Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với các quy định về điều kiện kinh doanh

Ngày đăng: 11:03 22-06-2007 | 1478 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo


CHÍNH PHỦ
______
Số :   /NĐ-CP


                 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
                               ___________________________________________
                                  Hà Nội, ngày    tháng     năm 2007


Dự thảo


NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
về quản lý nhà nước đối với  các quy định về điều kiện kinh doanh
__________________
CHÍNH PHỦ


Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 7 tháng 12 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

 Nghị định này quy định về việc soạn thảo, ban hành, bổ sung, sửa đổi, đánh giá và thực hiện quy định về các loại điều kiện kinh doanh sau đây:

1. Quy định về giấy phép kinh doanh các loại;

2. Quy định về chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;

3. Quy định về chứng chỉ hành nghề;

4. Quy định về xác nhận yêu cầu về vốn pháp định; và

5. Quy định về các loại điều kiện khác có yêu cầu xác nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Hộ kinh doanh, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các tổ chức kinh doanh khác;

2. Cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

3. Cá nhân, tổ chức đại diện cho các bên có liên quan khác tham gia soạn thảo, ban hành, bổ sung, sửa đổi, đánh giá và giám sát thực hiện các quy định về các loại điều kiện kinh doanh nói tại Điều 1 Nghị định này.

Điều  3. Áp dụng các điều ước quốc tế

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giấy phép là tên gọi chung cho các hình thức thể hiện việc đáp ứng yêu cầu của pháp luật về các loại điều kiện kinh doanh nói tại các khoản 1 đến 5 Điều 1 Nghị định này.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong Nghị định này được hiểu là:

a. Cơ quan nhà nước có quyền hoặc được uỷ quyền soạn thảo quy định về điều kiện kinh doanh; hoặc

b. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định về điều kiện kinh doanh; hoặc

c. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn, huỷ bỏ các quyết định hành chính chứng nhận đáp ứng yêu cầu về điều kiện kinh doanh; hoặc

d. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, đánh giá việc thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh.

3. Quy định về điều kiện kinh doanh là văn bản quy phạm pháp luật hoặc tập hợp các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này. 

Điều 5. Các ngành, nghề  kinh doanh đỏi hòi phải có điều kiện

1. Kinh doanh các ngành, nghề sau đây có thể đòi hỏi phải có điều kiện như quy định tại Điều 1 Luật này bao gồm:

a. Ngành, nghề tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng;

b. Ngành, nghề tác động trực tiếp đến kiểm soát kinh tế vĩ mô;

c. Ngành, nghề gây ô nhiễm môi trường sinh thái; 

d. Ngành, nghề ảnh hưởng trực tiếp ngay lập tức đến sức khỏe hoặc tính mạng con người;

đ.  Khai thác tài nguyên thiên nhiên;

e. Cung cấp dịch vụ công ích;

g. Hoạt động kinh doanh có sử dụng các thiết bị, phương tiện hoặc sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh công cộng, sức khỏe và/hoặc  tính mạng của con người.

Điều 6. Các nguyên tắc áp dụng đối với các quy định về điều kiện kinh doanh

Việc soạn thảo, ban hành và thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh phải tuân thủ các nguyên tắc dưới đây:

1. Tên ngành, nghề kinh doanh cụ thể được quy định phải có điều kiện và nội dung của điều kiện áp dụng đối với ngành, nghề đó phải được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung nói tại đoạn 1 Khoản này được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ hoặc chính quyền địa phương các cấp ban hành, thì nội dung quy định đó và các quy định có liên quan về điều kiện kinh doanh không có hiệu lực thi hành.

2. Nội dung các điều kiện mà cá nhân hoặc tổ chức phải đáp ứng để được quyền tiến hành hoạt động kinh doanh phải được quy định cụ thể, rõ ràng và hợp lý ở mức cần thiết bảo vệ lợi ích chung của xã hội.

