Dự thảo nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ
Ngày đăng: 07:43 07-09-2007 | 2058 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Y tế
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ
_______________________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm y tế (BHYT) ban hành kèm theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ như sau:
1. Sửa đổi khoản 8, khoản 10, khoản 11, khoản 12 và bổ sung khoản 15 của Điều 3. Đối tượng thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc như sau:
“8. Thân nhân sỹ quan, hạ sỹ quan, binh sỹ và quân nhân chuyên nghiệp thuộc Quân đội nhân dân đang tại ngũ; thân nhân sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân; thân nhân của sỹ quan đang làm công tác cơ yếu tại Ban cơ yếu Chính phủ và thân nhân của người đang làm công tác cơ yếu hưởng lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sỹ quan quân đội nhân dân và bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân không thuộc các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc khác quy định tại Điều này.
10. Người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa; người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ hướng dẫn về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
11. Người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010; đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ có thu nhập bình quân từ trên 1 đến 1,5 lần so với chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là hộ cận nghèo) đang sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực II và III theo quy định của Uỷ ban dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.
12. Cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước không thuộc các đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định tại khoản 6- Điều 5 của Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh cựu chiến binh.
15. Trẻ em dưới sáu tuổi.
2. Sửa đổi khoản 3, khoản 4 của Điều 6. Thẻ bảo hiểm y tế như sau:
“3. Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng ngay và liên tục khi đóng BHYT đúng quy định. Việc cấp thẻ, thay thẻ, đổi thẻ phải đảm bảo tính kịp thời, liên tục, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Riêng với đối tượng là trẻ em dưới sáu tuổi, thẻ được cấp một lần và có giá trị sử dụng cho đến khi trẻ đủ 72 tháng tuổi.
“4. Đối với người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện:
a) Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng và được hưởng các quyền lợi theo quy định (trừ các quyền lợi quy định tại khoản (b) và khoản (c) Điều này) sau 30 ngày (ba mươi ngày) kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế đối với các trường hợp tham gia bảo hiểm y tế lần đầu hoặc tham gia lại sau một thời gian gián đoạn vì bất kỳ lý do gì.
b) Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng và được hưởng các quyền lợi trong trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn sau 180 ngày (một trăm tám mươi ngày) kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế đối với các trường hợp tham gia bảo hiểm y tế lần đầu hoặc tham gia lại sau một thời gian gián đoạn vì bất kỳ lý do gì.
c) Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng và được hưởng các quyền lợi về chăm sóc thai sản, sinh đẻ sau 270 ngày (hai trăm bảy mươi ngày) kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế đối với các trường hợp tham gia bảo hiểm y tế lần đầu hoặc tham gia lại sau một thời gian gián đoạn vì bất kỳ lý do gì.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 của Điều 7. Phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc như sau:
“8. Hỗ trợ chi phí vận chuyển trong trường hợp cấp cứu phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế từ bệnh viện tuyến huyện trở lên đối với những người bệnh thuộc diện hộ nghèo, diện chính sách xã hội, người sinh sống hay công tác ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc, vật tư y tế, danh mục các dịch vụ kỹ thuật và phục hồi chức năng thuộc phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế, đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh, phù hợp với chính sách thuốc quốc gia và khả năng thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế. Các danh mục được xem xét, bổ sung định kỳ theo mức độ mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong từng lĩnh vực.
4. Sửa đổi Điều 8. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc như sau:
1. Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT bắt buộc theo quy định tại Điều 7 của Điều lệ này theo giá viện phí hiện hành của Nhà nước nếu tổng chi phí khám, chữa bệnh trong một đợt điều trị không vượt quá 100.000 đồng đối với điều trị ngoại trú và không vượt quá 200.000 đồng đối với điều trị nội trú.
2. Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh theo giá viện phí hiện hành của Nhà nước nếu tổng chi phí khám chữa bệnh trong một đợt điều trị vượt quá 100.000 đồng đối với điều trị ngoại trú và vượt quá 200.000 đồng đối với điều trị nội trú; phần 20% chi phí còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh, trừ các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp số tiền 20% mà người bệnh tự thanh toán vượt quá 10 tháng lương tối thiểu hiện hành thì Quỹ BHYT sẽ thanh toán toàn bộ chi phí cho các đợt điều trị tiếp theo.
