Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm

Ngày đăng: 16:50 07-04-2011 | 1795 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Chính phủ

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A, N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

CHÍNH PHỦ

Số: …/201…/NĐ-CP

Dự thảo 16 ngày 04/4/2011

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày tháng năm 2011

 

NGHỊ ĐỊNH

Qui định chi tiết thi hành

một số điều của Luật An toàn thực phẩm


 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm về:

1. Công bố hợp quy và thời hạn của giấy xác nhận công bố hợp quy đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến và vật liệu bao gói, dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

2. Quy định về bảo đảm an toàn đối với sức khoẻ con người của thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và thực phẩm biến đổi gen.

3. Đối tượng sản xuất, kinh doanh không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

4. Miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với một số thực phẩm nhập khẩu; trình tự thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước sẽ xuất khẩu vào Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Ghi hạn sử dụng trên nhãn đối với thực phẩm.

6. Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các Bộ quản lý ngành:

a) Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế;

b) Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c) Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công thương;

d) Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân các cấp.

đ) Quan hệ phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân).

Chương II

CÔNG BỐ HỢP QUY

Mục 1

ĐỐI TƯỢNG PHẢI CÔNG BỐ HỢP QUY, DẤU HỢP QUY

Điều 3. Đối tượng phải công bố hợp quy

1. Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn.

2. Phụ gia thực phẩm.

3. Chất hỗ trợ chế biến.

4. Vật liệu bao gói, dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Đối với những đối tượng đã có quy chuẩn kỹ thuật thì phải đăng ký bản công bố hợp quy theo Điều 5 của Nghị định này.

Đối với những đối tượng chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì phải tiến hành việc xây dựng và đăng ký tài liệu công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Điều 7 của Nghị định này.

Đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng phải đăng ký lưu hành. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký lưu hành thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Điều 4. Dấu hợp quy đối với sản phẩm thực phẩm

Sản phẩm thực phẩm quy định tại Điều 3 của Nghị định này được mang dấu hợp quy đảm bảo theo nội dung hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 4 Quyết định 24/2007/QĐ-BKHCN sau khi được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy xác nhận công bố hợp quy.

Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc mang dấu hợp quy đối với sản phẩm thực phẩm.

Mục 2

THỦ TỤC, THẨM QUYỀN TIẾP NHẬN, CẤP GIẤY XÁC NHẬN CÔNG BỐ HỢP QUY VÀ THỜI HẠN CỦA GIẤY XÁC NHẬN CÔNG BỐ HỢP QUY

Điều 5. Công bố hợp quy đối với thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, vật liệu bao gói, dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trước khi đưa ra thị trường phải công bố hợp quy theo quy định tại Điều 3 của Nghị định này.

2. Đối với những sản phẩm thực phẩm chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật thì phải công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm dựa trên các quy định kỹ thuật hiện hành.

Điều 6. Cấp giấy xác nhận bản công bố hợp quy.

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận công bố hợp quy trước khi sản phẩm thực phẩm lưu thông ra thị trường.

2. Đối với những sản phẩm thực phẩm chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước khi sản phẩn thực phẩm lưu thông ra thị trường

Điều 7. Thẩm quyền tiếp nhận bản đăng ký công bố hợp quy / phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

1. Bộ Y tế tổ chức và phân cấp việc tiếp nhận bản đăng ký công bố hợp quy / phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Chỉ định các tổ chức chứng nhận hợp quy đối với thực phẩm.

2. Bộ Y tế quy định cụ thể việc tiếp nhận bản đăng ký công bố hợp quy/ phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Điều 8. Thời hạn của giấy xác nhận công bố hợp quy/ phù hợp quy định an toàn thực phẩm

1. Giấy xác nhận công bố hợp quy/phù hợp quy định an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian:

a) 5 năm đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất có một trong các chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: HACCP, ISO 22000 và tương đương.

b) 3 năm đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất không có các chứng chỉ trên.

c) 2 năm đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

2. Trước khi hết thời hạn 3 tháng, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy xác nhận. Hồ sơ, thủ tục xin cấp lại được thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 của Nghị định này.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN ĐỐI VỚI SỨC KHỎE CON

NGƯỜI CỦA THỰC PHẨM TĂNG CƯỜNG VI CHẤT VÀ

THỰC PHẨM BIẾN ĐỔI GEN

Điều 9. Qui định về bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người của thực phẩm tăng cường vi chất.

