Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam

Ngày đăng: 17:35 18-06-2006 | 1950 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Công Thương

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Pháp lệnh chống bán phá giá

hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam

 

 


CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm  2001;

Căn cứ Pháp lệnh số  20 /2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 về chống bán phá giá  hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

 

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

            Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số Điều của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Pháp lệnh chống bán phá giá), về các biện pháp chống bán phá giá, thủ tục điều tra và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều 2. Các biện pháp chống bán phá giá.

            Các biện pháp chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm:

            1. Áp dụng thuế  chống bán phá giá;

            2. Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chống bán phá giá của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chống bán phá giá của Việt Nam đồng ý.

Điều 3.   Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

            Biện pháp chống bán phá giá chỉ được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam khi có hai điều kiện sau đây:

            1. Hàng hoá bị bán phá giá vào Việt Nam biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;

            2. Việc bán phá giá hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều này là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Điều 4. Cơ quan chống bán phá giá.

1. Cơ quan chống bán phá giá trực thuộc Bộ Thương mại gồm:

a. Cơ quan điều tra chống bán phá giá (sau đây gọi là cơ quan điều tra) thực hiện việc điều tra, rà soát vụ việc chống bán phá giá và trong trường hợp cần thiết kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời;

b. Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá (sau đây gọi tắt là Hội đồng xử lý) gồm một số thành viên thường trực và một số thành viên khác làm việc theo từng vụ việc để xem xét các kết luận của cơ quan điều tra; thảo luận và quyết định theo đa số về việc không có hoặc có bán phá giá hàng hoá vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước; kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của   Cơ quan điều tra và Hội đồng xử lý.

Điều 5. Xác định ngành sản xuất trong nước.

            1. Ngành sản xuất trong nước bao gồm toàn bộ các nhà sản xuất hàng hoá tương tự trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc đại diện hợp pháp của họ chiếm tỷ lệ ít nhất 50 % tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá của ngành đó được sản xuất ra ở trong nước nhưng không nhập khẩu hàng hoá bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và không có mối quan hệ liên kết trực tiếp với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó.

2. Các nhà sản xuất hàng hoá tương tự bị coi là có mối quan hệ liên kết trực tiếp với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong các trường hợp sau:

a. Bên này trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên kia;

b. Tất cả đều trực tiếp hoặc gián tiếp bị kiểm soát bởi một bên thứ ba;

c. Cùng trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên thứ ba.

3. Một bên có thể bị coi là kiểm soát được một bên khác khi bên đó có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của bên khác nhằm thu được lợi ích kinh tế từ hoạt động kinh doanh của bên khác đó.

CHƯƠNG II

ĐIỀU TRA ĐỂ ÁP DỤNG

CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ

 

Điều 6. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Tổ chức, cá nhân đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước được quyền nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam lên Bộ Thương mại. 

 

Điều 7. Trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Bộ Thương mại chịu trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định của Pháp lệnh chống bán phá giá, quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

 

Điều 8. Đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước.

Tổ chức, cá nhân được coi là đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước khi có đủ hai điều kiện sau đây:

1.  Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá do họ sản xuất hoặc đại diện chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá tương tự của ngành sản xuất trong nước;

2.  Khối lượng, số lượng hoặc trị giá của hàng hoá quy định tại Khoản 1 Điều này và của các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải lớn hơn khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá tương tự của các nhà sản xuất trong nước phản đối yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.       

 

Điều 9. Hồ sơ  yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.

            Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá bao gồm:

             1. Đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá do Bộ Thương mại quy định và phải có các nội dung chủ yếu sau:

            a. Tên, địa chỉ và các thông tin cần thiết khác của tổ chức, cá nhân có yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            b. Mô tả hàng hoá nhập khẩu là đối tượng bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trong đó bao gồm tên gọi của hàng hoá, các đặc tính cơ bản và mục đích sử dụng chính, mã số theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành và mức thuế nhập khẩu đang áp dụng, xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu;

            c. Mô tả khối lượng, số lượng và trị giá của hàng hoá nhập khẩu quy định tại Điểm b khoản này trong thời hạn 12 tháng trước khi nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            d. Mô tả khối lượng, số lượng và trị giá của hàng hoá tương tự được sản xuất trong nước trong thời hạn 12 tháng trước khi nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            e. Thông tin về giá thông thường và giá xuất khẩu của hàng hoá được mô tả theo quy định tại Điểm b khoản này tại thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam trong thời hạn 12 tháng trước khi nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            f. Biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            g. Thông tin về thiệt hại đáng kể hay đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.          

            h. Tên, địa chỉ và thông tin cần thiết khác của tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu hàng hoá vào Việt Nam bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            i. Yêu cầu cụ thể về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, thời hạn áp dụng và mức độ áp dụng.

