DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN
Ngày đăng: 10:09 12-10-2011 | 3743 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Ngân hàng Nhà nước
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
QUỐC HỘI Luật số: /2012/QH13
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Dự thảo[1]
LUẬT
PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật phòng, chống rửa tiền.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về cơ chế và các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
1. Tổ chức tài chính;
2. Cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan;
3. Cá nhân, tổ chức, cơ quan Việt Nam; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với cá nhân, tổ chức quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này.
4. Cá nhân, tổ chức, cơ quan khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
Điều 3. Áp dụng Luật phòng, chống rửa tiền, điều ước quốc tế và các luật có liên quan
Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động rửa tiền được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với các quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản khác do phạm tội mà có, bao gồm một trong những hành vi dưới đây:
a) Chuyển đổi, chuyển nhượng tài sản khi biết rõ tài sản đó có nguồn gốc từ tội phạm hoặc chuyển đổi, chuyển nhượng tài sản có được từ việc tham gia vào hành vi tội phạm, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc nhằm giúp đỡ cá nhân, tổ chức trốn tránh hậu quả pháp lý liên quan đến tội phạm nguồn;
b) Che giấu bản chất thật, nguồn gốc, địa điểm, cách sắp xếp, sự chuyển dịch, quyền sở hữu, quyền liên quan đến tài sản của cá nhân, tổ chức mà cá nhân, tổ chức đó biết rõ tài sản đó có nguồn gốc từ tội phạm;
c) Sở hữu, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản của cá nhân, tổ chức mà tại thời điểm nhận tài sản cá nhân, tổ chức đó biết rõ tài sản đó có nguồn gốc từ tội phạm.
2. Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Tài sản có thể tồn tại dưới hình thức là vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với các tài sản đó bao gồm tiền gửi ngân hàng, séc du lịch, séc, lệnh chuyển tiền, cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, thư tín dụng và cổ tức, lợi ích hoặc thu nhập khác có được hoặc được tạo ra từ tài sản đó.
3. Tổ chức tài chính bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của Luật chứng khoán; các tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm thực hiện một hoặc một số hoạt động dưới đây:
a) Nhận tiền gửi và các hình thức huy động khác có hoàn trả từ công chúng;
b) Cho vay;
c) Cho thuê tài chính;
d) Chuyển tiền hoặc giá trị;
đ) Phát hành và quản lý các công cụ chuyển nhượng, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, séc, séc du lịch, lệnh chuyển tiền, hối phiếu ngân hàng, tiền điện tử;
e) Bảo lãnh ngân hàng và cam kết tài chính;
g) Kinh doanh các công cụ tiền tệ, bao gồm séc, hối phiếu, chứng chỉ tiền gửi, công cụ phái sinh; ngoại hối; cổ phiếu có thể chuyển nhượng; hoặc giao dịch mua bán hợp đồng tương lai về hàng hóa;
h) Tham gia vào nghiệp vụ phát hành chứng khoán và cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan tới nghiệp vụ phát hành đó;
i) Quản lý danh mục vốn đầu tư cho cá nhân hoặc tổ chức;
k) Cung cấp các dịch vụ giữ và quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán thanh khoản trên danh nghĩa của người khác;
l) Nhận ủy thác đầu tư vốn ;
m) Cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và các hoạt động đầu tư có liên quan đến bảo hiểm nhân thọ;
n) Chuyển đổi tiền tệ.
4. Cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan bao gồm:
a) Sòng bạc, bao gồm cả sòng bạc internet;
b) Tổ chức kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản; cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản;
c) Cá nhân, tổ chức kinh doanh kim loại quý và đá quý;
d) Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề công chứng và kế toán viên hành nghề độc lập;
đ) Các tổ chức cung cấp dịch vụ tín thác, dịch vụ công ty cho bên thứ ba.
5. Người nhận biết khách hàng là cá nhân, tổ chức quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 2 Luật này.
6. Cục phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có vai trò là trung tâm quốc gia thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền.
7. Giao dịch đáng ngờ là giao dịch có dấu hiệu bất thường hoặc có liên quan đến rửa tiền.
8. Các công cụ chuyển nhượng, bao gồm:
a) Hối phiếu;
b) Séc;
c) Kỳ phiếu;
d) Trái phiếu ;
đ) Séc du lịch;
e) Lệnh chuyển tiền, giấy chuyển tiền bưu điện.
9. Khách hàng là cá nhân, tổ chức, bao gồm cả khách hàng tiềm năng sử dụng dịch vụ hoặc sản phẩm do cá nhân, tổ chức quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 2 Luật này cung cấp.
10. Chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có quyền sở hữu cuối cùng một tài khoản hoặc có quyền chi phối một khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch cho cá nhân này hoặc cá nhân có quyền chi phối một pháp nhân hoặc một thỏa thuận pháp lý.
11. Ngân hàng đại lý là ngân hàng cung cấp dịch vụ ngân hàng, thanh toán cho ngân hàng đối tác tại một nước khác.
12. Dịch vụ chuyển tiền thay thế là dịch vụ nhận tiền mặt, séc, các công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán bằng tiền mặt hoặc hình thức khác cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác qua cá nhân, tổ chức không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện.
13. Chuyển tiền điện tử là giao dịch chuyển tiền được thực hiện bằng phương tiện điện tử.
14. Người khởi tạo là người đầu tiên yêu cầu tổ chức tài chính thực hiện chuyển tiền điện tử.
15. Cá nhân có ảnh hưởng chính trị là cá nhân được giao giữ những chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước của nước ngoài, bao gồm người đứng đầu nhà nước, chính phủ, quan chức cao cấp của chính phủ, tòa án, quân đội; hoặc người quản lý cao cấp của công ty thuộc sở hữu nhà nước của nước ngoài, quan chức cao cấp của đảng phái chính trị; và thành viên gia đình, những người có quan hệ mật thiết với cá nhân đó.
16. Ngân hàng vỏ bọc là ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
17. Tội phạm nguồn là tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp của tội rửa tiền.
18. Cập nhật thông tin khách hàng là việc sửa đổi, bổ sung thông tin nhận biết khách hàng nhằm đảm bảo thông tin nhận biết khách hàng được đầy đủ, chính xác trong suốt thời gian thiết lập mối quan hệ, giao dịch với khách hàng.
19. Danh sách đen là danh sách cá nhân, tổ chức:
a) Thuộc danh sách cấm vận được ban hành kèm theo các Nghị quyết của Liên hiệp quốc hoặc tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
b) Thuộc danh sách cấm vận của tổ chức quốc tế khác mà Việt Nam cam kết thực hiện;
c) Thuộc danh sách do Bộ Công an lập ra nhằm phòng, chống rửa tiền.
20. Danh sách cảnh báo là danh sách do Cục phòng, chống rửa tiền lập ra nhằm cảnh báo cá nhân, tổ chức có rủi ro cao về rửa tiền.
21. Trường hợp cần thiết là các trường hợp khi người nhận biết khách hàng phát hiện khách hàng hoặc các bên có liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc khi người nhận biết khách hàng có lý do để tin rằng khách hàng hoặc giao dịch có liên quan tới tội phạm.
22. Hoạt động kinh doanh được giới thiệu là hoạt động kinh doanh với khách hàng thông qua sự giới thiệu của thành viên khác là một tổ chức tài chính trong cùng tập đoàn hoặc tổng công ty hoặc thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ môi giới, sau đây gọi là bên trung gian.
23. Lực lượng đặc nhiệm tài chính là tổ chức liên chính phủ chuyên nghiên cứu, ban hành và giám sát thực hiện các chuẩn mực quốc tế về rửa tiền và tài trợ khủng bố.
24. Thỏa thuận pháp lý là thỏa thuận của cá nhân, tổ chức ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền hoặc tài sản khác thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của cá nhân, tổ chức ủy quyền.
Điều 5. Nguyên tắc trong phòng, chống rửa tiền
1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi rửa tiền.
2. Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý rửa tiền phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
3. Phòng, chống rửa tiền là trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan.
4. Nhà nước có chính sách khuyến khích, bảo vệ cá nhân, tổ chức, cơ quan tham gia phòng, chống rửa tiền; khuyến khích cá nhân có hành vi rửa tiền tự thú, đầu thú hoặc khai báo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức đấu tranh chống tội phạm có liên quan đến rửa tiền.
5. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền phải trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, các bên cùng có lợi và được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 6. Các hành vi bị cấm
1. Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả.
2. Thành lập ngân hàng vỏ bọc trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Tham gia hoặc thiết lập quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc.
4. Thiết lập, sử dụng dịch vụ chuyển tiền thay thế.
5. Tham gia hoặc tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền.
[1] Ngày 01/9/2011
Lĩnh vực liên quan
Phiên bản 1
Dự thảo Thông tư Quy định xử lý sau thanh tra đối với các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam
Ngày nhập
12/10/2011
Đã xem
3743 lượt xem
Báo cáo Tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật phòng, chống rửa tiền
Ngày nhập
12/10/2011
Đã xem
3743 lượt xem
Thông tin tài liệu
Số lượng file 4
Cơ quan soạn thảo Ngân hàng Nhà nước
Loại tài liệu Luật
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.