Theo dõi (0)

Dự thảo nghị định Quy định về chính sách viện phí và đối tượng nộp, được miễn nộp, giảm nộp viện phí trong các cơ sở y tế công lập

Ngày đăng: 09:28 02-08-2007 | 2915 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Y tế

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính;                            

NGHỊ ĐỊNH:  

Điều 1. Quy định chung
1. Các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, kể cả trạm y tế cơ sở (sau đây gọi chung là cơ sở y tế) được thu viện phí của người bệnh để bù đắp chi phí khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
2. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với người bệnh thuộc các đối tượng chính sách xã hội, người bị bệnh nặng có sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn để bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Điều 2. Đối tượng nộp, miễn nộp và giảm nộp viện phí

1. Đối tượng nộp viện phí:
a) Tất cả công dân Việt Nam, người nước ngoài đang công tác, lao động, học tập, du lịch, quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập đều phải nộp viện phí, trừ các các đối tượng được miễn viện phí quy định tại khoản 3 Điều này.
Trường hợp người nước ngoài là công dân của nước có ký kết Điều ước Quốc tế về khám, chữa bệnh với Việt Nam thì viện phí sẽ được áp dụng theo các quy định của Điều ước Quốc tế đó.
b) Người thuộc đối tượng miễn viện phí quy định tại khoản 3 Điều này nhưng đi khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì phải nộp phần viện phí chênh lệch giữa mức thanh toán viện phí theo yêu cầu và mức thanh toán viện phí thông thường.
c) Người có thẻ Bảo hiểm Y tế, bao gồm cả các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập được Quỹ Bảo hiểm xã hội thanh toán viện phí cho cơ sở y tế theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm Y tế.
2. Các đối tượng sau đây được nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để mua thẻ Bảo hiểm Y tế:
a) Các đối tượng chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;
b) Các đối tượng được hưởng chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn gồm:
- Hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010.
- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo (có mức thu nhập dưới 3,6 triệu đồng/người/năm) sống tại các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực II và III theo Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006 của Uỷ ban Dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển;
c) Hộ cận nghèo (có mức thu nhập từ trên 1 đến 1,5 lần theo chuẩn nghèo) sống tại khu vực nông thôn, miền núi khi tham gia Bảo hiểm Y tế được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 30% mệnh giá thẻ.
3. Đối tượng được miễn nộp viện phí:
a) Trẻ em dưới sáu tuổi: được nhà nước chi trả viện phí cho cơ sở y tế theo quy định hiện hành của pháp luật.
b) Người bị bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, bệnh phong; người bị bệnh lao trong trường hợp khám, chữa bệnh lao;
c) Người mắc các bệnh dịch truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm: Danh mục các bệnh dịch được miễn viện phí theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
d) Người bệnh trong các trường hợp thiên tai, thảm hoạ lớn theo quyết định của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi điều trị tại các cơ sở y tế do trung ương quản lý; của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi điều trị tại các cơ sở y tế do địa phương quản lý;
e) Người tàn tật nặng không còn khả năng lao động, trẻ em mồ côi, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và không có nguồn thu nhập (trừ các đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng và người cao tuổi trên 90 tuổi đã được mua thẻ Bảo hiểm Y tế).
4. Đối tượng được giảm nộp một phần viện phí:
a) Trẻ em từ sáu đến dưới mười sáu tuổi bị bệnh nặng có sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và gia đình trẻ em không có khả năng nộp viện phí.
b) Người bị bệnh nặng có sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, sau khi được Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo hỗ trợ (nếu có) nhưng vẫn không có khả năng nộp số viện phí còn lại do đời sống thực sự khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định danh mục dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể mức giảm nộp viện phí cho các đối tượng quy định tại khoản này nhưng không vượt quá 50% (hoặc 70%) số tiền viện phí phải nộp. Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách của đơn vị để xem xét quyết định việc giảm viện phí cho từng trường hợp cụ thể.
5. Kinh phí để thực hiện khám, chữa bệnh cho các đối tượng được miễn nộp viện phí quy định tại khoản 2, cho các đối tượng được giảm nộp viện phí  quy định tại khoản 3 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý tài chính hiện hành, được tính trong dự toán chi thường xuyên được giao hàng năm của các cơ sở y tế công lập.

Điều 3. Nội dung của viện phí

Viện phí là các khoản chi phí hợp lý mà cơ sở y tế đã chi để phục vụ người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh; bao gồm:
1. Chi phí về thuốc, máu, dịch truyền; vật tư tiêu hao; vật tư thay thế sử dụng trực tiếp cho việc chẩn đoán, điều trị và thực hiện các dịch vụ, kỹ thuật y tế cho người bệnh;
2. Chi phí về tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ của cán bộ y tế;
3. Chi phí về điện, nước, nhiên liệu và các chi phí hậu cần khác;
4. Chi phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản cố định;
5. Khấu hao tài sản cố định;
6. Chi phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học.

