Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính

Ngày đăng: 20:58 23-06-2011 | 1742 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

CHÍNH PHỦ

Số: /2011/NĐ-CP

DỰ THẢO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày tháng năm 2011


NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật, Nghị định số 131/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư

CHÍNH PHỦ



Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Để thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10/12/2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Khoản 2, Điều 24 được sửa đổi như sau:

“2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi là Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam) ghi nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và chứng nhận việc đăng ký vào Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp tàu biển.”

2. Khoản 2, Điều 25 được sửa đổi như sau:

“2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam ghi nội dung đăng ký thay đổi vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và chứng nhận nội dung đăng ký thay đổi vào Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký.”

3. Khoản 2, Điều 26 được sửa đổi như sau:

“2. Đối với giao dịch bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký thì chậm nhất mười lăm ngày trước khi tiến hành xử lý tài sản thế chấp, người nhận thế chấp đề nghị xử lý tài sản phải gửi văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp đến tất cả các bên nhận thế chấp khác hoặc phải đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp với Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam, nơi đã đăng ký thế chấp tàu biển đó.

Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam ghi nội dung thông báo đó vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và chứng nhận vào Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp bằng tàu biển.”

4. Khoản 2, Điều 27 được sửa đổi như sau:

“2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam ghi nội dung xóa đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và chứng nhận việc xóa đăng ký giao dịch bảo đảm vào Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tàu biển.

5. Khoản 2, Điều 47 được sửa đổi như sau:

“2. Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp tàu biển.”

6. Khoản 2, Điều 52 được bổ sung như sau:

“ 2. Bãi bỏ điểm b, khoản 2, Điều 31 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

Bãi bỏ mẫu Tờ khai đăng ký thế chấp tàu biển (Phụ lục VIII), Tờ khai xóa đăng ký thế chấp tàu biển (Phụ lục IX), Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam (Phụ lục X) và Giấy chứng nhận xoá đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam (Phụ lục XI) ban hành kèm theo Nghị định số 29/2009/NĐ-CP ngày 26/3/2009 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán tàu biển.”

7. Sửa đổi, bổ sung một số từ sau đây:

a) Bổ sung cụm từ “(01 bộ)” trong hồ sơ đăng ký tại khoản 1 các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 34, 35, 36 và 37.

b) Bãi bỏ cụm từ “Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam đã cấp” tại khoản 1 các Điều 25, 26 và 27.

c) Thay cụm từ “Đơn đề nghị xóa đăng ký thế chấp tàu biển” tại khoản 1, Điều 27 bằng cụm từ “Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tàu biển”.

8. Bãi bỏ khoản 2, Điều 53.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý như sau:

“1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 20 Luật Trợ giúp pháp lý, nếu tự nguyện làm cộng tác viên thì gửi 01 bộ hồ sơ đến Trung tâm ở địa phương nơi mình cư trú hoặc công tác.

Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm:

a) Đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu;

b) Bản sao bằng cử nhân luật; bằng đại học khác hoặc bằng trung cấp luật và giấy xác nhận thời gian công tác pháp luật của cơ quan, tổ chức nơi người đó đã hoặc đang công tác;

c) Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc của cơ quan nơi người đề nghị công tác làm việc kèm theo hai ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm.

Trong trường hợp người đề nghị làm cộng tác viên thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi mà có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng thì trong hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên ngoài các giấy tờ tài liệu quy định tại điểm a, c nêu trên còn phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về kiến thức pháp luật và uy tín trong cộng đồng của người đề nghị.

2. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Giám đốc Trung tâm kiểm tra tính đầy đủ và đúng đắn của hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì trình Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho người đề nghị làm cộng tác viên và thông báo rõ lý do bằng văn bản.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Giám đốc Trung tâm trình, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, ký quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Trong trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người đề nghị làm cộng tác viên. Người bị từ chối có quyền khiếu nại đối với việc từ chối công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. ”

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư

1. Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

2. Trong trường hợp chuyển đổi từ hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì Giám đốc công ty luật phải gửi 01 bộ hồ sơ chuyển đổi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp nơi công ty đăng ký hoạt động. Hồ sơ chuyển đổi gồm có:

a) Đơn đề nghị chuyển đổi trong đó nêu rõ mục đích và lý do chuyển đổi;

b) Dự thảo Điều lệ của công ty luật mới;

c) Danh sách thành viên hoặc luật sư chủ sở hữu của công ty luật mới;

d) Giấy đăng ký hoạt động đã được cấp.

3. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoặc giấy tờ chuyển đổi quy định tại khoản 2 của Điều này, Sở Tư pháp phải cấp Giấy đăng ký hoạt động cho công ty luật trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Luật sư.”

2. Khoản 1 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Công ty luật nước ngoài gửi 01 bộ hồ sơ gồm hợp đồng hợp nhất và đơn xin hợp nhất, trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp. Trong hợp đồng hợp nhất phải có quy định về thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản; thời hạn thực hiện hợp nhất.

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được đơn và hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp ra quyết định chấp thuận việc hợp nhất dưới hình thức cấp Giấy phép thành lập công ty luật nước ngoài mới; trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.”

3. Khoản 1 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Các công ty luật nước ngoài liên quan gửi 01 hợp đồng sáp nhập, trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp . Trong hợp đồng sáp nhập phải có quy định về phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản; thủ tục và thời hạn thực hiện sáp nhập.”

4. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“ 1.Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam tạm ngừng hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Tự quyết định tạm ngừng hoạt động;

b) Bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn.

2. Trong trường hợp tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam tạm ngừng hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 của Điều này thì phải thông báo bằng văn bản, gửi trực tiếp tại Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính, chậm nhất là ba mươi ngày, trước ngày dự kiến tạm ngừng hoạt động.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, Bộ Tư pháp ra quyết định chấp thuận cho tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam tạm ngừng hoạt động. Trong trường hợp không chấp thuận cho tạm ngừng hoạt động, Bộ Tư pháp phải có ý kiến bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam được tạm ngừng hoạt động kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp.

3. Chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp hoặc quyết định về việc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo bằng văn bản về việc tạm ngừng hoạt động cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở.

4. Trong thời hạn tạm ngừng hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải nộp đủ số thuế còn nợ; chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ khác, chịu trách nhiệm về các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng, hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

5. Chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày dự kiến hoạt động trở lại, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải có báo cáo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Đoàn luật sư và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở về việc hoạt động trở lại.”

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật

1. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“ 1. Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Trung tâm. Khi đăng ký hoạt động, Trung tâm tư vấn pháp luật nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp .

Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm có:

a) Đơn đăng ký hoạt động;

b) Quyết định của tổ chức chủ quản về việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật; về việc cử Giám đốc của Trung tâm tư vấn pháp luật;

c) Dự thảo quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn do tổ chức chủ quản ban hành;

d) Danh sách kèm theo hồ sơ của người được đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật, của luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật; trong trường hợp từ chối, phải thông báo lý do bằng văn bản.

2. Khi cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật, Sở Tư pháp đồng thời cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Điều 19 của Nghị định này.

Bộ Tư pháp quy định mẫu Giấy đăng ký hoạt động, Thẻ tư vấn viên pháp luật.

3. Trung tâm tư vấn pháp luật được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.”

2. Khoản 1, Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Người đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp .

Hồ sơ cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gồm có:

a) Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật;

b) Bản sao Bằng cử nhân luật;

c) Giấy xác nhận về thời gian công tác pháp luật của người được đề nghị.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp, nơi Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động có trách nhiệm cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người đủ điều kiện, trong trường hợp từ chối, phải thông báo lý do bằng văn bản.

Điều 5. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư.

1. Bổ sung khoảddeenk, Điều 8 được bổ sung như sau:

“ 2. Hồ sơ thành lập Đoàn luật sư do những người sáng lập Đoàn luật sư lập và gửi 01 bộ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) về việc cho phép thành lập Đoàn luật sư.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn luật sư tại địa phương. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có văn bản về việc thành lập Đoàn luật sư.

Sau khi có ý kiến nhất trí bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập Đoàn luật sư; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.”

