Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

Ngày đăng: 12:06 05-03-2007 | 1623 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

Luật
Tương trợ tư pháp và dẫn độ 

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về tương trợ tư pháp và dẫn độ, 

Chương I
Những quy định chung 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thực hiện tương trợ tư pháp và dẫn độ giữa Việt Nam với nước ngoài; thẩm quyền, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước Việt Nam trong tương trợ tư pháp và dẫn độ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động tương trợ tư pháp và dẫn độvới Việt Nam.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

1. Hoạt động tương trợ tư pháp và dẫn độ phải tuân theo quy định của Luật này. Trường hợp Luật này không quy định thì áp dụng quy định của pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật tố tụng hình sự và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
3. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài chỉ được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 4. Nguyên tắc tương trợ tư pháp và dẫn độ

1. Tương trợ tư pháp và dẫn độ được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Đối với các nước chưa ký kết hoặc gia nhập với Việt Nam điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp và dẫn độ, thì hoạt động tương trợ tư pháp và dẫn độ được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

Điều 5. Ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp và dẫn độ

1. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài đã có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp hoặc dẫn độ, thì ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp và dẫn độ là ngôn ngữ được quy định trong điều ước quốc tế đó.
2. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp hoặc dẫn độ, thì hồ sơ phải kèm theo bản dịch ra ngôn ngữ được nước được yêu cầu chấp nhận.
3. Cơ quan lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp hoặc dẫn độ phải dịch hồ sơ đó ra ngôn ngữ được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 6. Công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận

1. Giấy tờ, tài liệu uỷ thác tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam công nhận, nếu giấy tờ, tài liệu đó đã được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Giấy tờ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài được gửi cho cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải kèm theo bản dịch ra tiếng Việt đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 7. Hình thức thực hiện tương trợ tư pháp và dẫn độ

1. Tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sởyêu cầu giữa cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thông qua các uỷ thác tư pháp về việc thực hiện một hoặc một số hành vi tố tụng dân sự hoặc tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật được áp dụng hoặc điều ước quốc tế.
2. Dẫn độ được thực hiện trên cơ sở yêu cầu giữa cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về việc chuyển giao người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước được yêu cầu để nước yêu cầu dẫn độ truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người đó.

Điều 8. Triệu tập và bảo vệ người làm chứng, người giám định

1. Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể triệu tập người làm chứng, người giám định ở nước ngoài theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Trong Giấy triệu tập phải ghi rõ các khoản chi phí mà người làm chứng, người giám định được thanh toán. Người làm chứng, người giám định có mặt tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều này được thanh toán các khoản chi phí theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Người làm chứng, người giám định theo Giấy triệu tập được tạo điều kiện thuận lợi trong nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam.
4. Người làm chứng, người giám định không bị bắt, bị giam giữ hoặc bị kết án vì những lời khai làm chứng, bản kết luận chuyên môn đối với vụ án mà người đó được triệu tập hoặc vì những tội đã phạm ở Việt Nam trước khi được triệu tập đến Việt Nam hoặc vì có quan hệ với những đối tượng đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hình sự tại Việt Nam hoặc vì liên quan đến một vụ kiện dân sự khác xảy ra trước khi đến Việt Nam.
Quyền được bảo vệ theo quy định tại khoản này sẽ chấm dứt nếu người đó không rời lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thông báo bằng văn bản về việc không cần thiết sự có mặt của họ tại Việt Nam. Thời hạn này không tính vào thời gian mà người làm chứng, người giám định không thể rời Việt Nam vì lý do bất khả kháng.

Điều 9. Chuyển giao tài sản và tiền ra nước ngoài

Việc chuyển giao tài sản và tiền ra nước ngoài trong phạm vi các hoạt động tương trợ tư pháp phải được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về chuyển tài sản và tiền ra nước ngoài. 

Chương II
Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong hoạt động tương trợ tư pháp và dẫn độ  

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
1. Tiếp nhận, chuyển giao, đôn đốc thực hiện uỷ thác tư pháp với nước ngoài về dân sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Trao đổi thông tin về pháp luật và thực tiễn tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với cơ quan trung ương của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 11. Trách nhiệm của Toà án nhân dân tối cao

1. Tiếp nhận hồ sơ và chuyển giao kết quả thực hiện các uỷ thác tư pháp về dân sự do các nước đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam yêu cầu cho Bộ Tư pháp để thông báo cho nước ngoài.
2. Tiếp nhận hồ sơ và chuyển giao cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện các uỷ thác tư pháp về dân sự do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài yêu cầu mà nước đó chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam.
3. Thực hiện và hướng dẫn Toà án nhân dân các cấp thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến tương trợ tư pháp và dẫn độ theo thẩm quyền.
4. Quyết định việc từ chối thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự theo quy định tại Điều 23 của Luật này.

­­­­­­­­Điều 12. Trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

1. Trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự:
a. Tiếp nhận hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chuyển đến. Xem xét, quyết định việc thực hiện và giao Viện kiểm sát hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết; từ chối hoặc hoãn việc thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định tại Điều 31 của Luật này;
b. Lập hồ sơ uỷ thác tư pháp về hình sự theo thẩm quyền theo quy định tại Điều 29 của Luật này;
c. Chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Trong hoạt động dẫn độ:
a. Tiếp nhận yêu cầu dẫn độ từ  cơ quan có thẩm quyền nước ngoài;
b. Xem xét và chuyển hồ sơ cho toà án có thẩm quyền;
c. Phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát tại phiên toà phúc thẩm;
d. Kháng nghị quyết định về dẫn độ của Toà án;
đ. Chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và thông báo kết quả thực hiện của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho cơ quan đã yêu cầu.
3. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tương trợ tư pháp và dẫn độ.
4. Hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện tương trợ tư pháp về hình sựvà dẫn độ.

