DỰ THẢO LUẬT GIÁ
Ngày đăng: 09:18 04-05-2011 | 1493 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Tài chính
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
QUỐC HỘI Luật số: …/2011/QH13
|
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
LUẬT GIÁ
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Quốc hội ban hành Luật Giá,
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực giá hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân); hoạt động điều tiết giá hàng hóa, dịch vụ của Nhà nước; hoạt động thẩm định giá tài sản; quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với:
1. Cơ quan nhà nước;
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam;
3. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức sự nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hiệp hội ngành hàng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Áp dụng luật
1. Các hoạt động định giá, thẩm định giá, quản lý giá hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tuân theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan.
2. Trường hợp các luật chuyên ngành có quy định về giá và quản lý giá đối với hàng hoá, dịch vụ chuyên ngành cụ thể hoặc có quy định cụ thể về thẩm định giá không trái với các nguyên tắc quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành đó. Trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định của Luật chuyên ngành về giá, thẩm định giá và Luật này thì áp dụng quy định của Luật này.
3. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giá thị trường là số tiền tính bằng đồng Việt Nam hình thành trên cơ sở giá trị thị trường của một hàng hoá, dịch vụ tính cho một đơn vị sản phẩm tại một thời điểm, địa điểm nhất định theo thỏa thuận trong giao dịch khách quan trên thị trường giữa các bên không có quan hệ liên kết (các bên độc lập).
2. Giá do Nhà nước quy định là giá do một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định cho một hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật này.
3. Giá do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh định là mức giá do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định theo quy định của Luật này.
4. Giá bán buôn là mức giá của hàng hóa, dịch vụ tính bằng đồng Việt Nam cho một đơn vị sản phẩm được hình thành và thực hiện do cơ quan có thẩm quyền quy định hoặc do sự thỏa thuận giữa người bán và người mua với khối lượng lớn để đưa vào sản xuất hoặc đem đi bán lại (bán lẻ).
5. Giá bán lẻ là giá bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng, hình thành ở khâu lưu thông cuối cùng khi hàng hóa kết thúc quá trình lưu thông và đi vào tiêu dùng cá nhân.
6. Giá độc quyền là giá của hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân có vị trí độc quyền sản xuất, kinh doanh quy định, nếu không có tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nào khác cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân đó kinh doanh trên thị trường liên quan (thị trường liên quan theo quy định của pháp luật về cạnh tranh).
7. Liên kết độc quyền về giá là thoả thuận giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có vị trí thống lĩnh trên thị trường theo quy định của pháp luật về cạnh tranh ấn định một mức giá để chiếm lĩnh thị trường, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khác, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
8. Định giá là việc các tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được pháp luật cho phép quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ.
9. Niêm yết giá là việc thông báo công khai về mức giá mua, giá bán của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với từng hàng hóa, dịch vụ bằng những hình thức thích hợp tại nơi giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ.
10. Hiệp thương giá là sự thương lượng về mức giá mua, bán hàng hoá, dịch vụ có tính độc quyền song phương do một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổ chức và làm trung gian theo đề nghị của bên mua hoặc bên bán hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
11. Đăng ký giá là hình thức các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký mức giá hàng hoá, dịch vụ dự kiến bán hoặc mua với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
12. Kê khai giá là hình thức các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo mức giá hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ phải kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
13. Bình ổn giá là sự điều tiết của Nhà nước thông qua việc áp dụng các biện pháp thích hợp về điều chỉnh cung – cầu, tài chính, tiền tệ và các biện pháp hành chính, kinh tế cần thiết để tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả, không để giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý.
14. Mặt bằng giá là mức giá trung bình của đại đa số các hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế ứng với không gian, thời gian nhất định và thường được đo lường thông qua chỉ số giá.
15. Thẩm định giá là việc tính toán để xác định giá trị của tài sản phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho một mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, trường hợp tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam chưa ban hành thì thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thừa nhận (hoặc thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá quốc tế mà Việt Nam là thành viên).
16. Giá biến động bất thường là giá tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, địch họa hoặc trong trường hợp bất thường khác.
Điều 5. Nguyên tắc quản lý, điều hành giá
1. Nhà nước thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế mà Việt Nam có cam kết hoặc tham gia.
2. Nhà nước bảo hộ và khuyến khích cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông qua các cơ chế tôn trọng quyền tự định giá, thỏa thuận giá, đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật.
3. Nhà nước sử dụng các biện pháp kinh tế và hành chính theo quy định của pháp luật, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường để bình ổn giá và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Điều 6. Căn cứ định giá
1. Giá thành toàn bộ (theo quy định của pháp luật về cạnh tranh) thực tế hợp lý gắn với chất lượng của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm cần định giá.
2. Quan hệ cung – cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền Việt Nam; sức mua có khả năng thanh toán của người tiêu dùng.
3. Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm cần định giá.
4. Mức lợi nhuận dự kiến phù hợp với mặt bằng giá thị trường.
5. Chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tài khóa, tiền tệ của Nhà nước nói chung, chính sách phát triển ngành hàng nói riêng thuộc phạm vi cả nước hoặc từng vùng, từng địa phương quy định tại thời điểm cần định giá.
6. Các phương pháp định giá do cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn.
Điều 7. Phương pháp định giá
Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế, Chính phủ quy định việc hướng dẫn các phương pháp tính chung hoặc phương pháp tính giá đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể.
....
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 2
Cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính
Loại tài liệu Luật
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.