3. Người bệnh bảo hiểm y tế không phải tự thanh toán 20% chi phí khám chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu thuộc một trong các đối tượng sau:
a) Trẻ em dưới sáu tuổi,
b) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước ngày tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945;
c) Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động,
d) Thương binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên, người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên;
đ) Thương binh, bệnh binh điều trị vết thương, bệnh tật tái phát;
e) Người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên và người cao tuổi tàn tật, không nơi nương tựa;
g) Người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học;
h) Các đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng;
i) Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
k) Người thuộc hộ nghèo.
4. Liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định cụ thể về điều kiện được hưởng và mức thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế nhưng không quá 50% chi phí của các thuốc này và thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 1, 2 Điều này.
5. Sửa đổi khoản 1, 2, 4, 5 và khoản 8 Điều 12. Các trường hợp không được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán như sau:
“Quỹ Bảo hiểm y tế không thanh toán chi phí trong các trường hợp sau:
1. Chi phí chẩn đoán, điều trị bệnh phong; chi phí thuốc đặc hiệu điều trị các bệnh: lao, sốt rét, tâm thần phân liệt, động kinh; thuốc kháng HIV và các bệnh hay các thuốc khác nếu đã được ngân sách nhà nước hay các nguồn tài chính khác chi trả.
2. Xét nghiệm HIV tự nguyện, xét nghiệm HIV bắt buộc trong các trường hợp có trưng cầu giám định tư pháp hoặc có quyết định của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Tòa án nhân dân.
4. Các dịch vụ, phẫu thuật thẩm mỹ; làm chân, tay giả; mắt giả; răng giả; kính mắt các loại; máy trợ thính; điều trị lác, cận thị và các tật khúc xạ của mắt; lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
5. Điều trị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh, tai nạn do thiên tai, thảm họa.
8. Các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và sinh đẻ tại nhà; các dịch vụ kỹ thuật hay phương pháp can thiệp chưa được phép áp dụng trong chẩn đoán và điều trị theo quy định của Bộ Y tế; các trường hợp tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học; các dịch vụ kỹ thuật chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá theo quy định về thu viện phí.
6. Sửa đổi khoản 4 Điều 15. Mức đóng bảo hiểm y tế và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế bắt buộc như sau:
“4. Mức đóng của các đối tượng quy định tại khoản 10 (người nghèo) và khoản 11 (người cao tuổi), Điều 3 của Điều lệ Bảo hiểm y tế cho năm 2007 là 80.000 đồng/người/năm; mức đóng của đối tượng quy định tại khoản 15 (trẻ em dưới sáu tuổi), Điều 3 của Điều lệ Bảo hiểm y tế cho năm 2007 là 108.000 đồng/người/năm. Mức đóng của các nhóm đối tượng này trong các năm tiếp theo là 3% mức lương tối thiểu hiện hành và do ngân sách nhà nước đảm bảo. Liên Bộ Y tế- Tài chính hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục và phương thức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng này.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 21. Quản lý và sử dụng quỹ BHYT
“1. Quỹ bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch và được Nhà nước bảo hộ.
2. Liên Bộ Tài chính- Y tế hướng dẫn chi tiết về quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế và trình Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng kịp thời các biện pháp để đảm bảo cân đối thu, chi của Quỹ bảo hiểm y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 22. Chế độ kế toán và báo cáo tài chính như sau:
“Điều 22. Chế độ kế toán, kiểm toán và báo cáo tài chính
Tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế phải thực hiện chế độ kế toán tài chính của quỹ Bảo hiểm y tế và chế độ kiểm toán theo quy định của pháp luật. Hàng năm báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế về tình hình tài chính của Quỹ và các giải pháp đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.
9. Sửa đổi khoản 5 Điều 25- Đối tượng, nguyên tắc thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện như sau:
“5. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện được nhà nước hỗ trợ mức đóng. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí trong nguồn ngân sách địa phương và huy động sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo việc phối hợp giữa các ban, ngành và Bảo hiểm xã hội địa phương trong việc xác định đối tượng, đề xuất mức hỗ trợ và dự toán ngân sách hỗ trợ cần thiết để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2008. Bãi bỏ Điều 18 của Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Điều 3. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Y tế
Loại tài liệu Nghị định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.