3. Nội dung quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, gồm   tên ngành, nghề kinh doanh, tên giấy phép, cơ quan có thẩm quyền cấp, hồ sơ, trình tự thủ tục, thời hạn cấp và điều kiện cấp giấy phép, từ chối cấp hoặc thu hồi, gia hạn giấy phép, thời hạn hiệu lực phải được quy định cụ thể và công bố công khai theo hình thức và cách thức quy định tại Nghị định này.

4. Mọi cá nhân, tổ chức có đủ hồ sơ, thực hiện đúng trình tự, thủ tục và có đủ điều kiện để được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật đều có quyền nhận giấy phép đó.

Trong trường hợp từ chối cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đưa ra được lý do rõ ràng và hợp pháp bằng văn bản.

5. Các bên có liên quan bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các bên có liên quan khác phải được tham vấn trong việc soạn thảo, rà soát đánh giá, bổ sung, sửa đổi và ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh theo  Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Quá trình tham vấn phải tuân thủ đúng các yêu cầu về nội dung, trình tự và thủ tục quy định tại điều 18 của Nghị định này.

Điều 7: Các hành vi bị cấm  trong thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh

1. Nghiêm cấm cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

a. Áp đặt hoặc ép buộc thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh trái với các nguyên tắc quy định tại Điều 6 Nghị định này.

b. Phân biệt đối xử trong việc xem xét, cấp và thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh đối với cá nhân, tổ chức có địa vị pháp lý và điều kiện như nhau.

c. Ban hành và thực hiện các trình tự, thủ tục cấp giấy phép trái với các quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

d. Yêu cầu cá nhân, tổ chức đề nghị cấp giấy phép phải mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ của một hoặc một số cá nhân, tổ chức nhất định mà các sản phẩm hoặc dịch vụ đó giống hoặc tương tự như sản phẩm hoặc dịch vụ của các cá nhân, tổ chức khác.

e. Nhận tiền hoặc lợi ích nào khác dưới mọi hình thức của cá nhân, tổ chức trực tiếp đề nghị cấp hoặc có liên quan đến việc cấp giấy phép, trừ những khoản phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức:

a. Kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật đòi hỏi phải có điều kiện, khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

b. Nộp các hồ sơ, tài liệu và cung cấp thông tin có nội dung không chính xác, không trung thực, hoặc giả mạo để đề nghị cấp giấy phép;

c. Hối lộ dưới mọi hình thức cho công chức có liên quan để được cấp giấy phép;

d. Không thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Hủy bỏ giấy phép

1. Giấy phép đã được cấp bị hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:

a. Giấy phép đã được cấp căn cứ trên hồ sơ có nội dung được kê khai không chính xác, không trung thực, hoặc giả mạo;

b. Cá nhân, tổ chức đề nghị cấp phép đã đưa hối lộ để được cấp giấy phép;

c. Giấy phép đã được cấp cho cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

d. Cá nhân, tổ chức đã được cấp giấy phép còn đủ tiêu chuẩn hoặc điều kiện theo quy định để được cấp giấy phép đó.

2. Ngay khi huỷ bỏ giấy phép, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh ngành, nghề tương ứng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cá nhân, tổ chức có giấy phép bị huỷ bỏ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải chấm dứt kinh doanh ngành, nghề tương ứng cho đến khi đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có quyền hủy bỏ giấy phép  đã cấp trong các trường hợp khác ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

CHƯƠNG II
 GIÁM SÁT CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH

Điều 9. Cơ quan giám sát các quy định về điều kiện kinh doanh

1. Thủ tướng chỉ định hoặc quyết định thành lập Cơ quan giám sát các quy định về điều kiện kinh doanh (sau đây gọi là Cơ quan giám sát).

2. Cơ quan giám sát có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, giám sát, đánh giá việc ban hành và thực hiện các quy định về giấy phép nhằm đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất, đầy đủ, hợp lý, minh bạch, hiệu quả và hiệu lực của các quy định về điều kiện kinh doanh.