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự:
a. Thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
b. Hướng dẫn cơ quan điều tra các cấp thuộc thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự;
c. Thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết quả thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự.
2. Trong hoạt động dẫn độ:
a. Tổ chức thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về dẫn độ;
b. Tổ chức thi hành Quyết định dẫn độ;
c. Quyết định hoãn dẫn độ theo quy định tại Điều 57 của Luật này;
d. Thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết quả thực hiện yêu cầu dẫn độ.
3. Lập và chuyển văn bản uỷ thác tư pháp về hình sự và dẫn độ theo thẩm quyền và gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để  lập hồ sơ uỷ thác tư pháp về hình sự và dẫn độ để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ tương trợ tư pháp và dẫn độ với nước hữu quan. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định việc áp dụng nguyên tắc này.
         
Điều 15. Trách nhiệm của Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài

1. Chuyển hồ sơ uỷ thác tư pháp và dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.
2. Thông báo kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cho cơ quan có thẩm quyền.

Điều 16. Trách nhiệm của Toà án cấp tỉnh

1. Tiếp nhận hồ sơ tương trợ tư pháp và dẫn độ từ cơ quan có thẩm quyền chuyển đến.
2. Xem xét, quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ.
3. Lập văn bản uỷ thác tư pháp về dân sự và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền.
4. Tiến hành các hoạt động tương trợ tư pháp  theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
5. Báo cáo kết quả thực hiện tương trợ tư pháp và dẫn độ với cơ quan có thẩm quyền.

Điều 17. Trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp tỉnh

1. Tiếp nhận hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ thuộc thẩm quyền.
2. Thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Lập văn bản uỷ thác tư pháp về hình sự và dẫn độ để chuyển cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để lập hồ sơ uỷ thác tư pháp về hình sự và dẫn độ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.
4. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tương trợ tư pháp và dẫn độ.
5. Báo cáo kết quả thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 18. Trách nhiệm của các cơ quan điều tra

1. Tiếp nhận hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ từ cơ quan có thẩm quyền chuyển đến.
2. Tiến hành các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Lập văn bản uỷ thác tư pháp về hình sự và dẫn độ để chuyển cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để lập hồ sơ uỷ thác tư pháp về hình sự và dẫn độ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.
4. Báo cáo kết quả thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ với cơ quan có thẩm quyền. 

Chương III
Tương trợ tư pháp về dân sự 

Điều 19. Phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự
Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong các trường hợp sau:
1. Tống đạt giấy tờ, tài liệu.
2. Thu thập chứng cứ bằng các biện pháp sau đây:
a. Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
b. Trưng cầu giám định;
c. Định giá tài sản;
d. Xem xét, thẩm định tại chỗ;
đ. Yêu cầu cung cấp tài liệu hoặc hiện vật liên quan đến vụ việc dân sự.
3. Tiến hành các hành vi tố tụng dân sự khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 20. Yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự đối với nước ngoài

1. Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây:
a) Người cần tống đạt giấy tờ, tài liệu đang ở nước ngoài;
b) Thu thập chứng cứ ở nước ngoài để giải quyết các vụ việc dân sự trong nước;
c) Người được triệu tập làm chứng, giám định, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đang ở nước ngoài.
2. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 21. Hồ sơ uỷ thác tư pháp về dân sự

1. Hồ sơ uỷ thác tư pháp về dân sự gồm các giấy tờ sau đây:
a) Công văn yêu cầu tương trợ tư pháp;
b) Văn bản uỷ thác tư pháp được quy định tại Điều 22 của Luật này;
c) Các giấy tờ cần thiết khác theo yêu cầu của cơ quan được uỷ thác.
2. Hồ sơ uỷ thác tư pháp được lập thành 03 bộ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngôn ngữ được sử dụng để lập hồ sơ tuân theo quy định tại Điều 5 của Luật này.
Đối với các hồ sơ uỷ thác tư pháp của nước ngoài gửi cho Việt Nam, thì việc công nhận giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải tuân theo quy định tại Điều 6 của Luật này.

Điều 22. Văn bản uỷ thác tư pháp về dân sự

1. Việc uỷ thác tư pháp phải được lập thành văn bản theo quy định của Luật này.
2. Văn bản uỷ thác tư pháp về dân sự phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm lập văn bản;
b) Tên, địa chỉ cơ quan uỷ thác tư pháp;
c) Tên, địa chỉ cơ quan được uỷ thác tư pháp;
d) Họ, tên, địa chỉ hoặc nơi làm việc của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến uỷ thác tư pháp;
đ) Nội dung công việc uỷ thác tư pháp;
e) Yêu cầu của cơ quan uỷ thác tư pháp.

Điều 23. Từ chối thực hiện uỷ thác tư pháp về dân sự của nước ngoài

Uỷ thác tư pháp về dân sự của nước ngoài bị từ chối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Việc thực hiện uỷ thác tư pháp xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam hoặc đe doạ đến an ninh của Việt Nam.
2. Việc thực hiện uỷ thác tư pháp không thuộc thẩm quyền của toà án Việt Nam.

