Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Ngày đăng: 23:52 19-02-2011 | 1885 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

QUỐC HỘI

______

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

____________________

Luật số: …./2011/QH13

Hà Nội, ngày tháng năm 2011

Dự thảo 2

LUẬT

TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10,

Quốc hội ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định việc điều tra cơ bản tài nguyên nước; bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tài nguyên nước quy định trong Luật này bao gồm nước mưa, nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất. Nước biển, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên được điều chỉnh bằng pháp luật khác.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng, bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, ao, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết;

2. Nước mặt là nước tồn tại trong sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, ao trên mặt đất liền hoặc hải đảo;

3. Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất;

4. Nguồn nước quốc tế là nguồn nước từ đó nước chảy từ lãnh thổ Việt Nam sang lãnh thổ nước khác hoặc từ lãnh thổ nước khác vào lãnh thổ Việt Nam; nguồn nước nằm trên biên giới giữa Việt Nam và nước khác;

5. Lưu vực sông là vùng địa lý mà trong phạm vi đó nước mặt, nước dưới đất chảy tự nhiên vào sông;

6. Mục tiêu chất lượng nguồn nước là chất lượng nguồn nước cần đạt được và duy trì nhằm đáp ứng mục đích sử dụng nguồn nước;

7. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của nguồn nước;

8. Khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước là khả năng nguồn nước có thể tiếp nhận thêm một lượng nước thải mà vẫn bảo đảm chất lượng nguồn nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam phù hợp với mục đích sử dụng nguồn nước;

9. Dòng chảy tối thiểu là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông, bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước;

10. Ngưỡng khai thác nước dưới đất là giới hạn hạ thấp mực nước cho phép khi khai thác bảo đảm không gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt lún mặt đất và các tác động xấu đến môi trường, nguồn nước mặt liên quan;

11. Bảo vệ tài nguyên nước là các hoạt động nhằm phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo đảm an toàn nguồn nước; ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

1. Việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải tuân theo chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm tính hệ thống của lưu vực sông, không chia cắt theo địa giới hành chính.

2. Bảo vệ tài nguyên nước phải lấy phòng ngừa là chính, gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng và khả năng tái tạo tài nguyên nước; xây dựng và sử dụng tổng hợp, hiệu quả các công trình điều tiết nước; đồng thời kết hợp với khắc phục, hạn chế ô nhiễm và ưu tiên tập trung nguồn lực để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước có tầm quan trọng đối với quốc gia, từng vùng và từng địa phương.

3. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải bảo đảm tổng hợp, tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả và được xem xét tổng thể trong mối quan hệ với tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm công bằng, hợp lý và bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tổ chức, cá nhân, giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa bờ trái và bờ phải.

4. Phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải có kế hoạch và biện pháp chủ động; bảo đảm kết hợp hài hòa lợi ích của cả nước với các vùng, các ngành, giữa các vùng, ngành; giữa khoa học, công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân và phù hợp với khả năng của nền kinh tế.

5. Các dự án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải góp phần phát triển kinh tế, xã hội và phải có các biện pháp bảo đảm đời sống dân cư, quốc phòng, an ninh; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và môi trường.

6. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của Luật này.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước

1. Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước; nâng cao khả năng dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại do nước gây ra; xây dựng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong các hoạt động về tài nguyên nước.

2. Nhà nước có kế hoạch ưu tiên đầu tư để giải quyết nước sinh hoạt cho dân cư các vùng khan hiếm nước, thường xuyên bị thiếu nước; đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước.

3. Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích đối với tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ về sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước.

4. Nhà nước áp dụng chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí tài nguyên nước đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 5. Quan hệ quốc tế về tài nguyên nước

Nhà nước khuyến khích mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các bên cùng có lợi và phù hợp với Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 6. Phân loại lưu vực sông

1. Lưu vực sông được phân thành lưu vực sông lớn, lưu vực sông liên tỉnh và lưu vực sông nội tỉnh.

a) Lưu vực sông lớn bao gồm các lưu vực sông: Hồng - Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vũ Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai - Sài Gòn, Sê San, Srêpốk và sông Cửu Long;

b) Lưu vực sông liên tỉnh, bao gồm các lưu vực sông có diện tích lưu vực nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên;

c) Lưu vực sông nội tỉnh, bao gồm các lưu vực lưu vực sông có diện tích lưu vực nằm trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt danh mục sông nội tỉnh; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục lưu vực sông liên tỉnh.

Điều 7. Phân loại nguồn nước thuộc lưu vực sông

1. Nguồn nước thuộc lưu vực sông phải được phân loại làm căn cứ để ưu tiên đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và thực hiện các biện pháp quản lý tài nguyên nước phù hợp trong phạm vi lưu vực.

2. Căn cứ vào đặc điểm và mức độ quan trọng của nguồn nước, yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa và bảo vệ môi trường, nguồn nước thuộc lưu vực sông được phân thành các loại sau:

a) Nguồn nước đặc biệt quan trọng;

b) Nguồn nước rất quan trọng;

c) Nguồn nước quan trọng;

d) Nguồn nước cần bảo tồn.

3. Chính phủ quy định tiêu chí phân loại nguồn nước thuộc lưu vực sông.

Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng các nguồn nước; ngăn cản trái phép sự lưu thông của nước.

2. Lợi dụng hoạt động điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra xâm phạm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3. Cản trở trái pháp luật quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

4. Xả nước thải, chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; chôn lấp chất thải vào các hố khoan, giếng khoan, giếng đào hoặc các công trình thu nước dưới đất khác.

5. Phá hoại hoặc làm hư hỏng công trình quan trắc, giám sát, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; công trình liên quan của hồ chứa; công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

6. Lấn chiếm, san lấp trái phép sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm.

Chương II

CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 9. Chiến lược tài nguyên nước

1. Việc lập chiến lược tài nguyên nước phải bảo đảm các nguyên tắc và căn cứ sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng;

b) Bảo đảm đáp ứng nhu cầu về tài nguyên nước phục vụ cho dân sinh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống có hiệu quả tác hại do nước gây ra;

c) Kết quả điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước.

2. Chiến lược tài nguyên nước phải có các nội dung chính sau đây:

a) Các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, tầm nhìn về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và điều tra cơ bản, thông tin, dữ liệu tài nguyên nước trên phạm vi cả nước và ở từng vùng, lưu vực sông lớn;

b) Các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và điều tra cơ bản, thông tin, dữ liệu tài nguyên nước trên phạm vi cả nước và đối với từng vùng, lưu vực sông lớn; và danh mục các đề án, dự án ưu tiên thực hiện trong từng giai đoạn.

3. Chiến lược tài nguyên nước được xây dựng cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 20 năm theo kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

4. Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải phù hợp với Chiến lược tài nguyên nước.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài nguyên nước sau khi có ý kiến của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước.

Điều 10. Quy hoạch tài nguyên nước

1.Quy hoạch tài nguyên nước bao gồm:

a) Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia;

b) Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông;

c) Quy hoạch tài nguyên nước dưới đất vùng, địa phương.

2. Kỳ quy hoạch tài nguyên nước được quy định như sau:

a) Kỳ quy hoạch tài nguyên nước quốc gia là 10 năm, tầm nhìn 20 năm;

b) Kỳ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông, quy hoạch tài nguyên nước dưới đất vùng, địa phương là 5 năm, tầm nhìn 10 năm.

3. Quy hoạch các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư tập trung phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước quy định tại khoản 1 Điều này và phải lấy ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Chính phủ.

Điều 11. Nguyên tắc lập quy hoạch tài nguyên nước

1. Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; Chiến lược tài nguyên nước.

2. Gắn kết với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch của các ngành liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước; các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.

3. Xem xét toàn diện nước mặt, nước dưới đất; giữa khai thác, sử dụng tài nguyên nước với bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và phân bổ hài hoà lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, giữa thượng lưu và hạ lưu.

4. Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; quy hoạch tài nguyên nước dưới đất của địa phương phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước dưới đất của vùng, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông và quy hoạch tài nguyên nước quốc gia.

5. Bảo đảm công khai và có sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình lập quy hoạch.

Điều 12. Căn cứ lập quy hoạch tài nguyên nước

1. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược tài nguyên nước.

2. Kết quả điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, phân loại lưu vực sông, phân loại nguồn nước, dự báo diễn biến tài nguyên nước; kết quả thực hiện quy hoạch tài nguyên nước ở giai đoạn trước (nếu có).

3. Nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; định mức sử dụng nước và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tài nguyên nước và môi trường.

4. Tiến bộ khoa học và công nghệ trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

5. Nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Điều 13. Nội dung của quy hoạch tài nguyên nước

1. Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia có các nội dung chính sau đây:

a) Đánh giá tổng quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường; hiện trạng tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

b) Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch kỳ trước;

c) Nhận định xu thế biến động tài nguyên nước; xác định nhu cầu khai thác, sử dụng nước và khả năng đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nước; đánh giá tác động của các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước;

d) Xác định những vấn đề chính về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

đ) Xác định mục tiêu bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra ở từng vùng, lưu vực sông trong kỳ quy hoạch;

e) Xác định các lưu vực sông cần ưu tiên lập quy hoạch, các vùng phải lập quy hoạch tài nguyên nước dưới đất; các dự án điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước;

g) Xác định phương án chuyển nước giữa các lưu vực sông;

h) Giải pháp, tiến độ tổ chức thực hiện quy hoạch.

2. Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông có các nội dung chính sau đây:

a) Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường; đặc điểm nguồn nước, hiện trạng tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông;

b) Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch kỳ trước;

c) Dự báo xu thế biến động tài nguyên nước, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tác động của các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước; xác định những vấn đề chính cần tập trung giải quyết trên lưu vực sông;

d) Xác định các mục tiêu về bảo vệ, khai thác, sử dụng và phòng, chống, hậu quả tác hại do nước gây ra cho từng nguồn nước trên lưu vực sông trong từng giai đoạn của kỳ quy hoạch;

đ) Xác định mục đích sử dụng, mục tiêu chất lượng nguồn nước; dòng chảy tối thiểu trên sông, ngưỡng khai thác nước dưới đất; các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt;

e) Xác định phương án phân bổ nguồn nước; phương án chuyển nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất (nếu có);

g) Khoanh vùng lũ lụt, ngập úng, khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; khu vực có nguy cơ bồi lắng, xói lở lòng, bờ;

h) Giải pháp và tiến độ thực hiện quy hoạch.

