Theo dõi (0)

Dự thảo nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới

Ngày đăng: 15:31 18-04-2007 | 2060 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Công Thương

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới

Chính phủ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
[Căn cứ ý kiến của ủy ban thường vụ Quốc hội...............];
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các cam kết sau đây của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO):
 
a) Cam kết về phương thức cung cấp dịch vụ dưới các hình thức hiện diện thương mại quy định tại Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ (sau đây gọi là Biểu cam kết về dịch vụ) và các Đoạn: 502, 503 và 507 của Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO (sau đây gọi là Báo cáo gia nhập WTO);
 
b) Cam kết về quyền kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nêu tại các Đoạn 146 và 147 của Báo cáo gia nhập WTO;
 
c) Cam kết về trợ cấp công nghiệp dưới hình thức ưu đãi đầu tư quy định tại các Đoạn 286 và 288 của Báo cáo gia nhập WTO;
 
d) Cam kết về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (viết tắt tiếng Anh là TRIMs) quy định tại Đoạn 322 của Báo cáo gia nhập WTO;
 
đ) Cam kết về hoạt động của các khu tự do, khu kinh tế đặc biệt quy định tại các Đoạn 338 và 339 của Báo cáo gia nhập WTO;
 
e) Cam kết về doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thương mại nhà nước quy đinh tại các Đoạn 78 và 79 của Báo cáo gia nhập WTO;
 
f) Một số cam kết khác quy định tại Báo cáo gia nhập WTO.
  
2. Nghị định này áp dụng đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật khác.
 
Điều 2: Giải thích từ ngữ:

Theo quy định tại Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ, Báo cáo gia nhập WTO và trong phạm vi áp dụng của Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
 
1. "Báo cáo gia nhập WTO" là tài liệu số WT/ACC/VNM/48 ngày 27/10/2006 của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO;
 
2. "Biểu cam kết về dịch vụ" là tài liệu số WT/ACC/48/Add.2 của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO, gồm phần cam kết chung và phần cam kết trong các ngành dịch vụ cụ thể;
 
3. "Cam kết chung" là cam kết được áp dụng đối với toàn bộ các ngành, phân ngành dịch vụ được liệt kê tại Biểu cam kết về dịch vụ, [trừ trường hợp phần cam kết trong các ngành dịch vụ cụ thể có quy định khác];
 
4. "Cam kết trong các ngành dịch vụ cụ thể" là cam kết áp dụng đối với từng ngành, phân ngành dịch vụ cụ thể được liệt kê tại Biểu cam kết về dịch vụ ngoài những cam kết chung nêu tại khoản 3, Điều này;
 
5. "Hạn chế về tiếp cận thị trường" là những hạn chế áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài đối với việc thành lập hiện diện thương mại trong các ngành, phân ngành được liệt kê tại Biểu cam kết về dịch vụ, và được áp dụng thông qua một hoặc nhiều biện pháp sau:
 
a. Hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ;
 
b. Hạn chế về tổng giá trị của các giao dịch hoặc tài sản;
 
c. Hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ cung cấp;
 
d. Hạn chế về số lượng lao động;
 
đ. Hạn chế về hình thức thành lập doanh nghiệp;
 
e. Hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nước ngoài;
 
6. "Hạn chế về đối xử quốc gia" là các hạn chế áp dụng riêng đối với hoạt động của các hình thức hiện diện thương mại trong các ngành/phân ngành dịch vụ quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ;
 
7. "Hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài" là hạn chế về tỷ lệ vốn góp thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong dự án đầu tư hoặc tỷ lệ cổ phần được phép mua lại của các doanh nghiệp Việt Nam;
 
8. "Không hạn chế" là việc không áp dụng biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường hoặc đối xử quốc gia đối với việc thành lập hoặc hoạt động của hiện diện thương mại trong các ngành, phân ngành dịch vụ quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ; 
 