Điều 24. Thủ tục uỷ thác tư pháp ra nước ngoài

1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam uỷ thác tư pháp ra nước ngoài lập văn bản uỷ thác tư pháp theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Luật này và chuyển cho chuyển cho Bộ Tư pháp để lập hồ sơ uỷ thác tư pháp và gửi cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó đã ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam hoặc chuyển cho Toà án nhân dân tối cao để lập hồ sơ uỷ thác tư pháp và gửi cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đối với nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản uỷ thác tư pháp, Bộ Tư pháp hoặc Toà án nhân dân tối cao vào sổ hồ sơ uỷ thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Nếu hồ sơ không hợp lệ, Bộ Tư pháphoặc Toà án nhân dân tối cao trả lại cho cơ quan đã lập văn bản uỷ thác tư pháp và nêu rõ lý do.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp của nước ngoài, Bộ Tư pháphoặc Toà án nhân dân tối cao chuyển kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp cho cơ quan trong nước đã gửi văn bản uỷ thác tư pháp.

Điều 25. Thủ tục tiếp nhận và xử lý uỷ thác tư pháp của nước ngoài

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản uỷ thác tư pháp của nước ngoài,Bộ Tư pháp hoặc Toà án nhân dân tối cao phải vào sổ uỷ thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho Toà án nhân dân tối cao để chuyển cho toà án có thẩm quyền thực hiện.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Bộ Tư pháp hoặc Toà án nhân dân tối cao gửi trả cho nước ngoài và nêu rõ lý do.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp, Bộ Tư pháphoặc Toà án nhân dân tối cao chuyển kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
3. Trường hợp uỷ thác tư pháp không thực hiện được, quá thời hạn mà nước ngoài yêu cầu hoặc cần điều kiện bổ sung, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện uỷ thác tư pháp phải báo cho Bộ Tư pháphoặc Toà án nhân dân tối cao để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Điều 26. Chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp về dân sự

1. Cá nhân, tổ chức yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự mà làm phát sinh yêu cầu uỷ thác tư pháp về dân sự với nước ngoài phải ứng trước tiền chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp. Trước khi lập hồ sơ uỷ thác tư pháp 05 ngày, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho cá nhân, tổ chức nói trên về dự trù chi phí để thực hiện uỷ thác tư pháp đó. Hồ sơ uỷ thác tư pháp chỉ được thực hiện sau khi đã nộp tạm ứng phí.
Trường hợp cá nhân yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự không có khả năng chi trả là đối tượng được hưởng chính sách thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Chi phí nhận và thực hiện uỷ thác tư pháp về dân sự của nước ngoài tại Việt Nam do nước yêu cầu chịu, trừ trường hợp điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước đó có quy định khác hoặc giữa Việt Nam và nước đó thoả thuận khác. 

Chương IV
Tương trợ tư pháp về hình sự 

Điều 27. Phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự
Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự trong các trường hợp sau đây:
1. Tống đạt giấy tờ.
2. Triệu tập người làm chứng, người giám định, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
3. Thu thập chứng cứ bằng các biện pháp sau đây:
a) Lấy lời khai;                    
b) Trưng cầu giám định;
c) Định giá tài sản;
d) Tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác;
đ) Cung cấp tài liệu, đồ vật;
e) Đối chất, nhận dạng;
g) Thu giữ, kê biên, tịch thu tài sản;
h) Cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ, vật chứng;
i) Xác định nơi ở, nơi có đồ vật và nhận dạng người, đồ vật;
k) Thực hiện yêu cầu khám xét, thu giữ;
l) Triệu tập người làm chứng, người giám định, người liên quan để cung cấp chứng cứ hoặc giúp đỡ trong điều tra, truy tố, xét xử hình sự trên lãnh thổ nước yêu cầu;
m) Truy tìm, thu giữ, kê biên, tịch thu tài sản do phạm tội mà có và phương tiện phạm tội.
4. Truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Thực hiện các hành vi tố tụng hình sự khác theo quy định của pháp luật hoặc điều ước quốc tế.

Điều 28. Yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự với nước ngoài

1. Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trong quá trình giải quyết vụ án hình sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây:
a) Người cần tống đạt giấy tờ, tài liệu đang ở nước ngoài;
b) Người bị yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đang có mặt ở nước mà người đó mang quốc tịch;
c) Thu thập chứng cứ ở nước ngoài để giải quyết vụ án hình sự trong nước;
d) Người được triệu tập làm chứng, giám định, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đang ở nước ngoài.
2. Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cũng có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài tương trợ tư pháp trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 29. Hồ sơ uỷ thác tư pháp về hình sự

1. Hồ sơ uỷ thác tư pháp về hình sự gồm:
a) Công văn yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự;
b) Văn bản uỷ thác tư pháp về hình sự được quy định tại Điều 30 của Luật này.
2. Hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự được lập thành 03 bộ. Ngôn ngữ được sử dụng để lập hồ sơ tuân theo quy định tại Điều 5 của Luật này.

