Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi)

Ngày đăng: 12:28 02-12-2008 | 1398 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tài chính

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

–––––

Độc lập Tự do Hạnh phúc

Số: /2008/NĐ-CP

––––––––––––––––––––––––––

Hà Nội, ngày tháng năm 2008

Dự thảo

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi) và

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi)

––––––––––––

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Thuế tài nguyên (sửa đổi) số 05/1998/PL-UBTVQH10 ngày 10 tháng 4 năm 1998;

Căn cứ Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi) số .../2008/PL-UBTVQH12 ngày ... tháng ... năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I
ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ, CHỊU THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 1. Tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác tài nguyên dưới mọi hình thức đều là đối tượng nộp thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh Thuế tài nguyên (sửa đổi). Trừ đối tượng quy định tại Điều 3 Nghị định này.

Điều 2. Các loại tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều là đối tượng chịu thuế tài nguyên, bao gồm:

1. Khoáng sản kim loại;

2. Khoáng sản không kim loại, kể cả khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đất khai thác để san lấp, xây đắp công trình, làm nguyên liệu và các mục đích khác; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên thuộc đối tượng quy định tại Luật Khoáng sản;

3. Dầu mỏ: là dầu thô theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Luật Dầu khí;

4. Khí đốt: là khí thiên nhiên theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Luật Dầu khí;

5. Khí than theo quy định tại khoản 3, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí;

6. Sản phẩm của rừng tự nhiên: Các loại thực vật, động vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên;

7. Thuỷ sản tự nhiên: Các loại động vật, thực vật tự nhiên ở biển, sông, ngòi, hồ,...

8. Nước thiên nhiên gồm: nước mặt, nước dưới đất, trừ nước khoáng và nước nóng thiên nhiên quy định tại khoản 2 Điều này.

9. Các loại tài nguyên thiên nhiên khác.

Điều 3. Bên Việt Nam tham gia liên doanh với nước ngoài theo Luật Đầu tư mà góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên thì doanh nghiệp liên doanh không phải nộp thuế tài nguyên đối với số tài nguyên mà Bên Việt Nam dùng để góp vốn pháp định.

Điều 4. Trường hợp doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và hợp đồng chia sản phẩm, thì thuế tài nguyên phải nộp của doanh nghiệp liên doanh hay của Bên nước ngoài phải được xác định trong hợp đồng liên doanh và tính vào phần sản phẩm chia cho Bên Việt Nam. Khi chia sản phẩm khai thác, Bên Việt Nam có trách nhiệm nộp thuế tài nguyên vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chương II
CĂN CỨ TÍNH THUẾ, BIỂU THUẾ

VÀ PHƯƠNG THỨC NỘP THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 5. Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác, giá tính thuế và thuế suất. Riêng đối với dầu thô, khí thiên nhiên và khí than, căn cứ tính thuế tài nguyên được xác định trên cơ sở lũy tiến từng phần của tổng sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than bình quân mỗi ngày khai thác được của toàn bộ diện tích hợp đồng, thuế suất thuế tài nguyên và số ngày khai thác trong kỳ tính thuế.

Điều 6. Sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác là số lượng, trọng lượng hay khối lượng của tài nguyên khai thác thực tế trong kỳ nộp thuế, không phụ thuộc vào mục đích khai thác tài nguyên.

Điều 7.

1. Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên tại nơi khai thác.

a) Đối với loại tài nguyên khai thác trong tháng có cùng phẩm cấp, chất lượng, sau đó một phần sản lượng tài nguyên được bán ra tại nơi khai thác theo giá thị trường, một phần vận chuyển đi để tiêu thụ hoặc đưa vào sản xuất, chế biến, sàng tuyển, chọn lọc... thì giá tính thuế của toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác được là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên đó tại nơi khai thác.

b) Trường hợp trong tháng có phát sinh sản lượng tài nguyên khai thác, nhưng không phát sinh doanh thu bán tài nguyên tại nơi khai thác thì giá tính thuế đơn vị tài nguyên được xác định căn cứ vào giá tính thuế đơn vị sản phẩm tài nguyên của tháng trước liền kề.