Điều 10. Chức năng và nhiệm vụ  của Cơ quan giám sát

1. Giám sát việc soạn thảo, ban hành và thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh;

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm định sự cần thiết, tính hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước của giấy phép dự kiến áp dụng; tính cụ thể, đầy đủ, minh bạch và dự đoán trước được của quy định về giấy phép đó.

3. Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bên có liên quan khác về bổ sung, sửa đổi các quy định về giấy phép hoặc bãi bỏ các giấy phép không còn cần thiết.

4. Thực hiện rà soát quy định về một, một số hoặc tất cả các giấy phép, khi xét thấy cần thiết; hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên có liên quan.

5. Trực tiếp kiến nghị bổ sung, sửa đổi các quy định về giấy phép không còn phù hợp; kiến nghị bãi bỏ các loại giấy phép không còn cần thiết.

6. Tham vấn, trưng cầu ý kiến phản biện của các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, khi xét thấy cần thiết.

7. Quản lý và điều hành Văn phòng đăng ký giấy phép quy định tại Điều 14 của Nghị định này.

8. Kiến nghị và tổ chức thực hiện chính sách quốc gia về giấy phép.

9. Chủ trì và phối hợp thực hiện các biện pháp cải cách các quy định về giấy phép.

10. Các quyền và nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

CHƯƠNG III
SOẠN THẢO, BAN HÀNH, ĐÁNH GIÁ, BỔ SUNG VÀ SỬA ĐỔI CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH

Điều 11. Nội dung cơ bản của quy định về điều kiện kinh doanh

1. Quy định về điều kiện kinh doanh ít nhất phải có các nội dung cơ bản sau đây :

a. Mục đích quy định về điều kiện kinh doanh;

b. Tên giấy phép;

c.  Tên kinh doanh là đối tượng áp dụng của giấy phép;

d. Đối tượng được cấp giấy phép;

đ. Điều kiện hay tiêu chuẩn mà cá nhân, tổ chức phải có để được cấp giấy phép, bao gồm cả các loại hồ sơ và tài liệu khác kèm theo, nếu có;

e. Trình tự và thủ tục cấp giấy phép;

g. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và kiểm tra thực hiện giấy phép;

h. Thời hạn xem xét và cấp giấy phép;

i. Thời hạn hiệu lực của giấy phép;

k. Điều kiện hay tiêu chuẩn gia hạn giấy phép;

l. Các trường hợp thu hồi giấy phép;

m. Cơ chế cụ thể về khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính trong trường hợp bị từ chối hoặc kéo dài thời hạn cấp giấy phép vượt quá thời hạn quy định của pháp luật;

n. Xử lý các hành vi vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh.

2. Đối với các quy định về điều kiện kinh doanh hiện hành chưa có đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, các bộ, cơ quan ngang bộ phải trình Thủ tướng Chính phủ hoặc trực tiếp bổ sung, sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước đảm bảo có đủ nội dung theo quy định trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng để  tham vấn, lấy ý kiến, đánh giá tính hợp pháp, hợp lý và đầy đủ của các quy định về điều kiện kinh doanh.

Điều 12. Đánh giá tác động của loại điều kiện kinh doanh

1. Cơ quan soạn thảo quy định về điều kiện kinh doanh phải tiến hành đánh giá tác động của loại điều kiện kinh doanh dự kiến áp dụng. Việc đánh giá tác động phải căn cứ các nguyên tắc quy định tại Điều 6 và các nội dung quy định tại Điều 16 của Nghị định này.