Điều 30. Văn bản uỷ thác tư pháp về hình sự

1. Việc uỷ thác tư pháp phải được lập thành văn bản theo quy định của Luật này.
2. Văn bản uỷ thác tư pháp về hình sự phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm lập văn bản;
b) Tên, địa chỉ cơ quan uỷ thác tư pháp;
c) Tên, địa chỉ cơ quan được uỷ thác tư pháp;
d) Họ, tên, địa chỉ hoặc nơi làm việc của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến uỷ thác tư pháp;
đ) Nội dung công việc uỷ thác tư pháp:
- Mục đích uỷ thác;
- Mô tả nội dung vụ án hình sự, trong đó nêu tóm tắt các tình tiết liên quan, trích dẫn điều luật và hình phạt có thể áp dụng;
- Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử;
- Thời hạn yêu cầu được thực hiện.
3. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, văn bản uỷ thác còn có thể có các nội dung sau đây:
a) Đặc điểm nhận dạng, quốc tịch và nơi ở của người là đối tượng của vụ án hình sự hoặc những người có thông tin liên quan đến vụ án đó;
b) Đối với uỷ thác thu thập chứng cứ cần phải có: Mô tả các vấn đề cần thẩm vấn những người có liên quan, kể cả các câu hỏi muốn đặt ra cho người đó; mô tả các tài liệu, hồ sơ hoặc vật chứng sẽ được đưa ra và nếu có thể thì mô tả đặc điểm, hình dạng người được yêu cầu xuất trình các tài liệu, hồ sơ, vật chứng đó;
c) Đối với uỷ thác về việc triệu tập người có liên quan để cung cấp chứng cứ hoặc người giám định, thì phải ghi rõ nội dung công việc, câu hỏi, yêu cầu mà người đó phải thực hiện;
d) Đối với uỷ thác về khám xét, thu giữ hoặc truy tìm, tịch thu tài sản do phạm tội mà có, thì cần mô tả về tài sản đang cần tìm và nếu có thể thì mô tả cả nơi có tài sản đó;
đ) Đối với uỷ thác về truy tìm hoặc tịch thu tài sản do phạm tội mà có thì cần: Nêu rõ căn cứ mà nước yêu cầu dựa vào đó để xác định tài sản do phạm tội mà có đang có tại nước yêu cầu và có thể thuộc quyền tài phán của nước yêu cầu; bản sao bản án, quyết định hình sự của Toà án, nếu có, và việc thực hiện bản án, quyết định đó;
e) Đối với trường hợp uỷ thác tư pháp về hình sự có thể dẫn đến việc phát hiện hoặc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, thì nêu rõ các biện pháp cần áp dụng;
g) Nêu rõ các yêu cầu hoặc thủ tục của nước yêu cầu để bảo đảm thực hiện có hiệu quả uỷ thác tư pháp, kể cả cách thức hoặc hình thức cung cấp thông tin, chứng cứ, tài liệu, đồ vật;
h) Nêu rõ yêu cầu về giữ bí mật uỷ thác tư pháp về hình sự và lý do cần giữ bí mật;
i) Trường hợp người có thẩm quyền của nước yêu cầu cần phải đến lãnh thổ của nước được yêu cầu vì mục đích liên quan đến uỷ thác tư pháp về hình sự thì nêu rõ mục đích, dự định thời gian và lịch trình chuyến đi;
k) Tài liệu, chứng cứ hoặc thông tin khác cần thiết cho việc thực hiện uỷ thác tư pháp.
4. Nếu xét thấy thông tin nêu trong văn bản uỷ thác tư pháp về hình sự không đủ để thực hiện uỷ thác đó thì cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu có thể làm văn bản nêu rõ những vấn đề cần bổ sung và đề nghị nước yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung, đồng thời ấn định thời hạn cụ thể trả lời kết quả bổ sung.

Điều 31. Từ chối hoặc hoãn thực hiện uỷ thác tư pháp về hình sự của nước ngoài

1. Uỷ thác tư pháp về hình sự của nước ngoài bị từ chối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
b) Gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hoặc lợi ích thiết yếu khác của Việt Nam;
c) Liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự một người về một tội mà người đó đã bị kết án, tuyên vô tội hoặc được đặc xá tại Việt Nam;
d) Liên quan đến một tội phạm đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam;
đ) Liên quan đến một hành vi vi phạm pháp luật nhưng theo pháp luật Việt Nam thì hành vi đó không cấu thành tội phạm.
2. Uỷ thác tư pháp về hình sự có thể bị hoãn thực hiện tại Việt Nam nếu việc thực hiện uỷ thác tư pháp đó cản trở quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đang được tiến hành tại Việt Nam.
3. Khi quyết định từ chối hoặc hoãn thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định tại Điều này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải báo cho nước yêu cầu biết lý do và các biện pháp cần áp dụng.

Điều 32. Hạn chế sử dụng thông tin và chứng cứ

Thông tin hoặc chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cung cấp chỉ được sử dụng phù hợp với mục đích đã nêu trong uỷ thác tư pháp về hình sự, không được tiết lộ hoặc chuyển giao, trừ trường hợp có sự đồng ý trước bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Điều 33. Bảo mật

1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để giữ bí mật về uỷ thác tư pháp về hình sự, nội dung uỷ thác, tài liệu kèm theo, cũng như những hành vi tố tụng hình sự sẽ được tiến hành theo uỷ thác về hình sự đó. Trong trường hợp không thể thực hiện được uỷ thác tư pháp về hình sự của nước ngoài theo cơ chế bảo mật, thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải thông báo về việc đó và thoả thuận biện pháp thay thế nếu có.
2. Khi gửi uỷ thác tư pháp về hình sự cho nước ngoài, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền nước ngoài áp dụng các biện pháp để:
a) Giữ bí mật thông tin, chứng cứ mà Việt Nam đã cung cấp và sử dụng thông tin, chứng cứ trong phạm vi cần thiết cho mục đích nêu trong yêu cầu tương trợ;
b) Bảo đảm thông tin, chứng cứ không bị sai lệch, thay đổi, tiết lộ trái phép hoặc các hành vi lạm dụng khác.