3. Nội dung chủ yếu của quy hoạch tài nguyên nước dưới đất phải bao gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây:

a) Xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác; vùng dự trữ nước dưới đất;

b) Khoanh định vùng bảo vệ nước dưới đất.

Điều 14. Thẩm quyền lập, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch lưu vực sông lớn; lập, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước dưới đất vùng.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông nội tỉnh, quy hoạch tài nguyên nước dưới đất địa phương sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 15. Điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước

1. Quy hoạch tài nguyên nước được điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

a) Khi có điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng, chiến lược tài nguyên nước làm ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung quy hoạch đã được phê duyệt;

b) Có sự biến đổi lớn về tài nguyên nước trong vùng quy hoạch;

c) Có kiến nghị điều chỉnh của các Bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong vùng quy hoạch đối với việc thực hiện quy hoạch tài nguyên nước;

d) Vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quyết định điều chỉnh quy hoạch đã phê duyệt.

Điều 16. Lấy ý kiến và công bố quy hoạch tài nguyên nước

1. Việc lấy ý kiến về quy hoạch tài nguyên nước được thực hiện như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan về quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch lưu vực sông lớn, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước dưới đất vùng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan về quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông nội tỉnh, quy hoạch tài nguyên nước dưới đất địa phương trước khi phê duyệt.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quy hoạch tài nguyên nước được phê duyệt hoặc được điều chỉnh, cơ quan tổ chức lập quy hoạch tài nguyên nước có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch tài nguyên nước.

Chương III

ĐIỂU TRA CƠ BẢN, KIỂM KÊ, ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ THÔNG TIN, DỮ LIỆU VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 17. Điều tra cơ bản tài nguyên nước

1. Điều tra cơ bản tài nguyên nước do Nhà nước thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt.

2. Kinh phí cho điều tra cơ bản tài nguyên nước được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm.

3. Căn cứ quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và dự toán ngân sách nhà nước giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với lưu vực sông lớn, liên tỉnh; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với lưu vực sông nội tỉnh.

4. Nội dung điều tra cơ bản tài nguyên nước bao gồm:

a) Điều tra, đánh giá đặc trưng lưu vực sông, đặc trưng các sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm ao; đặc trưng về số lượng, chất lượng nước các nguồn nước mặt; lập bản đồ lưu vực sông, các bản đồ chuyên đề cho các nguồn nước mặt;

b) Điều tra, đánh giá đặc trưng các tầng chứa nước, cấu trúc, phức hệ chứa nước; đặc trưng các các tầng, cấu trúc, phức hệ thấm nước yếu hoặc không chứa nước; điều tra phát hiện các nguồn nước dưới đất; lập bản đồ địa chất thuỷ văn, các bản đồ chuyên đề cho các nguồn nước dưới đất;

c) Đánh giá, dự báo trữ lượng, tiềm năng các nguồn nước; mối quan hệ giữa các nguồn nước, khả năng tái tạo, bổ sung các nguồn nước; lập các loại bản đồ về tiềm năng nguồn nước, phân loại các nguồn nước, bản đồ phân khu chức năng nguồn nước; đánh giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, sinh thái của nguồn nước.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết nội dung điều tra cơ bản tài nguyên nước; thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước

1. Tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước có các quyền sau đây:

a) Tiến hành các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước theo đề án, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Được sử dụng thông tin, số liệu về tài nguyên nước do Nhà nước quản lý, lưu trữ phục vụ mục đích điều tra cơ bản tài nguyên nước của mình theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện đúng đề án, dự án được phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá trong điều tra cơ bản về tài nguyên nước;

b) Bảo đảm tính trung thực, đầy đủ và độ chính xác trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu, thông tin về tài nguyên nước; không được tiết lộ thông tin về tài nguyên nước trong quá trình điều tra cơ bản tài nguyên nước;

c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của Luật này, bảo vệ môi trường và các tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật;

d) Nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

đ) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Kiểm kê tài nguyên nước

1. Việc kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện cho các lưu vực sông, vùng, tỉnh theo định kỳ năm (05) năm.

2. Nội dung kiểm kê tài nguyên nước bao gồm kiểm kê về hiện trạng và xu thế biến đổi về lượng, chất lượng, tình hình khai thác, sử dụng của từng nguồn nước.

3. Trách nhiệm kiểm kê tài nguyên nước:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm kê tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, lưu vực sông liên tỉnh và tổng hợp kết quả kiểm kê trên phạm vi cả nước;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện kiểm kê tài nguyên nước các lưu vực sông nội tỉnh, báo cáo kết quả kiểm kê về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định bộ chỉ tiêu, phương pháp kiểm kê tài nguyên nước.

Điều 20. Quan trắc tài nguyên nước

1. Nội dung quan trắc tài nguyên nước bao gồm:

a) Theo dõi diễn biến các nguồn nước, bao gồm diễn biến về số lượng, chất lượng nước các sông, kênh, rạch, hồ, đầm, ao, đầm phá, các tầng chứa nước; diễn biến lòng, bờ, bãi sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, ao, đầm phá;

b) Giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải theo quy định của pháp luật.

2. Các loại trạm quan trắc tài nguyên nước:

a) Trạm quan trắc xu thế/cơ bản thực hiện nội dung quan trắc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Trạm quan trắc tuân thủ thực hiện nội dung giám sát quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên nước bao gồm:

a) Mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên nước Trung ương thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này đối với các nguồn nước thuộc các lưu vực sông lớn, sông liên tỉnh;

b) Mạng lưới quan trắc tài nguyên nước địa phương thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này đối với các nguồn nước thuộc lưu vực sông nội tỉnh;

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể nội dung, phương pháp quan trắc tài nguyên nước; tổ chức xây dựng, duy trì hoạt động của hệ thống quan trắc tài nguyên nước Trung ương.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, duy trì hoạt động của hệ thống quan trắc tài nguyên nước địa phương.

Điều 21. Thông tin, dữ liệu tài nguyên nước

1. Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước bao gồm các bộ dữ liệu sau:

a) Khí tượng, khí hậu, thủy văn;

b) Đặc trưng hình thái sông, hồ, kênh, rạch, đầm, đầm phá, số lượng và chất lượng nước mặt;

c) Đăc trưng về cấu trúc các tầng chứa nước, số lượng, chất lượng nước dưới đất;

d) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải;

đ) Các yếu tố ảnh hưởng đến tài nguyên nước.

2. Trách nhiệm quản lý thông tin, dữ liệu tài nguyên nước:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý các bộ dữ liệu quy định tại điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều này;

b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý dữ liệu khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước tại địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Chính phủ quy định việc thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên nước; phí khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên nước.

Điều 22. Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước

1. Cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước bao gồm:

a) Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước Quốc gia;

b) Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của địa phương.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu tài nguyên nước Quốc gia; quy định cụ thể việc tích hợp dữ liệu quy định tại điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 21 Luật này vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

3. Các Bộ, các cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tích hợp các bộ dữ liệu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 Luật này thuộc phạm vi quản lý của mình vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước Quốc gia.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Thông tin, dữ liệu tài nguyên nước phải được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về lưu trữ.


Chương IV

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Mục I

TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 23. Trách nhiệm chung về bảo vệ tài nguyên nước

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn.

3. Người phát hiện hành vi, hiện tượng gây tổn hại hoặc đe dọa đến an toàn nguồn nước có trách nhiệm ngăn chặn và báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức gần nhất để kịp thời xử lý.

Điều 24. Trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước có trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo vệ hiệu quả nguồn nước được phép khai thác, sử dụng.

2. Tổ chức, cá nhân xả nước thải có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trước khi thải ra ngoài và tiêu, dẫn nước thải đến nơi quy định; thực hiện các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước theo quy định của Luật này.

Điều 25. Trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước của các Bộ, ngành

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ đạo, phối hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các quy định về bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của Luật này;

b) Chỉ đạo công tác giám sát việc xả nước thải vào nguồn nước;

c) Chỉ đạo công tác đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt các nguồn nước; định kỳ công bố danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng và các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nguồn nước;

d) Quy định vùng bảo vệ nguồn nước.

2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; bảo vệ các nguồn nước tại khu vực biên giới, hải đảo hoặc khu vực cấm khai thác, sử dụng nước vì lý do quốc phòng, an ninh.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc bảo vệ tài nguyên nước.

Điều 26. Trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để thực hiện các quy định về bảo vệ tài nguyên nước tại địa phương;

b) Tổ chức tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước;

c) Tổ chức bảo vệ nguồn nước tại địa phương;

d) Chỉ đạo công tác đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt các nguồn nước; giám sát các hoạt động xả nước thải tại địa phương;

đ) Chỉ đạo việc khoanh, cắm mốc giới và quản lý vùng bảo vệ nguồn nước theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ tài nguyên nước tại địa phương;

b) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước;

c) Huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trên địa bàn xã; phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn.

Điều 27. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ tài nguyên nước

Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác bảo vệ tài nguyên nước. Kinh phí cho công tác bảo vệ tài nguyên nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.


Mục II

NỘI DUNG BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 28. Bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông

1. Việc quy hoạch tài nguyên nước; chia sẻ, phân bổ, điều hòa nguồn nước; chuyển nước lưu vực; cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt, phải bảo đảm mức dòng chảy tối thiểu trên sông.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quy định việc xác định dòng chảy tối thiểu trên sông; công bố mức dòng chảy tối thiểu trên sông lớn, sông liên tỉnh và chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố mức dòng chảy tối thiểu và chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông nội tỉnh .

4. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông.

5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp để bảo đảm duy trì mức dòng chảy tối thiểu trên sông.

6. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Điều 29. Bảo đảm mục tiêu chất lượng nguồn nước

1. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải bảo đảm mục tiêu chất lượng nguồn nước đã xác định trong quy hoạch lưu vực sông.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định phương pháp, trình tự xác định mục tiêu chất lượng nguồn nước; chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp bảo đảm mục tiêu chất lượng nguồn nước thuộc lưu vực sông lớn, sông liên tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm mục tiêu chất lượng nguồn nước tại địa phương.