2. Báo cáo đánh giá tác động của điều kiện kinh doanh ít nhất phải làm rõ các vấn đề sau đây:

a. Căn cứ pháp lý của quy định về điều kiện kinh doanh;

b. Lợi ích chung của xã hội cần được bảo vệ thông qua việc áp dụng quy định về điều kiện kinh doanh;

c. Những biện pháp quản lý khác có thể thay thế giấy phép có thể sử dụng để bảo vệ các lợi ích chung của xã hội, so sánh hiệu quả và chi phí của các công cụ quản lý thay thế khác so với loại giấy phép dự kiến áp dụng; 

d. Tính hợp lý và khả thi của việc thực hiện điều kiện kinh doanh dự kiến quy định;

đ. Mức độ và phạm vi hạn chế quyền tự do kinh doanh do áp dụng điều kiện kinh doanh dự kiến quy định;

e. Tính đầy đủ và cụ thể của các nội dung quy định về điều kiện kinh doanh nêu tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định này;

g. Đánh giá tổng quát về những lợi ích và chi phí, mức độ cần thiết áp dụng loại điều kiện kinh doanh được kiến nghị.

3. Báo cáo đánh giá tác động, Tờ trình và dự thảo văn bản pháp luật có nội dung quy định về Điều kiện kinh doanh phải được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, thẩm tra theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 13. Tham vấn với các bên có liên quan

1. Cơ quan soạn thảo quy định về điều kiện kinh doanh phải tạo điều kiện đảm bảo các cá nhân, tổ chức trực tiếp chịu tác động của loại điều kiện kinh doanh dự kiến áp dụng và các bên có liên quan khác được tham vấn trong quá trình soạn thảo. Việc tham vấn phải đảm bảo được các yêu cầu tối thiểu sau đây :

a. Đảm bảo các bên có liên quan bao gồm các cơ quan nhà nước có liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp và các bên có liên quan khác cập nhật được các dự thảo có liên quan;

b. Cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về dự thảo nội dung các quy định về điều kiện kinh doanh;

c. Đảm bảo các bên có liên quan có được thời hạn hợp lý để bình luận, tham vấn và góp ý kiến về dự thảo đó;

d. Đảm bảo các bên có liên quan có cơ hội thuận lợi và phương thức đa dạng để tham gia góp ý kiến, bao gồm hội thảo, trao đổi ý kiến, góp ý bằng văn bản, góp ý bằng thư điện tử và góp ý qua mạng Internet.

2. Cơ quan soạn thảo phải công bố công khai ý kiến đóng góp, bình luận của tất cả cá nhân, tổ chức có liên quan trong quá trình tham vấn.

3. Cơ quan soạn thảo phải tập hợp, tổng hợp ý kiến, bình luận và báo cáo kết quả tiếp thu ý kiến; đối với những ý kiến chưa tiếp thu, thì phải nêu rõ lý do.

4. Báo cáo tổng hợp về việc tiếp thu ý kiến của các bên có liên quan phải được gửi đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định, thẩm tra và phải được trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Điều 14. Điều trần

1. Trường hợp dự thảo quy định về điều kiện kinh doanh có ảnh hưởng nghiêm trọng đến một hoặc một số bên có liên quan hoặc tác động trái ngược nhau đối với các bên có liên quan, thì cơ quan soạn thảo phải tổ chức điều trần với sự tham gia của các bên nói trên trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Trường hợp cơ quan soạn thảo không tổ chức điều trần như quy định tại khoản 1 Điều này, thì Bộ Tư pháp hoặc cơ quan do Thủ tướng chính phủ chỉ định trực tiếp tổ chức điều trần theo yêu cầu của một hoặc các bên có liên quan.

3. Cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan tổ chức điều trần quy định tại khoản 2 Điều này phải thông báo công khai về thời gian, địa điểm và các vấn đề điều trần ít nhất 7 ngày trước khi điều trần. Các bên có liên quan phải có được cơ hội và thời gian công bằng, hợp lý đủ để trình bày hết quan điểm của mình với cơ quan soạn thảo.

