Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT ĐIỆN LỰC

Ngày đăng: 22:28 11-10-2011 | 2155 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Chính phủ

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

QUỐC HỘI

Luật số:    /2012/QH

DỰ THẢO 2 ( 28/9/2011)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐIỆN LỰC

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực số 28/2004/QH11.

Điều 1

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực như sau:

1. Khoản 3 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“3. Quy hoạch phát triển điện lực địa phương là quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quy hoạch phát triển điện lực địa phương được lập trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các quy hoạch khác có liên quan. Quy hoạch phát triển điện lực địa phương được lập cho từng giai đoạn mười (10) năm và có định hướng cho mười (10) năm tiếp theo”.      

         2. Bổ sung khoản 1a sau khoản 1 Điều 29 như sau:

1a. Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”.

3. Sửa đổi Điều 31 như sau:

“Điều 31. Giá điện và các loại phí

  1. Giá bán buôn, bán lẻ điện

a)       Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục lập và thẩm quyền phê duyệt giá bán điện bình quân; quy định cơ chế, điều kiện và nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân;

b)      Cơ quan điều tiết điện lực quyết định cơ cấu biểu giá bán buôn, bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng;  

c)       Đơn vị điện lực quyết định biểu giá bán buôn, bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng căn cứ quy định tại điểm a và điểm b Khoản này.

2. Khung giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực, doanh thu cho phép của nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng trình cơ quan điều tiết điện lực phê duyệt.

3. Phí điều tiết hoạt động điện lực do cơ quan điều tiết điện lực xây dựng trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Giá mua bán điện giao ngay được hình thành theo thời điểm giao dịch trên thị trường điện lực và do đơn vị điều hành giao dịch trên thị trường điện lực công bố phù hợp với quy định tại điểm e và điểm h khoản 1 Điều 21 Luật Điện lực”.

4. Sửa đổi khoản 4, bổ sung khoản 5 Điều 32 như sau:

“4. Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện hoạt động điện lực và thời hạn của giấy phép đối với từng loại hình hoạt động điện lực.

5. Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực đối với từng loại hình hoạt động điện lực; trình tự, thủ tục đào tạo, cấp, sửa đổi, bổ sung và thời hạn của chứng chỉ hành nghề Tư vấn thiết kế công trình điện lực, Tư vấn giám sát thi công công trình điện lực; trình tự, thủ tục thông báo, kiểm tra và quản lý đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực”.

5. Bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 34 như sau:

“đ) Tư vấn chuyên ngành điện lực”.

6. Khoản 1 Điều 38  được sửa đổi như sau:

“1. Cơ quan điều tiết điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực cho đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện; cấp chứng chỉ hành nghề Tư vấn thiết kế công trình điện lực, Tư vấn giám sát thi công công trình điện lực”.

7. Bổ sung Điều 42a  sau Điều 42 như sau:

Điều 42a. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực

1. Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực có các quyền sau đây:

a)     Quản lý và điều hành các hoạt động giao dịch mua bán điện năng và các dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực giao ngay;

b)    Phối hợp hoạt động giao dịch mua bán điện năng trên thị trường điện lực giao ngay với hoạt động mua bán điện thông qua hợp đồng có thời hạn;

c)     Quản lý việc đăng ký tham gia thị trường điện lực của các đơn vị điện lực;

d)    Yêu cầu các đơn vị điện lực có liên quan cung cấp thông tin về đặc tính kỹ thuật, khả năng sẵn sàng tham gia vận hành và mang tải của các trang thiết bị phát điện, truyền tải điện và phân phối điện; thông tin về nhu cầu sử dụng điện của khách hàng để lập kế hoạch, phương thức huy động công suất các nhà máy điện và các dịch vụ phụ trợ;

         đ) Can thiệp vào vận hành thị trường điện lực theo quy định vận hành thị trường điện lực;

         e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

         2. Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực có các nghĩa vụ sau đây:

a)     Đảm bảo vận hành thị trường điện lực công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử với các đối tượng tham gia thị trường điện lực;

b)    Cung cấp các dịch vụ giao dịch và lập hoá đơn thanh toán đối với phần điện năng và công suất được mua bán theo hình thức giao ngay và các dịch vụ phụ trợ;

c)     Cung cấp, công bố các thông tin liên quan đến hoạt động, điều hành giao dịch trên thị trường điện lực cho các đơn vị liên quan theo quy định về vận hành thị trường điện lực;

d)    Tiếp nhận và xử lý các kiến nghị liên quan đến hoạt động giao dịch mua bán điện trên thị trường điện lực để bảo đảm sự ổn định, hiệu quả và ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh;

