Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực
Ngày đăng: 09:13 05-11-2012 | 1856 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Công Thương
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
DỰ THẢO 22/10/2012
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày tháng năm 2012;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; mua bán điện; giá bán lẻ điện và giấy phép hoạt động điện lực.
Chương I
QUY HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC
Điều 2. Trách nhiệm trong việc lập, quản lý, tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm:
a) Lựa chọn tư vấn lập, thẩm định đáp ứng mục tiêu bảo đảm nội dung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia có chất lượng, tính khả thi cao;
b) Sử dụng cơ chế, biện pháp hành chính thiết thực, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Lựa chọn tư vấn lập, thẩm định đáp ứng mục tiêu bảo đảm nội dung Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trự thuộc trung ương có chất lượng, tính khả thi cao;
b) Ban hành theo thẩm quyền quyết định dành quỹ đất cho các dự án điện lực và quyết định thu hồi diện tích đất giành cho các dự án điện lực phù hợp với thời hạn quy định tại Quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt;
c) Ban hành các cơ chế liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, hành lang an toàn của các dự án nguồn điện, lưới điện trên địa bàn của địa phương phù hợp với các quy định của pháp luật;
d) Xác định và ban hành theo thẩm quyền các loại giá liên quan đến bồi thường đất đai, tài sản gắn trên đất thuộc địa bàn quản lý của địa phương phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai;
đ) Chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư tổ chức thực hiện việc bồi thường, di dân, tái định cư để giải phóng mặt bằng, hành lang an toàn của các dự án điện lực;
e) Quyết định theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật việc cấp đủ diện tích đất cho mặt bằng, hành lang an toàn, khu nhà ở công nhân, khu di dân tái định cư của các dự án nguồn điện, lưới điện.
3. Tư vấn lập Quy hoạch phát triển điện lực có trách nhiệm:
a) Đảm bảo chất lượng và tính khả thi của Quy hoạch phát triển điện lực; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;
b) Đảm bảo đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 8a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
c) Nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển lực đã được phê duyệt và việc điều chỉnh, bổ sung quỹ đất cho các dự án điện lực phù hợp với Quy hoạch phát triển lực điều chỉnh được duyệt;
d) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sử dụng tiết kiệm đất và các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật có liên quan đến các giải pháp sử dụng tiết kiệm đất trong thiết kế, xây dựng các dự án nguồn điện, lưới điện để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Chủ đầu tư các dự án điện lực có trách nhiệm:
a) Cấp đủ, kịp thời kinh phí cho đơn vị hoặc tổ chức thực hiện bồi thường, di dân, tái định cư trực thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp;
b) Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền các hồ sơ có liên quan đến việc cấp đất cho mặt bằng, hành lang an toàn, khu nhà ở của công nhân viên, khu di dân tái định cư của các dự án điện lực để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định;
c) Phối hợp với đơn vị hoặc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, di dân, tái định cư trực thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp để triển khai bồi thường, di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
5. Tổ chức, cá nhân có nhà cửa và tài sản gắn với diện tích đất thuộc phạm vi mặt bằng, hành lang an toàn của các dự án điện lực có trách nhiệm:
a) Thực hiện đúng thời hạn trong quyết định thu hồi đất của Uỷ ban nhân dân các cấp;
b) Hợp tác với tổ chức thực hiện công tác bồi thường, di dân, tái định cư trực thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc di dời, giải phóng mặt bằng, hành lang an toàn của các dự án nguồn điện, lưới điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Điều 3. Trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực
1. Bộ trưởng Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả, tác động và ảnh hưởng của việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh. Định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả, sự tác động, ảnh hưởng trong việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh để báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Điều 4. Nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
1. Nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật Điện lực bao gồm:
a) Nhà máy điện hạt nhân;
b) Một số nhà máy thủy điện.
2. Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các nhà máy điện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 5. Trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện
1. Đơn vị phát điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm cắt, trạm biến áp trong phạm vi quản lý của mình đồng bộ với trang thiết bị công nghệ phát điện để đấu nối với hệ thống điện, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Đơn vị truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm biến áp, trạm cắt, trạm bù công suất phản kháng trong phạm vi quản lý của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Điều 6. Xây dựng, cải tạo lưới điện
1. Các đường dây, trạm biến áp truyền tải và phân phối điện xây dựng mới phải được thiết kế và sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương đương hoặc cao hơn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam.2. Đơn vị truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, lộ trình cải tạo, nâng cấp các đường dây, trạm biến áp truyền tải và phân phối hiện có để đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chẩn quốc gia theo quy định.