Điều 30. Khu vực bảo vệ nguồn nước

1. Khu vực bảo vệ nguồn nước bao gồm:

a) Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt;

b) Hành lang bảo vệ sông, hồ chứa thủy điện, thủy lợi;

c) Vùng bảo vệ các nguồn nước đặc biệt quan trọng, rất quan trọng và các nguồn nước cần bảo tồn quy định tại Điều 7 của Luật này.

2. Chủ đầu tư công trình lấy nước sinh hoạt, hồ chứa thủy điện, thủy lợi có trách nhiệm xác định và cắm mốc giới khu vực bảo vệ nguồn nước theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.

3. Ủy ban nhân dân cấp có trách nhiệm xác định vùng bảo hộ vệ sinh đối với các nguồn nước dùng cho cấp nước sinh hoạt và đề ra các biện pháp đề phòng nguồn nước cạn kiệt, ô nhiễm, bảo đảm an toàn nước sinh hoạt cho nhân dân.

4. Các hoạt động bị nghiêm cấm trong khu vực bảo vệ nguồn nước:

a) Gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và môi trường, làm biến dạng địa hình, làm mất cảnh quan môi trường;

b) Xây dựng các công trình xả nước thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước cho sinh hoạt đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

c) Chặt, phá rừng, hủy hoại hoặc làm hư hỏng các công trình liên quan, làm tổn hại đến nguồn nước, không bảo đảm an toàn và tính bền vững của nguồn nước;

d) Lấn chiếm, xây dựng mới các công trình, nhà ở, khu dân cư; đổ đất đá, cát sỏi, chất thải, bố trí các vật cản, chướng ngại, trồng cây gây cản trở thoát lũ;

đ) Chôn, lấp phế thải, chất thải;

e) Nổ mìn và các hoạt động nổ gây hại khác;

g) Khai thác các loài thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; nuôi trồng các động, thực vật lạ không rõ nguồn gốc, xâm hại nghiêm trọng đến hệ động, thực vật;

h) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định danh mục các nguồn nước phải lập khu vực bảo vệ; phương pháp, trình tự xác định khu vực bảo vệ nguồn nước.

Điều 31. Xả nước thải vào nguồn nước

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

2. Việc quy hoạch đô thị, khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề phải bảo đảm có quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung phù hợp với quy mô xả nước thải, quy hoạch phân vùng xả nước thải vào nguồn nước và phải lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước trước khi trình phê duyệt.

3. Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có hạng mục đầu tư xây dựng đồng bộ với hệ thống thu gom riêng nước mưa, nước thải; hệ thống xử lý nước thải; hệ thống tiêu, thoát, dẫn nước thải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Điều 32. Duy trì ngưỡng khai thác nước dưới đất

1. Ngưỡng khai thác nước dưới đất bao gồm ngưỡng khai thác của tầng chứa nước và ngưỡng khai thác của công trình khai thác.

2. Khi quy hoạch tài nguyên nước; chia sẻ, phân bổ, điều hòa nguồn nước; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, cơ quan quản lý nhà nước phải bảo đảm không vượt quá ngưỡng khai thác của các tầng chứa nước.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất phải thực hiện đúng các quy định của giấy phép khai thác nước dưới đất; bảo đảm tầng chứa nước khai thác và các tầng chứa nước liên quan không bị suy thoái, cạn kiệt; bảo đảm không gây sụt, lún, xâm nhập mặn và ảnh hưởng xấu tới môi trường.

4. Những vùng nước dưới đất đã bị khai thác đến ngưỡng khai thác, vùng có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt, cơ quan quản lý nhà nước phải khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt việc khai thác nước dưới đất.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định phương pháp xác định ngưỡng giới hạn khai thác nước dưới đất; tiêu chí khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; các biện pháp bảo đảm việc duy trì ngưỡng giới hạn khai thác nước dưới đất; công bố, giám sát việc duy trì ngưỡng giới hạn khai thác đối với các tầng chứa nước có phạm vi phân bố từ hai tỉnh trở lên.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố, giám sát, thực hiện các biện pháp duy trì ngưỡng khai thác nước dưới đất đối với các tầng chứa nước phân bố tại địa phương.

7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm việc duy trì ngưỡng giới hạn khai thác nước dưới đất đã được công bố.

Điều 33. Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất

1. Tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công các công trình khoan thăm dò địa chất, khoáng sản, nước dưới đất, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và hố móng và các hoạt động khoan, đào khác phải tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn kỹ thuật và chống sụt lún đất; trám lấp giếng khoan không sử dụng và thực hiện các biện pháp để bảo vệ tài nguyên nước dưới đất theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc thiết kế, thi công công trình khoan điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác nước dưới đất phải có giấy phép hành nghề khoan nước nước đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 56 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất phải tuân theo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn kỹ thuật và chống sụt lún đất; về bảo vệ các tầng chứa nước và môi trường liên quan; về trám, lấp giếng khoan sau khi chấm dứt khai thác và quy định về bảo đảm duy trì ngưỡng khai thác nước dưới đất.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn kỹ thuật và chống sụt, lún đất, thất thoát nước dưới đất; thực hiện các biện pháp để bảo vệ tài nguyên nước dưới đất theo quy định của pháp luật. Nếu vi phạm, gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

Điều 34. Ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước;

b) Lắp đặt và trang bị các thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước;

c) Tuân thủ quy định về an toàn lao động; đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước.

2. Cá nhân khi phát hiện sự cố ô nhiễm nguồn nước phải có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước hoặc chính quyền địa phương gần nhất để kịp thời xử lý.

3. Tổ chức, cá nhân gây sự cố ô nhiễm nguồn nước có trách nhiệm:

a) Dừng ngay mọi hoạt động có liên quan đến sự cố và thực hiện các biện pháp khẩn cấp để hạn chế, ngăn chặn phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm và bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi;

b) Huy động nguồn lực của mình kịp thời khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố ô nhiễm;

c) Báo cáo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước nơi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước;

d) Chịu trách nhiệm chi trả mọi chi phí khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do mình gây ra;

đ) Bồi thường thiệt hại do sự cố ô nhiễm nguồn nước gây ra theo quy định của pháp luật.

4. Trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi xảy ra sự cố phải chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp để hạn chế, ngăn chặn phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm và bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi. Trường hợp sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, vượt quá khả năng giải quyết của mình, phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo thực hiện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước và cơ quan chuyên môn quản lý tài nguyên nước tổ chức xác định nguyên nhân, đối tượng gây sự cố ô nhiễm nguồn nước; quyết định các biện pháp ứng phó; đánh giá phạm vi, mức độ ô nhiễm, thiệt hại về người và tài sản để yêu cầu tổ chức, cá nhân gây sự cố bồi thường thiệt hại theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp ứng phó với sự cố ô nhiễm nguồn nước các sông liên tỉnh;

b) Hướng dẫn đánh giá, xác định mức độ thiệt hại do sự cố ô nhiễm nguồn nước gây ra để làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

6. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc ứng phó, khác phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.

7. Kinh phí khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do thiên tai hoặc không xác định được đối tượng gây sự cố được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định.

8. Việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước trong trường hợp khẩn cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

9. Chính phủ quy định việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước quốc tế.

Điều 35. Phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Điều tra, đánh giá, phân loại mức độ, phạm vi ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt các nguồn nước nguồn nước các lưu vực sông lớn, liên tỉnh.

b) Lập danh mục và thứ tự ưu tiên phục hồi các nguồn nước sông lớn, liên tỉnh bị ô nhiễm, cạn kiệt ở mức nghiêm trọng hoặc có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội;

c) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phục hồi nguồn nước thuộc các lưu vực sông lớn, liên tỉnh và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Điều tra, đánh giá, phân loại mức độ, phạm vi ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt các nguồn nước thuộc các lưu vực sông nội tỉnh;

b) Lập danh mục và thứ tự ưu tiên phục hồi các nguồn nước nội tỉnh bị ô nhiễm, cạn kiệt ở mức nghiêm trọng hoặc có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội;

c) Xây dựng, phê duyệt kế hoạch phục hồi nguồn nước các sông nội tỉnh sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc phục hồi các các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

4. Kế hoạch phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải được thể hiện trong kế hoạch ngân sách nhà nước hằng năm.

5. Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt được bố trí trong kế hoạch ngân sách hằng năm.

Chương V

KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Mục I

ĐIỀU HÒA, PHÂN BỔ NGUỒN NƯỚC

Điều 36. Điều hòa, phân bổ nguồn nước

1. Điều hòa, phân bổ tài nguyên nước bao gồm các hoạt động điều phối tích nước, xả nước của các hồ chứa, các công trình điều tiết nguồn nước trên sông và hoạt động khai thác của công trình khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông theo kế hoạch, phương thức vận hành, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

2. Việc điều hòa phân bổ nguồn nước được thực hiện theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Trong trường hợp thiếu nước nghiêm trọng, việc điều hòa, phân bổ nguồn nước thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật này.

Điều 37. Nguyên tắc điều hòa, phân bổ nguồn nước

1. Việc điều hòa, phân bổ nguồn nước phải căn cứ vào kế hoạch điều hòa, phân bổ nguồn nước, khả năng thực tế của nguồn và các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân sử dụng nước trên cùng một lưu vực sông, giữa thượng lưu với hạ lưu, giữa bờ phải với bờ trái;

b) Ưu tiên về số lượng, chất lượng nước để sử dụng cho sinh hoạt;

c) Bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trong sông;

d) Kết hợp khai thác, sử dụng nguồn nước mặt với khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất; tăng cường việc trữ nước và sử dụng trong mùa mưa.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc điều hòa, phân bổ nguồn nước và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức điều hành việc điều hòa, phân bổ nguồn nước lưu vực sông.

Điều 38. Kế hoạch điều hòa, phân bổ nguồn nước

1. Kế hoạch điều hòa, phân bổ nguồn nước được lập cho từng lưu vực sông, theo kỳ hạn năm (05) năm một lần, trong đó bao gồm các phương án điều hòa phân bổ hằng năm.