         đ) Cung cấp các thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm hoạt động điện lực;

         e) Phối hợp với đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia để xác định nhu cầu các dịch vụ phụ trợ, lập kế hoạch mua và phương thức huy động các dịch vụ phụ trợ để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, liên tục và tin cậy;

         g) Báo cáo về hoạt động giao dịch mua bán điện trên thị trường điện lực với cơ quan điều tiết điện lực;

         h) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

8. Sửa đổi khoản 2 Điều 62 như sau:

2. Giá bán điện ở khu vực chưa nối với hệ thống điện quốc gia mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế do đơn vị điện lực xây dựng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sau khi lấy ý kiến của cơ quan điều tiết điện lực”.

9. Bổ sung các điểm m, n, o, p, q, r, s, t khoản 1; sửa đổi khoản 2 và bổ sung khoản 3 Điều 66 như sau:

          “m) Quy định phương pháp lập các loại giá điện và phí trong hoạt động điện lực;

          n) Thông qua hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện với đơn vị mua điện tham gia thị trường điện lực;

  o) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế khuyến khích hoặc hạn chế đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải điện, đảm bảo đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và hiệu quả kinh tế;

          p) Phê duyệt giải pháp khuyến khích thực hiện quản lý nhu cầu điện và tiết kiệm điện;

  q) Giám sát tình hình cung cấp điện và điều hành hệ thống điện để đảm bảo cân bằng cung - cầu điện;

  r) Xây dựng chương trình tái cơ cấu ngành điện, mô hình thị trường điện lực các cấp độ theo lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực Việt Nam;

          s) Giám sát tuân thủ trong vận hành hệ thống điện và thị trường điện lực của các đơn vị điện lực;

          t) Kiểm tra và xử phạt vi phạm trong hoạt động điện lực”.

2. Cơ quan điều tiết điện lực

a) Cơ quan điều tiết điện lực là cơ quan thuộc Chính phủ, hoạt động độc lập và theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tiết điện lực bao gồm Hội đồng điều tiết điện lực và bộ máy giúp việc Hội đồng điều tiết điện lực để thực hiện các nội dung điều tiết điện lực;

b) Hội đồng Điều tiết điện lực gồm các thành viên đại diện từ các bộ, ngành có liên quan, đơn vị điện lực, nhà đầu tư và khách hàng sử dụng điện do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm;

          c) Kinh phí hoạt động của cơ quan điều tiết điện lực được bảo đảm từ ngân sách nhà nước và nguồn thu phí điều tiết điện lực.

3. Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan điều tiết điện lực”.

10. Điều 67 được sửa đổi  như sau:

“Điều 67. Thanh tra chuyên ngành điện lực

1. Thanh tra Bộ Công Thương thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành  điện lực trong phạm vi toàn quốc. 

2. Thanh tra Sở Công Thương thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành điện lực trong phạm vi địa bàn quản lý.

3. Thanh tra Bộ Công Thương và Thanh tra Sở Công Thương có trách nhiệm thực hiện thanh tra chuyên ngành điện lực theo quy định của pháp luật về thanh tra”.

         11. Thay thế cụm từ  “Bộ Công nghiệp” tại khoản 7 Điều 3; khoản 1 và khoản 2 Điều 9; khoản 4 Điều 10; khoản 5 Điều 11; khoản 3 Điều 13; điểm đ khoản 1 Điều 16; khoản 3 Điều 21; điểm b khoản 1 Điều 34; khoản 2 Điều 38; khoản 1 và khoản 2 Điều 56; khoản 5 Điều 59; khoản 3 Điều 61; khoản 4 Điều 64; khoản 2 và khoản 3 Điều 65; thành cụm từ “Bộ Công Thương”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực từ ngày     tháng    năm 2012.

2. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước./.


Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ    thông qua ngày ...  tháng  năm 2012.

                  

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Nguyễn Sinh Hùng

                                              

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Điện lực

Ngày nhập

11/10/2011

Đã xem

2155 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Chính phủ

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com