1. Bộ Y tế xây dựng chương trình quốc gia giám sát chặt chẽ đối với các thực phẩm được bổ sung vitamin, khoáng chất, chất vi lượng nhằm phòng ngừa khắc phục sự thiếu hụt các chất đó đối với sức khỏe cộng đồng hay nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng.

2. Bộ Y tế căn cứ vào mức đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng để trình Chính phủ ban hành chính sách quốc gia bắt buộc hay không bắt buộc đối với 1số vitamin, khoáng chất, chất vi lượng cụ thể vào trong thực phẩm nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Điều 10. Điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm có thành phần từ sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen

1. Sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen sử dụng làm thực phẩm phải được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm hoặc có tên trong Danh mục sinh vật biến đổi gen được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm theo qui định của pháp luật

2. Tuân thủ các qui định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm và qui định của pháp luật về vận chuyển, lưu giữ sinh vật biến đổi gen.

3. Các lô hàng sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen nhập khẩu vào Việt Nam cho mục đích sử dụng làm thực phẩm hoặc chế biến làm thực phẩm phải kèm theo Giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu và các giấy chứng nhận khác về an toàn thực phẩm theo qui định pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập, qui định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Hội đồng an toàn thực phẩm biến đổi gen; công bố báo cáo đánh giá rủi ro của sinh vật biến đổi gen đối với sức khỏe con người.

Điều 11. Ghi nhãn đối với hàng hoá chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen sử dụng làm thực phẩm.

1. Tổ chức, cá nhân lưu thông thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% mỗi thành phần thì ngoài việc phải tuân thủ các qui định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa còn phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết việc ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen

Chương IV

ĐỐI TƯỢNG SẢN XUẤT KINH DOANH KHÔNG THUỘC DIỆN PHẢI CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ

ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 12. Phạm vi đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm

1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chỉ được phép hoạt động khi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thực phẩm theo qui định của pháp luật về doanh nghiệp, phải có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm qui định tại Chương IV của Luật An toàn thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tiến hành thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng qui định tại Chương V của Luật An toàn thực phẩm, trừ các trường hợp sau đây:

a) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

b) Kinh doanh thức ăn đường phố;

c) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo qui định;

Điều 13. Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh mà Giấy chứng nhận có hiệu lực.

2. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không tuân thủ qui định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm theo qui định đến lần thứ ba hoặc có vi phạm nghiêm trọng trong phạm vi Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì bị thu hồi Giấy chứng nhận và bị xử lý theo qui định của pháp luật.

3. Các Bộ quản lý ngành ban hành danh mục cụ thể loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.

Chương V

ĐỐI TƯỢNG THỰC PHẨM NHẬP KHẨU ĐƯỢC MIỄN KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM; KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI NƯỚC XUẤT KHẨU

Điều 14. Đối tượng thực phẩm nhập khẩu được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm

Thực phẩm nhập khẩu thuộc các trường hợp sau đây được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm:

1. Thực phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu;

2. Thực phẩm trong túi ngoại giao, túi lãnh sự;

3. Thực phẩm quá cảnh, chuyển khẩu;

4. Thực phẩm gửi kho ngoại quan;

5. Thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu.

Điều 15. Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước xuất khẩu

1. Trước khi xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam các tổ chức, cá nhân phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyển của Việt Nam theo qui định.

2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xây dựng kế hoạch kiểm tra, thông báo và phối hợp với cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu thực hiện kiểm tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm xuất khẩu vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ quản lý ngành hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu.

Chương VI

NHÃN THỰC PHẨM

Điều 16. Ghi hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm

1. Hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi “ngày hết hạn sử dụng”, hoặc “sử dụng đến ngày” đối với thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học và những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật. Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày” phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm.

