Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính
Ngày đăng: 08:52 01-03-2011 | 1759 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Thông tin và Truyền thông
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
CHÍNH PHỦ Số: /2011/NĐ-CP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày…tháng……năm 2011 |
NGHỊ ĐỊNH
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật bưu chính ngày 28 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định xử phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính là hành vi cố ý hoặc vô ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) vi phạm các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.
2. Vi phạm hành chính về bưu chính bao gồm:
a) Vi phạm quy định về cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính;
b) Vi phạm quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính;
c) Vi phạm quy định về chất lượng, giá cước dịch vụ bưu chính;
d) Vi phạm quy định về hoạt động bưu chính công ích;
đ) Vi phạm quy định về tem bưu chính;
e) Vi phạm quy định về khiếu nại, bồi thường thiệt hại; chế độ báo cáo; không chấp hành sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính trên lãnh thổ Việt Nam thì bị xử phạt theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc xử phạt
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
Điều 4. Thời hiệu xử phạt
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.
Đối với hành vi vi phạm quy định về giá cước, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là hai năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.
2. Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án vi phạm trong lĩnh vực bưu chính ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính thì bị xử phạt vi phạm hành chính; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định phải gửi quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.
3. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.
4. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1 và 2 Điều này nếu tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm hành chính mới trong cùng lĩnh vực trước đây đã vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt viphạm hành chính được tính kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Điều 5. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả
1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
3. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện có liên quan tới vi phạm hành chính;
c) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại;
d) Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả cước thu sai;
đ) Buộc thu hồi tang vật, phương tiện đã bị tẩu tán;
e) Buộc thu hồi giá trị tài sản có được do vi phạm hành chính gây ra;
g) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra.
4. Người nước ngoài vi phạm hành chính còn có thể bị xử phạt trục xuất. Trục xuất được áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BƯU CHÍNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT
Mục 1
Vi phạm quy định về cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính
Điều 6. Vi phạm quy định về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng hoặc sử dụng không đúng dấu ngày hoặc các thông tin xác định thời gian, địa điểm chấp nhận bưu gửi trên hợp đồng hoặc chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ, chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi ghi không đúng hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật;
b) Không sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính bằng văn bản.
Điều 7. Vi phạm quy định về đại lý dịch vụ bưu chính
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm đại lý dịch vụ bưu chính cung ứng dịch vụ bưu chính không đúng loại hình dịch vụ đã giao kết trong hợp đồng đại lý.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Giao, nhận đại lý dịch vụ bưu chính không có hợp đồng đại lý hoặc hợp đồng đại lý hết hiệu lực;
b) Giao đại lý dịch vụ bưu chính không có giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính theo quy định.
Điều 8. Vi phạm quy định về chấp nhận và phát bưu gửi
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp thông tin về bưu gửi không đúng, không đầy đủ;
b) Từ chối trái pháp luật việc cung ứng dịch vụ bưu chính.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không cung cấp công khai hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin liên quan về dịch vụ bưu chính đang cung cấp tại điểm phục vụ;
b) Không niêm yết công khai hoặc niêm yết không đúng, không đầy đủ danh mục vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính hoặc các quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính tại các điểm phục vụ;
c) Không treo biển hiệu tại điểm phục vụ, trụ sở chính của doanh nghiêp, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện;
d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về phát bưu gửi;
đ) Không thực hiện các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu bưu gửi theo quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chấm dứt tình trạng gây cản trở đến hoạt động bưu chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 của Điều này.
Điều 9. Vi phạm quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Gửi hoặc nhận gửi trong bưu gửi từ Việt Nam đi nước ngoài những vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu vào nước nhận theo quy định của các nước;
b) Gửi hoặc nhận gửi trong bưu gửi có chứa hàng hóa, vật phẩm thuộc danh mục gửi có điều kiện mà không thực hiện đúng các yêu cầu theo quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ;
c) Sử dụng dịch vụ bưu chính nhằm mục đích đe dọa, quấy rối, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự người khác.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mạo danh người khác khi sử dụng dịch vụ bưu chính;
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gửi hoặc nhận gửi hoặc vận chuyển bưu gửi có chứa vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định cấm lưu thông, cấm vận chuyển, cấm xuất khẩu.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi gửi hoặc nhận gửi hoặc vận chuyển hoặc phát bưu gửi chứa văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi nhận hoặc vận chuyển hoặc phát bưu gửi từ nước ngoài về Việt Nam có chứa vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu.
