Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Ngày đăng: 11:33 04-12-2008 | 2072 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Thông tin và Truyền thông

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

Dự thảo 10

QUỐC HỘI

Luật số: /2009/QH-12

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do – Hạnh phúc

QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Khoá XII, kỳ họp thứ

(Từ ngày tháng đến ngày tháng năm 2009)

LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001-QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Quốc hội ban hành Luật Tần số vô tuyến điện.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định các hoạt động về quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và quản lý tương thích điện từ (sau đây gọi chung là hoạt động quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sóng vô tuyến điện là sóng điện từ có tần số thấp hơn ba nghìn gigahéc (3000 GHz) truyền lan tự do trong không gian, không có dẫn sóng nhân tạo.

2. Phổ tần số vô tuyến điện là toàn bộ dải tần số của sóng vô tuyến điện.

3. Bức xạ vô tuyến điện là năng lượng sinh ra từ một nguồn bất kỳ ở dạng sóng vô tuyến điện.

4. Băng tần số vô tuyến điện (sau đây gọi là băng tần) là một dải liên tục các tần số vô tuyến điện được giới hạn bởi tần số lớn nhất và tần số nhỏ nhất.

5. Kênh tần số vô tuyến điện (sau đây gọi là kênh tần số) là một dải liên tục các tần số vô tuyến điện được xác định bởi độ rộng và tần số trung tâm của kênh hoặc các thông số đặc trưng khác.

6. Thông tin vô tuyến điện là sự truyền dẫn, phát hoặc thu các ký hiệu, tín hiệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc các dạng thông tin khác bằng sóng vô tuyến điện.

7. Nghiệp vụ vô tuyến điện là việc truyền dẫn, phát hoặc thu sóng vô tuyến điện cho một ứng dụng hoặc dịch vụ cụ thể, bao gồm các nghiệp vụ vô tuyến điện cố định, di động, phát thanh, truyền hình, hàng không, hàng hải, dẫn đường, định vị, vệ tinh, phát chuẩn, nghiệp dư và các nghiệp vụ khác.

8. Nghiệp vụ chính là nghiệp vụ vô tuyến điện được ưu tiên sử dụng trong Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

9. Nghiệp vụ phụ là nghiệp vụ vô tuyến điện không được ưu tiên sử dụng trong Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

10. Nghiệp vụ quảng bá là nghiệp vụ vô tuyến điện trong đó việc phát sóng dành cho toàn thể công chúng thu trực tiếp. Nghiệp vụ này bao gồm phát thanh, phát hình và các loại phát sóng khác.

11. Thiết bị vô tuyến điện là thiết bị thu, phát, thu-phát sóng vô tuyến điện dùng trong các nghiệp vụ vô tuyến điện cụ thể.

12. Đài vô tuyến điện là một hay tập hợp thiết bị vô tuyến điện kể cả thiết bị phụ trợ kèm theo được triển khai tại một địa điểm để thực hiện một nghiệp vụ vô tuyến điện. Đài vô tuyến điện được phân loại theo nghiệp vụ mà nó hoạt động thường xuyên hoặc tạm thời.

13. Đài mặt đất là đài vô tuyến điện đặt trong tầng khí quyển hoặc trên bề mặt trái đất dùng để liên lạc với một hay nhiều đài không gian hoặc liên lạc với một hay nhiều đài cùng loại thông qua vệ tinh phản xạ.

14. Đài không gian là đài vô tuyến điện đặt trên vật thể ở bên ngoài phần chính tầng khí quyển của trái đất.

15. Phát xạ vô tuyến điện là bức xạ của một đài vô tuyến điện.

16. Quỹ đạo vệ tinh là đường chuyển động của vệ tinh trong không gian.

17. Thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện là thiết bị khi hoạt động tạo ra và sử dụng năng lượng sóng vô tuyến điện cục bộ nhằm phục vụ các ứng dụng trong công nghiệp, khoa học, y tế, gia dụng hay các mục đích tương tự, trừ các thiết bị vô tuyến điện.

