Dự thảo Nghị định ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn
Ngày đăng: 16:30 11-07-2006 | 1554 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
QUY CHẾ
THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CÔNG TY CỔ PHẦN
CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN
(Ban hành kèm theo Nghị định số /2006/NĐ-CP
ngày tháng năm 2006 của Chính phủ)
Dự thảo 03.7.06
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng.
1. Quy chế này quy định việc thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005.
2. Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không thuộc phạm vi áp dụng của Quy chế này.
3. Đối tượng áp dụng của quy chế này là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; người lao động trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và các cá nhân tổ chức có liên quan.
Điều 2: Giải thích từ ngữ
1. Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; Giám đốc công ty cổ phần, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn trong Quy chế này gọi chung là người quản lý công ty.
2. Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn trong quy chế này được gọi chung là công ty.
Điều 3: Mục đích thực hiện dân chủ trong công ty
1. Tạo điều kiện để người lao động được biết, tham gia ý kiến, được kiểm tra, giám sát và quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động và người quản lý trong công ty.
2. Thiết lập mối quan hệ lao động lành mạnh, tạo ổn định cho công ty và xã hội, góp phần ngăn ngừa và hạn chế những mâu thuẫn phát sinh dẫn đến tranh chấp lao động và đình công trong quá trình sản xuất kinh doanh.
3. Dân chủ phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chống dân chủ hình thức, chống mọi sự lợi dụng dân chủ để gây rối, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty.
Điều 4: Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người quản lý và người laođộng
1. Người quản lý và người lao động trong công ty có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết, chấp hành các nội dung, quy chế của công ty và các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý và người lao động.
2. Người lao động có quyền gia nhập các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Điều 5: Quyền của công đoàn trong phát huy dân chủ của người lao động.
1. Công đoàn trong công ty là người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, có trách nhiệm tổ chức để người lao động thực hiện quyền được biết, được tham gia, được kiểm tra, giám sát và được quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động.
2. Chủ tịch công đoàn công ty hoặc người được ủy quyền, được mời dự Đại hội cổ đông, đại hội thành viên công ty.
Điều 6: Tổ chức hội nghị công nhân lao động ở công ty
1. Hàng năm người quản lý có trách nhiệm phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn tổ chức Hội nghị công nhân lao động ở công ty.
2. Nội dung chủ yếu của hội nghị công nhân lao động là bàn giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh mà Đại hội cổ đông, Đại hội thành viên đã thông qua; thảo luận và thông qua thỏa ước lao động tập thể, các nội quy, quy chế liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, an toàn-vệ sinh lao động.
Chương II
NHỮNG NỘI DUNG NGƯỜI QUẢN LÝ CÔNG TY PHẢI
CÔNG KHAI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BIẾT
Điều 7: Người quản lý công ty phải công khai cho người lao động được biết
1.Nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của công ty, của phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội.
2.Quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động và người quản lý theo quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Doanh nghiệp.
3.Các chế độ, chính sách của nhà nước có liên quan trực tiếp đến người lao động.
4.Các nội quy, quy chế, quy định chủ yếu của công ty:
a) Nội quy lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị; nội quy an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phong chống cháy nổ và các tệ nạn xã hội.
b) Quy chế tiền lương, bao gồm: hệ thống thang bảng lương, điều kiện nâng lương, các hình thức trả lương, thời gian trả lương, nguyên tắc khấu trừ tiền lương.
c) Quy định về mức lao động, định mức khoán.
d) Các quy định về khen thưởng và kỷ luật.
5. Công khai việc trích lập và sử dụng các quỹ trong công ty có liên quan đến người lao động.
a) Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm
b) Mức trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi hàng năm theo quyết định của Đại Hội cổ đông, Đại hội thành viên.
c) Trích nộp kinh phí công đoàn
d) Trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
6. Công khai tài chính hàng năm của công ty với các nội dung sau: Tình hình vốn, tài sản, doanh thu, lợi nhuận; thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước và các nội dung tài chính có liên quan trực tiếp đến người lao động.
7. Điều lệ công ty.
8. Công khai danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
9. Công khai việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
10. Công khai các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Điều 8: Hình thức công khai
Tùy theo nội dung công khai, người quản lý phối hợp với tổ chức công đoàn lựa chọn những hình thức công khai dưới đây cho phù hợp, đảm bảo thiết thực, kịp thời và đúng đối tượng.
1. Thông báo tại Hội nghị công nhân lao động trong công ty, hội nghị tổng kết năm kế hoạch, Đại hội cổ đông, Đại hội thành viên.