Điều 15. Trình dự thảo lấy ý kiến của Cơ quan giám sát

1. Trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, cơ quan soạn thảo phải gửi dự thảo, tờ trình, báo cáo đánh giá tác động của giấy phép, báo cáo tổng hợp ý kiến tham vấn và báo cáo tiếp thu ý kiến của các bên có liên quan đến Cơ quan giám sát để lấy ý kiến.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo, Cơ quan giám sát có ý kiến bình luận bằng văn bản.

3. Cơ quan giám sát thẩm định mức độ phù hợp của nội dung dự thảo so với các nguyên tắc, yêu cầu và nội dung quy định tương ứng tại Điều 5 và Điều 16 của Nghị định này; kiến nghị ban hành hoặc không ban hành hoặc kiến nghị bổ sung, sửa đổi dự thảo trước khi ban hành.

4. Cơ quan soạn thảo phải xem xét, tiếp thu ý kiến của Cơ quan giám sát trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trường hợp còn ý kiến khác nhau, cơ quan soạn thảo lập báo cáo riêng kèm theo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều 16. Đánh giá lại và kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh đang có hiệu lực

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nghĩa vụ đánh giá lại; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội  doanh nghiệp và các bên có liên quan khác có quyền đánh giá lại hoặc tham gia đánh giá lại các quy định về điều kiện kinh doanh.

2. Hàng năm, Cơ quan giám sát thực hiện đánh giá lại một, một số hoặc tất cả quy định về giấy phép; các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện đánh giá lại một, một số hoặc tất cả các quy định về  giấy phép thuộc thẩm quyền quản lý.

Khi thực hiện đánh giá lại các quy định về giấy phép, Cơ quan giám sát và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo đảm để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam, các hiệp hội doanh nghiệp và các bên có liên quan khác được tham vấn trong việc đánh giá lại theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này. 

3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp và các bên có liên quan khác thực hiện đánh giá lại hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá lại một, một số hoặc tất cả giấy phép bất cứ khi nào nếu xét thấy cần thiết và nêu rõ lý do.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện đánh giá lại giấy phép theo đề nghị của các bên có liên quan quy định tại khoản 3 Điều này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Trường hợp từ chối việc đánh giá lại, các cơ quan nhà nước nói trên phải trả lời bằng văn bản, có nêu rõ lý do.

5. Nội dung đánh giá lại được thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 5 và Điều 16 của Nghị định này. Tổ chức đánh giá lại quyết định phương pháp và công cụ đánh giá; có quyền điều tra, phỏng vấn, tham vấn ý kiến trực tiếp của doanh nghiệp và các bên có liên quan khác.

6. Báo cáo đánh giá ít nhất phải có các nội dung sau đây:

a. Phương pháp đánh giá;

b. Phạm vi và đối tượng đánh giá;

c. Các hoạt động đã thực hiện trong quá trình đánh giá;

d. Cơ quan chủ trì và các bên tham gia đánh giá;

đ. Những phát hiện về điểm mạnh, điểm yếu, về lợi ích và phí tổn của quy định được đánh giá.

e. Nhận xét tổng quát và kiến nghị cụ thể đối với quy định về loại giấy phép thuộc phạm vi đánh giá.

7. Cơ quan giám sát phải lập báo cáo tổng hợp hàng năm về hệ thống giấy phép. Báo cáo tổng hợp bao gồm các báo cáo trong năm của Cơ quan giám sát đánh giá về giấy phép, các báo cáo bất thường trong năm của các bên có liên quan, báo cáo đánh giá của các bộ, cơ quan ngang bộ và các báo cáo bình luận trong năm về các dự thảo và các báo cáo khác.

8. Báo cáo hàng năm ít nhất phải có các nội dung sau đây:

a. Thống kê về số loại giấy phép;

b. Đánh giá tổng quan về hệ thống giấy phép;

c. Các chương trình và biện pháp cải cách đã thực hiện trong năm, nếu có;

d. Các thực tiễn tốt nhất và xấu nhất liên quan đến giấy phép;

đ. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan;

e. Kiến nghị các biện pháp cải cách hệ thống giấy phép và thay đổi, bổ sung sửa đổi cụ thể đối với từng loại giấy phép.