9. "Không cam kết" hoặc "Chưa cam kết" việc áp dụng [theo quy định của pháp luật Việt Nam] các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia (nếu có) đối với việc thành lập hoặc hoạt động của hiện diện thương mại trong các ngành, phân ngành dịch vụ quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ;
 
10. "Hiện diện thương mại" là phương thức cung cấp dịch vụ của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua việc thành lập doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam; 
 
11.  "Ngành", "Phân ngành dịch vụ"  là các ngành, phân ngành dịch vụ được phân loại tương ứng với mã số của Bảng phân loại sản phẩm chủ yếu của Liên Hợp quốc (viết tắt tiếng Anh là CPC);
 
12. "Kiểm tra nhu cầu kinh tế (viết tắt tiếng Anh là ENT)" là việc xem xét cấp giấy phép hoặc các hình thức chấp thuận khác đối với việc thành lập, hoạt động của hiện diện thương mại trong từng trường hợp cụ thể tùy thuộc vào nhu cầu và tình hình phát triển của thị trường;
 
13. "Doanh nghiệp nước ngoài", "Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài" là các tổ chức, cá nhân nước ngoài được thành lập hoặc đăng ký hoạt động theo pháp luật của nước ngoài (sau đây gọi chung là Nhà đầu tư nước ngoài);
 
14. "Doanh nghiệp Việt Nam" là các doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn do tổ chức, cá nhân Việt Nam sở hữu hoặc kiểm soát;
 
15. "Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" là doanh nghiệp quy định tại khoản 6, Điều 3, Luật Đầu tư;  
 
16. "Quyền kinh doanh" là quyền hoạt động xuất, nhập khẩu của  thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
 
17. "Doanh nghiệp thương mại nhà nước"doanh nghiệp nhà nước duy nhất được nhập khẩu một số hàng hóa quy định tại Điều...., Nghị định này.
 
18. "Nhà nhập khẩu đứng tên"....................
 
19. "Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại" là các biện pháp quy định trong Danh mục minh họa tại Phụ lục 6, Nghị định này.
 
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng và thực hiện cam kết

Mọi cam kết của Việt Nam với WTO phải được giải thích, áp dụng và thực hiện theo quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ, Báo cáo gia nhập WTO và các tài liệu có liên quan, trừ trường hợp Nghị định này có quy định thuận lợi hơn. 

Chương II
ÁP DỤNG VÀ THỰC HIỆN CAM KẾT VỀ ĐÂU TƯ TRONG CÁC NGÀNH DỊCH VỤ

Điều 4. Áp dụng và thực hiện các cam kết về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép
 
1. Các cam kết về điều kiện và thủ tục cấp giấy phép nêu tại Đoạn 507 của Báo cáo gia nhập WTO được diễn giải chi tiết tại Phụ lục 1, Nghị định này.
 
2. Các cam kết nêu tại khoản 1, Điều này được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
 
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề để sửa đổi, bãi bỏ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định về vấn đề này.
 
Điều 5. Áp dụng và thực hiện cam kết về điều kiện, phương thức thông qua quyết định của doanh nghiệp

1. Cam kết về điều kiện và phương thức thông qua quyết định của doanh nghiệp nêu tại các Đoạn 503 và 504 của Báo cáo gia nhập WTO được diễn giải chi tiết trong Phụ lục 2, Nghị định này.
 
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần được quyền quy định trong Điều lệ công ty các vấn đề sau:
 
a. Số đại diện cần thiết để tổ chức cuộc họp và hình thức thông qua quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;
 
b. Các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;
 
c. Tỷ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ đa số 51%) để thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông.

3. Cam kết quy định tại khoản 2, Điều này được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
 
Điều 6. Áp dụng và thực hiện cam kết đối với các ngành dịch vụ quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ 
 
1. Những hạn chế về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia đối với các hình thức hiện diện thương mại trong các ngành, phân ngành dịch vụ thuộc Biểu cam kết về dịch vụ được diễn giải chi tiết tại Phụ lục 3 của Nghị định này.  
 
