Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước

Ngày đăng: 10:50 23-09-2009 | 1615 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

CHÍNH PHỦ


Số: .../2009/NĐ-CP

(Dự thảo)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do – Hạnh phúc


Hà Nội, ngày ... tháng ... năm 2009

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án.

Điều 2. Xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

1. Nhà nước chỉ bồi thường đối với các trường hợp thiệt hại được quy trong phạm vi của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi có đủ các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết trong các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;

b) Thiệt hại xảy ra trong điều kiện vì người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn;

c) Các trường hợp do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG

TẠI CƠ QUAN CÓ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG

Điều 3. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính

Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được xác định như sau:

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là cán bộ, công chức của các đơn vị thuộc Bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này;

2. Tổng cục; cục hoặc chi cục và các đơn vị có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại do các đơn vị này trực tiếp quản lý;

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và người thi hành công vụ do các đơn vị thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quản lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 điều này;

4. Các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, theo theo quy định tại Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4 tháng 2 năm 2008, trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại do các cơ quan này trực tiếp quản lý;

5. Uỷ ban nhân dân cấp huyện, trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên Uỷ ban nhân dân cấp huyện và người thi hành công vụ do các đơn vị thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý;

6. Uỷ ban nhân dân cấp xã, trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên Uỷ ban nhân dân cấp xã và người thi hành công vụ do Uỷ ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý;

7. Cơ quan nhà nước khác theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường có thẩm quyền.

Điều 4. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự

Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được xác định như sau:

1. Tổng cục thi hành án dân sự, trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại do Tổng cục trực tiếp quản lý;

2. Cục thi hành án dân sự, trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại do Cục trực tiếp quản lý;

3. Chi cục thi hành án dân sự, trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại do Chi cục trực tiếp quản lý.

Điều 5. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường

1. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án

Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án được thực hiện theo quy định tại các điều 14 và 40 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các điều 3 và 4 của Nghị định này.

Trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường có thẩm quyền theo quy định tại Chương IV của Nghị định này xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo thủ tục sau đây:

a) Trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường phải có văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

b) Trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường, thời hạn ban hành văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường được tiến hành như sau:

- Theo yêu cầu của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc gây ra thiệt hại để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường;

- Trong trường hợp không có sự thống nhất về việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường quyết định một cơ quan trong số các cơ quan có liên quan thực hiện việc giải quyết bồi thường.

c) Văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải được gửi ngay cho người bị thiệt hại và cơ quan có trách nhiệm bồi thường để thực hiện.

2. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng

a) Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

b) Trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.

Điều 6. Cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường

1. Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường.

Trường hợp thủ trưởng cơ quan là người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc là vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột (sau đây gọi chung là người có liên quan) của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại thì tập thể lãnh đạo cơ quan cùng thảo luận, thống nhất cử một đại diện lãnh đạo cơ quan chịu trách nhiệm về việc giải quyết bồi thường.

Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoạt động theo chế độ tập thể thì tập thể cơ quan quyết định cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường

2. Người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là cán bộ cấp phòng trở lên hoặc tương đương;

b) Có ít nhất 05 năm công tác trong ngành, lĩnh vực phát sinh trách nhiệm bồi thường;

c) Không phải là người có liên quan của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc người bị thiệt hại.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường

Người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan về việc giải quyết bồi thường và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức việc xác minh thiệt hại theo quy định tại Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

b) Thực hiện việc thương lượng với người bị thiệt hại về việc giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 19 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

c) Báo cáo thủ trưởng cơ quan về kết quả xác minh thiệt hại và kết quả thương lượng;

d) Chuẩn bị dự thảo quyết định giải quyết bồi thường;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến việc giải quyết bồi thường theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong quá trình giải quyết bồi thường

Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết bồi thường và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức việc giải quyết bồi thường theo thủ tục quy định tại Điều 9 của Nghị định này;

b) Hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi công tác của người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường;

c) Báo cáo về việc giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này;

d) Cung cấp các quyết định liên quan đến việc giải quyết bồi thường cho người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại;

đ) Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về bồi thường;

e) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành việc xác minh thiệt hại để làm căn cứ xác định mức bồi thường theo quy định tại Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 19 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành việc dự thảo quyết định giải quyết bồi thường. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể gửi dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan.

4. Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 20 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

5. Ngay sau khi quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường theo quy định tại Điều 54 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trường hợp người bị thiệt hại không được cơ quan có trách nhiệm bồi thường chi trả tiền bồi thường trong thời hạn do Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước định thì họ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường có thẩm quyền đôn đốc việc chi trả tiền bồi thường.

Điều 10. Thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại

1. Người thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường

Việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường do một trong những người sau đây thực hiện:

a) Đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường;

b) Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở trong trường hợp tống đạt quyết định giải quyết bồi thường thông qua Uỷ ban nhân dân;

c) Nhân viên bưu điện trong trường hợp thông qua bưu điện;

d) Những người khác do pháp luật quy định.

2. Thủ tục thông báo quyết định giải quyết bồi thường

a) Người thực hiện việc thông báo phải trực tiếp chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận quyết định giải quyết bồi thường. Thời điểm để tính hiệu lực của quyết định giải quyết bồi thường là ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường. Ngày ký nhận của người bị thiệt hại được tính là ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường.

b) Trong trường hợp người bị thiệt hại vắng mặt thì quyết định giải quyết bồi thường có thể được giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ. Người thân thích phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận quyết định giải quyết bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người bị thiệt hại. Ngày ký nhận của người thân thích cùng cư trú được coi là ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường.

Trong trường hợp người bị thiệt hại không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng họ không chịu nhận hộ quyết định giải quyết bồi thường thì có thể chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là tổ trưởng tổ dân phố), Uỷ ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn nơi người bị thiệt hại cư trú và yêu cầu những người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người bị thiệt hại. Ngày ký nhận của tổ trưởng tổ dân phố, người đại diện của Ủy ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn được coi là ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường.

3. Trong trường hợp việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường qua người khác thì người thực hiện phải lập biên bản ghi rõ việc người bị thiệt hại vắng mặt, quyết định giải quyết bồi thường đã được giao cho ai; lý do; ngày, giờ giao; quan hệ giữa họ với nhau; cam kết giao lại tận tay ngay quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại. Biên bản có chữ ký của người nhận chuyển quyết định giải quyết bồi thường và người thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường, người chứng kiến.

4. Trong trường hợp người bị thiệt hại đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường theo địa chỉ mới của họ.

5. Trong trường hợp người bị thiệt hại vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc chuyển giao. Biên bản phải có chữ ký của người cung cấp thông tin.

6. Trong trường hợp người bị thiệt hại từ chối nhận quyết định giải quyết bồi thường thì người thực hiện việc chuyển giao phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận quyết định giải quyết bồi thường.

Điều 11. Thủ tục trả lại tài sản

Trong quá trình giải quyết bồi thường, nếu có căn cứ trả lại tài sản theo quy định tại Điều 50 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổ chức việc trả lại tài sản theo thủ tục sau đây:

1. Việc trả lại tài sản được tiến hành tại trụ sở cơ quan đã ra quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu tài sản hoặc nơi đang bảo quản tải sản.

Mọi chi phí cho việc vận chuyển, lắp ráp, khôi phục hiện trạng ban đầu của tài sản do cơ quan đã ra quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu chi trả.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ, cơ quan đã ra các quyết định đó có trách nhiệm thông báo cho người bị thiệt hại về việc trả lại tại tài sản. Trong nội dung thông báo phải ghi rõ về địa điểm, thời gian trả lại tài sản.

3. Khi tiến hành trả lại tài sản, công chức được giao thực hiện việc trả lại tài sản có trách nhiệm yêu cầu người đến nhận lại tài sản xuất trình các giấy tờ chứng minh là người có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu hoặc là người được người đó ủy quyền.

