Theo dõi (0)

DỰ THẢO LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Ngày đăng: 11:38 27-10-2008 | 1938 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Xây dựng

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

QUỐC HỘI
----------
Luật số: ...   /2009/QH12
(Dự thảo trình Quốc hội)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------------------------


LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật quy hoạch đô thị.    

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG   

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về hoạt động quy hoạch đô thị gồm lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt đối với đô thị hiện có, đô thị mới và cho các khu vực trong đô thị.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động quy hoạch đô thị hoặc có liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Áp dụng pháp luật
Hoạt động quy hoạch đô thị phải tuân theo quy định của Luật này và các Luật khác có liên quan. Trường hợp có những quy định khác nhau của Luật này với pháp luật liên quan về hoạt động quy hoạch đô thị thì áp dụng quy định của Luật này.

Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong những lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, du lịch và dịch vụ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, có quy mô dân số, cơ sở hạ tầng thích hợp.
2. Đô thị hiện có là đô thị đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập, có bộ máy quản lý hành chính bao gồm thành phố, thị xã, thị trấn. Thành phố có nội thành và ngoại thành; thị xã có nội thị và ngoại thị; thị trấn không có ngoại thị.
3. Đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai, được đầu tư xây dựng từng bước đạt các tiêu chí của đô thị theo quy định của pháp luật.
4. Khu đô thị mới là một khu chức năng đô thị được xây dựng mới, tập trung theo dự án đầu tư phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, các công trình nhà ở và dịch vụ khác, nằm trong đô thị hiện có hoặc một đô thị mới.
5. Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng, đáp ứng các mục tiêu phát triển đô thị bền vững, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.
6. Nhiệm vụ quy hoạch là các yêu cầu về nội dung nghiên cứu và tổ chức thực hiện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để lập đồ án quy hoạch đô thị.
7. Đồ án quy hoạch đô thị là tài liệu thể hiện nội dung của quy hoạch đô thị, bao gồm các sơ đồ, bản đồ, bản vẽ, mô hình, thuyết minh và quy định quản lý theo quy hoạch đô thị.
8. Quy hoạch chung là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của đô thị, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững.
9. Quy hoạch phân khu là việc phân chia và xác định chức năng, các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hoá nội dung quy hoạch chung.
10. Quy hoạch chi tiết là việc phân chia và xác định các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan của từng lô đất; bố trí công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật nhằm cụ thể hoá nội dung của quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung.
11. Thời hạn quy hoạch đô thị là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật cho việc lập đồ án quy hoạch đô thị.
12. Thời hạn hiệu lực của quy hoạch đô thị là khoảng thời gian được tính từ khi đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt đến khi có quyết định điều chỉnh hoặc huỷ bỏ.
13. Kiến trúc đô thị là các vật thể kiến trúc trong đô thị, bao gồm các công trình kiến trúc, kỹ thuật, nghệ thuật, quảng cáo mà sự tồn tại, hình ảnh, kiểu dáng của chúng chi phối hoặc ảnh hưởng trực tiếp­ đến cảnh quan đô thị.
14. Không gian đô thị là không gian bao gồm các vật thể kiến trúc đô thị, cây xanh trong các khuôn viên công trình công cộng, nhà ở trong đô thị có ảnh hưởng trực tiếp­ đến bộ mặt đô thị và khoảng không trong đô thị.
15. Cảnh quan đô thị  là không gian cụ thể có nhiều h­ướng quan sát ở trong đô thị như­: không gian trước tổ hợp kiến trúc, quảng trường, đ­ường phố, hè, đường đi bộ, công viên, thảm thực vật, v­ườn cây, vư­ờn hoa; đồi, núi, gò đất, đảo, cù lao, triền đất tự nhiên, dải đất ven bờ biển, mặt hồ, mặt sông, kênh, rạch trong đô thị và không gian sử dụng chung thuộc đô thị.
16. Các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị là các chỉ tiêu để quản lý phát triển không gian, kiến trúc được xác định cụ thể cho một khu vực hay một thửa đất bao gồm mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao xây dựng tối đa, tối thiểu của công trình.
17. Chứng chỉ quy hoạch là văn bản xác định các số liệu và thông tin liên quan của một khu vực hoặc một lô đất theo đồ án quy hoạch đô thị được duyệt do cơ quan có thẩm quyền cấp khi có yêu cầu.
18.Giấy phép quy hoạch là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư làm căn cứ lập quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
19. Hạ tầng kỹ thuật khung  là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính cấp đô thị bao gồm các trục giao thông, các tuyến truyền tải năng lượng, các tuyến truyền dẫn cấp nước, tuyến cống thoát nước, các tuyến thông tin viễn thông và các công trình đầu mối kỹ thuật.
20. Không gian ngầm là không gian dưới mặt đất để sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị.