6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gửi hoặc nhận gửi hoặc vận chuyển hoặc phát bưu gửi chứa vật, chất gây nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma túy, vi trùng dịch bệnh nhằm khủng bố, xâm hại tính mạng, tài sản công dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi gửi hoặc nhận gửi hoặc vận chuyển hoặc phát bưu gửi có nội dung kích động, gây mất an ninh, phá hoại đoàn kết dân tộc, chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1; khoản 3; khoản 4; khoản 6 và khoản 7 của Điều này;
b) Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 của Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc áp dụng những biện pháp khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường sống, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 6 của Điều này;
b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại do vi phạm hành chính gây ra đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 1; khoản 4; khoản 6 và khoản 7 của Điều này;
c) Buộc tái xuất vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 của Điều này.
Điều 10. Vi phạm quy định về đảm bảo an toàn trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc kiểm kê, lập biên bản và gói, bọc lại trong trường hợp vỏ bọc bưu gửi bị hư hại, rách để đảm bảo an toàn cho bưu gửi.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đưa thêm vật phẩm, hàng hóa trong bưu gửi sau khi đã làm xong các thủ tục nhận gửi.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bóc mở, hủy bưu gửi trái pháp luật;
b) Chiếm đoạt bưu gửi, tráo đổi nội dung bưu gửi;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, bưu gửi và mạng bưu chính trong kinh doanh dịch vụ.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 của Điều này;
Điều 11. Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kiểm tra, xử lý bưu gửi, yêu cầu cung cấp thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính trái pháp luật;
b) Đình chỉ vận chuyển, phát bưu gửi trái pháp luật;
c) Tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính trái pháp luật;
d) Không đình chỉ vận chuyển, phát bưu gửi hoặc không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan để xử lý khi phát hiện bưu gửi vi phạm quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đình chỉ, tạm đình chỉ vận chuyển, phát bưu gửi hoặc kiểm tra, xử lý bưu gửi hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ bưu chính.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.00.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc đình chỉ, tạm đình chỉ vận chuyển, phát bưu gửi hoặc kiểm tra xử lý bưu gửi hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc tạm đình chỉ vận chuyển, phát bưu gửi hoặc kiểm tra, xử lý bưu gửi hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính theo quy định pháp luật;
b) Cản trở hoạt động bưu chính hợp pháp.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc chấm dứt tình trạng gây cản trở đến hoạt động bưu chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 1; khoản 2 và điểm b khoản 4 của Điều này.
Điều 12. Vi phạm quy định về thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận; chuyển tiếp, chuyển hoàn, rút lại bưu gửi; bưu gửi không có người nhận
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu của người gửi về việc thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận hoặc rút lại bưu gửi khi bưu gửi chưa phát cho người nhận;
b) Thu cước chuyển hoàn đối với thư cơ bản có khối lượng đến 500 gram khi không phát được.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc chuyển tiếp bưu gửi đến địa chỉ mới khi bưu gửi chưa phát đến địa chỉ của người nhận và khi người sử dụng dịch vụ bưu chính thông báo cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính việc thay đổi địa chỉ của người nhận;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu của người gửi về việc chuyển hoàn bưu gửi để trả lại cho người gửi khi không phát được cho người nhận;
c) Không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với bưu gửi không có người nhận.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hoàn trả cước thu sai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 của Điều này.
Điều 13. Vi phạm quy định về mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh qua mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập và tổ chức hoạt động mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh không đúng quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kết nối mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh với mạng bưu chính khác ngoài mạng bưu chính công cộng.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi từ chối trái pháp luật việc cung ứng tài liệu, vật mang bí mật nhà nước qua mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh.