3. Tổ chức, cá nhân có trạm biến áp riêng chịu trách nhiệm đầu tư cải tạo, nâng công suất trạm biến áp của mình trong trường hợp đơn vị truyền tải điện, phân phối điện xác định trạm biến áp riêng đó không còn đủ tiêu chuẩn vận hành hoặc quá tải.
Điều 7. Quản lý nhu cầu điện
Quản lý nhu cầu điện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 của Luật Điện lực là những hoạt động khuyến khích, hướng dẫn việc thay đổi phương thức sử dụng điện; tăng hiệu suất của thiết bị; chống lãng phí, giảm tổn thất điện năng; giảm phụ tải đỉnh, giảm chênh lệch phụ tải giữa giờ cao điểm và thấp điểm.
Điều 8. Trách nhiệm quản lý nhu cầu điện
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm:
a) Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về quản lý nhu cầu điện và hướng dẫn, tổ chức thực hiện;
b) Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và đề nghị thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhu cầu điện;
c) Hướng dẫn các đơn vị điện lực xây dựng các chương trình, kế hoạch quản lý nhu cầu, cách thức quản lý, đánh giá kết quả thực hiện;
d) Phê duyệt cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động quản lý nhu cầu điện, nghiên cứu và phát triển liên quan đến quản lý nhu cầu điện do Cơ quan điều tiết điện lực xây dựng và trình.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xây dựng và công bố các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về hiệu suất năng lượng, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và các quy định liên quan được quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
3. Bộ Xây dựng có trách nhiệm ban hành quy định liên quan đến hiệu quả sử dụng điện trong các tòa nhà phù hợp với quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
4. Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng các cơ chế tài chính để khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động quản lý nhu cầu điện, nghiên cứu và phát triển liên quan đến quản lý nhu cầu điện.
5. Các đơn vị điện lực có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện các hoạt động của chương trình quản lý nhu cầu điện;
b) Báo cáo kết quả thực hiện các kế hoạch quản lý nhu cầu điện theo quy định của Bộ Công Thương.
6. Khách hàng sử dụng điện có trách nhiệm tham gia thực hiện các nội dung trong chương trình quản lý nhu cầu điện.
Điều 9. Điều kiện đấu nối công trình điện lực vào lưới điện quốc gia
1. Công trình điện lực đấu nối vào hệ thống điện quốc gia phải đáp ứng các điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và có Thỏa thuận đấu nối với đơn vị quản lý vận hành lưới điện.
2. Bộ Công Thương quy định các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật, trình tự, thủ tục thực hiện đấu nối và mẫu Thỏa thuận đấu nối cho đấu nối công trình điện lực vào hệ thống điện quốc gia.
Điều 10. Hỗ trợ đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi và hải đảo
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi và hải đảo.
Chương II
MUA BÁN ĐIỆN
Điều 11. Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt
1. Điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt
a) Bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ sau: hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú, giấy chứng nhận sở hữu nhà hoặc hợp đồng thuê nhà;
b) Bên bán điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua điện.
2. Bên bán điện phải ký hợp đồng và cấp điện cho bên mua điện trong thời hạn bảy ngày làm việc khi bên mua đã đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Trường hợp chưa có lưới điện phân phối hoặc lưới điện phân phối bị quá tải có xác nhận của cơ quan điều tiết điện lực, bên bán điện phải trả lời cho bên mua điện trong thời hạn năm ngày làm việc trong đó nêu rõ thời hạn dự kiến cấp điện được.
3. Bộ Công Thương ban hành mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt.
Điều 12. Các hành vi vi phạm các quy định về mua bán điện
1. Các hành vi vi phạm của bên bán điện bao gồm:
a) Trì hoãn việc cấp điện sau khi hợp đồng mua bán điện đã ký;
b) Không bảo đảm chất lượng, số lượng điện năng, tính ổn định trong cấp điện theo hợp đồng đã ký, trừ trường hợp bất khả kháng;
c) Trì hoãn việc đóng điện cho công trình của khách hàng đã có đủ điều kiện vận hành;
d) Ghi sai chỉ số công tơ; tính sai tiền điện trong hoá đơn; bán sai giá quy định;
đ) Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên mua điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
e) Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.
