Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mặt hàng phân bón do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
2. Có máy móc, thiết bị phù hợp để sản xuất phân bón đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định;
3. Có bộ phận phân tích kiểm nghiệm chất lượng, trong trường hợp không có bộ phận phân tích kiểm nghiệm chất lượng phân bón thì phải có Hợp đồng thuê phòng phân tích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
4. Có hệ thống xử lý chất thải khi sản xuất để không gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về môi trường, cách khu dân cư ít nhất 5km;
5. Cán bộ, công nhân có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu công nghệ sản xuất và quản lý chất lượng phân bón.”
5. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 10. Nhập khẩu phân bón
1. Tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu các loại phân bón có teen trong Danh mục phân bón, nguyên liệu để sản xuất các loại phân bón đã có tên trong Danh mục phân bón và chịu trách nhiệm về chất lượng phân bón nhập khẩu.
2. Nhập khẩu phân bón trong các trường hợp sau đây phải đăng ký và được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: các loại phân bón mới không có tên trong Danh mục phân bón để khảo nghiệm, nguyên liệu sản xuất phân bón để xuất khẩu, các loại phân bón chuyên dùng cho sân golf, các loại phân bón phục vụ cho sản xuất của các công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài, các loại phân bón làm hàng mẫu, phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc nhập khẩu phân bón trong các trường hợp đặc biệt khác.
3. Chỉ cho nhập khẩu để khảo nghiệm những loại phân bón đã được phép sử dụng rộng rãi ở nước ngoài. Không cho nhập những loại phân bón chưa qua khảo nghiệm hoặc đang còn trong thời kỳ khảo nghiệm ở nước ngoài.”
6. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 11. Xuất khẩu phân bón
1. Tổ chức, cá nhan được phép xuất các loại phân bón có tên trong Danh mục phân bón theo nhu cầu và tự chịu trách nhiệm về chất lượng phân bón xuất khẩu.
2. Các loại phân bón không có tên trong Danh mục phân bón xuất khẩu phải được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”
7. Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau::
“Điều 17. Khảo nghiệm phân bón
1. Các loại phân bón phải qua khảo nghiệm bao gồm
- Các loại mới sản xuất ở trong nước hoặc nhập khẩu, chưa có tên trong Danh mục phân bón gồm: phân hữu cơ vi sinh; phân hữu cơ sinh học; phân hữu cơ khoáng; phân bón lá; phân có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng; chất cải tạo đất; chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón; chất giữ ẩm …
- Các loại phân bón có tên trong Danh mục phân bón thuộc khoản 1 Điều 17, nhưng thay đổi về thành phần, hàm lượng các chất dinh dưỡng chính có trong phân bón thấp hơn hoặc vượt quá mức quy định.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục khảo nghiệm phân bón.”
8. Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 19. Tổ chức khảo nghiệm, công nhận, đặt tên, đổi tên phân bón
1. Tổ chức khảo nghiệm phân bón
a) Tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm phân bón mới phải có đủ các điều kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định và được công nhận.
b) Thực hiện đúng trình tự thủ tục khảo nghiệm, quy trình, quy phạm khảo nghiệm phân bón do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định và chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm đã thực hiện.
2. Công nhận phân bón mới
Phân bón mới được công nhận phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đã qua khảo nghiệm, có báo cáo kết quả khảo nghiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm;
b) Được Hội đồng khoa học chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập thẩm định, đánh giá kết quả và đề nghị công nhận.
c) Có tên phù hợp theo quy định tại Nghị định này.
3. Đặt tên phân bón mới
a) Mỗi loại phân bón khi được đưa vào Danh mục phân bón chỉ có một tên gọi duy nhất phù hợp theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 về nhãn hàng hoá và Nghị định này.
b) Các kiểu đặt tên dưới đây không được chấp nhận:
- Chỉ bao gồm bằng các chữ số;
- Vi phạm đạo đức xã hội;
- Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên được ghi trên nhãn hiệu hàng hoá phân bón đang được bảo hộ;
- Gây hiểu lầm với bản chất, công dụng của phân bón;
- Phân bón sản xuất để sử dụng ở Việt Nam nhưng đặt tên bằng tiếng nước ngoài, trừ các loại phân bón sản xuất ở Việt Nam theo hợp đồng của nước ngoài hoặc sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài.
c) Đối với phân bón nhập khẩu mang tên tiếng nước ngoài cókèm theo tên tiếng Việt thì tên tiếng Việt phải thực hiện theo quy định tại điểm a,b,c,d khoản 2 Điều 19 của Nghị định này.
d) Trình tự đặt tên phân bón
- Tổ chức, cá nhân đăng ký tên phân bón khi nộp hồ sơ khảo nghiệm hoặc đăng ký vào Danh mục phân bón.
- Tên chính thức của phân bón mới là tên được ghi trong Quyết định công nhận loại phân bón đó.
- Giữ nguyên tên phân bón các loại phân bón đã có trong Danh mục phân bón.
4. Đổi tên phân bón
a) Trong quá trình sản xuất tổ chức, cá nhân được quyền đổi tên phân bón.
b) Điều kiện đổi tên phân bón:
- Chỉ áp dụng đối với các loại phân bón đã có trong danh mục phân bón, khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng;
- Việc đổi tên phân bón phải phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 19 của Nghị định này.
c) Thủ tục đổi tên:
- Đơn đăng ký đổi tên phân bón;
- Phiếu tra cứu nhãn hiệu hàng hoá của Cục sở hữu trí tuệ;
- Hợp đồng chuyển nhượng của các tổ chức, cá nhân (bản chính);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc tiếp nhận, thẩm định, quyết định đổi tên phân bón.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ tướng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này ./.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Loại tài liệu Nghị định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.