2. Căn cứ lập kế hoạch điều hòa, phân bổ nguồn nước:

a) Quy hoạch tài nguyên nước;

b) Khả năng thực tế của nguồn nước và dự báo biến động nguồn nước trong thời kỳ lập kế hoạch;

c) Yêu cầu về dòng chảy tối thiểu trên sông hoặc ngưỡng khai thác nước dưới đất;

d) Nhu cầu sử dụng nước của các đối tượng sử dụng nước.

3. Lập, phê duyệt, công bố kế hoạch điều hòa, phân bổ nguồn nước:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lập, phê duyệt và công bố kế hoạch điều hòa, phân bổ nguồn nước các lưu vực sông lớn và sông liên tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, phê duyệt và công bố kế hoạch điều hòa, phân bổ nguồn nước các lưu vực sông nội tỉnh;

c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu sử dụng nước, thông báo tới Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các lưu vực sông lớn, sông liên tỉnh; tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các lưu vực sông nội tỉnh.

4. Căn cứ kế hoạch điều hòa phân bổ nguồn nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm chỉ đạo điều chỉnh chương trình, kế hoạch, dự án, chế độ khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp.

5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch điều hòa, phân bổ nguồn nước xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch đã phê duyệt trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước;

b) Có sự biến động lớn về nguồn nước và nhu cầu sử dụng nước;

c) Có kiến nghị điều chỉnh của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân cấp tỉnh có liên quan đối với các lưu vực sông lớn, sông liên tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan đối với các lưu vực sông nội tỉnh.

Điều 39. Điều hòa, phân bổ nguồn nước trong trường hợp thiếu nước

1. Trong trường hợp thiếu nước việc điều hòa, phân bổ nguồn nước phải bảo đảm ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc; các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các nhu cầu sử dụng nước thiết yếu khác.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện các phương án dự trữ, điều tiết nguồn nước; áp dụng các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; huy động phương tiện, nhân lực để chủ động cấp nước tại địa phương.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm dự báo tình hình hạn hán, thiếu nước; thông báo mức độ hạn hán, thiếu nước; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và chỉ đạo thực hiện phương án sử dụng nước trong trường hợp thiếu nước.

4. Các bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng thiếu nước.

5. Trong trường hợp thiếu nước đặc biệt nghiêm trọng, việc điều hoà, phân bổ nguồn nước được thực hiện theo pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Điều 40. Chuyển nước giữa các lưu vực sông

1. Chuyển nước lưu vực sông bao gồm:

a) Chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác thuộc Danh mục lưu sông quy định tại Điều 6 Luật này;

b) Chuyển nước vào vùng trũng trữ nước.

2. Việc xây dựng dự án liên quan đến chuyển nước giữa các lưu vực sông phải căn cứ vào:

a) Chiến lược tài nguyên nước, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia;

b) Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên quan; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và các ngành liên quan đến khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực sông;

c) Kết quả tính toán đầy đủ khả năng thực tế của các nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước của cả lưu vực chuyển nước và lưu vực nhận nước;

d) Kết quả đánh giá ảnh hưởng của việc chuyển nước, cân nhắc lợi ích kinh tế giữa việc chuyển nước đến việc khai thác, sử dụng nước, duy trì dòng sông, kiểm soát lũ và tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt trong mùa khô.

3. Trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt dự án đầu tư theo phân cấp quản lý đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư dự án liên quan đến việc chuyển nước giữa các lưu vực sông phải lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước sau đây:

a) Ủy ban nhân cấp tỉnh liên quan đối với dự án chuyển nước giữa các sông nội tỉnh;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân cấp tỉnh liên quan đối với các trường hợp không quy định tại điểm a khoản này.

4. Việc vận hành các công trình có liên quan đến việc chuyển nước giữa các lưu vực sông phải tuân theo Kế hoạch điều hòa phân bổ, phương án ứng phó trong trường hợp thiếu nước; có phương án trả lại dòng chảy cho lưu vực sông bị chuyển nước theo quy định.

Điều 41. Gây mưa nhân tạo

1.Việc gây mưa nhân tạo phải căn cứ vào nhu cầu về nước của vùng thiếu nước, điều kiện cho phép để quyết định biện pháp, quy mô hợp lý và được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. .

2. Chính phủ quy định việc gây mưa nhân tạo.

Điều 42. Bổ sung nhân tạo nước dưới đất

1. Việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải đánh giá cụ thể khả năng thích ứng về số lượng, chất lượng, khả năng giữ và trữ nước của tầng chứa nước được bổ sung; yêu cầu về khai thác, sử dụng, bảo vệ nước dưới đất; đánh giá đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm khoanh định các vùng cần tập trung ưu tiên thực hiện các biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất; hướng dẫn thực hiện các biện pháp bổ sung nhân tạo thích hợp đối với từng vùng.

3. Chính phủ quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu đầu tư để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp bổ sung cho nước dưới đất.

Mục II

KHAI THÁC SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 43. Quyền của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có các quyền sau đây:

1. Được khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

2. Được hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước; được chuyển nhượng, để thừa kế quyền khai thác tài nguyên nước và sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

3. Được Nhà nước bảo hộ quyền lợi hợp pháp trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo qui định của pháp luật;

4. Được sử dụng số liệu, thông tin về tài nguyên nước theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

5. Được giao đất, thuê đất phù hợp với quy mô công trình khai thác trong dự án đầu tư, thiết kế công trình theo quy định của pháp luật về đất đai; được dẫn nước chảy qua đất hoặc bất động sản liền kề thuộc quyền quản lý, sử dụng của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và Bộ luật dân sự;

6. Khiếu nại, khởi kiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

7. Trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, còn được hưởng các quyền quy định trong giấy phép.

Điều 44. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;

2. Sử dụng nước đúng mục đích, tiết kiệm, an toàn và có hiệu quả;

3. Không gây cản trở hoặc làm thiệt hại đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

4. Bảo vệ nguồn nước được phép khai thác, sử dụng;

5. Thực hiện nghĩa vụ về tài chính; bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

6. Cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học được Nhà nước cho phép;

7. Thực hiện việc đăng ký, xin cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này.

Điều 45. Hồ chứa, đập dâng và điều tiết, khai thác, sử dụng nước

1. Việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng hồ chứa, đập dâng, cống điều tiết nguồn nước trên sông phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước và phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hồ sơ trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng hồ chứa, đập dâng, cống điều tiết nguồn nước phải có nội dung thuyết minh và luận chứng về:

a) Sự phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông đã được phê duyệt;

b) Phương thức khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước hồ chứa; biện pháp bảo đảm an toàn công trình, yêu cầu phòng, chống lũ cho hạ du và duy trì dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu;

c) Phương án bố trí các hạng mục công trình để sử dụng dung tích chết của hồ chứa trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, bảo đảm sự di cư của các loài cá (nếu có); sự đi lại của phương tiện vận tải thủy đối với các đoạn sông có hoạt động vận tải thủy.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có trách nhiệm thẩm định các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này. Nội dung thẩm định là cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án.

4. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa, đập dâng, cống điều tiết nguồn nước trên sông ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 44 của Luật này còn có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu có);

b) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy trình vận hành hồ chứa trước khi tích nước vào hồ;

c) Thực hiện quan trắc, thu thập thông tin, dữ liệu về khí tượng, thủy văn theo quy định bằng nguồn kinh phí của mình để phục vụ việc vận hành hồ chứa và chế độ báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

d) Lập kế hoạch, phương án điều tiết, chia sẻ nguồn nước hồ chứa phù hợp với kế hoạch, phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có hồ chứa và vùng hạ du hồ chứa;

đ) Lập hành lang bảo vệ hồ chứa và phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp nơi có hồ chứa để quản lý.

5. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước các hồ chứa.

Điều 46. Khai thác nước trực tiếp từ sông

1. Công trình khai thác nước trực tiếp từ sông, suối bao gồm các công trình lấy nước trực tiếp trên sông không quy định tại Điều 45 của Luật này và không bao gồm công trình khai thác nguồn nước từ một công trình khác.

2. Việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đối với các công trình khai thác nước trực tiếp từ sông, suối không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông và phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hồ sơ trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác nước trực tiếp từ sông, suối phải có nội dung thuyết minh và luận chứng về:

a) Sự phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt;

b) Tổng lượng nước khai thác, sử dụng trung bình hằng năm và trong thời kỳ mùa cạn;

c) Phương thức khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước, sử dụng nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, sự cố nguồn nước nghiêm trọng, chia sẻ phân bổ với các đối tượng được cấp nước.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có trách nhiệm thẩm định đối với các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này trước khi cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án.

5. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình khai thác nước trực tiếp từ sông, suối, ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 44 của Luật này còn có các nghĩa vụ sau đây:

a) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy trình vận hành công trình;

b) Xây dựng kế hoạch sử dụng nước, chia sẻ nước theo mùa, vụ, hằng năm và thông báo cho các đối tượng sử dụng nước liên quan;

c) Phương thức khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước, sử dụng nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, sự cố nguồn nước nghiêm trọng, chia sẻ phân bổ với các đối tượng được cấp nước.

6. Tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước của công trình cấp nước phải ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình và thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 44 của Luật này.

Điều 47. Khai thác, sử dụng mặt nước sông, hồ

1. Việc quy hoạch khai thác, sử dụng mặt nước sông, hồ phải phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc xây dựng công trình trên sông, tuyến giao thông thủy nội địa, sử dụng mặt nước sông, hồ để nuôi, trồng thủy sản, khai thác du lịch, giải trí và các mục đích khác phải phù hợp với chức năng, mục đích sử dụng và mục tiêu chất lượng nguồn và phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng mặt nước sông, hồ phải có giấy phép sử dụng mặt nước quy định tại Điều 56 của Luật này; thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 44 của Luật này và các nghĩa vụ sau đây:

a) Không gây cản trở dòng chảy, giảm khả năng thoát lũ;

b) Không gây biến dạng, sạt, lở lòng hồ; lòng, bờ, bãi sông và hư hại các công trình ven sông, hồ;

c) Trường hợp sử dụng mặt nước hồ chứa quy định tại Điều 45 của Luật này thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa.

4. Tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý, vận hành các công trình trên sông phải bảo đảm an toàn và hoạt động bình thường cho các phương tiện giao thông thủy và không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc khai thác, sử dụng mặt nước sông, hồ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về khai thác, sử dụng mặt nước sông, hồ tại địa bàn.