2. Các hành vi vi phạm của bên mua điện bao gồm:
a) Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký trong trường hợp mua buôn điện để bán lại cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện;
b) Sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng;
c) Sử dụng thấp hoặc cao hơn công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ thấp điểm hoặc cao điểm;
d) Không thanh lý hợp đồng khi không sử dụng điện;
đ) Chậm trả tiền điện theo quy định mà không có lý do chính đáng;
e) Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên bán điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
g) Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.
3. Bộ Công Thương hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện khi các bên mua, bán điện có yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm ban hành quy định các tiêu chuẩn chất lượng điện năng (tần số, điện áp, sóng hài, dao động điện áp, mức nhấp nháy điện áp).
2. Chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng sử dụng điện phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây:
a) Về điện áp: trong điều kiện bình thường, độ lệch điện áp cho phép trong khoảng ± 5% so với điện áp danh định của lưới điện và được xác định tại vị trí đặt thiết bị đo đếm điện hoặc tại vị trí khác do hai bên thoả thuận. Đối với lưới điện chưa ổn định sau sự cố đơn lẻ, độ lệch điện áp cho phép từ +5% đến -10%; trường hợp sự cố nghiêm trọng hoặc khôi phục sự cố cho phép mức dao động điện áp trong khoảng +10% so với điện áp danh định;
b) Về tần số: trong điều kiện bình thường, độ lệch tần số hệ thống điện cho phép trong phạm vi ± 0,2Hz so với tần số danh định là 50Hz. Trường hợp hệ thống điện chưa ổn định sau sự cố đơn lẻ, độ lệch tần số cho phép là ± 0,5Hz so với tần số định mức.
3. Bên mua điện để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trạm biến áp riêng hoặc không có trạm biến áp riêng nhưng có công suất sử dụng cực đại từ 80 kW trở lên có trách nhiệm:
a) Đăng ký biểu đồ phụ tải và đặc tính kỹ thuật công nghệ của thiết bị sử dụng điện với bên bán điện;
b) Đảm bảo hệ số cosφ ≥ 0,9 tại điểm đặt thiết bị đo đếm điện trong điều kiện hệ thống điện đảm bảo chất lượng điện năng theo quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Lắp đặt thiết bị bù công suất phản kháng trong trường hợp hệ số cosφ < 0,9 để nâng hệ số cosφ ≥ 0,9 hoặc mua thêm công suất phản kháng trên hệ thống điện của bên bán điện;
d) Đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về sóng hài, dao động điện áp, nhấp nháy điện áp theo quy định.
4. Trường hợp bên mua điện có khả năng phát công suất phản kháng lên hệ thống điện, hai bên có thể thoả thuận việc mua, bán công suất phản kháng thông qua hợp đồng.
Bộ Công Thương hướng dẫn việc mua, bán công suất phản kháng quy định tại Điều này.
5. Các bên mua bán điện có thể thoả thuận chất lượng điện năng khác với tiêu chuẩn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.
1. Bên mua điện sử dụng điện vào nhiều mục đích có giá điện khác nhau được lắp đặt công tơ điện riêng cho từng mục đích sử dụng. Trường hợp chưa lắp đặt công tơ điện riêng, hai bên phải thỏa thuận cách tính tỷ lệ điện năng theo từng loại giá.
2. Khi thay đổi thiết bị đo đếm điện, bên mua điện và bên bán điện phải cùng ký biên bản xác nhận thông số kỹ thuật của thiết bị đo đếm điện và chỉ số công tơ điện.
3. Trường hợp thiết bị đo đếm điện bị mất hoặc hư hỏng thì hai bên lập biên bản để xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các bên có liên quan. Nếu không xác định được nguyên nhân do lỗi của bên mua điện thì bên bán điện có trách nhiệm sửa chữa hoặc thay thế thiết bị đo đếm điện mới và tiếp tục cấp điện cho bên mua điện.
4. Bộ Công Thương có trách nhiệm quy định về đo đếm điện năng trong hệ thống điện và quy định về thu thập số liệu đo đếm tự động, từ xa.