2. Thông báo trong các hội nghị giao ban của công ty.
3. Thông báo công khai trên các bảng tin, hệ thống truyền thanh nội bộ công ty.
4. Thông báo bằng văn bản gửi đến cho các phòng ban, phân xưởng, tổ đội sản xuất.
5. Thông báo cho Ban Chấp hành Công đoàn công ty.
6. Các hình thức khác.
Chương III
NHỮNG NỘI DUNG NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA Ý KIẾN
Điều 9: Những nội dung người lao động tham gia ý kiến
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện các nội quy, quy chế, quy định tại Khoản 4 Điều 7 Quy chế này.
2. Nội dung chủ yếu của thỏa ước lao động tập thể để ký kết giữa đại diện Ban Chấp hành công đoàn và người quản lý công ty
.
3. Các giải pháp nâng cao năng xuất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tiết kiệm vật tư nguyên liệu, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện việc làm, sắp xếp bố trí lao động trong phạm vi tổ, đội, phân xưởng.
Điều 10: Tùy theo đặc điểm sản xuất kinh doanh của công ty, người quản lý cấp phòng, ban, phân xưởng, tổ đội; nội dung cần lấy ý kiến của toàn thể người lao động.
Điêu 11. Hình thức tham gia ý kiến của người lao động:
1. Thông qua Hội nghị công nhân lao động trong công ty.
2. Thông qua hội nghị triển khai công tác chuyên môn của các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội.
3. Thông qua đối thoại giữa người quản lý công ty và tập thể người lao động.
4. Thông qua tổ chức công đoàn.
5. Thông qua hòm thư góp ý.
6. Người quản lý công ty tiếp người lao động theo định kỳ.
Chương IV
NHỮNG NỘI DUNG NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH
Điều12: Những nội dung người lao động quyết định bằng biểu quyết
1. Thỏa ước lao động tập thể; các nội dung sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể để Chủ tịch công đoàn hoặc người đại diện Ban Chấp hành công đoàn ký kết với người quản lý.
2. Nghị quyết Hội nghị công nhân lao động.
Điều 13: Quyền quyết định ký kết hợp đồng lao động, tham gia đình công và đóng góp các Quỹ.
1. Người lao động được quyết đinh ký kết hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Luật lao động.
2. Người lao động quyết định của Bộ Luật lao động.
3. Người lao động có quyền quyết định tham gia và mức đóng góp vào các quỹ xã hội, từ thiện tại công ty.
Điều 14: Hình thức quyết định của người lao động
Người lao động quyết định những nội dung quy định tại Điều 12, Điều 13 Quy chế này thông qua các hình thức sau:
1. Hội nghị công nhân lao động.
2. Tổ chức Công đoàn công ty.
3. Trực tiếp với người quản lý công ty.
Chương V
NHỮNG NỘI DUNG NGƯỜI LAO ĐỘNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT
Điều 15: Những nội dung người lao động kiểm tra, giám sát
1. Thực hiện nghị quyết Hội nghị công nhân lao động.
2. Thực hiện các nội dung mà người lao động đã biểu quyết thông qua, quy định, quy định tại Điều 12 Quy chế này.
3. Thực hiện các nội quy, quy định, quy chế, điều lệ của công ty.
4. Thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
5. Thực hiện hợp đồng lao động.
6. Thực hiện các chính sách, chế độ đối với người lao động, nghĩa vụ đối với Nhà nước, việc thu và sử dụng các loại quỹ do người lao động đóng góp.
7. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.
8. Kết quả bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm đối với cá nhân, tập thể.
Điều 16: Hình thức kiểm tra, giám sát của người lao động
1. Thông qua việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn tại công ty.
2. Thông qua việc thực hiện quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy đinh của pháp luật khiếu nại, tố cáo.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17: Các công ty căn cứ vào Quy chế này, xây dựng quy chế cụ thể của đơn vị mình.
Điều 18: Người quản lý công ty có trách nhiệm tổ chức thực hiện và phối hợp với công đoàn công ty thực hiện Quy chế này.
Điều 20: Bộ lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức hoạt động của hội nghị công nhân lao động trong công ty.
Điều 21: Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Các công ty, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế này sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng.
2. Các công ty, tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này tùy theo mức độ vi phạm mà không được xét phong danh hiệu thi đua, không được khen thưởng hàng năm hoặc bị nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương; bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 3
Cơ quan soạn thảo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam
Loại tài liệu Nghị định
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.