Điều 48. Khai thác, sử dụng nước dưới đất

1. Nguồn nước dưới đất được dành ưu tiên để khai thác, sử dụng cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất phải thực hiện thăm dò, đánh giá trữ lượng trước khi khai thác và phải có giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác nước dưới đất theo quy định tại khoản 3 Điều 56 của Luật này.

3. Việc khai thác nước dưới đất bị hạn chế trong các trường hợp sau đây:

a) Khu vực có nguồn nước mặt có khả năng đáp ứng ổn định cho các nhu cầu sử dụng nước;

b) Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức;

c) Khu vực có nguy cơ sụt lún đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất gây ra;

d) Khu vực có nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng;

đ) Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và chất lượng dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng.

4. Việc hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực quy định tại khoản 3 Điều này được thực hiện bằng một hoặc nhiều hình thức sau đây:

a) Hạn chế về đối tượng khai thác;

b) Hạn chế về mục đích khai thác;

c) Hạn chế lưu lượng khai thác;

d) Hạn chế thời gian khai thác;

đ) Hạn chế về độ sâu, tầng chứa nước khai thác.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khoanh định khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất và khu vực dự trữ nước cho sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 49. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt

1. Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt và thực hiện quy hoạch, kế hoạch cấp nước sinh hoạt để bảo đảm mọi người dân được sử dụng nước cho sinh hoạt, ưu tiên đối với các đặc biệt khan hiếm nước, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và địa bàn có nguồn nước bị ô nhiễm.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch cấp nước sinh hoạt trên địa bàn và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng, thực hiện các dự án cấp nước sinh hoạt trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra thiên tai, hạn hán, thiếu nước sinh hoạt hoặc sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước để cấp nước cho sinh hoạt có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp bảo đảm cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng. Trường hợp nguồn nước cấp không đủ cho mọi mục đích sử dụng thì phải ưu tiên việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt ổn định.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm điều tra, tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất, nghiên cứu các biện pháp sử dụng tổng hợp tài nguyên nước để bảo đảm nguồn nước cấp cho sinh hoạt ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khố khăn; vùng khan hiếm nước, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng có nguồn nước bị ô nhiễm.

5. Chính phủ quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Điều 50. Sử dụng tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp

1. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước để sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

2. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp phải tuân theo định mức sử dụng nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, chủ động thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và phòng, chống chua, mặn, lầy, thụt, xói mòn đất.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng nước cho nuôi trồng thủy sản không được làm cản trở dòng chảy, hư hại công trình, gây trở ngại cho giao thông thủy, gây nhiễm mặn nguồn nước và đất nông nghiệp.

4. Việc sử dụng nước thải để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chỉ được phép khi đã bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng nước theo quy định.

Điều 51. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sản xuất công nghiệp, khai khoáng và các mục đích khác

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng nước trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, phải có biện pháp, lộ trình sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước phù hợp trình độ công nghệ sản xuất và yêu cầu chất lượng nước.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho nghiên cứu khoa học, du lịch, giải trí, văn hóa, thể thao và các mục đích khác phải chủ động thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm; không được gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, cản trở dòng chảy, xâm nhập mặn và các ảnh hưởng xấu khác đến nguồn nước.

Mục III

SỬ DỤNG NƯỚC TIẾT KIỆM

Điều 52. Chính sách và biện pháp khuyến khích tiết kiệm nước

1. Nhà nước khuyến khích xây dựng một xã hội tiết kiệm nước bằng các biện pháp sau đây:

a) Áp dụng rộng rãi công nghệ và biện pháp kỹ thuật tiết kiệm nước trong sản xuất, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ;

b) Áp dụng chế độ quản lý tài nguyên nước bằng cách kiểm soát việc sử dụng nước theo định mức; xóa bỏ cơ chế bao cấp về giá nước; khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước;

c) Khuyến khích thu gom, khai thác và sử dụng nước mưa và nước có hàm lượng muối nhẹ; khai thác và khử muối từ nước biển, nhất là ở những vùng khan hiếm nước.

2. Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích tiết kiệm nước bằng các chính sách sau đây:

a) Được hưởng ưu đãi về đầu tư, giá nước và thuế, phí tài nguyên nước trong việc áp dụng các biện pháp, công nghệ, kỹ thuật tiết kiệm nước, tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn và tái sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản;

b) Khuyến khích sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu, áp dụng ưu đãi về thuế đối với sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm tiết kiệm nước và trang thiết bị, vật tư, dây chuyền công nghệ nhập khẩu để sản xuất sản phẩm tiết kiệm nước;

c) Vay vốn ưu đãi từ các quỹ để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm tiết kiệm nước hoặc dự án đầu tư nhằm mục đích tiết kiệm nước.

3. Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm.

4. Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng các chương trình, dự án sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; bố trí kinh phí thích đáng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ mục tiêu tiết kiệm nước.

Điều 53. Tiết kiệm nước trong cấp nước

1. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi phải áp dụng các biện pháp phòng, chống thấm và bảo đảm vận hành hệ thống với phương thức tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nước hợp lý, hiệu quả và giảm thiểu thất thoát nước.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hệ thống cấp nước tập trung phải bảo đảm đáp ứng các thông số, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến và được vận hành với phương thức tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nước ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu tổn thất nước.

Điều 54. Tiết kiệm nước trong sử dụng

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng nước có trách nhiệm:

a) Cải tiến, hợp lý hóa quy trình sử dụng nước; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sử dụng nước, tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; thay thế dần các công nghệ, kỹ thuật, thiết bị lạc hậu và tiêu thụ nhiều nước;

b) Cải tiến, hợp lý hóa và áp dụng các biện pháp, công nghệ, kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.

2. Việc định giá nước cho sản xuất, sinh hoạt và dịch vụ phải bảo đảm thúc đẩy tổ chức, cá nhân sử dụng nước tiết kiệm, khuyến khích giảm lượng nước sử dụng trong mùa khô và hạn chế sử dụng trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.

3. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành quy chế sử dụng tiết kiệm nước trong phạm vi cơ quan, tổ chức mình.

4. Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng và ban hành định mức sử dụng nước và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng tiết kiệm nước.

Chương VI

CẤP PHÉP TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 55. Giấy phép hoạt động tài nguyên nước

1. Giấy phép hoạt động tài nguyên nước gồm các loại sau:

a) Giấy phép thăm dò nước dưới đất;

b) Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất;

c) Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt;

d) Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước;

đ) Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

2. Giấy phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải phải có các nội dung chính sau:

a) Tên, địa chỉ của chủ giấy phép;

b) Tên, vị trí, địa chỉ công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải;

c) Nguồn nước thăm dò, khai thác, nguồn nước tiếp nhận nước thải;

d) Quy mô, công suất, lưu lượng, thông số chủ yếu của công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải;

đ) Chế độ, phương thức khai thác nước, xả nước thải;

e) Thời hạn của giấy phép;

g) Các điều kiện kèm theo giấy phép;

h) Quyền, nghĩa của chủ giấy phép, bao gồm cả nghĩa vụ tài chính;

i) Các yêu cầu cụ thể đối với từng trường hợp hoạt động thăm dò, khai thác, xả nước thải do cơ quan cấp phép quy định nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, môi trường và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác liên quan.

3. Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất phải có các nội dung chính sau:

a) Tên, địa chỉ của chủ giấy phép;

b) Quy mô hành nghề;

c) Thời hạn của giấy phép;

d) Quyền, nghĩa vụ của chủ giấy phép;

đ) Các yêu cầu cụ thể đối với chủ giấy phép do cơ quan cấp phép quy định nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, môi trường và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Điều 56. Các trường hợp phải có giấy phép hoạt động tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước, xả nước thải phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các trường hợp không phải xin cấp phép:

a) Cá nhân, hộ gia đình khai thác nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất sử dụng cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới vườn trong phạm vi gia đình; xả nước thải sinh hoạt của gia đình;

b) Khai thác nguồn nước mặt để sử dụng cho sản xuất với quy mô không vượt quá: 0,02 m3/s đối với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; 100 m3/ngày đêm đối với các mục đích khác; công suất lắp máy 50 kW để phát điện và không làm chuyển đổi dòng chảy;

c) Khai thác nguồn nước dưới đất để sử dụng cho sản xuất với quy mô không vượt quá 20 m3/ngày đêm.

Căn cứ đặc điểm, tính chất, mức độ quan trọng của nguồn nước, tình hình khai thác sử dụng nước ở từng vùng và quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể các trường hợp khai thác tài nguyên nước, xả nước thải phải xin phép, phải đăng ký.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này phải xin cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất; trường hợp đã có công trình khai thác đang hoạt động, hoặc công trình khai thác dưới 20m3/ngày đêm thì không phải xin cấp giấy phép thăm dò nhưng phải thực hiện việc quan trắc, thí nghiệm theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Tổ chức, cá nhân thi công khoan để điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác nước dưới đất phải có giấy phép hành nghề khoan nước nước đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Điều 57. Nguyên tắc cấp giấy phép tài nguyên nước

1. Việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ tục theo quy định của Luật này;

b) Bảo đảm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường;

c) Ưu tiên cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước phục vụ cấp nước sinh hoạt;

d) Bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, ngưỡng giới hạn khai thác nước dưới đất; bảo đảm chất lượng nguồn nước tiếp nhận, không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước;

đ) Phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt.

2. Việc cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ tục theo quy định của Luật này;

b) Giấy phép chỉ được cấp cho tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này;

c) Người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề chỉ được đứng tên trong một hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

Điều 58. Căn cứ cấp giấy phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải

1. Việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải trên cơ sở các căn cứ sau đây:

a) Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng và địa phương;

b) Quy hoạch tài nguyên nước;

c) Báo cáo thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hồ sơ xin phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

2. Ngoài các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước còn phải căn cứ vào các quy định sau đây:

a) Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nước thải;

b) Khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước;

c) Vùng bảo vệ công trình cấp nước cho sinh hoạt.

3. Việc cấp phép hành nghề khoan nước đất phải trên cơ sở các căn cứ vào báo cáo thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hồ sơ xin phép hành nghề.