            2. Tài liệu, thông tin liên quan khác mà tổ chức, cá nhân yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá cho là cần thiết.

 

Điều 10. Thông tin về thiệt hại đáng kể hay đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Thông tin về thiệt hại đáng kể hay đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước bao gồm:

1. Sản lượng;

            2. Doanh thu;

            3. Giá cả và tỷ suất lợi nhuận;

            4.  Hệ số sử dụng công suất sản xuất;

            5.  Thị phần;

            6.  Mức tồn kho;

            7.  Mức lãi và lỗ;

            8. Chỉ số năng suất lao động;

            9. Số lượng lao động, tỷ lệ lao động và thu nhập trong ngành sản xuất trong nước;

            10.  Các thông tin cần thiết khác có liên quan. 

Điều 11. Thời hạn ra quyết định điều tra.

Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định điều tra trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ  đầy đủ, hợp lệ. Trường hợp đặc biệt, thời hạn ra quyết định điều tra có thể được gia hạn nhưng không quá ba mươi ngày.

 

Điều 12. Nội dung quyết định  điều tra.

Quyết định  điều tra  bao gồm các nội dung sau: 

            a. Tên, địa chỉ và các thông tin cần thiết khác của tổ chức, cá nhân có yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            b. Mô tả hàng hoá nhập khẩu là đối tượng bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trong đó bao gồm tên gọi của hàng hoá, các đặc tính cơ bản và mục đích sử dụng chính, mã số theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành và mức thuế nhập khẩu đang áp dụng, xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu;

            c.  Tên, địa chỉ và thông tin cần thiết khác của tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu hàng hoá vào Việt Nam bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            d.  Tên nước hoặc các nước xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

             e. Tóm tắt thông tin về việc bán phá giá hàng hoá nhập khẩu được mô tả tại Điểm b - Khoản 1 của Điều này gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;

            f.  Ngày có hiệu lực bắt đầu tiến hành điều tra;.

            g. Giai đoạn  điều tra;

            h. Thời hạn cung cấp thông tin, hồ sơ, trả lời Bản câu hỏi điều tra và mở phiên điều trần;

            i.  Các thông tin liên quan khác mà Bộ Thương mại cho là cần thiết.

 

Điều 13. Thông báo quyết định  điều tra.

            Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá, cơ quan điều tra thông báo quyết định điều tra cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, các nhà sản xuất, xuất khẩu, cơ quan có thẩm quyền của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hoá bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và công bố cho các bên liên quan khác bằng phương thức thích hợp.

 

Điều 14. Nội dung điều tra.

            Việc điều tra xác định việc bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm các nội dung sau:

1. Xác định hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam và biên độ bán phá giá.

2. Xác định thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước trên cơ sở xem xét các nội dung sau:

a. Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam so với khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự được sản xuất hoặc tiêu thụ trong nước đã, đang hoặc sẽ tăng lên đáng kể một cách tuyệt đối hoặc tương đối;

b. Tác động về giá của hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đến việc phải hạ giá hoặc kìm hãm khả năng tăng giá hợp lý của hàng hoá tương tự trong nước;

c. Tác động xấu đến ngành sản xuất trong nước hoặc đến sự hình thành ngành sản xuất trong nước.

3. Quan hệ giữa việc hàng hoá bán phá giá vào Việt Nam với thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

 

            Điều 15. Xác định hàng hóa bị bán phá giá vào Việt Nam và biên độ bán phá giá.

Việc xác định hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam và biên độ bán phá giá được thực hiện trên cơ sở xem xét các căn cứ sau đây:

1. Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

2. Thông tin do các bên liên quan cung cấp;

3. Các thông tin sẵn có.

 

Điều 16. Xác định thiệt hại đáng kể hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

            Việc xác định thiệt hại đáng kể hoặc đe doạ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước được thực hiện theo các căn cứ sau đây: 

1. Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam so với khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự được sản xuất hoặc tiêu thụ trong nước đã, đang hoặc sẽ tăng lên đáng kể một cách tuyệt đối hoặc tương đối;

2. Tác động về giá của hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đến việc phải hạ giá hoặc kìm hãm khả năng tăng giá hợp lý của hàng hoá tương tự trong nước;

3. Tác động xấu đến ngành sản xuất trong nước hoặc đến sự hình thành ngành sản xuất trong nước.

Điều 17. Cung cấp thông tin cho quá trình điều tra.