Điều 15. Ghi chỉ số công tơ điện
1. Đối với điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt, bên bán điện ghi chỉ số công tơ điện mỗi tháng một lần vào ngày ấn định, cho phép dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số công tơ trước hoặc sau một ngày, trừ trường hợp bất khả kháng.
2. Đối với điện sử dụng ngoài mục đích sinh hoạt, việc ghi chỉ số công tơ điện của bên bán điện được quy định như sau:
a) Dưới 50.000 kWh/tháng, ghi chỉ số một lần trong một tháng;
b) Từ 50.000 đến 100.000 kWh/tháng, ghi chỉ số hai lần trong một tháng;
c) Trên 100.000 kWh/tháng, ghi chỉ số ba lần trong một tháng.
3. Đối với bên mua điện sử dụng điện năng ít hơn 15 kWh/tháng, chu kỳ ghi chỉ số công tơ do hai bên thoả thuận.
4. Đối với việc mua bán buôn điện, việc ghi chỉ số công tơ do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.
5. Bên bán điện phải bảo đảm tính chính xác của chỉ số công tơ điện đã ghi.
Điều 16. Trách nhiệm bảo vệ công tơ điện của bên mua điện
1. Bảo vệ công tơ điện đặt trong phạm vi quản lý của mình theo thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện. Trường hợp công tơ điện bị mất phải bồi thường, làm hư hỏng phải chịu chi phí cho việc sửa chữa, kiểm định.
2. Không được tự ý tháo gỡ, di chuyển công tơ điện. Khi có nhu cầu di chuyển công tơ điện sang vị trí khác phải được sự đồng ý của bên bán điện và phải chịu chi phí di chuyển.
Điều 17. Kiểm định thiết bị đo đếm điện bị khiếu nại
1. Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định thiết bị đo đếm điện theo yêu cầu của bên mua điện theo quy định tại khoản 3 Điều 25 của Luật Điện lực.
2. Tổ chức kiểm định độc lập thiết bị đo đếm điện là tổ chức không có quyền và lợi ích liên quan đến các bên mua bán điện và trước đó chưa tham gia vào việc kiểm định thiết bị đo đếm điện đang bị khiếu nại.
1. Hoá đơn thanh toán tiền điện được lập theo chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện.
2. Trường hợp công tơ điện chạy nhanh hơn so với tiêu chuẩn quy định, tiền điện phải thanh toán theo quy định tại Điều 23 của Luật Điện lực và được xác định như sau:
a) Nếu xác định được thời gian công tơ điện chạy nhanh, bên bán điện phải hoàn trả lại tiền điện năng thực tế đã thu vượt của bên mua điện;
b) Nếu không xác định được chính xác thời gian công tơ điện chạy nhanh, bên bán điện phải hoàn trả lại tiền điện đã thu vượt trội theo thời hạn tính toán là bốn chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện, kể cả kỳ đang sử dụng điện nhưng chưa đến ngày ghi chỉ số.
3. Trường hợp bên mua điện sử dụng điện trong thời gian công tơ điện bị mất hoặc ngừng hoạt động thì tiền điện phải thanh toán được tính theo điện năng bình quân ngày của ba chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện liền kề trước đó nhân với số ngày thực tế sử dụng điện. Số ngày thực tế sử dụng điện được tính từ ngày ghi chỉ số công tơ điện gần nhất đến ngày công tơ điện được phục hồi hoạt động.
4. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hoà giải theo quy định tại khoản 5 Điều 23 của Luật Điện lực là Sở Công Thương hoặc cơ quan, tổ chức khác do hai bên thoả thuận.
Điều 19. Quyền được vào khu vực quản lý của bên mua điện
Người được đơn vị điện lực cử vào khu vực quản lý của bên mua điện để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, ghi chỉ số công tơ và liên hệ với khách hàng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41, điểm d khoản 1 Điều 43 và điểm đ khoản 1 Điều 44 của Luật Điện lực phải được cấp thẻ nghiệp vụ và phải xuất trình với bên mua điện.
Điều 20. Mua bán điện với nước ngoài
1. Cơ quan có thẩm quyền cho phép mua bán điện với nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Điện lực là Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Công Thương xem xét đề nghị mua bán điện với nước ngoài của các đơn vị điện lực trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương
Loại tài liệu Nghị định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.