Điều 34. Thủ tục uỷ thác tư pháp về hình sự ra nước ngoài

1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam uỷ thác tư pháp về hình sự ra nước ngoài lập văn bản uỷ thác tư pháp theo quy định tại Điều 30 Luật này và gửi đến  Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để lập hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản uỷ thác tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào sổ hồ sơ uỷ thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ uỷ thác và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Nếu hồ sơ không hợp lệ, Viện Kiển sát nhân dân tối cao trả lại cho cơ quan đã lập văn bản uỷ thác tư pháp và nêu rõ lý do.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thực hiện uỷ thác của nước ngoài, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao  chuyển cho cơ quan đã gửi hồ sơ uỷ thác tư pháp.

Điều 35. Thủ tục tiếp nhận và xử lý uỷ thác tư pháp về hình sự của nước ngoài

1.  Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ uỷ thác tư pháp về hình sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào sổ uỷ thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi trả cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và nêu rõ lý do.
Trường hợp phải từ chối thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định từ chối và gửi cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và nêu rõ lý do.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuyển kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
3. Trường hợp uỷ thác tư pháp không thực hiện được, quá thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền nước ngoài yêu cầu hoặc cần điều kiện bổ sung, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện uỷ thác tư pháp phải báo cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Điều 36. Tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của nước ngoài

1. Nước yêu cầu muốn tống đạt giấy triệu tập người làm chứng đang có mặt tại Việt Nam, phải gửi yêu cầu cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam trước ngày người đó phải có mặt tại nước yêu cầu ít nhất 45 ngày.
2. Ngay sau khi tống đạt, cơ quan thực hiện việc tống đạt phải gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao văn bản xác nhận đã tống đạt giấy tờ để chuyển cho nước yêu cầu. Nếu không thể tống đạt được thì phải nêu rõ lý do.

Điều 37. Chuyển giao tạm thờingười đang chấp hành hình phạt để cung cấp chứng cứ

1. Người đang chấp hành hình phạt tại Việt Nam có thể được chuyển giao tạm thời cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để cung cấp chứng cứ trong vụ án hình sự tại nước yêu cầu.
2. Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam chỉ chuyển giao tạm thời người đang chấp hành hình phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này với điều kiện:
a) Người đó tự nguyện đồng ý với việc chuyển giao đó;
b) Nước yêu cầu phải ký văn bản chấp thuận các điều kiện cụ thể do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam nêu ra liên quan đến việc chuyển giao tạm thời. Văn bản chấp thuận này được lập theo pháp luật và thực tiễn quốc tế liên quan đến việc chuyển giao tạm thời kể cả thời hạn và phương thức trao trả.
3. Thời gian mà người bị chuyển giao lưu lại ở nước ngoài theo văn bản chấp thuận nêu tại khoản 2 Điều này được tính vào thời gian chấp hành hình phạt của người đó tại Việt Nam.

Điều 38. Cung cấp thông tin

Theo yêu cầu của nước ngoài, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cung cấp cho nước yêu cầu các thông tin liên quan hoặc bản sao  bản án hình sự đã có hiệu lực đối với công dân của nước yêu cầu.

Điều 39. Chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án cho nước ngoài để truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sựđối với công dân của nước được yêu cầu phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng hiện đang có mặt tại nước được yêu cầuthì cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam đang thụ lý vụ án chuyển hồ sơ vụ án và có thể chuyển giao vật chứng kèm theo đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để làm thủ tục chuyển cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài.
2. Căn cứ vào quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thể đưa ra các điều kiện bắt buộc đối với cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu phải tuân theo liên quan đến vật chứng khi chuyển giao cho nước được yêu cầu.

Điều 40. Truy cứu trách nhiệm hình sự  theo uỷ thác tư pháp của nước ngoài
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét và xử lý
yêu cầu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đối với công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài đang có mặt trên lãnh thổ Việt Nam theo trình tự sau đây:
1. Nếu vụ án đang trong giai đoạn điều tra và thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh thì chuyển cho Viện kiểm sát cấp tỉnh có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan điều tra cùng cấp thụ lý tiến hành điều tra. Sau khi kết thúc điều tra sẽ tiến hành truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
2. Nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố và thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp tỉnh, thì chuyển cho Viện kiểm sát cấp tỉnh thụ lý truy tố theo thẩm quyền.
3. Nếu vụ án đang trong giai đoạn điều tra và thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra Bộ Công an thì chuyển cho cơ quan điều tra Bộ Công an thụ lý tiến hành điều tra. Sau khi kết thúc điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thành bản cáo trạng truy tố và uỷ quyền cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh truy tố.
4. Nếu vụ án ở trong giai đoạn truy tố và thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thành bản cáo trạng truy tố và uỷ quyền cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh truy tố.

Điều 41. Uỷ thác tư pháp về điều tra đối với công dân nước ngoài tại Việt Nam

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài uỷ thác tư pháp về điều tra cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đối với công dân của nước yêu cầu hiện đang có mặt tại Việt Nam thì chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan có thẩm quyền  nước ngoài chuyển đến,Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Bộ Công an thực hiện. Sau khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra Bộ Công an phải gửi ngay hồ sơ vụ án, kết luận điều tra cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thông báo kết quả cho nước yêu cầu.

Điều 42. Chi phí tương trợ tư pháp về hình sự

Chi phí đối với các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với các nước do nước thực hiện chi trả, nếu giữa Việt Nam và nước đó không có thoả thuận khác. Trường hợp Việt Nam là nước thực hiện uỷ thác tư pháp về hình sự, thì chi phí cho việc thực hiện do ngân sách Nhà nước bảo đảm. 

Chương V
Dẫn độ 

Điều 43. Căn cứ và mục đích của dẫn độ
Căn cứ vào điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và theo nguyên tắc có đi có lại, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể:
1. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài dẫn độ người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để chấp hành hình phạt.
2. Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật đang ở trên lãnh thổ của Việt Nam cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để chấp hành hình phạt.