4. Công chức được giao thực hiện việc trả lại tài sản yêu cầu người đến nhận kiểm tra về số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản dưới sự chứng kiến của thủ kho nơi bảo quản tài sản.

5. Việc trả lại tài sản phải được lập thành biên bản có chữ ký của người đến nhận lại tài sản, đại điện cơ quan có trách nhiệm bồi thường và công chức được giao thực hiện việc trả lại tài sản và thủ kho nơi bảo quản tài sản.

Điều 12. Trách nhiệm báo cáo về việc giải quyết bồi thường

1. Khi thực hiện giải quyết bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án phải báo cáo cho cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp về các sự kiện sau đây:

a) Thụ lý đơn yêu cầu bồi thường;

b) Ban hành quyết định giải quyết bồi thường;

c) Người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường;

d) Thực hiện thủ tục chi trả tiền bồi thường.

Kèm theo báo cáo phải có bản sao các tài liệu có liên quan đến việc giải quyết bồi thường.

2. Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì báo cáo về việc giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 của Điều này được gửi cho Bộ Tư pháp.

3. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng phải báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giải quyết bồi thường theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.

Chương III

TRÁCH NHIỆM HOÀN TRẢ CỦA NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ

Điều 13. Thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả

1. Ngay sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Trường hợp thủ trưởng cơ quan là người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc là người liên quan của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại thì thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan có trách nhiêm bồi thường ra quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.

3. Thành phần Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả bao gồm:

a) Đại diện lãnh đạo cơ quan có trách nhiệm bồi thường, Chủ tịch Hội đồng;

b) Đại diện tổ chức công đoàn cơ quan có trách nhiệm bồi thường;

c) Thủ trưởng trực tiếp của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại;

d) Người phụ trách công tác tài chính - kế toán của cơ quan có trách nhiệm bồi thường;

đ) Một số chuyên gia về ngành kinh tế, kỹ thuật và pháp lý có liên quan.

Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc các cơ quan khác nhau cùng gây ra thiệt hại thì đại diện lãnh đạo của các cơ quan này phải tham gia Hội đồng.

Thành viên Hội đồng không là người có liên quan của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả

Hội đồng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Xem xét, đánh giá tính chất của hành vi gây thiệt hại; mức độ thiệt hại; mức độ lỗi của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại;

2. Xác định điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại;

3. Kiến nghị với thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả;

4. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 15. Phương thức làm việc của Hội đồng

1. Hội đồng chỉ họp khi có từ 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt;

2. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Trong quá trình thảo luận và quyết định, các thành viên Hội đồng phải khách quan, dân chủ và tuân theo các quy định của pháp luật;

3. Việc kiến nghị về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín và theo nguyên tắc đa số;

4. Biên bản về cuộc họp của Hội đồng phải được Hội đồng xem xét, thông qua và Chủ tịch Hội đồng ký;

5. Các cuộc họp của Hội đồng phải có sự tham gia của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại. Trường hợp người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại được Hội đồng mời họp mà không đến tham dự thì Hội đồng vẫn họp, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Điều 16. Xác định mức hoàn trả

Việc xác định mức hoàn trả được thực hiện theo các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và theo nguyên tắc sau đây:

1. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó, tại thời điểm quyết định việc hoàn trả;

Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này.

2. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì phải hoàn trả một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng tối đa không quá 03 tháng lương của người đó, tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

Điều 17. Ban hành quyết định hoàn trả

1. Căn cứ vào kiến nghị của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả, người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 59 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ban hành quyết định hoàn trả.

2. Trong trường hợp người có thẩm quyền ban hành quyết định hoàn trả có ý kiến khác với kiến nghị của Hội đồng thì có quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó.

Điều 18. Xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự.

2. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải yêu cầu Toà án xác định trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn của bị cáo là người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại theo quy định tại Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự để hoàn trả số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Điều 19. Thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền hoàn trả

1. Người thi hành công vụ gây ra thiệt hại phải thực hiện đúng thời hạn, mức và phương thức hoàn trả ghi trong quyết định hoàn trả.