18. Phân bổ tần số vô tuyến điện (sau đây gọi là phân bổ tần số) là việc dành băng tần, kênh tần số xác định cho một hay nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng theo những điều kiện cụ thể đối với một loại nghiệp vụ vô tuyến điện.

19. Ấn định tần số vô tuyến điện (sau đây gọi là ấn định tần số) là việc tính toán phối hợp để cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng một tần số hoặc kênh tần số theo những điều kiện cụ thể đối với một thiết bị hoặc một hệ thống thiết bị vô tuyến điện.

20. Nhiễu có hại là ảnh hưởng có hại của năng lượng điện từ do việc phát xạ, bức xạ hoặc cảm ứng gây mất an toàn hoặc cản trở, làm gián đoạn hoạt động của thiết bị, hệ thống thiết bị vô tuyến điện đang khai thác theo quy định.

21. Tương thích điện từ là khả năng thiết bị, hệ thống thiết bị vô tuyến điện, điện, điện tử hoạt động bình thường và không gây nhiễu có hại đến thiết bị, hệ thống thiết bị khác trong môi trường điện từ.

Điều 4. Áp dụng pháp luật

1. Hoạt động quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện thì áp dụng quy định của Luật này.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước trong hoạt động quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện

1. Đáp ứng nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện để phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Bảo đảm việc sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm phổ tần số vô tuyến điện và vị trí quỹ đạo vệ tinh.

3. Bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi.

5. Khuyến khích áp dụng các công nghệ sử dụng phổ tần số vô tuyến điện, góp phần thúc đẩy phát triển các nghiệp vụ vô tuyến điện.

Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện

1. Xây dựng chính sách phát triển các nghiệp vụ vô tuyến điện.

2. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện.

3. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy hoạch tần số vô tuyến điện.

4. Xây dựng, ban hành và quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

5. Cấp, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ về tần số vô tuyến điện; thu và quản lý lệ phí, phí sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.

6. Kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại và quản lý tương thích điện từ.

7. Tổ chức phối hợp tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh; Thực hiện đăng ký tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh với các tổ chức quốc tế.

8. Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

9. Hợp tác quốc tế về tần số vô tuyến điện; ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

10. Tổ chức, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện.

11. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tần số vô tuyến điện.

Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện trên phạm vi cả nước.

3. Uỷ ban Tần số vô tuyến điện thực hiện chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phối hợp quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện giữa các lĩnh vực dân sự, quốc phòng, an ninh. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban tần số vô tuyến điện.

4. Cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện là cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trên phạm vi cả nước. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện.

5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện.

6. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ.

Điều 8. Thanh tra tần số vô tuyến điện

1. Thanh tra tần số vô tuyến điện thuộc hệ thống Thanh tra Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng thanh tra các hoạt động về tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.

2. Thành lập tổ chức thanh tra tại cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trong phạm vi cả nước.

Điều 9. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện để chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.

2. Sử dụng các tần số vô tuyến điện được dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, cứu nạn quốc gia và quốc tế, an ninh và quốc phòng vào mục đích khác.

3. Cố ý gây nhiễu có hại bất hợp pháp cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện hoạt động theo quy định của pháp luật.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo 10 Luật Tần số vô tuyến điện

Ngày nhập

04/12/2008

Đã xem

2072 lượt xem

Tờ trình Chính phủ của Bộ Thông tin truyền thông về dự thảo luật

Ngày nhập

04/12/2008

Đã xem

2072 lượt xem

Bản thuyết minh chi tiết và đánh giá tác động của Dự thảo Luật tần số vô tuyến điện

Ngày nhập

04/12/2008

Đã xem

2072 lượt xem

Báo cáo tổng kết việc thi hành luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của Luật tần số vô tuyến điện

Ngày nhập

04/12/2008

Đã xem

2072 lượt xem

Bản tổng hợp ý kiến đóng góp và giải trình tiếp thu, sửa đổi

Ngày nhập

04/12/2008

Đã xem

2072 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 5

Cơ quan soạn thảo Bộ Thông tin và Truyền thông

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com