Điều 5. Phân loại đô thị
1.Đô thị được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, II, III, IV và V:
a) Thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I hoặc loại II;
b) Thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III;
c) Thị xã thuộc tỉnh hoặc thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại III hoặc loại IV;
d) Thị trấn thuộc huyện là đô thị loại IV hoặc loại V.
2. Chính phủ quy định tiêu chí của từng loại đô thị.

Điều 6. Nguyên tắc tuân thủ quy hoạch đô thị
1. Việc lập, phê duyệt và triển khai các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển đô thị; các quy hoạch chuyên ngành trong phạm vi đô thị; kế hoạch sử dụng đất đô thị; quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị; thực hiện quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị được phê duyệt.
2. Tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động liên quan tới quy hoạch đô thị phải tuân thủ theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

Điều 7. Yêu cầu đối với quy hoạch đô thị
1. Cụ thể hoá và đáp ứng được yêu cầu của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, Định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia và các quy hoạch vùng liên quan.
2. Thể hiện mục tiêu, chính sách của chính quyền địa phương về sử dụng đất, bố trí hệ thống hạ tầng đô thị, các vấn đề về bảo vệ môi trường và phát triển khu dân cư của đô thị trong từng giai đoạn nhất định.
3. Dự báo một cách khoa học, đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển lâu dài trên cơ sở các tài liệu, số liệu thống kê và điều tra, khảo sát.
4. Bảo vệ môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm và hiểm hoạ ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, cảnh quan truyền thống và nét đặc trưng địa phương.
5. Bảo đảm khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai đô thị, các nguồn lực phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hoá, lịch sử, kinh tế – xã hội của đô thị nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển và tăng trưởng kinh tế; bảo đảm quốc phòng an ninh; nâng cao điều kiện sống và tiện nghi cho mọi hoạt động của cư dân đô thị; tạo ra nguồn lực để phát triển đô thị.
6. Bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch phát triển các ngành khác trong phạm vi đô thị.
7. Bảo đảm hài hoà giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân.
8. Bảo đảm tính đồng bộ, phát triển bền vững trong việc khai thác sử dụng tài nguyên, đất đai, không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; phát triển hài hoà giữa khu vực nội thị và ngoại thị. 
9. Bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng về hạ tầng xã hội đô thị gồm nhà ở,  công trình y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao, thương mại và các công trình dịch vụ khác.
10. Bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng về hạ tầng kỹ thuật gồm các công trình giao thông, cấp năng lượng, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc; đảm bảo sự kết nối, liên thông, thống nhất giữa các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị và với các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, quốc gia và quốc tế (nếu có).
11. Bảo đảm tuân thủ quy chuẩn quốc gia (bỏ) về quy hoạch đô thị và quy chuẩn của các ngành khác có liên quan.

Điều 8. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị
Việc lập và thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị tuân theo trình tự sau:
1. Lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị.
2. Lập đồ án quy hoạch đô thị.
3. Lấy ý kiến về đồ án quy hoạch đô thị.
4. Thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị.

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc tham gia và giám sát các hoạt động quy hoạch đô thị
1. Tổ chức, cá nhân trong nước có quyền tham gia ý kiến, giám sát đối với hoạt động quy hoạch đô thị. Đơn vị lập quy hoạch đô thị, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động quy hoạch đô thị có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch đô thị.
2. Tổ chức xã hội – nghề nghiệp được mời và có trách nhiệm tham gia ý kiến về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực hoạt động của tổ chức trong hoạt động quy hoạch đô thị.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền phản ánh, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vi phạm pháp luật trong hoạt động quy hoạch đô thị.
4. Ý kiến tham gia của tổ chức, cá nhân về hoạt động quy hoạch đô thị phải được tổng hợp, nghiên cứu, xem xét công khai.

Điều 10. Lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị
1. Hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
2. Các cơ quan quản lý về quy hoạch đô thị, quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ về quy hoạch đô thị.
3. Cơ quan lưu trữ hồ sơ về quy hoạch đô thị có trách nhiệm cung cấp tài liệu về đồ án quy hoạch đô thị cho cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Điều kiện của tổ chức, cá nhân lập quy hoạch đô thị
1. Cá nhân tham gia thực hiện lập quy hoạch đô thị phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp và có năng lực phù hợp với công việc được đảm nhận.
2. Tổ chức tham gia lập quy hoạch đô thị phải có đủ điều kiện về tư cách pháp nhân; số lượng và năng lực cán bộ; thiết bị kỹ thuật; năng lực quản lý kỹ thuật, chất lượng theo qui định.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia lập quy hoạch đô thị tại Việt Nam ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này còn phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.
4. Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện, năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lập quy hoạch đô thị; thẩm quyền, trình tự cấp chứng chỉ hành nghề.