            1. Các bên liên quan đến quá trình điều tra quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh chống bán phá giá có trách nhiệm cung cấp thông tin xác thực và tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

            2. Trường hợp thông tin, tài liệu cần thiết không được cung cấp theo đúng yêu cầu, Cơ quan điều tra sẽ quyết định dựa trên những thông tin, tài liệu sẵn có.

            3. Tất cả các bên liên quan đến quá trình điều tra chống bán phá giá phải được thông báo về những thông tin mà cơ quan điều tra yêu cầu và được giành cho đầy đủ cơ hội để trình bày bằng văn bản tát cả các chứng cứ mà họ cho là có  liên quan đối với cuộc điều tra đó

            4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá, cơ quan điều tra phải gửi Bản câu hỏi điều tra  cho các nhà xuất khẩu hoặc đại diện hợp pháp của họ hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hoá bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá bằng phương thức thích hợp.

            5. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Bản câu hỏi điều tra, các nhà xuất khẩu và sản xuất nước ngoài phải gửi Bản trả lời cho cơ quan điều tra. Thời hạn trả lời Bản câu hỏi điều tra có thể sẽ được xem xét gia hạn thêm 30 ngày sau khi thủ trưởng cơ quan điều tra xem xét đến tính hợp lý của yêu cầu gia hạn và thời gian của quá trình điều tra.

 

Điều 18. Tham vấn trong điều tra.

1. Bộ Thương mại sẽ tổ chức tham vấn các bên liên quan trong quá trình điều tra và lập biên bản tham vấn thông báo công khai, ngoại trừ các thông tin được bảo mật.

2. Các bên liên quan đến quá trình điều tra có quyền trình bày các chứng cứ bằng văn bản và thể hiện các quan điểm về lợi ích kinh tế - xã hội khi áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. 

Điều 19. Bảo mật thông tin.

Bộ Thương mại có trách nhiệm bảo mật thông tin do cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quá trình điều tra cung cấp; không được công bố công khai khi chưa được sự đồng ý của bên cung cấp thông tin.

Điều 20.  Kết luận sơ bộ.

            1. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra, cơ quan điều tra công bố kết luận sơ bộ về các nội dung liên quan đến quá trình điều tra quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 của Nghị định này; trường hợp đặc biệt, thời hạn công bố kết luận sơ bộ có thể được gia hạn nhưng không quá 60 ngày.

            2. Kết luận sơ bộ phải được thông báo bằng các phương thức thích hợp cho các bên liên quan đến quá trình điều tra, kết luận sơ bộ bao gồm những nội dung sau:

            a. Tên, địa chỉ và các thông tin cần thiết khác của tổ chức, cá nhân có yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            b. Mô tả hàng hoá nhập khẩu là đối tượng bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trong đó bao gồm tên gọi của hàng hoá, các đặc tính cơ bản và mục đích sử dụng chính, mã số theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành và mức thuế nhập khẩu đang áp dụng, xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu;

            c. Tên  của các tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá được mô tả tại Điểm b, Khoản 2 Điều này;

            d. Biên độ bán phá giá;

            e. Các thông tin, bằng chứng chứng minh việc bán phá giá hàng hoá nhập khẩu được mô tả tại Điểm b, Khoản 2 Điều này gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước; hoặc các thông tin, bằng chứng chứng minh việc chậm áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước và khó có thể khắc phục được;

            f. Các trình tự, thủ tục và lịch trình tiếp theo;

            g. Các thông tin khác mà Bộ Thương mại cho là cần thiết.

            3. Sau khi có kết luận điều tra sơ bộ để áp dụng biện pháp chống bán phá giá,  cơ quan điều tra phải gửi bản báo cáo điều tra và kết luận điều tra sơ bộ lên Bộ trưởng Bộ Thương mại và trong trường hợp cần thiết kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

Điều 21.  Kết luận cuối cùng

1. Trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc quá trình điều tra, cơ quan điều tra phải công bố kết luận cuối cùng về các nội dung liên quan đến quá trình điều tra quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 của Nghị định này .