9. Báo cáo hàng năm được trình lên Thủ tướng Chính phủ thông qua và công bố công khai, truy cập được qua mạng Internet.

CHƯƠNG IV
ĐĂNG KÝ VÀ THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ GIẤY PHÉP KINH DOANH


Điều 17. Đăng ký giấy phép

1. Tất cả các loại giấy phép phải được đăng ký tại Văn phòng Đăng ký giấy phép.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ được phân công thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh được quản lý bằng giấy phép phải lập hồ sơ đăng ký loại giấy phép đó.

3. Hồ sơ đăng ký giấy phép bao gồm:

a. Bản giải trình về loại giấy phép được lập theo mẫu do Cơ quan giám sát quy định, gồm tên loại giấy phép, các tài liệu, giấy tờ hợp thành hồ sơ xin giấy phép, tóm tắt các điều kiện để được cấp phép, điều kiện gia hạn giấy phép, trình tự, thủ tục, cơ quan có thẩm quyền cấp phép và thời hạn cấp giấy phép.

b. Các mẫu hồ sơ có liên quan, bao gồm mẫu đơn xin phép, mẫu giấy phép, mẫu đơn gia hạn giấy phép;

c. Tên văn bản quy định về loại giấy phép yêu cầu đăng ký.

4. Các Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh được quản lý gửi hồ sơ đăng ký giấy phép tới Văn phòng. Văn phòng thực hiện đăng ký giấy phép trong thời hạn một ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 18. Công khai và minh bạch

1. Nội dung của quy định về giấy phép quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định này phải được công bố đầy đủ tại:

a. Văn phòng đăng ký giấy phép, với hình thức và cách thức tiếp cận được qua mạng Internet;

b. Bảng thông báo tại nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép;

c. Tờ rơi và catalogue do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phát hành.

2. Khi tổ chức, cá nhân xin phép có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có nghĩa vụ hướng dẫn, cung cấp đủ thông tin liên quan đến quy định về giấy phép mà người đó có yêu cầu.

Điều 19. Thực hiện cấp giấy phép

Nếu luật, pháp lệnh và nghị định chuyên ngành không quy định khác, thì hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép được thực hiện theo các quy định dưới đây:

1. Hồ sơ yêu cầu cấp giấy phép gồm các tài liệu sau đây:

a. Đơn xin cấp giấy phép. Đơn có thể bằng văn bản hoặc tệp dữ liệu điện tử; trường hợp có mẫu đơn theo quy định thì đơn phải được lập theo mẫu đó.

b. Tài liệu chứng thực địa vị pháp lý của cá nhân, tổ chức xin phép;

c. Các tài liệu chứng thực hoặc chứng minh cá nhân, tổ chức xin phép có đủ các điều kiện để được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật;

Cá nhân, tổ chức có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác làm đại diện nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Cá nhân, tổ chức đề nghị cấp giấy phép phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của nội dung hồ sơ nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải nhận hồ sơ khi hồ sơ có đủ các yêu cầu sau đây:

a. Có đủ các loại giấy tờ, tài liệu theo quy định;

b. Có đủ nội dung theo quy định.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận hồ sơ và cấp giấy phép không được yêu cầu cá nhân, tổ chức đề nghị cấp giấy phép nộp thêm giấy tờ, tài liệu ngoài quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Nếu hồ sơ còn có sai sót, thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phải thông báo một lần bằng văn bản hướng dẫn bổ sung, sửa đổi tất cả những sai sót đó trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cho cá nhân, tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

Trường hợp không có thông báo hướng dẫn bổ sung, sửa đổi hồ sơ trong thời hạn theo quy định, thì hồ sơ đó được coi là hợp lệ và cá nhân, tổ chức đề nghị cấp giấy phép coi như có đủ điều kiện để được loại cấp giấy phép đó.