Điều 44. Tội phạm bị dẫn độ

1. Người bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Toà án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu (06) tháng.
2. Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước ngoài có liên quan, việc xác định tội phạm bị dẫn độ được tiến hành theo quy định sau đây:
a) Không yêu cầu pháp luật của cả hai quốc gia quy định hành vi phạm tội đó phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh;
b) Tất cả các hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ phải được xem xét một cách toàn diện và không nhất thiết các yếu tố cấu thành của tội phạm đó theo pháp luật của các quốc gia phải giống như nhau.
3. Trường hợp một nước yêu cầu dẫn độ người có liên quan đến tội phạm về thuế, ngoại hối hoặc tội phạm về thu nhập khác, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam không từ chối dẫn độ với lý do là pháp luật của Việt Nam không quy định hành vi đó là tội phạm.
4. Trường hợp tội phạm được thực hiện bên ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu, thì việc dẫn độ người phạm tội sẽ được tiến hành khi pháp luật của Việt Nam cũng quy định hình phạt đối với tội phạm đó nếu thực hiện bên ngoài lãnh thổ của mình trong hoàn cảnh tương tự.
5. Nếu yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều tội và mỗi tội trong đó đều có thể bị xử phạt theo pháp luật của cả hai quốc gia, nhưng có một số tội không đáp ứng các quy định nêu tại khoản 1 Điều này, thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện với điều kiện người đó ít nhất phạm một tội là tội có thể bị dẫn độ.

Điều 45. Không truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dẫn độ cho nước thứ ba

Người bị dẫn độ về Việt Nam sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dẫn độ cho nước thứ ba vì tội phạm khác đã thực hiện trước khi bị dẫn độ về Việt Nam mà tội phạm này không được đề cập trong yêu cầu dẫn độ hoặc không được sự đồng Ný của nước được yêu cầu dẫn độ.
Trường hợp Việt Nam là nước được yêu cầu dẫn độ thì việc dẫn độ chỉ được thực hiện khi nước yêu cầu cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự người bị dẫn độ hoặc dẫn độ người đó cho nước thứ ba vì tội phạm khác mà người này đã thực hiện trước khi bị dẫn độ trừ khi được sự đồng Tý của Việt Nam.

Điều 46. Từ chối dẫn độ cho nước ngoài

1. Các trường hợp phải từ chối dẫn độ theo yêu cầu của nước ngoài:
a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam tại thời điểm yêu cầu dẫn độ;
b) Khi người bị yêu cầu dẫn độ đã bị Toà án Việt Nam kết án hoặc tuyên vô tội về tội phạm mà người đó bị yêu cầu dẫn độ;
c) Khi việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt đối với người bị yêu cầu dẫn độ đã hết thời hiệu;
d) Có căn cứ xác đáng cho rằng yêu cầu dẫn độ nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trừng phạt người bị dẫn độ vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị;
đ) Người bị yêu cầu dẫn độ đã hoặc sẽ bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm tại nước yêu cầu;
e) Theo pháp luật của Việt Nam thì hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này.
2. Các trường hợp có thể từ chối dẫn độ theo yêu cầu của nước ngoài:
a) Khi toàn bộ hoặc một phần tội phạm bị yêu cầu dẫn độ được thực hiện trên lãnh thổ của Việt Nam;
b) Khi người bị yêu cầu dẫn độ đang bị cơ quan có thẩm quyền Việt Nam tiến hành điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm mà người đó bị yêu cầu dẫn độ;
c) Trong trường hợp ngoại lệ, xét mức độ nghiêm trọng của tội phạm và lợi ích của nước yêu cầu nhận thấy việc dẫn độ có thể không phù hợp với những nguyên tắc nhân đạo do hoàn cảnh cá nhân của người bị yêu cầu dẫn độ.
3.  Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị yêu cầu dẫn độ đang bị giam giữ hoặc cư trú có thẩm quyền ra quyết định từ chối dẫn độ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm thông báo cho nước yêu cầu dẫn độ biết lý do từ chối.

Điều 47. Hồ sơ yêu cầu dẫn độ

1. Hồ sơ yêu cầu dẫn độ gồm:
a) Văn bản yêu cầu dẫn độ quy định tại Điều 48 của Luật này;
b) Các tài liệu kèm theo quy định tại Điều 48 của Luật này.
2. Hồ sơ yêu cầu dẫn độ được lập thành 03 bộ.

Điều 48. Văn bản yêu cầu dẫn độ và tài liệu kèm theo

1. Văn bản yêu cầu dẫn độ bao gồm các nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm lập văn bản;
b) Lý do yêu cầu dẫn độ;
c) Tên, địa chỉ cơ quan có thẩm quyền của nước có yêu cầu dẫn độ;
d) Các thông tin cần thiết về đối tượng bị yêu cầu dẫn độ gồm: tên tuổi, giới tính, địa chỉ, quốc tịch, nơi cư trú.
2. Tài liệu kèm theo Văn bản yêu cầu dẫn độ bao gồm:
a) Văn bản nêu tóm tắt nội dung của vụ án;
b) Văn bản nêu các luật quy định về các yếu tố cấu thành tội phạm và tội danh, quy định về hình phạt, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với tội phạm đó;
c) Giấy tờ về quốc tịch và nơi cư trú của người bị yêu cầu dẫn độ nếu có;
d) Các tài liệu mô tả đặc điểm nhân dạng và ảnh của người bị dẫn độ.
3. Trường hợp yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài các tài liệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn phải kèm theo các tài liệu sau đây:
a) Bản sao lệnh bắt hoặc giam giữ của người có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ;
b) Văn bản xác nhận người bị yêu cầu dẫn độ là người được nêu trong lệnh bắt hay giam giữ.
4. Trường hợp yêu cầu dẫn độ người đã bị kết án thì ngoài các tài liệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn phải kèm theo các tài liệu sau đây:
a) Bản sao bản án kết tội do tòa án của bên yêu cầu dẫn độ tuyên;
b) Văn bản xác nhận người bị yêu cầu dẫn độ là người đã bị kết án.