Điều 4. Nguyên tắc tính và thu viện phí

Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện nguyên tắc tính và thu viện phí như sau:
1. Chi phí về thuốc, máu, hoá chất, dịch truyền trong những ngày điều trị: Tính và thu theo giá mua vào của cơ sở khám chữa bệnh và số lượng người bệnh đã sử dụng.
2. Chi phí của các dịch vụ y tế như: khám bệnh; kiểm tra sức khoẻ; chăm sóc và phục vụ người bệnh trong những ngày điều trị; các kỹ thuật y tế như: xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, phục hồi chức năng, phẫu thuật, thủ thuật: Chỉ tính và thu các chi phí trực tiếp phục vụ người bệnh, một phần khấu hao trang thiết bị trực tiếp sử dụng để thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế và chi phí để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương hàng năm theo quy định của Chính phủ, gồm:
a) Chi phí về hoá chất, vật tư tiêu hao; riêng các phẫu thuật, thủ thuật bao gồm cả tiền thuốc, máu, dịch truyền sử dụng trong phẫu thuật, thủ thuật.
b) Chi phí về điện, nước, nhiên liệu;
c) Chi phí để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương hàng năm theo quy định của Chính phủ.
d) Chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các trang thiết bị trực tiếp sử dụng để thực hiện dịch vụ, kỹ thuật;
đ) Chi phí khấu hao các trang thiết bị trực tiếp sử dụng để thực hiện dịch vụ, kỹ thuật: Các cơ sở y tế do Trung ương quản lý và các cơ sở y tế tuyến tỉnh của các thành phố trực thuộc Trung ương được thu tối đa 50%; các cơ sở y tế tuyến tỉnh khác được thu tối đa 30% so với tỷ lệ khấu hao hiện hành; tuyến huyện, tuyến xã không thu. Trường hợp thiết bị dùng nguồn vốn xã hội hoá để mua được tính đủ tỷ lệ khấu hao theo quy định.
3. Chưa tính và thu các chi phí như:
a) Chi phí về tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ của cán bộ y tế (trừ phần tiền lương tăng thêm do thực hiện lộ trình cải cách tiền lương quy định tại điểm c khoản 2 Điều này);
b) Chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa lớn tài sản cố định là cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị phụ trợ, gián tiếp;
c) Chi phí khấu hao nhà cửa, cơ sở hạ tầng; khấu hao trang thiết bị phụ trợ, gián tiếp; khấu hao trang thiết bị y tế (trừ phần khấu hao của trang thiết bị trực tiếp đã được phép thu một phần tại điểm đ khoản 2 Điều này).
d) Chi phí quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyển giao công nghệ; nghiên cứu khoa học.
4. Riêng đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu như tự lựa chọn thầy thuốc, buồng bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ y tế; khám chữa bệnh cho người nước ngoài; các dịch vụ, kỹ thuật của các cơ sở y tế tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; các dịch vụ liên doanh, liên kết: được tính và thu theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ các chi phí và có tích luỹ, mức tích luỹ tối đa không vượt quá 10% tổng chi phí.
5. Giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về tuyến chuyên môn kỹ thuật để làm cơ sở xác định các trường hợp khám chữa bệnh theo yêu cầu, tự lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh nhằm hướng dẫn người bệnh lựa chọn các cơ sở y tế gần nơi cư trú, thuận tiện, tiết kiệm chi phí ăn, ở, đi lại; góp phần làm giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên.

Điều 5. Hình thức thu viện phí

a) Thu viện phí theo từng dịch vụ là hình thức thu theo mức viện phí của từng dịch vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cho cơ sở y tế công lập và tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư tiêu hao và thay thế mà người bệnh đã sử dụng trong quá trình khám, chữa bệnh.
b) Thu trọn gói là hình thức thu dựa trên mức chi phí bình quân cho từng loại bệnh hay nhóm bệnh cụ thể đã được chẩn đoán xác định. Mức thu được xây dựng trên cơ sở chi phí bình quân của các khoản mục chi phí được phép thu theo từng loại hình dịch vụ y tế quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Điều 6. Thẩm quyền quyết định mức viện phí