2. Đối với thực phẩm ghi “ngày hết hạn sử dụng” hoặc “hạn sử dụng cuối cùng” thì không được phép bán ra thị trường khi đã quá thời hạn này.

3. Đối với thực phẩm ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày” thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn với cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ nhà sản xuất thực phẩm mới được kéo dài hạn sử dụng cho sản phẩm thực phẩm của mình và hạn sử dụng kéo dài tối đa chỉ bằng hạn sử dụng đã quy định lần đầu tiên.

4. Bộ quản lý ngành hướng dẫn cụ thể đối với việc ghi hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm.

Điều 17. Nội dung bắt buộc ghi nhãn

1. Các thực phẩm bao gói sẵn phải bắt buộc ghi nhãn theo quy định của pháp luật.

2. Thông tin trên nhãn phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho người sử dụng.

3. Đối với thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học qui định tại điểm d, khoản 2 Điều 20 Nghị định này, trên nhãn phải thể hiện được các nội dung chính sau: Công bố thành phần dinh dưỡng; Công bố tác dụng đối với sức khỏe; Chỉ rõ đối tượng sử dụng; Hướng dẫn và giám sát của bác sĩ đối với thức ăn công thức dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi và thức ăn qua ống thông cho bệnh nhân.

4. Thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm, thực phẩm biến đổi gen (có tỷ lệ biến đổi gen >5%) phải ghi rõ thành phần và hàm lượng có trong thực phẩm.

5. Thực phẩm chiếu xạ phải ghi rõ loại và liều xạ được chiếu vào thực phẩm.

Chương VII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Mục 1

PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 18. Nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

1. Trên cơ sở các quy định của Luật An toàn thực phẩm và bảo đảm phù hợp với quy định của Nghị định này.

2. Phân công thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

3. Một đối tượng sản phẩm thực phẩm chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

4. Bảo đảm việc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm và trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của từng bộ.

5. Các nhóm thực phẩm, sản phẩm thực phẩm có chứa nhiều thành phần mà các thành phần đó thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ khác nhau thì trách nhiệm quản lý thuộc về Bộ quản lý thành phần chính, hoặc thành phần quyết định đặc tính đặc trưng, tên gọi của sản phẩm.

6. Bảo đảm tính khoa học, đầy đủ và khả thi.

7. Chính phủ kịp thời điều chỉnh phù hợp về phân công cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các Bộ quản lý ngành nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước khi có sự thay đổi trong thực tiễn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hoặc về tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong từng giai đoạn kinh tế xã hội.

8. Các Bộ có liên quan ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn, phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong trường hợp có sự chồng chéo, trùng lặp về phạm vi được phân công quản lý giữa các Bộ quản lý ngành hoặc xuất hiện các đối tượng mới ngoài các đối tượng đã phân công cho các Bộ tại các Điều 19, 20, 21, 22 và 23 Nghị định này. Trường hợp cần thiết Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân công quản lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ.

9. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thực hiện phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương.

Điều 19. Nội dung phân công trách nhiệm trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm.

3. Quản lý việc công bố hợp qui, công bố phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

4. Quản lý hệ thống kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm.

5. Quản lý việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn thực phẩm.

6. Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm.

7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

8. Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

9. Hợp tác quốc tế về an toàn thực phẩm.

Điều 20. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế

1. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định về trách nhiệm chung trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật An toàn thực phẩm;

b) Báo cáo định kỳ, đột xuất với Chính phủ về công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm chung của Bộ Y tế theo quy định của Luật An toàn thực phẩm;

c) Xây dựng, quản lý hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý;

d) Xác nhận an toàn sức khoẻ (health certificate) đối với thực phẩm nhập khẩu và xuất khẩu.