2. Hoạt động đầu tư gồm nhiều mục tiêu quy định tại các ngành, phân ngành dịch vụ khác nhau phải tuân thủ quy định đối với ngành, phân ngành dịch vụ có điều kiện hạn chế nhất.  
 
3. Trường hợp điều kiện đầu tư nêu tại Biểu cam kết về dịch vụ kém thuận lợi hơn quy định về cùng một vấn đề trong các văn bản pháp luật có liên quan thì áp dụng quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan. 
 
4. Trường hợp điều kiện đầu tư nêu tại Biểu cam kết về dịch vụ không được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan thì áp dụng quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ.
      
Điều 7. Áp dụng và thực hiện cam kết đối với các ngành dịch vụ không được quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ 

Hoạt động đầu tư trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề không được quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ được áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật khác.
 
Điều 8. Áp dụng và thực hiện cam kết về lĩnh vực, tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam  
 
1. Trừ những hạn chế quy định tại các khoản 2 và 3, Điều này, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ không hạn chế trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
 
Việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ quy định tại Nghị định...../2007/NĐ-CP ngày........../2007 của Chính phủ về.......... và  quy định tại khoản 2 , Điều này.
 
2. Ngoài các quy định tại khoản 1, Điều này, cam kết về việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện theo quy định sau: 
 
a. Nhà đầu tư nước ngoài không được phép góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực sau:
 
- Nhập khẩu các mặt hàng: dầu thô, xăng dầu, máy bay, phụ tùng máy bay và các phương tiện, thiết bị hàng không, phim truyện, báo chí, thuốc lá, xì gà và các sản phẩm thuốc lá chế biến khác.
 
- Phân phối các mặt hàng: thuốc lá, xì gà, sách, báo, tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý, đá quý, dược phẩm (trừ các sản phẩm bổ dưỡng phi dược phẩm dưới dạng viên nén, viên con nhộng hoặc bột), thuốc nổ, dầu thô và dầu đã qua chế biến, gạo, đường mía và đường củ cải.
 
- Cung ứng các dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ, gồm: cung ứng vật tư, thiết bị và hoá phẩm, dịch vụ căn cứ, dịch vụ tàu thuyền, dịch vụ sinh hoạt, đời sống, dịch vụ bay phục vụ hoạt động dầu khí.
 
- Các ngành, phân ngành dịch vụ khác quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ mà Việt Nam được phép áp dụng biện pháp hạn chế vì lý do an ninh quốc gia và trật tự công cộng.
 
b. Đối với các ngành, phân ngành dịch vụ mà Biểu cam kết về dịch vụ có quy định hạn chế sở hữu nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép góp vốn, mua cổ phần phù hợp với hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài được quy định đối với từng ngành, phân ngành.
 
c. Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau thuộc Biểu cam kết về dịch vụ thì khi nhận vốn góp hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện quy định sau:
 
- Không được nhận vốn góp hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nếu một trong các ngành nghề đã đăng ký thuộc các lĩnh vực quy định tại điểm (a), khoản 2, Điều này, trừ trường hợp doanh nghiệp đó điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để bỏ ngành nghề nêu trên.
 
- Nếu Biểu cam kết về dịch vụ có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì doanh nghiệp chỉ được nhận vốn góp hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định đối với ngành nghề có tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất, trừ trường hợp  doanh nghiệp đó điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để chỉ kinh doanh một trong những ngành nghề nêu trên.
 
d) Những hạn chế nêu tại khoản (c), Điều này này không áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký kinh doanh trong các ngành sản xuất và các ngành bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc không được quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ. Đối với các ngành này, Doanh nghiệp được phép tiếp tục kinh doanh theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.  

đ) Nếu việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam thì Doanh nghiệp đó phải thực hiện thủ tục điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh và Nghị định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
 
Nhà đầu tư nước ngoài không phải lập dự án đầu tư và thực hiện thủ tục  xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.  