2. Khoản 1, khoản 2 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày Điều lệ Đoàn luật sư được thông qua, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt Điều lệ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp. Hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt Điều lệ;

b) Điều lệ và biên bản thông qua Điều lệ;

c) Nghị quyết Đại hội;

d) Văn bản nhất trí của Liên đoàn luật sư Việt Nam về nội dung Điều lệ.

2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt hoặc từ chối phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản.”

3. Khoản 3, Điều 11 được bổ sung như sau:

“3. Chậm nhất ba mươi ngày trước ngày dự kiến tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới.”

4. Khoản 2, Điều 12 được bổ sung như sau:

“2. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc Đại hội, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư phải gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp báo cáo kết quả Đại hội, kèm theo biên bản bầu cử, danh sách trích ngang của Chủ nhiệm, các ủy viên Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư; Nghị quyết Đại hội.

Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả Đại hội, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xem xét và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc phê chuẩn kết quả Đại hội của Đoàn luật sư.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê chuẩn hoặc từ chối phê chuẩn kết quả Đại hội; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản.”

5. Khoản 2, Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Trong trường hợp Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b và c, khoản 1 của Điều này thì Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc ra quyết định đình chỉ hoạt động của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư và yêu cầu Đoàn luật sư tổ chức Đại hội bất thường để bầu Ban Chủ nhiệm và Chủ nhiệm mới của Đoàn luật sư. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định đình chỉ chức vụ Chủ nhiệm và yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư cử một Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư giữ chức vụ Quyền Chủ nhiệm Đoàn luật sư cho đến khi bầu Chủ nhiệm mới của Đoàn luật sư.

Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư tạm thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chủ nhiệm; Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật tạm thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ nhiệm Đoàn luật sư cho đến khi bầu Ban Chủ nhiệm và Chủ nhiệm mới của Đoàn luật sư.

Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư phải triệu tập Đại hội luật sư bất thường.”

6. Khoản1, Điều 20 được bổ sung như sau:

“1. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam được thông qua, Hội đồng luật sư toàn quốc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt Điều lệ.

Hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt Điều lệ;

b) Điều lệ và biên bản thông qua Điều lệ;

c) Nghị quyết Đại hội;”

7. Khoản 3, Điều 21 được bổ sung như sau:

“3. Chậm nhất sáu mươi ngày trước ngày dự kiến tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp báo cáo về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam nhiệm kỳ mới. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, cho ý kiến về Đề án tổ chức Đại hội.”

8. Khoản , Điều 22 được bổ sung như sau:

“ 2. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc Đại hội, Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam phải gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp báo cáo kết quả Đại hội, kèm theo biên bản bầu cử, danh sách trích ngang của các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Nghị quyết Đại hội.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả Đại hội, Bộ Tư pháp xem xét, phê chuẩn hoặc từ chối phê chuẩn kết quả bầu cử, Nghị quyết Đại hội của Liên đoàn Luật sư Việt Nam sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ.”

9. Khoản 2, Điều 25 được bổ sung như sau:

“2. Trong trường hợp Hội đồng luật sư toàn quốc thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b và c khoản 1 của Điều này hoặc Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều này thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đình chỉ hoạt động của Hội đồng luật sư toàn quốc hoặc đình chỉ chức vụ Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam và yêu cầu Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức Đại hội bất thường để bầu mới các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn.

Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc đình chỉ hoạt động của Hội đồng luật sư toàn quốc hoặc đình chỉ chức vụ Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam và yêu cầu Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức Đại hội bất thường để bầu mới các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn”

10. Khoản 2, Điều 27 được bổ sung như sau:

“2. Trong trường hợp Liên đoàn luật sư Việt Nam bị giải thể theo quy định tại khoản 1 của Điều này thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định giải thể Liên đoàn luật sư Việt Nam và quyết định việc thành lập lại Liên đoàn luật sư Việt Nam. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định giải thể Liên đoàn luật sư Việt Nam”.

Điều 6. Điều khoản thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2011.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.



TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng



Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Nghị định và dự thảo Tờ trình

Ngày nhập

23/06/2011

Đã xem

1742 lượt xem

Công văn xin ý kiến

Ngày nhập

23/06/2011

Đã xem

1742 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com