Điều 49. Thủ tục yêu cầu nước ngoài dẫn độ

1. Cơ quan có thẩm quyền trong nước lập văn bản yêu cầu dẫn độ theo quy định tại Điều 48 của Luật này để gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để lập hồ sơ dẫn độ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu dẫn độ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải vào sổ hồ sơ dẫn độ, kiểm tra tính hợp lệ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Nếu hồ sơ không hợp lệ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lại cơ quan đã lập văn bản yêu cầu dẫn độ để hoàn thiện.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ của nước ngoài, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi kết quả cho cơ quan trong nước đã gửi văn bản yêu cầu dẫn độ.

Điều 50. Yêu cầu bổ sung thông tin

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu dẫn độ và tài liệu kèm theo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào sổ hồ sơ dẫn độ và kiểm tra hồ sơ theo các yêu cầu quy định tại Điều 47 của Luật này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thể yêu cầu cung cấp các thông tin bổ sung hồ sơ. Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu bổ sung thông tin mà không nhận được thông tin bổ sung thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi trả hồ sơ cho nước yêu cầu và nêu rõ lý do.
2. Nếu người bị yêu cầu dẫn độ đang bị bắt giữ và các thông tin bổ sung đã cung cấp không đầy đủ hoặc không nhận được trong thời hạn ấn định, thì người bị bắt giữ có thể được trả tự do. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu về trường hợp trả tự do cho người bị bắt theo yêu cầu và nêu rõ lý do. Việc trả tự do cho người bị yêu cầu dẫn độ nói trên không cản trở nước yêu cầu đưa ra yêu cầu mới về dẫn độ người đó.

Điều 51. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn khi có yêu cầu dẫn độ

Khi có yêu cầu dẫn độK, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 52. Thời hạn chuyển yêu cầu dẫn độ ra toà án

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu dẫn độ, Viện Kiểm sát có thẩm quyền chuyển hồ sơ sang Toà án kèm theo văn bản đề nghị dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ; trường hợp đặc biệt có thể gia hạn nhưng không quá 60 ngày.

Điều 53. Quyết định dẫn độ

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu dẫn độ từ Viện Kiểm sát có thẩm quyền, Chánh án Toà án cấp tỉnh có thẩm quyền phân công 01 thẩm phán nghiên cứu hồ sơ.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được phân công, thẩm phán quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm triệu tập người bị yêu cầu dẫn độ để giải thích về hậu quả pháp lý của việc dẫn độ với sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát cùng cấp và thực hiện một trong những việc sau đây:
a) Ra Quyết định dẫn độ trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đồng ý bằng văn bản việc dẫn độ và không thuộc một trong các trường hợp từ chối dẫn độ quy định tại Điều 46 Luật này;
b) Báo cáo Chánh án thành lập Hội đồng xem xét việc dẫn độ trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ không đồng ý dẫn độ hoặc thuộc trường hợp từ chối dẫn độ quy định tại Điều 46 Luật này.
3. Hội đồng xem xét quyết định dẫn độ gồm 03 thẩm phán trong đó có 01 thẩm phán làm chủ toạ và có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát cùng cấp là kiểm sát viên. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập, Hội đồng phải mở phiên họp  xem xét việc dẫn độ và làm việc theo trình tự sau đây:
a) Một thành viên của Hội đồng trình bày nội dung hồ sơ yêu cầu dẫn độ và nêu ý kiến về cơ sở pháp lý, tính hợp pháp của việc dẫn độ;
b) Kiểm sát viên đại diện cho Viện Kiểm sát phát biểu ý kiến;
c) Luật sư hoặc đại diện của người bị yêu cầu dẫn độ (nếu có) hoặc người bị yêu cầu dẫn độ phát biểu ý kiến;
d) Căn cứ vào các quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số việc dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ.
Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ theo quy định tại điểm này, Toà án gửi quyết định cho người bị yêu cầu dẫn độ, Viện Kiểm sát cùng cấp, Bộ Công an, Bộ Tư pháp.
4. Kể từ ngày Toà án ra quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ, người bị yêu cầu dẫn độ có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị trong thời hạn 30 ngày.
   Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao thực hiện việc xem xét quyết định về dẫn độ. Trình tự, thủ tục xem xét kháng cáo, kháng nghị thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Quyết định của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.

Điều 54. Thi hành Quyết định dẫn độ

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Quyết định dẫn độ có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Công an ra Quyết định thi hành việc dẫn độ và báo cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để thông báo cho nước yêu cầu.