2. Trường hợp trách nhiệm hoàn trả được xác định theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này thì áp dụng thủ tục thi hành án dân sự để thu tiền hoàn trả.

3. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thu và nộp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại Kho bạc nhà nước số tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật.

4. Số tiền hoàn trả phải được theo dõi, quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 20. Xử lý người thi hành công vụ cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả

1. Người thi hành công vụ đã được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông báo đến lần thứ ba về nghĩa vụ của mình mà cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì bị kỷ luật theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp người thi hành công vụ đã chuyển công tác tại cơ quan khác trong bộ máy nhà nước thì cơ quan nhà nước đó có trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả và quyết định biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 1 của Điều này.

3. Trường hợp người thi hành công vụ không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG

Điều 21. Nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Phổ biến, tuyên truyền về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường.

4. Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các cán bộ thực hiện công tác giải quyết bồi thường.

5. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường.

6. Theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết bồi thường.

7. Theo dõi, đôn đốc việc chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả.

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

9. Thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp

1. Thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

b) Hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường;

c) Giải đáp vướng mắc về việc thực hiện pháp luật về bồi thường;

d) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp không có sự thống nhất về trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;

đ) Theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết bồi thường nhà nước trong phạm vi cả nước;

e) Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc giải quyết bồi thường trong phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

g) Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường, kịp thời phát hiện những yếu kém, hạn chế về lề lối làm việc, trình độ, kinh nghiệm của cán bộ, công chức để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục.

2. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan hướng dẫn việc giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng và quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng;

b) Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật;

c) Hàng năm tổng hợp về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng, báo cáo Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 21 và khoản 1 Điều 23 của Nghị định này.

Điều 23. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ

Các Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 21 của Nghị định này và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các cơ quan trong phạm vi do mình quản lý theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;

2. Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường;

3. Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Điều 24. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 21 của Nghị định này;

2. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc địa phương do mình quản lý theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;

3. Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường;

4. Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Điều 25. Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

1. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của mình.

2. Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương.

3. Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 26. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 2, 3, 6, 7 và 8 Điều 21 của Nghị định này và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc địa phương do mình quản lý theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định này;

2. Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương;

3. Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 27. Bảo đảm về tổ chức và biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường

1. Cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường:

a) Cục quản lý bồi thường nhà nước là đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi cả nước theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này;

b) Tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ tham mưu, giúp Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này;

c) Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi địa phương theo quy định tại Điều 24 của Nghị định này;

d) Phòng quản lý bồi thường nhà nước là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi địa phương;

đ) Tổ chức pháp chế của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu, giúp thủ trưởng cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này;

e) Phòng Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại Điều 26 của Nghị định này;

2. Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo bố trí biên chế đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường thuộc phạm vi do mình quản lý.

Điều 28. Bảo đảm tài chính cho công tác quản lý nhà nước về bồi thường và công tác giải quyết bồi thường

1. Kinh phí bồi thường thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được bảo đảm từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại Chương VI Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về bồi thường và công tác giải quyết bồi thường được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách các Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về bồi thường và công tác giải quyết bồi thường.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ... tháng ... năm 2010.

2. Các trường hợp được bồi thường theo Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (sau đây gọi chung là Nghị định số 47/CP) đến thời điểm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực mà còn thời hiệu theo quy định của Nghị định số 47/CP nhưng chưa yêu cầu Nhà nước bồi thường hoặc đã yêu cầu nhưng chưa được thụ lý thì áp dụng các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định này để giải quyết.

3. Không áp dụng quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ tại Chương III của Nghị định này để giải quyết việc hoàn trả đối với các trường hợp áp dụng thủ tục giải quyết bồi thường theo quy định tại Nghị định số 47/CP.

Điều 30. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Nghị định, hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Nghị định để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác bồi thường./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ;

- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- BQL KKTCKQT Bờ Y;

- Ngân hàng Chính sách Xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;

- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91;

- VPCP: BTCN, các PCN, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, PL

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Nghị định

Ngày nhập

23/09/2009

Đã xem

1615 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com