Điều 14. Vi phạm quy định về cạnh tranh trong hoạt động bưu chính
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cạnh tranh trái pháp luật trong hoạt động bưu chính.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khuyến mại bằng hình thức giảm giá cước dịch vụ bưu chính vi phạm dịch vụ bưu chính dành riêng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ bưu chính vi phạm quy định về phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng.
Mục 2
Vi phạm quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính
Điều 15. Vi phạm quy định về đầu tư trong lĩnh vực bưu chính
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án, tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện dự án, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thanh lý dự án đầu tư hoặc có các điều chỉnh khác của dự án đầu tư trong lĩnh vực bưu chính.
Điều 16. Vi phạm quy định về giấy phép bưu chính
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc đề nghị cấp lại khi giấy phép bưu chính bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định việc thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi thay đổi người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở; chỉ tiêu chất lượng dịch vụ; mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ; các quy định liên quan đến khiếu nại, bồi thường thiệt hại so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính;
c) Không nộp trả giấy phép bưu chính khi có quyết định thu hồi.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung ứng dịch vụ bưu chính không đúng với nội dung được ghi trong giấy phép bưu chính;
b) Tẩy xóa, sửa chữa nội dung trong giấy phép bưu chính;
c) Không thực hiện việc đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép bưu chính khi thay đổi nội dung ghi trong giấy phép bưu chính;
d) Cung ứng dịch vụ bưu chính không đảm bảo mức vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng giấy phép bưu chính trái pháp luật.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 2 kg không có giấy phép bưu chính;
b) Mua bán, cho thuê, cho mượn, cầm cố giấy phép bưu chính.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin giả mạo hoặc cố ý gian dối để được cấp giấy phép bưu chính.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, điểm b khoản 4 và khoản 5 của Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi giá trị tài sản có được đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và điểm b khoản 4 của Điều này.
Điều 17. Vi phạm quy định về thông báo hoạt động bưu chính
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc đề nghị cấp lại khi văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định việc thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi thay đổi nội dung đã thông báo so với hồ sơ đề nghị xác nhận thông báo hoạt động bưu chính;
c) Không nộp trả văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính khi có quyết định thu hồi.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung ứng dịch vụ thư không có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 2 kg, thư có khối lượng đơn chiếc trên 2kg và dịch vụ gói, kiện không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính;
b) Tẩy xóa, sửa chữa văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính;
c) Làm chi nhánh, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được thành lập theo pháp luật Việt Nam không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi làm đại lý, đại diện, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài; nhận nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính từ nước ngoài vào Việt Nam không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
Mục 3
Vi phạm quy định về chất lượng, giá cước dịch vụ bưu chính
Điều 18. Vi phạm quy định về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ bưu chính
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không công bố hoặc công bố không đúng chất lượng dịch vụ bưu chính theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp công khai hoặc cung cấp không đúng chỉ tiêu chất lượng dịch vụ đã công bố tại điểm phục vụ.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ bưu chính có chất lượng thấp hơn chất lượng đã công bố;
Điều 19. Vi phạm quy định về giá cước dịch vụ bưu chính
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai giá cước dịch vụ bưu chính tại điểm phục vụ.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính giá cước các dịch vụ bưu chính;
b) Không đăng ký, kê khai giá cước dịch vụ bưu chính theo quy định của pháp luật về giá;
c) Thu sai giá cước dịch vụ bưu chính.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quy định giá cước dịch vụ bưu chính không đúng thẩm quyền;
b) Thu sai giá cước dịch vụ bưu chính công ích.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phương án giá cước dịch vụ bưu chính do Nhà nước quy định.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hoàn trả cước thu sai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 của Điều này.