Điều 55. Nhiều nước yêu cầu dẫn độ một người

1. Trong trường hợp nhận được yêu cầu của hai hoặc nhiều quốc gia về việc dẫn độ một người về cùng một tội phạm hay nhiều tội phạm khác nhau, thì Toà án nhân dân cấp tỉnh  quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật này xem xét, quyết định dẫn độ người đó cho một trong các nước có yêu cầu.
2. Khi quyết định dẫn độ một người cho một nước cụ thể, Toà án nhân dân cấp tỉnh ngoài các quy định của pháp luật, còn  phải xem xét các yếu tố liên quan sau đây:
a) Quốc tịch và nơi thường trú của người bị yêu cầu dẫn độ;
b) Tính hợp pháp của các yêu cầu về dẫn độ;
c) Thời gian và địa điểm thực hiện tội phạm;
d) Lợi ích riêng của các nước yêu cầu;
đ) Mức độ nghiêm trọng của tội phạm;
e) Quốc tịch của người bị hại;
g) Khả năng dẫn độ tiếp theo giữa các nước yêu cầu;
h) Ngày đưa ra yêu cầu dẫn độ, các yếu tố liên quan khác.

Điều 56. Dẫn giải người bị dẫn độ

1. Bộ Công an tổ chức việc dẫn giải người bị dẫn độ cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu đến địa điểm và thời gian do hai nước thoả thuận trước bằng văn bản.
2. Nước yêu cầu có thể tiếp nhận người bị dẫn độ tại lãnh thổ của Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thông báo về việc đó. Nếu hết thời hạn trên mà nước đó chưa tiếp nhận, thì Bộ Công an trả tự do cho người đó và có thể từ chối dẫn độ đối với tội phạm tương tự trong các lần tiếp theo.

Điều 57. Hoãn dẫn độ và dẫn độ tạm thời

1. Khi người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt về tội không phải là tội đang bị yêu cầu dẫn độ trên lãnh thổ của Việt Nam, thì Bộ Công an có thể hoãn việc dẫn độ người đó cho đến khi kết thúc quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành xong toàn bộ hoặc một phần hình phạt đã tuyên. Bộ Công anthông báo cho nước yêu cầu về việc hoãn dẫn độ nói trên. Khi điều kiện hoãn dẫn độ không còn nữa thì Bộ Công an thông báo ngay cho nước yêu cầu và tiếp tục tiến hành việc dẫn độ nếu không có thông báo khác của nước yêu cầu.
2. Trường hợp việc hoãn dẫn độ nói ở khoản 1 Điều này làm cản trở việc truy cứu trách nhiệm hình sự do hết thời hiệu hoặc gây khó khăn nghiêm trọng cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bị yêu cầu dẫn độ thì theo đề nghị của nước yêu cầu, Bộ Công an căn cứ vào pháp luật Việt Nam có thể cho dẫn độ tạm thời người bị yêu cầu dẫn độ.
3. Người bị dẫn độ tạm thời phải được trả lại ngay sau khi quá trình tố tụng hình sự củanước yêu cầu đã kết thúc hoặc hết thời hạn yêu cầu dẫn độ tạm thời mà hai bên đã thoả thuận. Khi có yêu cầu mới của nước yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét việc gia hạn thời hạn đã thoả thuận nếu có lý do chính đáng.

Điều 58. Dẫn độ lại

Trường hợp người đã bị dẫn độ trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt và quay trở lại Việt Nam, thì nước yêu cầu có thể đưa ra yêu cầu dẫn độ lại người đó kèm theo các tài liệu quy định tại Điều 47 và Điều 48 của Luật này. Trong trường hợp này, không cần tiến hành lại thủ tục ra Quyết định dẫn độ theo quy định tại Điều 53 của Luật này.Bộ Công an ra Quyết định dẫn độ lại, việc dẫn giải người bị dẫn độ lại áp dụng theo quy định tại Điều 56 Luật này.

Điều 59. Chuyển giao tài sản

Tài sản do phạm tội mà có hoặc cần để làm vật chứng có thể được chuyển giao theo đề nghị của nước yêu cầu theo quy định tại Điều 39 Luật này, phù hợp với phạm vi và điều kiện mà Việt Nam và nước yêu cầu dẫn độ thoả thuận trên cơ sở tôn trọng đầy đủ quyền của bên thứ ba.

Điều 60. Quá cảnh

1. Trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam, khi việc chuyển giao người bị dẫn độ có quá cảnh qua lãnh thổ của Việt Nam thì nước yêu cầu dẫn độ phải có văn bản yêu cầu gửi qua đường ngoại giao hoặc gửi trực tiếp cho Bộ Công an Việt Nam để xem xét, quyết định.
2. Trường hợp chuyển giao bằng đường hàng không và quá cảnh không hạ cánh trên lãnh thổ Việt Nam, thì việc chuyển giao người bị dẫn độ đó không cần phải xin phép quá cảnh Việt Nam. Nếu tiến hành việc hạ cánh đột xuất trên lãnh thổ Việt Nam, thì nước dẫn độ phải  gửi yêu cầu xin quá cảnh Việt Nam  theo quy định tại khoản 1 Điều này.      

Điều 61. Chi phí về dẫn độ

1. Nước được yêu cầu dẫn độ phải chịu chi phí về dẫn độ trên lãnh thổ nước mình.
2. Nước yêu cầu phải chịu các chi phí về dẫn độ từ lãnh thổ của nước được yêu cầu và chi phí quá cảnh. 

Chương VI
Điều Khoản thi hành 

Điều 62. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày .... tháng .... năm 200....
 
 
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá ..., kỳ họp thứ ... thông qua ngày.... tháng ... năm 200...


 

Chủ tịch quốc hội
 
 
 
Nguyễn Phú Trọng

  
  
 ([1])Trong dự thảo này, những nội dung tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội được thể hiện bằng chữ nghiêng, đậm.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày nhập

05/03/2007

Đã xem

1623 lượt xem

Dự thảo dạng .DOC

Ngày nhập

05/03/2007

Đã xem

1623 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com