2. Kết luận cuối cùng và các căn cứ chính để kết luận cuối cùng phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên liên quan đến quá trình điều tra.

            3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc tính từ ngày công bố kết luận cuối cùng, cơ quan điều tra phải gửi Hội đồng xử lý bộ hồ sơ chống bán phá giá bao gồm các tài liệu sau:

a. Hồ sơ yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá;

b. Báo cáo điều tra;

c. Kết luận cuối cùng và các căn cứ chính để kết luận cuối cùng;

d. Kiến nghị của cơ quan điều tra.

            Điều 22.  Chấm dứt điều tra.

Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định chấm dứt điều tra trong các trường hợp sau đây:

1. Tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá tự nguyện rút hồ sơ;

2. Kết luận sơ bộ quy định tại Điều 20 của Nghị định này có ít nhất một nội dung sau đây:

a. Không có bán phá giá theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh chống bán phá giá;

b. Biên độ bán phá giá không đáng kể;

c. Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá bán phá giá vào Việt Nam không đáng kể;

d. Không có thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

CHƯƠNG III

CAM KẾT LOẠI TRỪ BÁN PHÁ GIÁ

 

Điều 23. Cam kết loại trừ bán phá giá.

Cam kết loại trừ bán phá giá bao gồm:

1. Điều chỉnh giá bán.

2. Tự nguyện hạn chế khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá bán phá giá vào Việt Nam.

 

Điều 24. Đề xuất về cam kết loại trừ bán phá giá, thỏa thuận về cam kết loại trừ bán phá giá.

Sau khi có kết luận sơ bộ và trước khi kết thúc giai đoạn điều tra, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc xuất khẩu hàng hoá thuộc đối tượng điều tra có thể gửi văn bản cam kết loại trừ bán phá giá đến Cơ quan điều tra hoặc ký kết thỏa thuận với các nhà sản xuất trong nước về cam kết loại trừ bán phá giá và gửi văn bản thỏa thuận này đến Cơ quan điều tra .

 

Điều 25. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cam kết loại trừ bán phá giá.

Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm tiếp nhận văn bản cam kết loại trừ bán phá giá, thỏa thuận về cam kết loại trừ bán phá giá, và đề xuất ý kiến để Bộ trưởng Bộ Thương mại xem xét, quyết định.

 

Điều 26. Cơ sở để xem xét cam kết loại trừ bán phá giá, thỏa thuận về cam kết loại trừ bán phá giá.

Cơ sở để Cơ quan điều tra xem xét cam kết loại trừ bán phá giá, thỏa thuận về cam kết loại trừ bán phá giá bao gồm hai điều kiện sau:

1. Cam kết loại trừ bán phá giá, thỏa thuận về cam kết loại trừ bán phá giá có thể thực hiện được;

2. Việc thực hiện cam kết loại trừ bán phá giá, thỏa thuận về cam kết loại trừ bán phá giá sẽ khắc phục được thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Điều 27. Quyết định về  cam kết loại trừ bán phá giá, thỏa thuận về cam kết loại trừ bán phá giá.

Căn cứ  vào ý kiến đề xuất của Cơ quan điều tra về cam kết loại trừ bán phá giá, thỏa thuận về cam kết loại trừ bán phá giá , Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể ra một trong các quyết định sau:

1. Quyết định chấp nhận cam kết loại trừ bán phá giá, thỏa thuận về cam kết loại trừ bán phá giá n ếu xét thấy việc thực hiện cam kết đó không gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

2. Quyết định không chấp nhận cam kết loại trừ bán phá giá, thỏa thuận về cam kết loại trừ bán phá giá và nêu rõ lý do;

Điều 28. Đình chỉ điều tra trong trường hợp áp dụng các biện pháp cam kết

1. Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định đình chỉ điều tra trong trường hợp biện pháp cam kết được áp dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 của Nghị định này.

2. Các bên có cam kết  phải định kỳ cung cấp cho cơ quan điều tra thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện cam kết và chứng minh tính chính xác của các thông tin đó theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

 

Điều 29. Phục hồi điều tra

Trường hợp các bên liên quan không thực hiện đúng theo cam kết, gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định tiếp tục tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

CHƯƠNG IV

ÁP DỤNG THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ

 

Điều 30. Tiếp nhận bộ hồ sơ chống bán phá giá. 

1. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ chống bán phá giá theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 của Nghị định này, Hội đồng xử lý chịu trách nhiệm nghiên cứu và đưa ra một trong các quyết định sau:

a. Quyết định về việc có tình trạng bán phá giá hàng hoá vào Việt Nam và việc bán phá giá này là nguyên nhân gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;

b. Quyết định về việc không có tình trạng bán phá giá hàng hoá vào Việt Nam.

c. Quyết định về việc có tình trạng bán phá giá hàng hoá vào Việt Nam nhưng việc bán phá giá này không gây ra hoặc không đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

            2. Trong trường hợp quyết định của Hội đồng xử lý khẳng định có bán phá giá và việc bán phá giá là nguyên nhân gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước thì Hội đồng xử lý kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá.

 

Điều 31. Áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

            1. Sau 60 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra, căn cứ vào kết luận sơ bộ, Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm  thời. Việc quyết định áp dụng biện pháp tạm thời được thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 20 của Pháp lệnh chống bán phá giá.

            2. Quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời được công bố công khai vơi các nội dung sau:

            a. Tên, địa chỉ và các thông tin cần thiết khác của tổ chức, cá nhân có yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            b. Mô tả hàng hoá nhập khẩu là đối tượng bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trong đó bao gồm tên gọi của hàng hoá, các đặc tính cơ bản và mục đích sử dụng chính, mã số theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành và mức thuế nhập khẩu đang áp dụng, xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu;

            c. Tên, địa chỉ và các thông tin cần thiết khác của các tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá được mô tả  tại Điểm b Khoản 2 của Điều này;

            d. Thuế suất chống bán phá giá tạm thời;

            e. Ngày có hiệu lực và thời hạn hiệu lực áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

Điều 32.  Áp dụng thuế chống bán phá giá.

1. Trường hợp không đạt được cam kết quy định tại Chương III của Nghị định này, căn cứ vào kết luận cuối cùng và kiến nghị của Hội đồng xử lý, Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống bán phá giá.

2. Thuế suất thuế chống bán phá giá không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận cuối cùng.

3. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá không quá năm năm, kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

4. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá có thể được gia hạn trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định rà soát việc áp dụng thuế chống phá giá theo quy định tại Chương IV của Pháp lệnh chống bán phá giá.

 

  Điều 33. Thông báo áp dụng thuế chống bán phá giá. 

            Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá phải được công bố công khai với các nội dung sau:

            1. Tên, địa chỉ và các thông tin cần thiết khác của tổ chức, cá nhân có yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            2. Mô tả hàng hoá nhập khẩu là đối tượng bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trong đó bao gồm tên gọi của hàng hoá, các đặc tính cơ bản và mục đích sử dụng chính, mã số theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành và mức thuế nhập khẩu đang áp dụng, xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu;

            3. Tên  của các tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá được mô tả theo Khoản 2 Điều này;

            4. Tên nước hoặc các nước xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            5. Tóm tắt kết quả điều tra cho thấy sự cần thiết phải áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            6. Tóm tắt nội dung các chứng cứ về thiệt hại đáng kể hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể;

            7. Thuế suất chống bán phá giá;

            8. Ngày có hiệu lực và thời hạn  áp dụng biện pháp chống bán phá giá;

            9. Mức chênh lệch thuế phải hoàn trả (nếu có) theo quy định tại Điều 34 của Nghị định này.

 

Điều 34. Hoàn thuế chống bán phá giá tạm thời, hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá tạm thời.

1. Việc hoàn trả khoản thuế chống bán phá tạm thời hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá tạm thời được thực hiện như sau:

a. Hoàn trả khoản chênh lệch về thuế trong trường hợp mức thuế chống bán phá giá trong kết luận cuối cùng là thấp hơn so với mức thuế tạm thời đã được áp dụng theo quyết định của Bộ Trưởng Bộ Thương mại ;

b. Hoàn trả toàn bộ khoản thuế chống bán phá giá tạm thời đã thu hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá tạm thời quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh chống bán phá giá cho người nộp trong trường hợp Bộ Thương mại ra quyết định không áp dụng thuế chống bán phá giá.

            2. Các khoản tiền được hoàn trả theo quy định tại Khoản 1 Điều này không được tính lãi suất.

3. Bộ Tài Chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thủ tục hoàn trả các khoản thuế chống bán phá giá tạm thời hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá tạm thời.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 35. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

 

Điều 36. Trách nhiệm thi hành.

            1. Bộ trưởng Bộ Thương mại chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này.

            2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

 

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Tờ trình

Ngày nhập

18/06/2006

Đã xem

1950 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 1 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com