Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

Ngày đăng: 02:08 13-12-2009 | 1742 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Chính phủ

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

QUỐC HỘI

–––––––––

Luật số: /.../QH...

(Dự thảo 1.2)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

–––––––––––––––––––––––––

LUẬT

TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật tố tụng hành chính,

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh (mới)

Luật này quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; trình tự, thủ tục khởi kiện và giải quyết các vụ án hành chính; thi hành án hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án hành chính được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

Điều 2. Giải thích từ ngữ (giữ nguyên)

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Quyết định hành chính” là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính.

2. “Hành vi hành chính” là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

3. “Quyết định kỷ luật buộc thôi việc” là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

4. “Đương sự” là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm người khởi kiện, người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

5. “Người khởi kiện” là cá nhân, cơ quan, tổ chức cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc cán bộ, công chức cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi quyết định kỷ luật buộc thôi việc, nên đã khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền.

6. “Người bị kiện” là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu kiện.

7. “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” là cá nhân, cơ quan, tổ chức, do có việc khởi kiện vụ án hành chính của người khởi kiện đối với người bị kiện hoặc do việc giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền mà việc giải quyết vụ án hành chính đó có liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ của họ.

8. “Cơ quan, tổ chức” bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân.

Điều 3. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hành chính (mới)

Mọi hoạt động tố tụng hành chính của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải tuân theo các quy định của Luật này.

Điều 4. Quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (sửa đổi, bổ sung)

Cá nhân, cơ quan, tổ chức theo thủ tục do Luật này quy định có quyền tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 5. Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hành chính (giữ nguyên)

Người khởi kiện vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại; trong trường hợp này các quy định của pháp luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự cũng được áp dụng để giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.

Điều 6. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự (sửa đổi, bổ sung)

1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện đó.

2. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Toà án tạo điều kiện để các bên có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

Điều 6a. Thoả thuận trong tố tụng hành chính (mới)

Toà án có trách nhiệm tiến hành phiên họp và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án hành chính theo quy định của Luật này.

Điều 7. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hành chính (giữ nguyên)

1. Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp các chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Toà án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu trong hồ sơ giải quyết việc hành chính, hồ sơ xét kỷ luật mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc có hành vi hành chính.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền tham gia tố tụng với bên người khởi kiện, bên người bị kiện hoặc tham gia tố tụng độc lập, có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

4. Toà án chỉ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Luật này quy định.

Điều 8. Trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (giữ nguyên)

Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Toà án chứng cứ mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Toà án; trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Toà án biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ.

Điều 9. Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính (sửa đổi, bổ sung)

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trước Toà án, không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp.

Mọi cơ quan, tổ chức đều bình đẳng, không phụ thuộc vào hình thức tổ chức, hình thức sở hữu và những vấn đề khác.

Các đương sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Điều 10. Bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự (sửa đổi, bổ sung)

1. Đương sự có thể uỷ quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng. Đương sự tự mình hoặc có thể nhờ luật sư hay người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp đương sự uỷ quyền cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng thì người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người thứ ba.

2. Toà án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ của họ.

Điều 11. Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án hành chính (mới)

Việc xét xử các vụ án hành chính có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của Luật này. Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.

Điều 12. Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (mới)

Khi xét xử vụ án hành chính, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính (mới)

1. Cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

2. Cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trường hợp người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của các đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ.

Điều 14. Toà án xét xử tập thể (mới)

Toà án xét xử tập thể vụ án hành chính và quyết định theo đa số.

Điều 15. Xét xử công khai (sửa đổi, bổ sung)

Việc xét xử vụ án hành chính được tiến hành công khai. Trường hợp cần giữ bí mật nhà nước hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Đối với vụ án hành chính mà nội dung đã rõ ràng, có đủ chứng cứ được các bên thừa nhận và không có yêu cầu tham gia phiên toà, thì Toà án xét xử mà không cần sự có mặt của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác.

Điều 16. Thực hiện chế độ hai cấp xét xử (mới)

Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử các vụ án hành chính, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Luật này.

Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật; đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

Điều 17. Giám đốc việc xét xử (mới)

Toà án cấp trên giám đốc việc xét xử của Toà án cấp dưới, Toà án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của Toà án các cấp để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất.

Điều 18. Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Toà án (giữ nguyên)

Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật về vụ án hành chính phải được các cơ quan, tổ chức và mọi người tôn trọng.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành. Cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó.

Điều 19. Phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (sửa đổi, bổ sung)

1. Đư­ơng sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo bằng văn bản cho những ngư­ời có quyền kháng nghị quy định tại Điều 148 của Luật này.

2. Trong tr­ường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc phát hiện tình tiết mới của vụ án, Viện kiểm sát, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho những ng­ười có quyền kháng nghị quy định tại Điều 148 của Luật này.

Điều 20. Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính (sửa đổi, bổ sung)

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính là tiếng Việt.

Người tham gia tố tụng hành chính có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Trong trường hợp này cần phải có người phiên dịch.

Điều 21. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính (sửa đổi, bổ sung)

1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính và tham gia các phiên toà xét xử vụ án hành chính; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật.

2. Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên toà xét xử vụ án hành chính. trong các trường hợp do Luật này quy định.

Điều 22. Trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Toà án (mới)

1. Toà án có trách nhiệm chuyển giao trực tiếp hoặc qua bưu điện bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Toà án liên quan đến người tham gia tố tụng hành chính theo quy định của Luật này.

2. Trong Trường hợp không thể chuyển giao trực tiếp hoặc việc chuyển qua bưu điện không có kết quả thì Toà án phải chuyển giao bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác cho Toà án chuyển giao trực tiếp không được hoặc qua bưu điện không có kết quả thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người tham gia tố tụng hành chính cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng hành chính làm việc để có trách nhiệm chuyển giao bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Toà án liên quan đến cho người tham gia tố tụng hành chính.

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người tham gia tố tụng hành chính cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng hành chính làm việc khi có yêu cầu của Toà án và phải thông báo kết quả việc chuyển giao bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác đó cho Toà án biết.

Điều 23. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính (mới)

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo những việc làm trái pháp luật của người tiến hành tố tụng hành chính hoặc của bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào trong hoạt động tố tụng hành chính.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo; thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho người đã khiếu nại, tố cáo biết.

Điều 24. Án phí, lệ phí và chi phí tố tụng (mới)

Các vấn đề về án phí, lệ phí và chi phí tố tụng được thực hiện theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 80g của Luật này..

....

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Luật TTHC phiên bản 1.2

Ngày nhập

13/12/2009

Đã xem

1742 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Chính phủ

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com