đ) Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với:

- Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến;

- Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên;

- Thực phẩm chức năng:

+ Thực phẩm bổ sung: sản phẩm thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để phòng chống thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng, sản phẩm thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, chất xơ;

+ Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: sản phẩm dùng cho các đối tượng đặc biệt (bao gồm: trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú, người già, người lao động nặng, người béo phì, vận động viên) và các sản phẩm dùng cho đối tượng khác có chứa hoạt chất sinh học nhằm hỗ trợ một hoặc một số chức năng cụ thể của cơ thể con người;

+ Thực phẩm dinh dưỡng y học: sản phẩm đặc biệt có chỉ định và cách sử dụng với sự giúp đỡ và giám sát của thầy thuốc;

- Nước đá, nước trà uống: cam thảo, thảo quả

- Và các sản phẩm thực phẩm khác không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành khác.

e) Quản lý an toàn thực phẩm đối với bếp ăn của các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

f) Thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý quy định tại các điểm c, d và đ khoản này; thanh tra, kiểm tra liên ngành, đột xuất đối với quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các Bộ khác khi cần thiết; phối hợp với các Bộ quản lý ngành khác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm, việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; dụng cụ bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành đó.

g) Chỉ định cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu đã qua chế biến, bao gói sẵn.

h) Thực hiện các trách nhiệm khác được phân công theo quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật An toàn thực phẩm.

Điều 21. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối bao gồm: quá trình trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nông, lâm, thủy sản; sản xuất muối;

2. Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với:

a) Nhóm các thực phẩm có nguồn gốc thực vật: Ngũ cốc; Rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; thực phẩm dưới dạng thô, sơ chế, chế biến từ cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và khai thác tự nhiên khác (chè, cà phê, ca cao, hạt tiêu, hạt điều, thảo quả, rong biển);

b) Nhóm các thực phẩm có nguồn gốc động vật: Thịt và các sản phẩm từ thịt; Trứng và các sản phẩm từ trứng; Sữa tươi nguyên liệu; Mật ong và các sản phẩm từ mật ong; Yến và sản phẩm từ yến;

c) Nhóm các thực phẩm có nguồn gốc thủy sản: Thủy sản và sản phẩm thủy sản (bao gồm các loài lưỡng cư);

d) Thực phẩm biến đổi gen;

e) Muối;

f) Các loại thực phẩm có chứa thành phần chính, hoặc thành phần quyết định đặc tính đặc trưng, tên gọi của sản phẩm từ các nhóm thực phẩm nêu trên.

3. Xác nhận an toàn dịch bệnh (kiểm dịch) đối với các loại thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu.

4. Xây dựng, quản lý hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đối với quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu đối với các thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.

6. Chỉ định các cơ quan kiểm tra nhà nước về xuất khẩu và nhập khẩu nông sản thực phẩm.

7. Thực hiện các trách nhiệm khác được phân công theo quy định tại Điều 63 của Luật An toàn thực phẩm.

Điều 22. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công thương

1. Thực hiện các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công quy định tại Điều 64 của Luật An toàn thực phẩm.

2. Xây dựng, quản lý hệ thống kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

3. Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác có chứa thành phần chính, hoặc thành phần quyết định đặc tính đặc trưng, tên gọi của sản phẩm từ các nhóm thực phẩm nêu trên.

4. Quản lý điều kiện an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị, chợ đầu mối và hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm.

5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Điều 23. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:

a) Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm của địa ph­ương; Chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp về an toàn thực phẩm tại địa phương theo quy định của pháp luật.

b) Tổ chức thực hiện quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành về quản lý an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý; Quản lý việc công bố hợp qui, cấp Giấy chứng nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý của các Bộ chuyên ngành và theo qui định của pháp luật; Quản lý việc cấp các giấy chứng nhận lưu hành tự do, chứng nhận y tế, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hoặc các giấy chứng nhận khác có liên quan đối với thực phẩm tiêu dùng nội địa.

c) Ban hành các biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nâng cao điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa ph­ương xây dựng và thực hiện chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm.

d) Chỉ đạo việc điều tra, khắc phục và giải quyết hậu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn.