Mục 4
Vi phạm quy định về hoạt động bưu chính công ích
Điều 20. Vi phạm quy định về mạng bưu chính công cộng
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không bố trí địa điểm tại khu đô thị, khu dân cư tập trung để doanh nghiệp được chỉ định cung ứng dịch vụ bưu chính công ích lắp đặt hệ thống thùng thư công cộng;
b) Không lắp đặt hoặc lắp đặt không đúng quy định hộp thư tập trung tại chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng;
c) Không lắp đặt hoặc lắp đặt không đúng quy định hệ thống thùng thư công cộng tại khu đô thị, khu dân cư tập trung;
d) Không bố trí hoặc bố trí địa điểm không thuận lợi hoặc không tổ chức để người sử dụng dịch vụ bưu chính tại chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng thực hiện việc lắp đặt hộp thư tập trung.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc kiểm tra, sửa chữa, bảo trì, bảo vệ công trình thuộc mạng bưu chính công cộng;
b) Không lắp đặt thùng thư công cộng để chấp nhận thư cơ bản theo quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Xâm hại công trình bưu chính công cộng;
b) Sử dụng phương tiện vận tải chuyên ngành không đúng quy định của pháp luật.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 của Điều này.
Điều 21. Vi phạm quy định về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trái pháp luật.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ bưu chính công ích không đúng, không đầy đủ theo danh mục, phạm vi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không theo dõi riêng các dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ bưu chính dành riêng;
b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng quy định kết quả cung ứng dịch vụ bưu chính công ích với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng doanh thu từ các dịch vụ bưu chính dành riêng để trợ cấp cho các khoản lỗ do việc cung ứng các dịch vụ cạnh tranh khác dưới giá thành.
Mục 5
Vi phạm quy định về tem bưu chính
Điều 22. Vi phạm quy định về sử dụng tem bưu chính để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tem bưu chính không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính phát hành hoặc tem bưu chính Việt Nam đã có dấu hủy hoặc tem bưu chính Việt Nam bị cấm lưu hành hoặc tem bưu chính Việt Nam không còn nguyên vẹn để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tem bưu chính nước ngoài để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính trong nước và dịch vụ bưu chính quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài.
Điều 23. Vi phạm quy định về sử dụng tem bưu chính để kinh doanh, trao đổi, tuyên truyền, trưng bày
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lưu hành tem bưu chính Việt Nam chưa có quyết định phát hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có nội dung, hình ảnh, ký hiệu, dấu hiệu không phù hợp đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục Việt Nam;
b) Bán tem bưu chính Việt Nam trên mạng bưu chính công cộng trong thời hạn phát hành không đúng giá in trên mặt tem, trừ trường hợp tem bưu chính có dấu hủy;
c) Bán tem bưu chính đặc biệt đã hết thời hạn phát hành trên mạng bưu chính công cộng, trừ trường hợp đã mua lại.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính nước ngoài có nội dung và nguồn gốc xuất xứ không phù hợp theo thông báo của cơ quan bưu chính các nước thành viên Liên minh Bưu chính Thế giới và các hiệp hội sưu tập tem.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có quyết định thu hồi.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đối với hành vi kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính giả.
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có nội dung, hình ảnh, ký hiệu, dấu hiệu gây kích động, thù hằn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2, khoản 3, 4, 5 và khoản 6 của Điều này;
b) Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 của Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi số tiền chênh lệch do vi phạm hành chính gây ra đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 2 của Điều này.
Điều 24. Vi phạm quy định về quản lý tem bưu chính
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) In tem bưu chính Việt Nam trên các ấn phẩm mà không sử dụng tem bưu chính có in chữ “tem mẫu” (specimen) hoặc tem bưu chính có dấu hủy trừ trường hợp in phóng to gấp nhiều lần dưới dạng pa-nô, áp phích;
b) Không lưu trữ hoặc lưu trữ không đúng quy định về tem bưu chính Việt Nam hoặc hồ sơ mẫu thiết kế tem bưu chính Việt Nam.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) In tem bưu chính Việt Nam không đúng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính;
b) Cung cấp thông tin giả mạo để được cấp giấy phép nhập khẩu tem bưu chính;
c) Nhập khẩu tem bưu chính không đúng quy định trong giấy phép nhập khẩu tem bưu chính.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng, sao chép một phần mẫu tem bưu chính Việt Nam đã duyệt mà không có văn bản cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính;
b) Không thu hồi, xử lý tem bưu chính đặc biệt đã hết thời hạn phát hành theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bưu chính;
c) Nhập khẩu tem bưu chính không có giấy phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi in tem bưu chính Việt Nam không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 của Điều này;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 và khoản 4 của Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tái xuất tem bưu chính do vi phạm hành chính gây ra đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm c khoản 3 của Điều này.