7. Tất cả các hồ sơ phải được xem xét và xử lý công bằng và khách quan theo đúng trình tự, thủ tục và căn cứ vào những điều kiện theo quy định của pháp luật.

8. Tổ chức, cá nhân yêu cầu có đủ điều kiện theo quy định đương nhiên được cấp giấy phép tương ứng trong thời hạn quy định.

Giấy phép phải được cấp bằng văn bản, có ghi rõ tên giấy phép, hoạt động kinh doanh được quản lý bằng giấy phép, thời gian cấp, cơ quan và nơi cấp, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép và thời hạn hiệu lực của giấy phép.

9. Việc từ chối cấp phép phải được lập thành văn bản nêu rõ lý do. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phải hướng dẫn người xin phép về cách thức, cơ chế và thời hạn khiếu nại của cá nhân, tổ chức đề nghị cấp giấy phép đến các cơ quan có thẩm quyền.

10. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức đã có đủ điều kiện trong thời hạn quy định thì cá nhân, tổ chức đó coi như đã được cấp giấy phép mà họ đã đề nghị. Trong trường hợp này, biên lại nộp đủ lệ phí hoặc phiếu hẹn khi nộp đủ hồ sơ là bằng chứng xác nhận việc coi như họ đã được cấp giấy phép.

11. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép phải xem xét và cấp giấy phép trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn thêm một lần và thời gian gia hạn không quá bảy ngày làm việc tiếp theo.

Điều 20. Giám sát việc thực hiện cấp giấy phép

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh được quản lý bằng giấy phép phải giám sát việc cấp loại giấy phép tương ứng, đảm bảo giấy phép đó được cấp đúng đối tượng, đúng trình tự và điều kiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm theo dõi, giám sát và kiểm tra hoạt động kinh doanh được cấp phép, đảm bảo người được cấp giấy phép đúng theo nội dung của giấy phép.

3. Việc kiểm tra quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm tra. Định kỳ hàng tháng, cơ quan kiểm tra gửi tất cả kết luận của từng vụ kiểm tra đến Cơ quan giám sát. Cơ quan giám sát tập hợp và lưu trữ các kết luận kiểm tra theo hình thức và cách thức mà bất kỳ ai có quan tâm đều tiếp cận được thông qua mạng Internet.

CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Thực hiện đăng ký các loại giấy phép hiện hành

1. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải báo cáo Cơ quan giám sát Danh mục các giấy phép còn hiệu lực thuộc thẩm quyền quản lý cùng với các nội dung của từng loại giấy phép như quy định tại Điều 16 của Nghị định này.

2. Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận báo cáo nói tại khoản 1 Điều này, Cơ quan giám sát phải đánh giá và thực hiện đăng ký các giấy phép có đủ căn cứ pháp lý như quy định tại Điều 22 của Nghị định này.

3. Cơ quan giám sát báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp đối với các loại giấy phép thiếu cơ sở pháp lý hoặc chưa đủ các nội dung như quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này.

4. Trong thời hạn 1 năm, kể từ khi Nghị định này có hiệu lực, Cơ quan giám sát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục giấy phép đã đăng ký như quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 22. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Cơ quan giám sát và các cơ quan có liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn tất các công việc cần thiết để thành lập Cơ quan giám sát quốc gia về giấy phép.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.



Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
- Văn phòng Quốc hội,
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng,
- Tòa án nhân dân tối cao,
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
- Cơ quan TW của các đoàn thể,
- Học viện Hành chính quốc gia,
- Công báo,
- Website Chính phủ,
- VPCP: BTCN, TBCN, các PCN, BNC,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, các đơn vị trực thuộc,
- Lưu: KTTH (5b), VT.


TM. THỦ TƯỚNG
THỦ TƯỚNG
 
Nguyễn Tấn Dũng


 

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo.Doc

Ngày nhập

22/06/2007

Đã xem

1478 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com