2. Trường hợp loại tài nguyên chưa xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên quy định tại khoản 1 Điều này thì giá tính thuế đơn vị tài nguyên được xác định căn cứ vào một trong những cơ sở sau:

a) Giá bán đơn vị của loại tài nguyên khai thác có giá trị tương đương;

b) Giá bán đơn vị của sản phẩm nguyên chất và hàm lượng chất này trong tài nguyên khai thác hoặc giá của sản phẩm nguyên chất và hàm lượng của từng chất trong tài nguyên khai thác;

c) Giá bán đơn vị tài nguyên khai thác trừ (-) chi phí sàng tuyển, chọn lọc và các chi phí từ nơi khai thác đến nơi sàng tuyển, chọn lọc.

3. Đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thuỷ điện, giá tính thuế tài nguyên là giá bán điện thương phẩm.

4. Đối với gỗ là giá bán tại bãi giao.

5. Đối với dầu khí, giá tính thuế tài nguyên được xác định như sau:

a) Đối với dầu thô, giá tính thuế tài nguyên là giá bình quân gia quyền của dầu thô được bán tại điểm giao nhận theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng.

b) Đối với khí thiên nhiên, khí than giá tính thuế tài nguyên là giá bán theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng tại điểm giao nhận.

c) Trường hợp dầu thô, khí thiên nhiên, khí than được bán không theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng, Bộ Tài chính xác định dựa trên giá thị trường có xét đến chất lượng dầu khí, địa điểm giao nhận và các yếu tố liên quan khác.

6. Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá tính thuế tài nguyên quy định tại Điều này. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể giá tính thuế của từng loại tài nguyên theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 8. Biểu thuế tài nguyên được ban hành kèm theo Nghị định này.

Căn cứ vào giá trị của từng loại tài nguyên, điều kiện khai thác và yêu cầu quản lý đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, các ngành liên quan điều chỉnh các mức thuế suất trong Biểu thuế tài nguyên ban hành kèm theo Nghị định này phù hợp với Biểu thuế suất được quy định tại Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên (sửa đổi).

Điều 9. Phương thức nộp thuế tài nguyên.

Các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên thực hiện kê khai, đăng ký, nộp thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Riêng đối với dầu khí thực hiện như sau:

1. Thuế tài nguyên đối với khai thác dầu khí, được nộp bằng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, bằng tiền hoặc một phần bằng tiền và một phần bằng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than tùy theo sự lựa chọn của cơ quan thuế. Cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế bằng văn bản, trước 6 tháng về việc nộp thuế tài nguyên bằng tiền hay bằng dầu khí.

2. Địa điểm nộp thuế tài nguyên thu bằng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than là điểm giao nhận. Trong trường hợp cơ quan thuế yêu cầu nộp thuế tài nguyên tại địa điểm khác thì đối tượng nộp thuế được trừ chi phí vận tải và các chi phí trực tiếp khác phát sinh do thay đổi địa điểm nộp thuế vào phần thuế tài nguyên phải nộp.

Chương III
MIỄN, GIẢM THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 10. Thuế tài nguyên được miễn, giảm trong các trường hợp sau đây:

1. Các dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư, nếu có khai thác tài nguyên khoáng sản (trừ dầu khí) thì được giảm tối đa 50% thuế tài nguyên trong 3 năm đầu tiên kể từ khi bắt đầu khai thác;

2. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên gặp thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất ngờ, gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai và nộp thuế được xét miễn thuế tài nguyên phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất. Trường hợp đã nộp thuế tài nguyên thì được hoàn trả lại số thuế đã nộp hoặc bù trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau nếu tổ chức, cá nhân nộp thuế chấp thuận.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ bằng phương tiện có công suất lớn được miễn thuế tài nguyên trong 5 năm kể từ khi được cấp Giấy phép khai thác và giảm 50% thuế tài nguyên trong 5 năm tiếp theo. Sau thời gian miễn, giảm thuế trên đây, nếu tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ còn bị lỗ thì sẽ tiếp tục được xét giảm thuế tài nguyên tương ứng với số lỗ của từng năm trong thời gian không quá 5 năm liên tục tiếp theo.

