Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT THUẾ MÔI TRƯỜNG

Ngày đăng: 09:58 23-02-2010 | 1554 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tài chính

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

QUỐC HỘI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

------------

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Luật số: /2010/QH12

----------------------------------------------

Dự thảo 5

LUẬT

THUẾ MÔI TRƯỜNG

-----------------------------------

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật thuế môi trường.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, biểu khung thuế, kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, giảm thuế môi trường.

Điều 2: Thuế môi trường

1. Thuế môi trường là loại thuế gián thu, thu vào một số sản phẩm, hàng hoá (sau đây gọi chung là hàng hoá) gây tác động xấu đến môi trường.

2. Thuế môi trường chỉ thu một lần đối với hàng hoá được sản xuất hoặc nhập khẩu.

Điều 3: Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Môi trường: bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật.

2. Tác động xấu đến môi trường: là làm biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật.

3. Mức thuế tuyệt đối: là mức thuế được ấn định bằng số tiền nhất định tính trên một đơn vị hàng hoá chịu thuế.

4. Túi nhựa xốp: là loại túi được làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylen resin).

5. Dung dịch HCFC: là môi chất lạnh chứa hydro-chloro-fluoro-carbon (tên hoá học là chlorodifluoromethane), được sử dụng nhiều trong lĩnh vực làm lạnh, điều hoà không khí.

6. Sản xuất: trong Luật này được hiểu bao gồm cả hoạt động khai thác, chế biến và gia công nhằm tạo ra hàng hoá.

Điều 4: Đối tượng chịu thuế

1. Xăng dầu:

a) Xăng các loại;

b) Nhiên liệu bay;

c) Dầu diezel;

d) Dầu hoả;

đ) Dầu mazut.

2. Than .

3. Dung dịch HCFC.

4. Túi nhựa xốp.

5. Thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.

a) Thuốc sử dụng trong nông nghiệp;

b) Thuốc trừ mối;

c) Thuốc bảo quản lâm sản;

d) Thuốc khử trùng kho.

Chính phủ qui định chi tiết Điều này.

Điều 5. Đối tượng không chịu thuế

Hàng hoá qui định tại Điều 4 Luật này không chịu thuế môi trường trong các trường hợp sau:

1. Hàng hoá vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam theo qui định của Pháp luật, bao gồm:

a) Hàng hoá được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam;

b) Hàng hoá được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam;

c) Hàng hoá quá cảnh, mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc giữa cơ quan, người đại diện được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài uỷ quyền;

d) Hàng hoá được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam.

2. Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo qui định của pháp luật.

3. Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế môi trường để xuất khẩu.

Điều 6. Người nộp thuế

Người nộp thuế môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế môi trường và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế môi trường qui định tại Điều 4 Luật này. Một số trường hợp cụ thể như sau:

1. Trường hợp uỷ thác nhập khẩu thì người nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa là người nộp thuế.

2. Trường hợp khai thác than nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

CHƯƠNG II

CĂN CỨ TÍNH THUẾ MÔI TRƯỜNG

Điều 7. Căn cứ tính thuế

1. Căn cứ tính thuế môi trường là số lượng hàng hoá tính thuế và mức thuế tuyệt đối.

2. Số lượng hàng hoá tính thuế

a) Đối với hàng hoá sản xuất trong nước, số lượng hàng hoá tính thuế là số lượng hàng hoá sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu tặng.

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu, số lượng hàng hoá tính thuế là số lượng hàng hoá nhập khẩu

3. Mức thuế tuyệt đối theo qui định tại Điều 9 Luật này.

Điều 8. Xác định thuế

Số thuế môi trường phải nộp bằng số lượng đơn vị hàng hoá chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối qui định trên một đơn vị hàng hoá.