Mục 6
Vi phạm quy định về khiếu nại, bồi thường thiệt hại; chế độ báo cáo; về chấp hành sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Điều 25. Vi phạm quy định về khiếu nại, bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi từ chối tiếp nhận giải quyết khiếu nại hợp pháp.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Giải quyết khiếu nại không đúng thời gian quy định;
b) Không hoàn trả cước dịch vụ đã sử dụng khi không đảm bảo thời gian toàn trình đã công bố.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không bồi thường thiệt hại hoặc bồi thường thiệt hại không đúng quy định của pháp luật.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hoàn trả cước dịch vụ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 của Điều này.
Điều 26. Vi phạm quy định về chế độ báo cáo
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chậm báo cáo đến 15 ngày so với quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiêu chuẩn chất lượng; dịch vụ bưu chính công ích theo quy định.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo không đầy đủ theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện chế độ báo cáo hoặc báo cáo chậm trên 15 ngày so với quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Báo cáo không trung thực theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 27. Hành vi không chấp hành sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các tài liệu, giấy tờ, chứng từ có liên quan theo yêu cầu của người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra;
b) Không khai báo hoặc khai báo không đúng về nội dung liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cản trở việc thanh tra, kiểm tra của nhân viên, cơ quan nhà nước khi thi hành công vụ;
b) Cung cấp không trung thực số liệu, tài liệu phục vụ công tác thanh tra.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tẩu tán tang vật, phương tiện vi phạm đang bị thanh tra, kiểm tra hoặc tạm giữ;
b) Tự ý tháo gỡ niêm phong tang vật vi phạm đang bị niêm phong hoặc tạm giữ.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trì hoãn, trốn tránh không thi hành các quyết định hành chính về thanh tra và xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi tang vật, phương tiện đã bị tẩu tán đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này ;
b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 3 của Điều này.
Chương III
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 28. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành
1. Thanh tra viên chuyên ngành Thông tin và Truyền thông đang, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra đang thi hành công vụ có thẩm quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a, c và g khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
đ) Thực hiện các quyền quy định tại điểm 2 khoản 19 Điều 1 Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và khoản 2 Điều 48 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
2. Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a, c, d, đ và g khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
e) Thực hiện các quyền quy định tại điểm 1 khoản 19 Điều 1 Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
3. Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a, c, d, đ và g khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
e) Thực hiện các quyền quy định tại điểm 1 khoản 19 Điều 1 Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
Điều 29. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành khác
Trong phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước được Chính phủ quy định, Thanh tra viên và Chánh thanh tra các cơ quan thanh tra chuyên ngành khác có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.
Điều 30.Thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại các khoản 4, 5 Điều 1 Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 30 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 trong phạm vi địa bàn do mình quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính về bưu chính được quy định tại Nghị định này.
Điều 31. Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường
Cơ quan Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại các khoản 6, 7, 8, 9, 11 Điều 1 Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008và Điều 37 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đối với những hành vi vi phạm hành chính về bưu chính có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình quản lý được quy định tại Nghị định này.
Điều 32. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
1. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
2. Thẩm quyền xử phạt của những người được quy định tại các Điều 28, 29, 30 và 31 Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
3. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc quy định tại điểm 3 khoản 17 Điều 1 Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
Điều 33.Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt
1. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
2. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và khoản 27 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
3. Các vụ việc vi phạm hành chính bị xử phạt đều phải lập thành hồ sơ và lưu giữ đầy đủ tại cơ quan xử phạt trong thời hạn pháp luật quy định.
Điều 34. Mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính
Ban hành kèm theo Nghị định này là Phụ lục các mẫu biên bản và quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 35. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày…tháng…năm 2011 và thay thế Mục 1, Chương II, Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2004 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện, Nghị định số 55/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2004 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.
Điều 36. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội; Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Bộ TT&TT, Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư.
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng |
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file
Cơ quan soạn thảo Bộ Thông tin và Truyền thông
Loại tài liệu Nghị định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.