4. Miễn thuế tài nguyên đối với sản phẩm rừng tự nhiên do cá nhân được phép khai thác như: gỗ, cành, củi, tre, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô... phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày; trường hợp cố tình khai thác, phá rừng bừa bãi thì bị xử lý theo pháp luật hiện hành. Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp quản lý thích hợp bảo đảm miễn thuế đúng đối tượng, khuyến khích việc trồng rừng và bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi khai thác bừa bãi, phá hoại rừng tự nhiên.

5. Miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng vào sản xuất thuỷ điện không hoà vào mạng lưới điện quốc gia.

6. Tổ chức, cá nhân khai thác đất sử dụng vào các mục đích sau được miễn thuế tài nguyên:

a) San lấp, xây dựng các công trình phục vụ an ninh, quốc phòng.

b) San lấp, xây dựng các công trình đê điều, thuỷ lợi, phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

c) San lấp, xây dựng các công trình mang ý nghĩa nhân đạo, từ thiện hoặc dành ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đất tự khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê.

d) San lấp, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở miền núi (trong địa bàn cấp huyện là huyện miền núi) phục vụ cho việc phát triển đời sống kinh tế xã hội trong vùng.

đ) San lấp, xây dựng các công trình trọng điểm của quốc gia theo quyết định của Chính phủ cho từng trường hợp cụ thể.

Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009. Nghị định này thay thế Nghị định số 68/1998/NĐ-CP ngày 03/9/1998 và Nghị định số 147/2006/NĐ-CP ngày 01/12/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/1998/NĐ-CP ngày 03/9/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế tài nguyên (sửa đổi).

Điều 12. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 13. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chỉnh phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:

TM. CHÍNH PHỦ

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- Học viện Hành chính quốc gia;

- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,

Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,

Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng


BIỂU THUẾ TÀI NGUYÊN

(Ban hành kèm theo Nghị định số /2008/NĐ-CP

ngày tháng năm 2008 của Chính phủ)

––––––

Số

thứ tự

Nhóm, loại tài nguyên

Thuế suất (%)

I

Khoáng sản kim loại

1

Khoáng sản kim loại đen (sắt, man gan, titan v.v...)

7

2

Khoáng sản kim loại màu:

- Vàng sa khoáng

9

- Vàng cốm

9

- Đất hiếm

12

- Bạch kim, thiếc, Won fram, bạc, antimoan.

7

- Chì, kẽm, nhôm, bau xít, đồng, niken, coban, monlipden, thuỷ ngân, ma nhê, vanadi, platin.

7

- Các loại khoáng sản kim loại màu khác...

7

II

Khoáng sản không kim loại (trừ nước nóng, nước khoáng thiên nhiên được quy định tại Mục V dưới đây)

1

Khoáng sản không kim loại dùng làm vật liệu xây dựng thông thường:

- Đất khai thác san lấp, xây đắp công trình

3

- Khoáng sản không kim loại làm vật liệu xây dựng thông thường khác (đá, cát, sỏi, đất làm gạch...)

6

2

Khoáng sản không kim loại làm vật liệu xây dựng cao cấp (grannít, đônômit, sét chịu lửa, quâc zít,...)

7

3

Khoáng sản không kim loại dùng trong sản xuất công nghiệp (pirít, phosphorít, cao lanh, mica, thạch anh kỹ thuật, đá nung vôi và sản xuất ciment, cát làm thuỷ tinh...).

- Riêng: apatít, séc păng tin

7

3

4

Than:

- Than an tra xít hầm lò

4

- Than an tra xít lộ thiên

6

- Than nâu, than mỡ

6

- Than khác

4

5

Đá quý:

a. Kim cương, ru bi, saphia, emôrôt, alexandrit, opan quý màu đen

16

b. A dit, rôđôlit, pyrốp, berin, spinen, tôpaz, thạch anh tinh thể (màu tím xanh, vàng lục, da cam), crizôlit, pan quý (màu trắng, đỏ lửa), fenpat, birusa, nêfrit

10

c. Các loại đá quý khác

6

6

Các loại khoáng sản không kim loại khác

4

III

Sản phẩm rừng tự nhiên

1

Gỗ tròn các loại:

- Nhóm I

40

- Nhóm II

35

- Nhóm III, IV

25

- Nhóm V, VI, VII, VIII

15

2

Gỗ trụ mỏ

15

3

Gỗ làm nguyên liệu sản xuất giấy (bồ đề, thông mỡ...)