Điều 59. Điều kiện của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có tư cách pháp nhân hoặc có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

b) Có hồ sơ đề nghị cấp phép đầy đủ, hợp lệ theo quy định.

2. Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật hoặc có giấy đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có nội dung hoạt động liên quan đến ngành nghề khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất;

b) Có quyết định thành lập tổ chức của cấp có thẩm quyền hoặc giấy đăng ký hoạt động kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Có người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các chuyên ngành địa chất, địa chất thủy văn, khoan đã làm việc thực tế trong công tác khoan nước dưới đất ít nhất 03 năm; có hiểu biết, nắm vững tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thăm dò, khai thác, bảo vệ nước dưới đất và khoan;

d) Có đội ngũ công nhân kỹ thuật chuyên ngành địa chất, địa chất thủy văn, khoan, địa vật lý và chuyên ngành khác có liên quan;

đ) Có thiết bị, công cụ chuyên dùng cần thiết để thi công công trình khoan nước dưới đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể đối với các điều kiện tại điểm b, c, d khoản này cho từng quy mô hành nghề.

Điều 60. Thời hạn của giấy phép về tài nguyên nước

1. Thời hạn của giấy phép không quá hai mươi (20) năm đối với khai thác nước mặt, mười lăm (15) năm đối với khai thác nước dưới đất và được xem xét gia hạn nhiều lần, nhưng thời hạn mỗi lần gia hạn không quá mười (10) năm.

2. Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước có thời hạn không quá mười (10) năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, nhưng mỗi lần gia hạn không quá năm (05) năm.

3. Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn không quá ba (3) năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, nhưng mỗi lần gia hạn không quá hai (02) năm.

4. Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất có thời hạn là năm (05) năm và được gia hạn nhiều lần, nhưng mỗi lần gia hạn không quá ba (03) năm.

Điều 61. Quyền của chủ giấy phép

1. Được thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, hành nghề khoan theo quy định của giấy phép.

2. Được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp quy định trong giấy phép.

3. Được Nhà nước bồi thường thiệt hại trong trường hợp giấy phép bị thu hồi trước thời hạn vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật.

4. Được yêu cầu tổ chức, cá nhân bồi thường thiệt hại đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của mình về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, hành nghề theo quy định của pháp luật.

5. Được yêu cầu cơ quan cấp phép gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép theo quy định của Luật này.

6. Trả lại giấy phép theo quy định của Luật này.

7. Khiếu nại, khởi kiện các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp có liên quan đến giấy phép của mình.

8. Chuyển nhượng, cho thuê, để thừa kế, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản đầu tư vào việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, hành nghề theo quy định của pháp luật; chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước, xả nước thải theo quy định tại Điều 68 của Luật này.

9. Sử dụng dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước theo quy định của Luật này.

10. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 62. Nghĩa vụ của chủ giấy phép

1. Chấp hành quy định của pháp luật về tài nguyên nước và quy định trong giấy phép.

2. Không cản trở hoặc gây thiệt hại đến việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, hành nghề khoan nước dưới đất hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

3. Bảo vệ nguồn nước tại khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải và khu vực hành nghề khoan nước dưới đất.

4. Bồi thường thiệt hại do hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải, hành nghề khoan nước dưới đất gây ra.

5. Nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, xả nước thải theo quy định tại Điều 92 của Luật này; lệ phí cấp giấy phép; thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

6. Thu thập, lưu giữ thông tin về tài nguyên nước và thực hiện chế độ báo cáo kết quả thăm dò, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải, hành nghề khoan nước dưới đất cho cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước; báo cáo các hoạt động khác cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện các biện pháp giám sát, bảo đảm an toàn, phòng ngừa, khắc phục sự cố trong quá trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, hành nghề khoan nước dưới đất.

8. Thực hiện việc tháo dỡ, di dời thiết bị, công trình và các biện pháp phục hồi môi trường, đất đai khi giấy phép chấm dứt hiệu lực theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

9. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mà cơ quan quản lý nhà nước cho phép thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra, đánh giá nguồn nước tại khu vực đã được cấp phép của mình.

10. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép tài nguyên nước

Việc thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép tài nguyên nước được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

1. Đối với giấy phép thăm dò nước dưới đất:

a) Điều kiện mặt bằng không cho phép thi công một số hạng mục trong đề án thăm dò đã được phê duyệt;

b) Có sự khác biệt giữa cấu trúc địa chất thủy văn thực tế và cấu trúc địa chất thủy văn dự kiến trong đề án thăm dò đã được phê duyệt;

c) Khối lượng các hạng mục thăm dò thay đổi vượt quá 10% so với khối lượng tương ứng đã được phê duyệt.

2. Đối với giấy phép khai thác tài nguyên nước:

a) Nguồn nước không bảo đảm việc cung cấp nước bình thường;

b) Nhu cầu khai thác, sử dụng nước tăng mà chưa có biện pháp xử lý, bổ sung nguồn nước;

c) Xảy ra các tình huống đặc biệt cần phải hạn chế việc khai thác, sử dụng nước;

d) Khai thác nước gây sụt lún mặt đất, biến dạng công trình, xâm nhập mặn, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước dưới đất.

3. Đối với giấy phép xả nước thải vào nguồn nước:

a) Nguồn nước không còn khả năng tiếp nhận nước thải;

b) Nhu cầu xả nước thải tăng mà chưa có biện pháp xử lý, khắc phục;

c) Xảy ra các tình huống đặc biệt cần phải hạn chế việc xả nước thải.

4. Đối với giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất: chủ giấy phép không đáp ứng điều kiện của quy mô hành nghề theo giấy phép đã được cấp.

Điều 64. Đình chỉ hiệu lực của giấy phép

1. Giấy phép bị đình chỉ hiệu lực khi chủ giấy phép:

a) Vi phạm nội dung trong giấy phép;

b) Tự ý chuyển nhượng giấy phép;

c) Lợi dụng giấy phép để tổ chức hoạt động không được ghi trong giấy phép.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép quyết định thời hạn đình chỉ hiệu lực của giấy phép. Trong thời gian giấy phép bị đình chỉ hiệu lực, chủ giấy phép không có các quyền liên quan đến giấy phép và phải có biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 65. Thu hồi giấy phép

1. Giấy phép về tài nguyên nước bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Chủ giấy phép là tổ chức bị giải thể hoặc bị Toà án tuyên bố phá sản; chủ giấy phép là cá nhân bị chết hoặc bị Toà án tuyên bố đã chết, tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố đã mất năng lực hành vi dân sự;

b) Giấy phép được cấp nhưng không sử dụng trong thời gian mười hai (12) tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Chủ giấy phép vi phạm quyết định đình chỉ hiệu lực của giấy phép;

d) Chủ giấy phép vi phạm nội dung quy định của giấy phép gây ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước;

đ) Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;

e) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

2. Trường hợp giấy phép bị thu hồi do vi phạm quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này, chủ giấy phép bị thu hồi chỉ được xem xét cấp giấy phép mới sau ba (3) năm, kể từ ngày thu hồi, nếu đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến lý do thu hồi giấy phép trước đó.

3. Trong trường hợp giấy phép bị thu hồi theo quy định tại các điểm đ và e khoản 1 Điều này, cơ quan cấp phép xem xét việc cấp giấy phép mới nếu chủ giấy phép đã bị thu hồi có nhu cầu.

Điều 66. Chấm dứt hiệu lực của giấy phép

1. Giấy phép bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị thu hồi;

b) Giấy phép đã hết hạn;

c) Giấy phép đã được trả lại.

2. Khi giấy phép bị chấm dứt hiệu lực thì các quyền liên quan đến giấy phép cũng chấm dứt.

Điều 67. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép

Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải và hành nghề khoan nước dưới đất.

Điều 68. Chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước, xả nước thải

1. Chủ giấy phép khai thác tài nguyên nước thải đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, đưa công trình vào hoạt động thì được chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước.

2. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước.

3. Việc chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép xem xét, quyết định; trường hợp được chấp thuận, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước thải được cấp giấy phép mới.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước.

Điều 69. Thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cấp giấy phép tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ.

Điều 70. Trách nhiệm của cơ quan cấp phép

1. Cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép; đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép theo đúng thẩm quyền.

2. Thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân xin phép, nêu rõ lý do trong trường hợp từ chối cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép; từ chối chấp thuận việc chuyển quyền khai thác tài nguyên nước, xả nước thải.

3. Thanh tra, kiểm tra việc chủ giấy phép thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 62 của Luật này.

4. Chỉ đạo việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, giấy phép.

Chương VII

PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

TÁC HẠI DO NƯỚC GÂY RA

Điều 71. Hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

1. Hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra bao gồm việc xây dựng, chuẩn bị phương án, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

2. Các tác hại do nước gây ra bao gồm:

a) Lũ, lụt;

b) Ngập úng;

c) Hạn hán, thiếu nước;

d) Xói lở lòng, bờ, bãi sông;

đ) Xâm nhập mặn;

đ) Biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

e) Mưa đá, mưa a-xít.

Điều 72. Trách nhiệm và nghĩa vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

2. Chính phủ quyết định và chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Điều 73. Lập tiêu chuẩn và phương án phòng, chống lũ, lụt

1. Chính phủ chỉ đạo việc lập tiêu chuẩn phòng, chống lũ, lụt cho từng vùng của lưu vực sông để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, xây dựng công trình và phương án phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông.

2. Các Bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt của Bộ, ngành, địa phương theo tiêu chuẩn phòng, chống lũ, lụt và quy hoạch phòng, chống lũ, lụt.

3. Căn cứ vào phương án phòng, chống lũ, lụt, các Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác để xử lý khi lũ, lụt xảy ra.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức quan trắc, cảnh báo, dự báo và thông báo kịp thời về mưa, lũ và nước biển dâng trong phạm vi cả nước.

Điều 74. Quy hoạch bố trí dân cư, bố trí sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng ngập lũ

1. Việc quy hoạch bố trí dân cư, bố trí sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng ngập lũ phải tuân theo quy hoạch phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông và phù hợp với đặc điểm lũ, lụt của từng vùng.