Điều 9. Biểu khung thuế môi trường

1. Mức thuế tuyệt đối qui định theo Biểu khung dưới đây:

STT

Hàng hoá

Đơn vị tính

Mức thuế

(đồng/1 đơn vị hàng hoá)

I

Xăng dầu

1

Xăng các loại

Lít

1.000 – 4.000

2

Nhiên liệu bay

Lít

1.000 – 3.000

3

Dầu diesel

Lít

500 – 2.000

4

Dầu hoả

Lít

300 – 2.000

5

Dầu mazut

Lít

300 – 2.000

II

Than

Tấn

6.000 – 30.000

III

Dung dịch HCFC

Kg

1.000 – 5.000

IV

Túi nhựa xốp

Kg

20.000 – 30.000

V

Thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng

1

Thuốc sử dụng trong nông nghiệp

Kg

500 – 5.000

2

Thuốc trừ mối

Kg

1.000 – 5.000

3

Thuốc bảo quản lâm sản

Kg

1.000 – 5.000

4

Thuốc khử trùng kho

Kg

1.000 – 5.000

2. Căn cứ theo Biểu khung qui định tại khoản 1 Điều này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội qui định mức thuế tuyệt đối cụ thể áp dụng cho từng loại hàng hoá chịu thuế môi trường theo các nguyên tắc sau:

a. Mức thuế đối với các hàng hoá chịu thuế môi trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

b. Mức thuế đối với hàng hoá chịu thuế môi trường được xây dựng phân biệt theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hoá.

CHƯƠNG III

KÊ KHAI, TÍNH, NỘP THUẾ

Điều 10. Thời điểm tính thuế

1. Đối với hàng hoá sản xuất trong nước là thời điểm cơ sở sản xuất bán ra.

2. Đối với hàng hoá nhập khẩu là thời điểm tính thuế nhập khẩu .

Điều 11. Kê khai thuế, nộp thuế

1. Việc kê khai, nộp thuế môi trường được thực hiện theo qui định của pháp luật về quản lý thuế.

2. Đối với hàng hoá nhập khẩu, việc kê khai và nộp thuế môi trường được thực hiện cùng thời điểm với kê khai và nộp thuế nhập khẩu.


CHƯƠNG IV

HOÀN THUẾ, GIẢM THUẾ

Điều 12. Hoàn thuế

Người nộp thuế môi trường được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau:

1. Hàng hoá tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong các trường hợp sau đây:

a) Hàng hoá nhập khẩu đã nộp thuế môi trường nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan, được tái xuất ra nước ngoài.

b) Hàng hoá nhập khẩu đã nộp thuế môi trường để giao, bán hàng cho nước ngoài thông qua các đại lý tại Việt Nam; hàng hoá nhập khẩu để bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường vận tải quốc tế theo qui định của pháp luật;

c) Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất;

d) Hàng hoá nhập khẩu đã nộp thuế môi trường nhưng tái xuất khẩu trả lại nước ngoài;

đ) Hàng hoá tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm theo qui định của pháp luật và đã nộp thuế môi trường, khi tái xuất được hoàn thuế.

2. Quyết toán thuế khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động có số thuế nộp thừa;

3. Có quyết định hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo qui định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế môi trường theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Việc hoàn thuế môi trường theo qui định tại khoản 1 Điều này chỉ thực hiện đối với hàng hoá thực tế xuất khẩu.

Điều 13. Giảm thuế

Người nộp thuế sản xuất hàng hoá thuộc diện thuế môi trường gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế.

Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012;

2. Xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế môi trường tại Luật này sẽ không phải chịu phí xăng dầu.

Điều 15. Qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ qui định chi tiết, hướng dẫn các điều, khoản được giao trong Luật này hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá kỳ họp thứ thông qua ngày tháng năm 2010.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Tờ trình về Dự thảo Luật thuế môi trường

Ngày nhập

23/02/2010

Đã xem

1554 lượt xem

Dự thảo 5 Luật thuế môi trường

Ngày nhập

23/02/2010

Đã xem

1554 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com