20

4

Gỗ cột buồm, gỗ cọc đáy

20

5

Gỗ tẩm, gỗ đước, gỗ tràm

15

6

Cành, ngọn, củi

5

7

Tre, nứa, giang, mai, vầu, lồ ô,...

10

8

Dược liệu:

- Trầm hương, ba kích, kỳ nam

25

- Hồi, quế, sa nhân, thảo quả

10

- Các loại dược liệu khác

5

9

Các loại sản phẩm rừng tự nhiên khác.

- Chim, thú rừng (loại được phép khai thác)

20

- Sản phẩm rừng tự nhiên khác

5

IV

Thuỷ sản tự nhiên

- Ngọc trai, bào ngư, hải sâm

10

- Tôm, cá, mực và các loại thuỷ sản khác

2

V

Nước khoáng, nước thiên nhiên

1

Nước khoáng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp.

8

2

Nước thiên nhiên dùng sản xuất thuỷ điện

2

3

Nước thiên nhiên khai thác phục vụ các ngành sản xuất (ngoài quy định tại điểm 1 và điểm 2):

a. Sử dụng làm nguyên liệu chính hoặc phụ tạo thành yếu tố vật chất trong sản xuất sản phẩm.

3

b. Sử dụng chung phục vụ sản xuất (vệ sinh công nghiệp, làm mát, tạo hơi...).

- Trường hợp dùng nước dưới đất

1

2

c. Nước thiên nhiên dùng sản xuất nước sạch, dùng phục vụ các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước thiên nhiên khai thác từ giếng đào, giếng khoan phục vụ sinh hoạt.

- Trường hợp dùng nước dưới đất.

0

0,5

4

Nước thiên nhiên khai thác dùng vào các mục đích khác ngoài quy định tại điểm 1, 2 và 3

a. Trong hoạt động dịch vụ:

- Sử dụng nước mặt

- Sử dụng nước dưới đất

3

5

b. Trong sản xuẩt công nghiệp và xây dựng:

- Sử dụng nước mặt

- Sử dụng nước dưới đất

3

4

c. Khai thác dùng vào mục đích khác:

- Sử dụng nước mặt

- Sử dụng nước dưới đất

0

0,5

VI

Tài nguyên khác

- Yến sào

20

- Tài nguyên khác

10


BIỂU THUẾ SUẤT THUẾ TÀI NGUYÊN

ĐỐI VỚI DẦU THÔ VÀ KHÍ THIÊN NHIÊN, KHÍ THAN

(Ban hành kèm theo Nghị định số /2008/NĐ-CP

ngày tháng năm 2008 của Chính phủ)

–––––––

Số

thứ tự

Sản lượng khai thác

Dự án khuyến khích đầu tư

Dự án khác

I

Đối với dầu thô

1

Đến 20.000 thùng/ngày

4%

6%

2

Trên 20.000 thùng đến 50.000 thùng/ngày

6%

8%

3

Trên 50.000 thùng đến 75.000 thùng/ngày

8%

10%

4

Trên 75.000 thùng đến 100.000 thùng/ngày

10%

15%

5

Trên 100.000 thùng đến 150.000 thùng/ngày

15%

20%

6

Trên 150.000 thùng/ngày

20%

25%

II

Đối với khí thiên nhiên, khí than

1

Đến 5 triệu m3/ngày

0%

0%

2

Trên 5 triệu m3 đến 10 triệu m3/ngày

3%

5%

3

Trên 10 triệu m3/ngày

6%

10%

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo NĐ quy định chi tiết thi hành Phápp lệnh thuế tài nguyên

Ngày nhập

02/12/2008

Đã xem

1398 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com