2. Việc xây dựng các kho chứa lương thực, chất độc hại, chất nổ, nhiên liệu, vật tư thiết yếu và tài sản quan trọng khác trong vùng phân lũ, chậm lũ, vùng thường bị ngập lũ phải tuân theo quy hoạch phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông và phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 75. Hồ chứa nước và phòng, chống lũ, lụt

1. Việc xây dựng hồ chứa nước phải bảo đảm tiêu chuẩn phòng, chống lũ.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa nước phải có phương án bảo đảm an toàn công trình, phòng, chống lũ, lụt cho hạ du và phải thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa (nếu có), quy trình vận hành hồ chứa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Chính phủ quy định việc điều hành các hồ chứa.

Điều 76. Quyết định phân lũ, chậm lũ

1. Trong tình huống khẩn cấp khi hệ thống đê bị uy hiếp nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp phân lũ, chậm lũ có liên quan đến hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp phân lũ, chậm lũ tại địa phương theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Chính phủ quy định cụ thể các tình huống khẩn cấp cần phân lũ, chậm lũ, các biện pháp di dân an toàn, bảo đảm sản xuất và đời sống của nhân dân, khắc phục hậu quả ngập lụt, trợ cấp cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng phân lũ, chậm lũ.

Điều 77. Huy động lực lượng, phương tiện cho việc phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, lụt

1. Trong tình huống khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để cứu hộ người, cứu hộ công trình và tài sản bị lũ, lụt uy hiếp hoặc gây hư hại và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

2. Tổ chức, cá nhân được huy động phải chấp hành các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Tổ chức, cá nhân có vật tư, phương tiện được huy động theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Trong trường hợp đê điều, công trình phòng, chống lũ, lụt hoặc công trình có liên quan đến phòng, chống lũ, lụt đang bị sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố thì chính quyền địa phương phải huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để bảo vệ và cứu hộ, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý công trình và chính quyền cấp trên.

5. Chính phủ quyết định và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc khắc phục hậu quả lũ, lụt.

6. Các Bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả lũ, lụt.

Điều 78. Phòng, chống, khắc phục hậu quả ngập úng

1. Chính phủ chỉ đạo việc lập tiêu chuẩn phòng, chống ngập úng cho các vùng thường bị ngập úng làm căn cứ lập quy hoạch tiêu úng.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có vùng thường bị ngập úng phải xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch tiêu úng theo tiêu chuẩn phòng, chống ngập úng và phù hợp với quy hoạch lưu vực sông, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

3. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện việc tiêu úng tại địa phương.

4. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho việc xây dựng, khai thác, bảo vệ công trình tiêu úng, ưu tiên cho các vùng đặc biệt quan trọng.

Điều 79. Phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước

1. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình cấp nước ở các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán để có nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và phòng, chống cháy rừng.

2. Việc quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoach đô thị, khu, cụm công nghiệp tập trung phải phù hợp với điều kiện thực tế của nguồn nước; hạn chế bố trí các khu đô thị lớn, các công trình, dự án sản xuất, dịch vụ tiêu thu nhiều nước ở các vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước.

3. Căn cứ vào mức độ hạn hán, thiếu nước và ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường, tình trạng hạn hán, thiếu nước được phân thành các cấp sau:

a) Cấp 1: Hạn hán, thiếu nước;

b) Cấp 2: Hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng;

c) Cấp 3: Hạn hán, thiếu nước đặc biệt nghiêm trọng;

d) Cấp 4: Hạn hán, thiếu nước khẩn cấp.

4. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước, việc điều hòa, phân bổ nguồn nước thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật này.

5. Các Bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm xây dựng phương án và chỉ đạo thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức quan trắc, cung cấp kịp thời thông tin, cảnh báo, dự báo tình hình hạn hán, thiếu nước trong phạm vi cả nước.

7. Chính phủ quy định cụ thể việc phân cấp hạn, công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước; các biện pháp hạn chế sử dụng nước phù hợp với từng cấp hạn.

Điều 80. Phòng, chống xói lở lòng, bờ, bãi sông.

1. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình bảo vệ bờ sông, vùng cửa sông.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xác định, khoanh vùng và công bố khu vực ven sông bị xói lở, khu vực có nguy cơ bị xói lở.

3. Căn cứ các khu vực ven sông bị xói lở, khu vực có nguy cơ bị xói lở đã được công bố, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch di dời, bố trí lại các khu dân cư, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại địa phương;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoach, dự án, biện pháp bảo vệ bờ, bãi sông tại địa phương;

c) Thực hiện các biện pháp kiểm soát việc khai thác tài nguyên khoáng sản trên sông theo quy định.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo nghiên cứu, quan trắc, theo dõi diễn biến xói lở; thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên sông nhằm hạn chế xói lở.

5. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với Uỷ ban nhân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống xói lở.

Điều 81. Phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn, nước biển dâng

1. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho việc xây dựng công trình ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ chắn sóng để phòng, chống xâm nhập mặn và nước biển dâng, tràn.

2. Việc quản lý, vận hành các công trình ngăn mặn, giữ ngọt và các hồ chứa nước, công trình điều tiết dòng chảy phải bảo đảm tuân theo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn.

3. Khi xảy ra xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngọt, việc điều hòa, phân bổ nguồn nước thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật này.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khoanh định các khu vực bị xâm nhập mặn hoặc có nguy cơ bị xâm nhập mặn.

5. Uỷ ban nhân cấp tỉnh có trách nhiêm chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng, chống, xử lý xâm nhập mặn.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo nghiên cứu, quan trắc, dự báo, cảnh báo, thông báo kịp thời tình hình, diễn biến xâm mặn.

Điều 82. Ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước

1. Việc quy hoạch tài nguyên nước; xây dựng công trình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải xét đến tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước theo các kịch bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng và cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu; đánh giá tác động đến tài nguyên nước làm căn cứ để xây dựng kế hoạch, biện pháp thích nghi, ứng phó, giảm thiểu tác động.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, biện pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước

Điều 83. Phòng, chống mưa đá, mưa axít

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp kịp thời thông tin, dự báo về khả năng xuất hiện mưa đá và thông báo kịp thời cho nhân dân biết để có biện pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại.

2. Tổ chức, cá nhân phải có biện pháp xử lý khí thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để tránh gây mưa axít; trường hợp khí thải chưa xử lý tạo ra mưa axít gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 84. Nguồn tài chính để phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

1. Nguồn tài chính để phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước để xây dựng, tu bổ các công trình phòng, chống tác hại do nước gây ra;

b) Ngân sách nhà nước dự phòng cho khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

c) Quỹ phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

d) Các khoản tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước; các khoản tài trợ của các Chính phủ và các tổ chức nước ngoài.

2. Việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thực hiện theo Luật Ngân sách và pháp luật có liên quan.

Chương VIII

QUAN HỆ QUỐC TẾ VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 85. Nguyên tắc áp dụng trong quan hệ quốc tế về tài nguyên nước

1. Tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các nước có chung nguồn nước;

2. Bảo đảm công bằng, hợp lý, các bên cùng có lợi và phát triển bền vững trong khai thác, sử dụng nguồn nước quốc tế;

3. Không làm phương hại tới quyền và lợi ích của các nước có chung nguồn nước phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

4. Tuân thủ pháp luật Việt Nam và thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tôn trọng pháp luật quốc tế.

Điều 86. Chính sách hợp tác quốc tế về tài nguyên nước

Nhà nước Việt Nam khuyến khích mở rộng hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật trong các hoạt động sau đây:

1. Bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra có hiệu quả;

2. Xây dựng chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin tài nguyên nước;

3. Đào tạo, tăng cường năng lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Điều 87. Hợp tác với các nước có chung nguồn nước với Việt Nam

Nhà nước ưu tiên hợp tác song phương, đa phương với các nước có chung nguồn nước với Việt Nam trong các hoạt động sau đây:

1. Trao đổi thông tin, số liệu có liên quan đến nguồn nước quốc tế;

2. Phối hợp xây dựng và thực hiện quy chế chung về bảo vệ, khai thác sử dụng các nguồn nước quốc tế và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

3. Phối hợp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án, biện pháp ứng phó, khắc phục các sự cố ô nhiễm nguồn nước quốc tế;

4. Phối hợp nghiên cứu và lập quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước quốc tế;

5. Phối hợp xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật;

6. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, xây dựng và thực hiện các dự án làm tăng lợi ích chung và hạn chế thiệt hại về người và tài sản của các nước có chung nguồn nước.

Điều 88. Trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với nguồn nước quốc tế

1. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia theo đường biên giới trên sông, suối giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước Việt Nam trong việc quy hoạch, điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá, thông tin, dữ liệu tài nguyên nước; bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và bảo vệ môi trường liên quan đến các nguồn nước quốc tế theo quy định Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 89. Giải quyết tranh chấp về nguồn nước quốc tế

Khi giải quyết tranh chấp về nguồn nước quốc tế có liên quan đến các nước trong lưu vực sông, cơ quan có thẩm quyền tham gia giải quyết tranh chấp, ngoài việc áp dụng các nguyên tắc quy định tại Điều 85 của Luật này, còn phải tuân theo các quy định sau đây:

1. Mọi tranh chấp về chủ quyền trong việc quy hoạch, điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá, thông tin, dữ liệu tài nguyên nước; bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước quốc tế; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra giữa các nước có chung nguồn nước trong đó có Việt Nam do Nhà nước Việt Nam và các Nhà nước liên quan giải quyết trên cơ sở thương lượng phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thông lệ quốc tế;

2. Mọi tranh chấp về nguồn nước quốc tế xảy ra trong lưu vực sông có tổ chức lưu vực sông quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia do Nhà nước Việt Nam và các Nhà nước liên quan giải quyết trong khuôn khổ tổ chức lưu vực sông quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 90. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong hợp tác quốc tế về tài nguyên nước

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện hợp tác quốc tế về tài nguyên nước có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục đàm phán, ký kết các Điều ước quốc tế về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh liên quan chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các hoạt động hợp tác với các nước có chung nguồn nước với Việt Nam quy định tại Điều 87 của Luật này;

c) Đại diện cho Chính phủ Việt Nam trong việc chủ trì đàm phán các văn bản pháp lý quốc tế về tài nguyên nước; tham gia giải quyết các tranh chấp về nguồn nước quốc tế;

d) Chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các cam kết, Điều ước quốc tế liên quan đến tài nguyên nước;

đ) Theo dõi tình hình các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam là thành viên;

e) Đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia các tổ chức lưu vực sông quốc tế; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cử đại diện của Việt Nam tại tổ chức lưu vực sông quốc tế.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm:

a) Xây dựng, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác quốc tế và thực hiện các Điều ước quốc tế về tài nguyên nước theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;

b) Thực hiện hoặc tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề án hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động hợp tác về tài nguyên nước với các nước có chung nguồn nước với Việt Nam theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;

c) Báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình hợp tác quốc tế và thực hiện Điều ước quốc tế về tài nguyên nước theo quy định.