1. Giao Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định Khung mức thu viện phí (gồm mức tối thiểu và mức tối đa) của từng dịch vụ, kỹ thuật y tế trong trường hợp thu viện phí theo từng dịch vụ; của từng loại bệnh, nhóm bệnh trong trường hợp thu trọn gói đối với bệnh, nhóm bệnh đã chẩn đoán phù hợp với từng thời kỳ; điều chỉnh khung viện phí trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng có biến động từ 20% trở lên.
Khung viện phí từng dịch vụ, kỹ thuật y tế; từng loại bệnh, nhóm bệnh đã chẩn đoán giai đoạn đến năm 2010 được xây dựng theo nguyên tắc sau:
a) Mức tối thiểu là chi phí của các dịch vụ, kỹ thuật trong trường hợp sử dụng các loại vật tư, hoá chất, thiết bị thông thường; chưa tính khấu hao trang thiết bị và phần tiền lương tăng thêm để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.
b) Mức tối đa là chi phí của các dịch vụ trong trường hợp sử dụng các loại vật tư, hoá chất, thiết bị tiên tiến, phần khấu hao trang thiết bị y tế trực tiếp sử dụng được tính vào viện phí (50% mức khấu hao hiện hành), tiền lương tăng thêm do thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.
c) Thời gian để tính khấu hao tài sản cố định vào mức thu viện phí thực hiện theo quy định tại Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2. Căn cứ vào các khung mức thu viện phí do liên Bộ ban hành, căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội, khả năng ngân sách của địa phương, cơ cấu chi phí của từng dịch vụ y tế hoặc từng loại bệnh, nhóm bệnh do các cơ sở y tế xây dựng,  Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu viện phí cho các cơ sở y tế do địa phương quản lý, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định khung viện phí cho các cơ sở y tế trực thuộc cho phù hợp, bảo đảm cơ cấu thu viện phí theo nguyên tắc đã được Chính phủ quy định.
3. Mức thu viện phí của các dịch vụ quy định tại khoản 4 Điều 4 do Thủ trưởng cơ sở y tế quyết định. Các cơ sở y tế phải thông báo công khai mức thu để người bệnh biết và tư vấn cho người bệnh trước khi sử dụng các dịch vụ, kỹ thuật y tế này.
4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội, khả năng chi trả chi phí khám, chữa bệnh của nhân dân ở địa phương để trình Hội đồng nhân dân xem xét quyết định cụ thể mức viện phí của trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Điều 7. Quản lý và sử dụng nguồn viện phí

1. Viện phí, kể cả viện phí do cơ quan Bảo hiểm xã hội, Quỹ khám chữa bệnh người nghèo nộp thay cho người bệnh, số chi phí khám chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi được quyết toán theo mức viện phí hiện hành (nếu có) được để lại toàn bộ cho cơ sở y tế sử dụng và là nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, quản lý và sử dụng theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với các cơ sở y tế có thu khấu hao thì toàn bộ số thu khấu hao phải hạch toán vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư, mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
2. Biên lai, hoá đơn viện phí phải theo mẫu do Tổng Cục thuế ban hành. Mọi khoản thu phải do phòng Tài chính-Kế toán của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện. Các đơn vị phải mở sổ kế toán theo đúng chế độ kế toán của Nhà nước quy định để theo dõi, quản lý việc thu, nộp, sử dụng và quyết toán số thu viện phí với cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính cùng cấp.
3. Viện phí chưa chi hết trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hoá Thông tin, các cơ quan thông tấn, báo chí và các ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền để nhân dân hiểu và nắm được chính sách viện phí, chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, chính sách khám chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi của Đảng và Nhà nước.
2. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định đầy đủ, kịp thời các đối tượng chính sách xã hội được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để mua thẻ Bảo hiểm Y tế theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định này nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm bảo kinh phí để mua thẻ Bảo hiểm Y tế hoặc hỗ trợ một phần để mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho các đối tượng chính sách xã hội quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định này.
4. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở y tế trung ương tổ chức khám, chữa bệnh cho người bệnh. Thủ trưởng các cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế theo danh mục do Bộ Y tế quy định để sử dụng cho người bệnh tại bệnh viện, không để người bệnh phải tự mua. Công khai mức viện phí, kể cả mức viện phí khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu để người dân biết, lựa chọn. Chịu trách nhiệm trước nhà nước về mức thu viện phí của đơn vị mình.
5. Nghiêm cấm các cơ sở y tế, cán bộ y tế thu thêm của người bệnh ngoài mức viện phí đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, chỉ định các kỹ thuật y tế không đúng quy chế bệnh viện. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế trong việc chấp hành các quy định tại Nghị định này.
7. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế Nghị định số 95/CP ngày 27/8/1994 của Chính phủ về thu một phần viện phí, Nghị định số 33/CP ngày 23/5/1995 của Chính phủ sửa đổi điểm 1 Điều 6 của Nghị định số 95/CP. Các quy định trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.


 

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
 
  
  
  
 

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo dạng .DOC

Ngày nhập

02/08/2007

Đã xem

2915 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Y tế

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com