Chương III
ÁP DỤNG VÀ THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT KHÁC VỚI WTO 

Điều 9. Áp dụng và thực hiện các cam kết về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thương mại nhà nước

1. Các cam kết vềhoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thương mại nhà nước nêu tại các Đoạn 78 và 79 của Báo cáo gia nhập WTO được diễn giải chi tiết tại Phụ lục 4, Nghị định này.
  
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục sửa đổi, bãi bỏ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thương mại nhà nước nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết nêu tại khoản 1, Điều này.

Điều 10. Áp dụng và thực hiện các cam kết các cam kết về quyền kinh doanh
  
1. Các cam kết về quyền kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nêu tại các Đoạn 146 và 147 của Báo cáo gia nhập WTO được diễn giải chi tiết tại Phụ lục 5, Nghị định này.
 
2. Quyền kinh doanh theo quy định tại khoản 1, Điều này không bao gồm quyền phân phối các sản phẩm đã nhập khẩu.
 
Việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ phân phối thực hiện theo quy định của Biểu cam kết về dịch vụ và Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 23/2007/NĐ-CP).   
 
3. Nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền kinh doanh và phân phối theo các điều kiện và thủ tục quy định tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP.   
 
Điều 11. Áp dụng và thực hiện các cam kết về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) và trợ cấp công nghiệp        

1. Cam kết về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại nêu tại Đoạn 322 và cam kết về trợ cấp công nghiệp nêu tại các Đoạn 286 và 288 của Báo cáo gia nhập WTO được diễn giải chi tiết tại Phụ lục 6, Nghị định này.
 
2. Bãi bỏ từ ngày 11/1/2007 các quy định sau đây tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cấp trước ngày 1/7/2006:
 
a) Quy định về điều kiện bắt buộc xuất khẩu và chế biến, sử dụng nguyên liệu trong nước;
 
b) Quy định về điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư căn cứ vào việc đáp ứng yêu cầu chế biến, sử dụng nguyên liệu trong nước. 
 
3. Cơ quan cấp Giấy Chứng nhận đầu tư xem xét điều chỉnh Giấy phép đầu tư hoặc Giấy Chứng nhận ưu đãi đầu tư để áp dụng các điều kiện ưu đãi khác cho dự án có hoạt động chế biến, sử dụng nguyên liệu nếu dự án đó thực hiện trong lĩnh vực hoặc địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 23/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
 
4. Trừ các dự án sản xuất, kinh doanh hàng dệt may xuất khẩu theo quy định tại khoản 5, Điều này, các ưu đãi đầu tư đang áp dụng đối với dự án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu được thực hiện theo nguyên tắc sau:
 
a) Dự án đã được hưởng ưu đãi đầu tư trong toàn bộ thời gian thực hiện hoặc thời gian ưu đãi còn lại quá 05 năm tính từ ngày 11/1/2007 được tiếp tục hưởng các ưu đãi đó đến hết ngày 10/1/2012.
 
b) Dự án có thời gian được hưởng ưu đãi đầu tư còn lại ít hơn 05 năm kể từ ngày 11/1/2006 tiếp tục được hưởng ưu đãi trong thời gian còn lại.
 
Cơ quan cấp Giấy Chứng nhận đầu tư xem xét điều chỉnh Giấy phép đầu tư, Giấy Chứng nhận ưu đãi đầu tư để áp dụng điều kiện ưu đãi đầu tư khác cho các dự án này theo quy định tại khoản 3, Điều này. 
 
5. Bãi bỏ từ ngày 11/1/2007 điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư căn cứ vào hoạt động xuất khẩu của các dự án sản xuất, kinh doanh hàng dệt may.
 
Cơ quan cấp Giấy Chứng nhận đầu tư xem xét điều chỉnh Giấy phép đầu tư, Giấy Chứng nhận ưu đãi đầu tư để áp dụng điều kiện ưu đãi đầu tư khác cho các dự án này theo quy định tại Khoản 4, Điều này.
  