Chương IX

TÀI CHÍNH VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 91. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động tài nguyên nước

1. Nguồn thu ngân sách Nhà nước bao gồm:

a) Thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Phí chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước; phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí. Lệ phí;

c) Tiền bồi thường thiệt hại, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước;

d) Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

2. Chính phủ quy định cụ thể chế độ thu, quản lý, sử dụng các nguồn thu ngân sách nhà nước quy định tại điểm b, c và d khoản 1 Điều này.

Điều 92. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác nước mặt để phát điện;

b) Khai thác nước mặt, nước dưới đất để cấp nước phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ và hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn;

c) Sử dụng mặt nước sông, hồ để phục vụ du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản;

2. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được xác định căn cứ vào giá trị, chất lượng tài nguyên nước, nguồn nước, điều kiện khai thác và mục đích sử dụng nước.

3. Chính phủ quy định cụ thể quy mô, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Điều 93. Nguồn tài chính cho các hoạt động tài nguyên nước

1. Nguồn tài chính cho các hoạt động tài nguyên nước, bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước;

c) Vốn vay ưu đãi và tài trợ từ quỹ bảo vệ môi trường/quỹ bảo vệ tài nguyên nước;

d) Vốn vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác theo quy định của pháp luật.

2. Ngân sách nhà nước có mục chi thường xuyên cho sự nghiệp tài nguyên nước bảo đảm phù hợp với yêu cầu về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong từng thời kỳ; hằng năm bảo đảm tỷ lệ tăng chi ngân sách cho sự nghiệp tài nguyên nước cao hơn tỷ lệ tăng chi ngân sách nhà nước.

3. Nguồn tài chính cho hoạt động tài nguyên nước được sử dụng vào các mục đích sau đây:

a) Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

b) Xây dựng và duy trì hoạt động của mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước;

c) Xây dựng các công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất và các dịch vụ công ích khác về tài nguyên nước;

d)) Chi thường xuyên cho sự nghiệp tài nguyên nước.

4. Sự nghiệp tài nguyên nước bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước;

b) Xây dựng chiến lược; lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch tài nguyên nước;

c) Phòng, chống ô nhiễm, suy thoái cạn kiệt nguồn nước; ứng phó khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; phục hồi các nguồn các nguồn nước bị ô nhiễm và các hoạt động khác về bảo vệ tài nguyên nước;

d) Quản lý, vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước và quản lý, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước;

đ) Bảo đảm hoạt động, kiện toàn và tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước tài nguyên nước; xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức sự nghiệp trực tiếp phục vụ quản lý tài nguyên nước;

e) Điều tra, nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ về tài nguyên nước;

g) Xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên nước;

h) Phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tài nguyên nước;

i) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước;

k) Hợp tác quốc tế về tài nguyên nước;

l) Các hoạt động sự nghiệp tài nguyên nước khác.

Điều 94. Chính sách đầu tư và ưu đãi tài chính đối với các hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước

1. Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra bằng các hình thức thức sau đây:

a) Miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

b) Hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh tín dụng đầu tư;

c) Hỗ trợ hoặc miễn, giảm tiền sử dụng đất;

d) Ưu tiên vay vốn từ các quỹ bảo vệ môi trường/bảo vệ tài nguyên nước và ưu tiên sử dụng nguồn tài chính khác từ ngân sách Nhà nước;

đ) Các hình thức hỗ trợ, ưu đãi khác.

2. Chính phủ quy định cụ thể chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Chương X

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 95. Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá trong quy hoạch, điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước;

b) Lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch lưu vực sông lớn; lập, phê duyệt quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch tài nguyên nước dưới đất vùng và tổ chức thực hiện theo sự phân công của Chính phủ; thẩm định các quy hoạch liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo thẩm quyền;

c) Khoanh định, công bố các vùng bảo vệ tài nguyên nước, vùng cấm, vùng vùng hạn chế khai thác; công bố, giám sát việc duy trì dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất theo thẩm quyền;

d) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; đào tao, bồi dưỡng nguồn nhân lực về quản lý, lập quy hoạch, điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước;

đ) Cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ, thu hồi, giấy phép về tài nguyên nước; chấp thuận chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước, xả nước thải theo thẩm quyền;

e) Tổ chức thực hiện điều tra cơ bản, kiểm kê, quan trắc tài nguyên nước theo thẩm quyền; tổng hợp kết quả điều tra cơ bản, kiểm kê, quan trắc tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

g) Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin tài nguyên nước; quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; công bố, xuất bản các tài liệu, thông tin về tài nguyên nước;

h) Thường trực Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam;

i) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo thẩm quyền.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Điều 96. Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Uỷ ban nhân dân các cấp

1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra tại địa phương;

b) Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch lưu vực sông nội tỉnh, quy hoạch tài nguyên nước dưới đất địa phương và tổ chức thực hiện; thẩm định các quy hoạch liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo thẩm quyền;

c) Khoanh định, công bố các vùng bảo vệ tài nguyên nước, vùng cấm, vùng vùng hạn chế khai thác; công bố, giám sát việc duy trì dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất theo thẩm quyền;

d) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước;

đ) Cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, thu hồi, đình chỉ giấy phép về tài nguyên nước; chấp thuận chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước, xả nước thải theo thẩm quyền; hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải;

e) Tổ chức thực hiện điều tra cơ bản, kiểm kê , quan trắc tài nguyên nước theo thẩm quyền; báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở Trung ương kết quả điều tra cơ bản, kiểm kê, quan trắc tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn;

g) Xây dựng cơ sở dữ liệu; quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn;

h) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về tài nguyên nước theo thẩm quyền.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, môi trường và tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại các khu vực có trạm quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước; công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn;

b) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo uỷ quyền Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tình hình hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước;

b) Hòa giải và tham gia giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

c) Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện tình hình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn.

Điều 97. Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước

1. Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có nhiệm vụ tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những quyết định quan trọng về tài nguyên nước thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm:

a) Chiến lược, chính sách tài nguyên nước quốc gia;

b) Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn và quy hoạch tài nguyên nước vùng;

c) Dự án chuyển nước giữa các lưu vực sông lớn;

d) Các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng chính phủ quyết định về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

đ) Quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn nước quốc tế và giải quyết các tranh chấp phát sinh;

e) Giải quyết các tranh chấp khác liên quan đến tài nguyên nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước gồm Chủ tịch Hội đồng là một Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ủy viên là đại diện của một số bộ, ngành, Chánh văn phòng Hội đồng và một số nhà khoa học, chuyên gia về tài nguyên nước.

3. Kinh phí hoạt động của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước do ngân sách nhà nước cấp và bố trí trong kinh phí ngân sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ quan giúp việc của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước.

Điều 98. Ủy ban lưu vực sông

1. Ủy ban lưu vực sông được thành lập tại lưu vực sông lớn và lưu vực sông liên tỉnh có chức năng điều phối, giám sát hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân liên quan trong việc thực hiện quy hoạch lưu vực sông; đề xuất ban hành các chính sách, kiến nghị các giải pháp về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.

2. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của Uỷ ban lưu vực sông và các cơ quan giúp việc của Uỷ ban lưu vực sông.

Điều 99. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức và nhân dân thực hiện và giám sát việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước.

2. Cơ quản quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để mặt trận tổ quốc Việt Nam và các thành viên thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 100. Thanh tra chuyên ngành tài nguyên nước

1. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tài nguyên nước.

2. Nội dung công tác thanh tra chuyên ngành tài nguyên nước:

a) Thanh tra việc bảo vệ tài nguyên nước và sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm;

b) Thanh tra việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả do nước gây ra;

c) Thanh tra việc chấp hành các quy định trong công tác điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước; quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước và bảo vệ các công trình quan trắc, giám sát tài nguyên nước;

d) Thanh tra việc chấp hành các quy định về cấp, thu hồi giấy phép tài nguyên nước và việc thực hiện giấy phép;

đ) Thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

3. Tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về thanh tra.

Điều 101. Giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước

1. Nhà nước khuyến khích việc hoà giải các tranh chấp về tài nguyên nước.

2. Trách nhiệm giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước:

a) Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc hoà giải các tranh chấp về tài nguyên nước phù hợp với quy định của pháp luật;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp về khai thác, sử dụng nước giữa các tổ chức, cá nhân không phải xin phép hoặc đăng ký; tranh chấp về khai thác, sử dụng nước giữa các tổ chức, cá nhân nếu có ít nhất một bên tranh chấp đã đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết tranh chấp về khai thác, sử dụng nước giữa các tổ chức, cá nhân nếu có ít nhất một bên tranh chấp có giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp;

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết tranh chấp về khai thác, sử dụng nước giữa các tổ chức, cá nhân nếu có ít nhất một bên tranh chấp có giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

Trong trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp thì có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.

3. Những tranh chấp khác về tài nguyên nước được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chương XI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 102. Điều khoản chuyển tiếp

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong giấy phép.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả nước thải tồn tại trước khi Luật này có hiệu lực thi hành, chậm nhất trong thời hạn 12 tháng phải hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình xả nước thải bảo đảm đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này.

3. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, tổ chức, cá nhân đang thực hiện giấy phép khai thác tài nguyên nước, xả nước thải thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác, xả nước thải quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Điều 103. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày … tháng … năm … .

Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 104. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

____________________________________________________

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá …, kỳ họp thứ … thông qua ngày… tháng … năm ….

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

DỰ THẢO LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Ngày nhập

19/02/2011

Đã xem

1885 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com