đ) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

e) Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn. Định kỳ hằng quý, sáu tháng, hằng năm và đột xuất tổng hợp báo cáo gửi Bộ Y tế và các Bộ quản lý chuyên ngành về tình hình và kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố để tổng hợp, báo cáo Thủ tư­ớng Chính phủ.

f) Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức h­ướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng;

2. Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại địa phư­ơng theo phạm vi quản lý của các Bộ quản lý ngành tương ứng và phân cấp cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn; làm đầu mối tổng hợp, báo cáo tình hình an toàn thực phẩm tại địa ph­ương cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Y tế và các Bộ quản lý ngành; hàng năm tổ chức giám sát, kiểm tra tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương có trách nhiệm báo cáo tình hình thực phẩm định kỳ hằng quý, 6 tháng và hằng năm về Sở Y Tế.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:

a) Tham gia hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm lư­u thông trên thị trường; xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo thẩm quyền;

b) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về an toàn thực phẩm lư­u thông trên thị trường theo quy định của pháp luật;

c) Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình an toàn thực phẩm l­ưu thông trên thị trường tại địa phư­ơng;

d) Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hư­ớng dẫn thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác về an toàn thực phẩm theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm;

b) Tổ chức h­ướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn theo phân cấp quản lý;

c) Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác về an toàn thực phẩm theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 24. Phối hợp giữa các Bộ quản lý ngành trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Các Bộ quản lý ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước để bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có hiệu quả.

1. Phối hợp trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm

- Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa và ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 52 Luật An toàn thực phẩm

- Khi nhận được thông tin cảnh báo về sự cố an toàn thực phẩm ở nước ngoài, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự cố.

- Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm. Khi cần thiết yêu cầu các Bộ ngành liên quan tiến hành phối hợp điều tra nguyên nhân kể cả việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

2. Vấn đề kiểm soát lô hàng thực phẩm nhập khẩu hỗn hợp

- Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương có trách nhiệm chỉ định các cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm để kiểm soát các thực phẩm nhập khẩu thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Đối với những lô hàng thực phẩm nhập khẩu gồm nhiều loại thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của từ 2 Bộ trở lên thì căn cứ vào mặt hàng thực phẩm chính, chiếm số lượng mặt hàng lớn trong lô hàng đó thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ nào thì Bộ đó chịu trách nhiệm kiểm soát.[1]

3. Vấn đề cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với những cơ sở sản xuất/kinh doanh nhiều sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 Bộ trở lên

Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 Bộ trở lên, thì căn cứ vào mặt hàng chủ đạo của cơ sở sản xuất/kinh doanh đó để giao cho Bộ có chức năng quản lý mặt hàng đó cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm .[2]

Mục 2

THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 25. Cơ quan được giao chức năng thanh tra an toàn thực phẩm

Thanh tra về an toàn thực phẩm là thanh tra chuyên ngành. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương giao chức năng thanh tra an toàn thực phẩm cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc các ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương.

Điều 26. Phối hợp giữa các Bộ, ngành và các lực lượng khác trong thanh tra an toàn thực phẩm

1. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chịu trách nhiệm thanh tra về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định tại các Điều 62, 63, 64, 65, 67 Luật An toàn thực phẩm.

2. Bộ Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra chuyên ngành, phối hợp và phân công, có kế hoạch định kỳ căn cứ vào yêu cầu thực tiễn.

3. Bộ Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được phân công của các Bộ khác.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 28. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng



[1] Phương án 2: Đối với những lô hàng thực phẩm nhập khẩu gồm nhiều loại thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của từ 2 Bộ trở lên, thì thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ nào thì Bộ đó chịu trách nhiệm kiểm soát.



[2] Phương án 2: Đối với những cơ sở sản xuất/kinh doanh nhiều sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 Bộ trở lên, thì sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ nào thì Bộ đó chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh của dây chuyền sản xuất thực phẩm đó

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo 16 Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm

Ngày nhập

07/04/2011

Đã xem

1795 lượt xem

Phiên bản 2

Dự thảo 14 Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm và các phụ lục đi kèm

Ngày nhập

07/04/2011

Đã xem

1795 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Chính phủ

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com