Điều 12. Áp dụng và thực hiện cam kết về hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các hình thức khu kinh tế khác
 
1. Các cam kết về hoạt động của khu công nghiệp, khu chế xuất khu công nghệ cao và các hình thức khu kinh tế khác (sau đây gọi chung là các khu kinh tế) nêu tại các Đoạn 338 và 339 được diễn giải chi tiết tại Phụ lục 7, Nghị định này.
 
2. Các dự án đầu tư tại các khu kinh tế không phải bắt buộc phải xuất khẩu toàn bộ sản phẩm và không được hưởng ưu đãi đầu tư dựa trên thành tích xuất khẩu.
 
Cơ quan cấp Chứng nhận đầu tư xem xét điều chỉnh Giấy phép đầu tư hoặc Chứng nhận đầu tư cấp trước ngày 1 tháng 7 năm 2006 theo các quy định tại Điều 10, Nghị định này.
 
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chuyển các khu chế xuất thành các khu công nghiệp. 

Chương IV
ÁP DỤNG CAM KẾT VỚI WTO VÀ CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ CÓ LIÊN QUAN KHÁC

Điều 13. Áp dụng cam kết với WTO và các hiệp định song phương

1. Mọi cam kết của Việt Nam theo các Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định về quan hệ thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ, Hiệp định về tự do, khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục có hiệu lực thi hành theo quy định cụ thể trong từng Hiệp định.
 
Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Việt Nam được quy định tại Phụ lục 8, Nghị định này.
 
2. Trường hợp có sự khác nhau về cùng một vấn đề về điều kiện đầu tư  theo các cam kết của Việt Nam với WTO và các cam kết quy định tại các Hiệp định nêu tại khoản 1, Điều này, [nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn điều kiện đầu tư thuận lợi nhất].
 
3. Nhà đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký kết với Việt Nam các Hiệp định nêu tại khoản 1, Điều này được hưởng sự đối xử không kém thuận lợi sự đối xử mà Việt Nam dành cho nhà đầu tư của bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào. 
 
Điều 14. Áp dụng cam kết với WTO và các hiệp định khu vực  
 
1. Mọi sự đối xử ưu đãi và thuận lợi hơn (nếu có) quy định tại các Hiệp định khu vực liên quan đến đầu tư mà Việt Nam là thành viên không áp dụng đối với nhà đầu tư của quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài khu vực.
 
2. Danh sách các Hiệp định khu vực liên quan đến đầu tư được quy định tại Phụ lục 9, Nghị định này. 

Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Điều khoản thi hành
 
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này.
 
Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp

1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép đầu tư hoặc Chứng nhận đầu tư trước ngày 11 tháng 1 năm 2007 không phải điều chỉnh lại mục tiêu, phạm vi và điều kiện hoạt động theo các quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ, trừ trường hợp có yêu cầu điều chỉnh Chứng nhận đầu tư hoặc đăng ký lại để hoạt động theo các điều kiện thuận lợi hơn (nếu có) quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ hoặc Nghị định này.
2. Căn cứ yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp, Cơ quan cấp Giấy Chứng nhận đầu tư xem xét điều chỉnh Giấy Chứng nhận đầu tư hoặc đăng ký lại hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật./. 

TM. CHÍNH PHỦ 
THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Biểu cam kết hàng hoá phần 1 (hàng nông sản và phi nông sản)

Ngày nhập

18/04/2007

Đã xem

2060 lượt xem

Biểu cam kết dịch vụ

Ngày nhập

18/04/2007

Đã xem

2060 lượt xem

Biểu cam kết hàng hoá phần 2

Ngày nhập

18/04/2007

Đã xem

2060 lượt xem

Báo cáo của Ban công tác

Ngày nhập

18/04/2007

Đã xem

2060 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 4

Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com