Điều 12. Lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện lập quy hoạch đô thị
1. Người tổ chức lập quy hoạch phải căn cứ vào các qui định về điều kiện và năng lực của các tổ chức, cá nhân để lựa chọn tư vấn thực hiện các công việc trong hoạt động lập quy hoạch đô thị và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thiệt hại do việc lựa chọn tư vấn không phù hợp thực hiện công việc gây ra.
2. Khuyến khích việc lựa chọn các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài có năng lực tham gia công tác lập quy hoạch đô thị thông qua các hình thức tuyển chọn.

Điều 13. Kinh phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị
1. Nguồn kinh phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị bao gồm nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước và nguồn kinh phí khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
2. Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế từ Ngân sách Nhà nước được sử dụng để lập và tổ chức thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và các quy hoạch chi tiết không thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh.
3. Nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân được sử dụng để lập quy hoạch các khu vực dự án được giao đầu tư.
4. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị.
5.Kinh phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị được sử dụng cho các công việc sau đây:
a) Khảo sát địa hình, địa chất phục vụ lập quy hoạch đô thị;
b) Lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý công tác lập quy hoạch đô thị;           
c) Thực hiện công bố, công khai quy hoạch đô thị;
d) Thực hiện cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị ngoài thực địa.

Điều 14:Nội dung quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị
1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện định hướng, chiến lược phát triển đô thị.
2. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động quy hoạch đô thị.
3. Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị.
4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động quy hoạch đô thị.
5. Tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động quy hoạch đô thị.
6. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về quy hoạch đô thị.
7. Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch đô thị.

Điều 15. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch đô thị
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị; chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo sự phân công của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng để thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ.

Điều 16. Hội đồng Kiến trúc quy hoạch
1. Hội đồng Kiến trúc quy hoạch gồm các thành viên là đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị.
2. Hội đồng Kiến trúc quy hoạch được thành lập tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
3. (PA1) Theo yêu cầu quản lý và các điều kiện thực tế khác, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch có thể được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập tại thành phố, thị xã theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, thị xã đó.
(PA2) Theo yêu cầu quản lý và các điều kiện thực tế khác, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch có thể được thành lập tại thành phố, thị xã theo quyết định của  Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, thị xã.
4. Nhiệm vụ của Hội đồng kiến trúc quy hoạch:
a) Tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân về định hướng, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; tham gia góp ý dự thảo các văn bản pháp luật có liên quan về quản lý kiến trúc, quy hoạch đô thị;
b) Phản biện nhiệm vụ, đồ án quy hoạch đô thị, kiến trúc đô thị khi có yêu cầu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5. Kết luận của Hội đồng kiến trúc quy hoạch phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số.
6. Bộ Xây dựng quy định cụ thể về việc thành lập, quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng kiến trúc quy hoạch.

Điều 17. Kiến trúc sư trưởng
1. Kiến trúc sư trưởng là chức danh được áp dụng tại các thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố có tính chất đặc thù, có ý nghĩa quốc gia về văn hoá, lịch sử, nhằm bảo đảm sự thống nhất về không gian, kiến trúc, cảnh quan trong quá trình phát triển và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị, bản sắc của đô thị.
2. Kiến trúc sư trưởng có nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố trong việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch đô thị, xây dựng định hướng kiến trúc, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch và các nhiệm vụ khác có liên quan đến quy hoạch, kiến trúc đô thị thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố.
3. Chính phủ quy định việc bổ nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của Kiến trúc sư trưởng.

Điều 18. Những hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch đô thị
1. Lập quy hoạch đô thị hoặc xây dựng công trình làm tổn hại đến môi trường tự nhiên, không đảm bảo phát triển bền vững cho đô thị, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
2. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động quy hoạch đô thị.
3. Cấp chứng chỉ quy hoạch tại các khu vực chưa có quy hoạch đô thị được duyệt.
4. Từ chối cung cấp thông tin, cung cấp sai thông tin về quy hoạch đô thị.
5. Vi phạm quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.
6. Phá hoại không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.
7. Phá hoại và làm sai lệch mốc giới quy hoạch đô thị.
8. Cản trở và xúi giục cản trở việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị.
9. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị

Ngày nhập

27/10/2008

Đã xem

1938 lượt xem

Tờ trình Quốc hội về dự án Luật quy hoạch đô thị (26/9/2008)

Ngày nhập

27/10/2008

Đã xem

1938 lượt xem

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế (21/10/2008)

Ngày nhập

27/10/2008

Đã xem

1938 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 3

Cơ quan soạn thảo Bộ Xây dựng

Loại tài liệu Luật

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 1 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com